Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MẶT NẠ ĐỂ ĐỜI - CÁI ÁC BỊ TRỪNG PHẠT

Phạm Thành
Chủ nhật ngày 9 tháng 5 năm 2010 4:50 AM
 
Liên tiếp từ năm 2007 - 2009 Nguyễn Hiếu cho xuất bản hai tiểu thuyết “con ngố”, “tình nhân” và một tập truỵên ngắn “trên mặt đất lại có người”. Theo cảm thụ của tôi, “con ngố”- tiểu thuyết thứ 19 của nhà văn quê Chèm này là đỉnh cao trong văn nghiệp của ông. Tiểu thuyết này đã  khái quát xã hội Việt Nam trong gần một thế kỷ bằng ngôn ngữ văn chương đích thực, trong đó nhân vật biểu tượng “con ngố” là đại diện. Bằng một câu chuyện tưởng như tầm phào về thân phận một người đàn bà tứ cố vô thân sống hoang dã bên bờ sông Cái, ngoại vi Hà Nội, đã chấp nhận một đời sống tình dục phóng khoáng với đủ mọi hạng người, nó tượng tượng như bị cưỡng hiếp và chấp nhận được cưỡng hiếp để tồn tại và sản sinh ra những đứa con. Đọc một mạch hết tác phẩm 500 trang này, tôi không thể không nhận ra ý đồ khái quát của Nguyễn Hiếu. Có thể mạnh dạn mà nói rằng, thân phận con ngố đã mang tính điển hình, tượng trưng cho dân tộc ta về tình yêu, lòng vị tha và những khổ nạn phải trải qua. Tính khái quát của “con ngố” là ở chỗ đó và đó cũng là sự vượt lên trong mấy chục cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Hiếu. Nhưng, không phải vì có khái quát mà tiểu thuyết “con ngố” trở nên khô cứng, mà ngược lại, bằng tính huyền thoại, tính hài hước, chất sử thi, cách dựng nhân vật, ngôn ngữ... “con ngố” có một sức hấp dân lạ kỳ. Nó thực sự là nơi “ hội tụ” những điểm mạnh trong bút pháp sử dụng các chất liệu trên và mang phong cách Nguyễn Hiếu.
Với tiểu thuyết mới “mặt nạ để đời” mang tinh thần “vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống, tuy cũng là câu chuyện về vụ án mạng có nhiều tình tiết ly kỳ cùng những biện pháp điều tra gay cấn thường có trong những chuyện viết về vụ án, nhưng cái khác là “mặt nạ để đời” đã động đến một đề tài thời sự xã hội trong việc mua quan bán chức, tìm mọi cách hạ bệ, tiêu diệt lẫn nhau nhằm chiếm đoạt chiếc ghế của địa vị, mà kết cục của nó là sự trả giá theo qui luật muôn đời-qui luật nhân quả - sống tốt sẽ nhận được phần tốt, sống ác sẽ nhận được phần ác.
 Tiểu thuyết “mặt nạ để đời” dày  600 trang, có thể tóm tắt như sau:
Ông Nhân, vị chủ tịch quận của một thành phố, được cấp trên cơ cấu vào vị trí phó chủ tịch thành phố. Đại tá Linh, trưởng ban quân sự thành phố,  có quan hệ thông gia với bí thư thành phố (em trai Linh lấy em gái bí thư) trở thành đối thủ cạnh tranh với ông Nhân. Ông Nhân phát hiện thấy nguy cơ có thể không đắc cử nên đã hợp tác với Định, chủ nhiệm Hợp tác xã cơ khí Kết Giao, một trong những đàn em được ông Nhân ưu đãi (cấp đất, cấp vật tư…) lập mưu đưa Đại tá Linh vào bẫy. Trong bữa tiệc, sau khi tổ chức duyệt phương án bảo vệ an ninh của HTX, ông Linh bị chuốc say, được một cô xã viên dìu vào phòng. Ngay sau đó, viên đại tá này đã chết vì chứng thượng phong. Cô xã viên hoảng loạn trước cái chết của ông đại tá, chạy ra đường trong đêm mưa gió, bị ôtô đâm chết. Để che lấp cái chết của đại tá Linh, phó chủ tịch Nhân và chủ nhiệm Định đã  tính kế, lập mưu để công an bắt xã viên Thuần là nhân viên bảo vệ HTX. Đạo - con trai ông Nhân- lúc đó đã lên phó chủ tịch thành phố- vô tình biết rõ sự việc, biết cả sự nâng đỡ của bố mình đối với chủ nhiệm Định nên luôn luôn vòi vĩnh Định để thỏa mãn nhu cầu ăn chơi và chu cấp cho người yêu là Thùy - một cô gái nhà nghèo, khôn ngoan, rất khéo “đào mỏ”. Trong một lần uống rượu say, vì quá bức bối và cũng là bất cẩn, Định đâm chết Đạo. Sau đó Định bỏ trốn. Mười mấy năm sau, Định (đổi tên là Kí), dưới cái vỏ doanh nhân thành đạt đã cùng vợ con quay lại thành phố. Sau rất nhiều điều tra công phu của điều tra viên Dũng, cùng sự tố giác của Thùy (cô đã trải qua rất nhiều dày vò vì cái chết của người yêu ), nay đã là một chủ cửa hàng gỗ lũa mỹ thuật. Kí (Định) đã bị bắt ngay tại ga hàng không quốc tế khi đang chờ chuyến bay sang Singapore kí hợp đồng mới. Xã viên Thuần, sau khi bị giam giữ không điều tra ra tội, khi được thả về thì vợ đã chết, con trai sống vất vưởng, con gái đi làm đĩ. Thuần đã công phu qua nhiều thành phố để tìm lại con mình. Trong khi đó, phó chủ tịch Nhân, sau khi con trai bị giết thì sống thực vật vì bị tai biến mạch máu não; vợ ông thì buồn phiền qui y, cầu phật.
Không phải bây giờ Nguyễn Hiếu mới viết tiểu thuyết hình sự mà cách đây 20 năm ông đã có “chân trời vỡ đôi” (còn có tên phụ là “vụ án làng Chiện” (NXBPháp Lý 1990) và “vầng trăng hững hỡ “ ( đặt tên  theo yêu cầu của nhà văn Ma văn Kháng, nhan đề ban đầu là “xử bắn” (NXB Lao Động 1992 ) và nay là “mặt nạ để đời”. Đặc điểm chung của ba tiẻu thuyết có yếu tố hình sự của Nguyễn Hiếu là ông đã vượt ra khỏi sự tường thuật thuần túy vụ án để vẽ những bức tranh xã hội điển hình trong từng giai đoạn. Vụ án chỉ còn là cái sườn hay nói như A lếc săng Đu Ma “như cái mắc áo để tác giả khoác lên đó bức tranh phản ảnh xã hội đương thời cùng nhận thức của tác giả về thực tế, và từ đó là những thông điệp mà tác giả muốn chuyển đến cho độc giả . Ở “chân trời vỡ đôi” là sự ngột ngạt của nhân vật hiền lành, vốn sống an phận thủ thường, nhưng do vô tình làm chết người, để rồi bị một kẻ ma lanh, cơ hội, độc ác xỏ mũi biến thành công cụ thực hiện những hành động tàn nhẫn không đúng với lương tâm con người. Cuối cùng,  sau gần trọn đời người bị giật dây, thao túng do bị dồn đến đường cùng, con người hiền lành này buộc phải giết kẻ dã tâm kia. Trong “vầng trăng hững hờ”, là bi kịch với kết thúc bi đát dựa cột tử hình của một người đã từng được phong tặng danh hiệu anh hùng quân đội. Còn “mặt nạ để đời”, là sự lột tả một cuộc chiến đấu “ giáp lá cà” đầy gay cấn, ác liệt của lòng tham con người với những mưu mô thâm độc hòng hất cẳng và tiêu diệt đối thủ. Trong đó, kẻ có quyền lực luôn ở vị trí một đạo diễn, đứng trong hậu trường, điều khiển những “con rối” hành động theo ý mình. Sợi dây kết nối âm mưu và thủ ác ấy được tạo ra bằng quyền lợi, ân sủng từ bàn tay kẻ quyền lực.
“Mặt nạ để đời” là cuốn tiểu thuyết thứ 21của Nguyễn Hiếu. Có thể nói, bút pháp tiểu thuyết của ông đã đạt đến độ nhuần nhuyễn, từ cách dựng cốt chuyện, cách xây dựng nhân vật và thủ pháp kể chuyện. Một trong những đặc trưng của thủ pháp tiểu thuyết Nguyễn Hiếu là sự chồng chéo giữa hiện thực và tưởng tượng với những nhân vật hư vô . Ở “người đàn bà quỉ ám”( NXBPN 1990) là nhân vật mang oan hồn người con gái bị giặc Cờ Đen hiếp chết; hay ở “con ngố” là linh hồn người đàn bà chửa hoang treo cổ chết. Với “mặt nạ để đời” là oan hồn của Đạo – kẻ bị giết luôn trở về trong suy tư của những người đang sống. Với thủ pháp này, Nguyễn Hiếu đã tạo ra nhiều lớp hiện thực ẩn chứa, thông qua những câu hỏi, câu trả lời dưới dạng của biên bản điều tra và một không gian rộng lớn cho các nhân vật “mặc sức” cựa quậy, đủ để tính cách của từng nhân vật được đẩy lên cho đến giới hạn của nó. 
Đó là một không gian đa chiều và rộng, dài. Nó có từ thời bao cấp đến thời đổi mới ở nhiều lĩnh vực. Đó là ông cán bộ lãnh đạo tham lam khoác áo tử tế; kẻ buôn bán chợ giời khoắc áo nhà doanh nghiệp; các chủ nhiệm HTX thủ công nghiệp oai quyền một thời; rồi gái điếm, ca ve, kẻ ăn trộm, lừa đảo; chị bán rau; ông bộ đội Điên Biên, nay chuyển ngành làm bảo vệ trường học; gã kỹ sư kiểm lâm hám gái; tay xã hội đen ở vùng mỏ bạo tàn …đều được ngòi bút đầy thực tế, từng trải sống của Nguyễn Hiếu mô tả và phơi bày thật sinh động, thật quyết liệt, đầy tình tiết và gay cấn ở 600 trang giấy in.
Cũng cần nói thêm, khi dựng nhân vật công an điều tra, có tên là Dũng, tuy xuất hiện không nhiều, nhưng nhân vật này cũng hiện ra khá toàn diện, từ diện mạo, hoàn cảnh gia đình đến tình cảm của Dũng đối với con gái, đã tạo ra một hình tượng đẹp về một nhân viên công an điều tra nhân hậu, khôn khéo, và kiên quyết
 Trên thế giới không ít tác phẩm lớn bắt đầu từ sự mô tả vụ án, nhưng lại có sức khái quát xã hội cao như: “Tội ác và trừng phạt” của Đốtxtôiépski, “Phục sinh” của Tônxtôi, “Bà Bôvari” của Plôbe …Tôi không định so sánh “mặt nạ để đời” của Nguyễn Hiếu với các tác phẩm kiệt xuất đó, nhưng tôi hi vọng cuốn tiểu thuyết “mặt nạ để đời” đầy tâm huyết của ông với chủ đề chống cái ác, chống sự tham lam, ca ngợi cuộc sống bình yên, sẽ là cuốn tiểu thuyết hình sự để đời, được độc giả đón nhận của Nguyễn Hiếu. 
                                                                   
Phạm Thành