- Hồ Chí Minh không phải là kẻ “tham quyền cố vị”. Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái… - Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố ngày 31/10/1946 trước Quốc hội khóa I.
Ngày nay, nhìn lại những nỗ lực để đi tới hoàn thiện cái mà Hồ Chí Minh mong muốn “Nước ta là một nước dân chủ”, chúng ta càng thấy những giá trị cao cả, đích thực trong tư tưởng, nhất là trong thực hành dân chủ của Người.
Thứ nhất, tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh thể hiện ở quyết tâm tiến hành ngay cuộc tổng tuyển cử toàn quốc đầu tiên với các nguyên tắc: phổ thông, tự do trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đó là một cuộc tổng tuyển cử mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh mà cho tới nay Luật bầu cử vẫn cần học hỏi.
Thứ hai, tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh thể hiện ở việc xây dựng và ban bố Hiến pháp1946, đặt viên gạch đầu tiên cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam.
Mọi quyền hạn đều của dân
Cho đến trước cách mạng tháng 8/1945, Việt Nam chưa trải qua bất cứ chế độ dân chủ nào, do đó khi thiết lập chế độ dân chủ cộng hòa thì cả chủ thể lãnh đạo, quản lý lẫn dân chúng đều chưa có trải nghiệm về dân chủ.
|
Ảnh tư liệu |
Đọc lại bản Hiến pháp 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam do Hồ Chí Minh chủ trì xây dựng, tất cả những người nghiên cứu về dân chủ, dù khác nhau về tư tưởng và chính kiến, đều phải thừa nhận rằng: từ giữa thế kỷ XX, trong những điều kiện và hoàn cảnh để thực hành dân chủ vô cùng khó khăn, Việt Nam đã đạt tới những quan niệm dân chủ, được xác định trong Hiến pháp 1946, sánh ngang các thể chế dân chủ tiên tiến trên thế giới.
Nội dung bản Hiến pháp ấy có những quy định mà Hiến pháp hiện hành của nước ta cũng chưa đạt tới.
Một vấn đề nổi bật nhất là Hiến pháp 1946 đã xác nhận về mặt pháp lý quyền làm chủ của nhân dân và quy định những điều ràng buộc để đảm bảo cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ đó.
Điều 1 Hiến pháp 1946 ghi: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.
Nhưng để thực hành quyền bính ấy lại phải thông qua việc kết hợp giữa dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Quản lý mọi mặt đất nước đều phải có sự ủy thác quyền lực của nhân dân cho cơ quan đại diện đảm trách.
Lường trước nguy cơ lạm quyền của những người được ủy thác và cả những sai lầm khi cơ quan công quyền ra các quyết sách chính trị và ban hành các quy phạm pháp luật, nên nhất thiết nhân dân phải giữ lại một số quyền để mình trực tiếp tự quyết định và là quyết định tối hậu. Đó là quyền phúc quyết của nhân dân. Quan trọng nhất là việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp.
Hiến pháp 1946 quy định Quốc hội được ủy thác quyền soạn thảo Hiến pháp, đặt ra pháp luật, sửa đổi Hiến pháp và quyết định những vấn đề quan trọng nhất của quốc gia. Nhưng “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia” và, việc sửa đổi Hiến pháp thì “Những điều thay đổi khi đã được nghị viện phê chuẩn phải đưa ra toàn dân phúc quyết”.
Quyền phúc quyết không phải là việc đưa ra cho nhân dân tham gia, góp ý kiến hay đề nghị mà là quyền Hiến định, là điều bắt buộc các đạo luật và cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân phải tuân thủ. Quyền phúc quyết là thể chế hóa tư tưởng quan trọng nhất của Hồ Chí Minh về dân chủ: “Mọi quyền hạn đều của dân, việc đổi mới, xây dựng đất nước là trách nhiệm của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Một khi quyền dân chủ đã được ghi nhận trong văn bản pháp lý cao nhất của quốc gia thì không còn vấn đề tranh cãi “thu hẹp” hay “mở rộng”, ai có quyền “thu hẹp” hay “mở rộng” dân chủ mà là thực hiện pháp luật, tuân thủ pháp luật.
Dân chủ bầu cử và ứng cử
Tư tưởng dân chủ quan trọng và có ý nghĩa thiết thực nhất của Hồ Chí Minh là ở thực hành dân chủ. Thể chế dân chủ tuy là vấn đề cơ bản nhất, quan trọng nhất nhưng việc thực hành dân chủ lại là điều cốt tử, là lẽ sống còn của chế độ dân chủ. Chỉ có thực hành dân chủ mới có thể biến dân chủ hình thức, dân chủ trên văn bản, trong các lời tuyên bố… thành dân chủ thực tế chứ không phải là những con chữ hoa mĩ nằm trên giấy.
Một khi quyền dân chủ đã được ghi nhận trong văn bản pháp lý cao nhất của quốc gia thì không còn vấn đề tranh cãi “thu hẹp” hay “mở rộng”, ai có quyền “thu hẹp” hay “mở rộng” dân chủ mà là thực hiện pháp luật, tuân thủ pháp luật. |
Để thực hành dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần phải:
- Có đủ những văn bản luật đúng, phù hợp với thực tiễn và được lòng dân. Nhưng văn bản luật nào, nguyên tắc nào cũng đều do con người làm ra, nghĩa là ý chí của giai cấp cầm quyền thông qua cơ quan đại diện được nhân dân bầu, soạn thảo và ban bố.
Vậy thực hành dân chủ mấu chốt là ở vấn đề tự do, dân chủ bầu cử và ứng cử để chọn được người xứng đáng tham gia Quốc hội. Hồ Chủ tịch đã viết: “Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó.
Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”.
- Tổ chức bộ máy nhà nước để thực thi luật pháp là lực lượng đảm bảo thực hành dân chủ. Như Hồ Chí Minh đã nói, tổ chức ấy phải gọn nhẹ, sáng suốt, trong sạch, đủ năng lực và bản lĩnh để chấp hành pháp luật.
Người trong bộ máy nhà nước phải được lựa chọn theo những tiêu chí cụ thể và công khai. Người đó phải có uy tín trong dân chúng, có năng lực đảm trách, điều hành một lĩnh vực của nền hành chính quốc gia, có liêm, chính (không nhằm mục tiêu thăng quan phát tài, tham nhũng và ăn hối lộ).
Tóm lại là những người có “danh vọng, đạo đức, một mặt có thể giúp ý kiến cho Chính phủ, một mặt có thể điều khiển quốc dân”.
Người được Quốc hội cử ra thành lập Chính phủ mới theo Hồ Chí Minh, phải tuyên bố về tư cách của bản thân và tư cách của từng thành viên Chính phủ.
Không có chuyện “nhẹ trên nặng dưới”
Nhớ lại phiên họp ngày 31/10/1946, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I, sau khi được Quốc hội nhất trí giao trách nhiệm cho thành lập Chính phủ mới, Hồ Chí Minh đã nói: “Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ “tham quyền cố vị”.
Bác Hồ từng nói quan tham vì dân dại. Dân biết hưởng quyền dân chủ do Hiến pháp quy định sẽ là đảm bảo chắc chắn cho chế độ dân chủ tốt đẹp đã được Hiến định trở thành hiện thực. |
“Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái… Tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết…; Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà”.
Theo tư tưởng và cách hành xử của Hồ Chí Minh thì một xã hội chỉ thật sự dân chủ và pháp quyền khi cơ quan nhà nước là công bộc của dân. Tuyệt đối không cho bất kỳ ai, dù ở cấp bậc nào, người trong đảng hay ngoài đảng được sống ngoài vòng pháp luật theo kiểu “xử nội bộ”, xuê xoa che mắt quần chúng, thiên vị “nhẹ trên nặng dưới”.
- Có Hiến pháp và pháp luật đúng và đủ, có cơ quan công quyền trong sạch, có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mẫn cán, đồng thời phải có hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có cơ quan tư pháp thực sự “dĩ công vi thượng”, không bị áp lực từ bất cứ ai, cơ quan nào.
“Trong khi xét xử, các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp” (điều 69).
- Giáo dục pháp luật và nâng cao văn hóa dân chủ cho tất cả mọi người. Nâng cao dân trí và nâng cao quan trí để tư tưởng dân chủ của Bác Hồ “Nước ta là nước dân chủ, mọi người có quyền làm, có quyền nói” trở thành hiện thực.
Dân có hiểu biết về pháp luật, biết hành xử theo pháp luật, đó là cơ sở để nhà nước thực thi đúng pháp luật. Bác Hồ từng nói quan tham vì dân dại. Dân biết hưởng quyền dân chủ do Hiến pháp quy định sẽ là đảm bảo chắc chắn cho chế độ dân chủ tốt đẹp đã được Hiến định trở thành hiện thực.
Theo vietnamnet.vn