Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ THANH ỨNG

Lê Tự
Thứ bẩy ngày 8 tháng 5 năm 2010 4:52 AM
40 năm làm thơ với tư cách là thầy giáo, Thanh Ứng viết nhiều đề tài xung quanh cuộc sống nhân gian. 5 tập thơ đã xuất bản để đời và hàng trăm bài viết vì nỗi niềm riêng, Thanh Ứng tự phác họa chân dung mình bình  dị mà cổ xưa như một cây bàng già đứng giữa rừng nguyên sinh thi ca. 65 tuổi đời, với anh còn trẻ lắm, vẫn cặm cụi làm thơ, cóp nhặt cảm xúc như hồi còn mười tám đôi mươi…
Lần đầu tiên làm quen với nhà thơ Thanh Ứng, cách đây chừng 20 năm gì đó, tôi hỏi xuất xứ tên anh. Thanh Ứng trả lời, Thanh có nghĩa là tớ sinh ra ở Thanh Oai, còn Ứng có nghĩa là hồi còn nhỏ tớ đi học ở huyện Ứng Hòa, cả hai huyện này thuộc địa bàn tỉnh Hà Tây cũ, bây giờ là Hà Nội. Thật tuyệt, tôi cứ ngẫm nghĩ mãi lời giải thích ấy, mấy ai lại nghĩ sâu sa như thế, kết hợp tên quê hương nơi sinh ra và nơi đi học để lấy bút danh thơ.
Thanh Ứng chẳng mấy khi nói to, đó là phẩm chất của người thầy dậy văn chương chữ nghĩa, sự thâm thúy nho nhã có cần thiết nói to bao giờ. Hình như Thanh Ứng cũng ngại cái sự va chạm cãi nhau, cũng phải thôi,  làm thơ là cái nghề chắt lọc tình cảm, gọt rũa chữ nghĩa, hô thần nhập vào để mỗi câu thơ trở thành một lời tuyên ngôn lẽ sống, thì hơi đâu đi cãi nhau làm gì.
Có thể nói, Thanh Ứng là người sáng tác đa chiều, tuy nhiên đề tài anh viết nhiều hơn vẫn là cảm xúc vè tình yêu đôi lứa, về tình cảm thầy trò. Thế nhưng đọc thơ anh tôi lại thích những bài về cõi chết, một thế giới vô hình sự vĩnh hằng của hành trình sống. Mặc dù số lượng những bài như vậy ít thôi, thậm chí rất ít trong toàn bộ sáng tác của anh, nhưng tôi thì lại thích.
Sự sống và cái chết là một quy luật sinh tồn, chết là chặng cuối của sự sống và cũng là điểm khởi đầu cho một sự sống mới phát sinh. Ai hiểu được quy luật này thì coi cái chết bình thường lắm, có những người tu hành đắc đạo còn biết được chính xác ngày mình về cõi vĩnh hoằng. Cái chết kết thúc để mà khởi đầu cho cuộc sống mới.
Đứng trước cái chết, mỗi người một vẻ, có người toát lên sự thánh thiện, có người trăn trở vì còn vấn vương cõi trần, kẻ thì cuồng điên như chưa hề được sống. Có vô cùng nhiều cái chết khác nhau, có cái chết hoành tráng của những người anh hùng, có cái chết nhục nhã của những kẻ tiểu nhân, thượng đế ghi nhận sự vinh quang và xá tôi sự hèn hạ.
Có không ít người coi cái chết là mất mát vô bờ bến, còn với Thanh Ứng cái chết thật bình thường. Anh viết trong bài thơ có tựa đề “Giản đơn”:
Anh đi cùng em ra đây
Nghĩa địa này
      nơi có con đường vắng tanh
             và những nấm mồ im lặng
Nghĩa địa không chỉ là nơi yên ắng
Mà còn là nơi
       ta không dối nhau trước người chết bao giờ…
Đọc mấy câu thơ này, có lẽ không ai lại không suy nghĩ, mỗi người sẽ suy nghĩ theo cách riêng của mình, nhưng chắc chắn không ai dám nói dỗi nhau ở nơi cõi chết. Trong cuộc đời ít ai không một lần nói dối, tuy nhiên sự trung thực vẫn mãi mãi là điểm nhấn cuối cùng khi đối diện với cái chết.
Bài thơ ngắn thôi, câu chữ không chặt chẽ, gieo vần tự do và kết câu rộng, để mở hoàn toàn cho tất cả mọi người cũng suy ngẫm, mỗi người hiểu theo cách của mình trong không gian riêng. Hình dung, đó có thể là hình ảnh một đôi uyên ương đang yêu nhau thắm thiết, rồi họ cùng nhau đứng trên phân giác sự sống nhìn sang biên kia cõi chết, và thấy không gì hạnh phúc hơn là sự thật thà, trung thực. Liệu có ai hình dung thấy trong bài thơ Giản đơn một sự phức tạp, lừa dối, thậm chí gian manh, thủ đoạn đê hèn? Cuộc đời luôn hiện hữu tất cả, chỉ đến khi đối diện với cái chết, chẳng còn gì để mất nữa người ta mới nói thật với nhau. Khi ấy liệu đã muộn chưa, dù những lời nói hoàn toàn có cánh, tại sao không đủ can đảm nói thật với nhau giữa cuộc đời còn phơi phới xanh tươi! Khó lắm thay, vì sao chứ?
Nói như Thanh Ứng, ta không dối nhau trước người chết bao giờ! Phải chăng người đã chết mà linh hồn được siêu thoát sẽ biết tất cả, bởi họ đứng ở trên cao lắm mà nhìn xuống cuộc sống nhân gian. Cuộc đời này cần lắm sự chân thật thì tại sao chỉ đến khi đứng trước người chết ta mới nói thật được với nhau. Cái gì đã khiến con người phải dối nhau để rồi phải ân hận, có phép nhiệm mầu nào để khi còn sống hãy thật lòng với nhau?
Đọc bài thơ “Về thăm mẹ” của Thanh Ứng, tôi bỗng thấy bồn chồn, cái chết của con người đành rằng là quy luật, trong đó có những người thân yêu nhất như mẹ của ta, mà khi chết ta cảm thấy như hụt hẵng, mất mát đắng cay vô cùng:
Mẹ đã xa bốn mươi năm
Vẫn vạt áo quê ngấm bùn rơm rạ
Vẫn gương mặt buồn nhăn nheo gò má
Môi quyết trầu tím ngắt ngày mưa...
Quy luật của cái chết thật oan nghiệt, không trừ một ai, vẫn cảnh ra thăm nghĩa địa quê mình, và anh viết:
Con lạc vào nghĩa trang làng ta
Khu đất ấy bây giờ nhiều mộ quá
Trước chỉ có ông bà cha mẹ
Giờ lại thêm mộ anh mộ em
Nắm hương trong tay thắp những mộ quen
Người ở trong làng rồi ra đây cả...
Làng quê Việt Nam, nơi đâu cũng vậy, xa xa những lỹ tre phía ngoài cánh đồng là bãi tha ma, có nơi gọi là nghĩa địa, nghĩa trang,  nơi ấy là chốn an nghỉ cho những người trong làng, họ nối nhau ra đó theo quy luật và định mệnh. Người trong làng rồi ra đây tất cả, bất kể họ là thân phận thế nào, giầu nghèo, sang hèn, hạnh phúc hay bất hạnh. Khi đã ra nghĩa trang làng tất cả giống nhau, không mang theo cho mình bất cứ thứ gì dẫu trên trần có lầu son gác tía. Sống trên đời tranh đua, ganh nghét nhau chỉ vì chút lợi vật chất tầm thường, khi về cõi chết tất cả đều trắng tay. Đất mẹ bao dung hết, ôm hết những đứa con của mình vào lòng, khi sự sống của họ đã đến hồi kết thúc.
Đọc bài thơ này mới thấy Thanh Ứng thật bình thản trước cái chết, khi biết không chống lại được quy luật thì đã có thánh  thẩn chấp nhận.
Tuy nhiên, đã có những cái chết không theo quy luật, có những cái chết cao cả vì những điều vĩ đại, sự chết ấy theo một quy luật khác, quy luật anh hùng.
Tôi muốn nói đến những câu thơ của Thanh Ứng viết ở nơi yên nghỉ của bao nhiêu chàng trai trẻ, nơi tụ về của những cái chết vinh quang. Họ đã ngã xuống, máu thấm đỏ đất vì sự tồn vong của Tổ quốc thân yêu, cái chết khiến kẻ thù khiếp sợ. Thanh Ứng đứng lặng trước linh hồn những chết vinh quang :
Vẫn như xưa quân ngũ thẳng hàng
Không chọn cho mình đất
Không cắt đặt người trước người sau
Quây quần đồng đội
Trời xanh mãi mãi
Đất mẹ ngàn đời...
Trong những sự chết vinh quang của ngàn vạn người lính trẻ, có một cái chết thân thương với nhà thơ, có thể là đồng đội, có thể là người thân, có thể là một cái chết rất riêng...Thanh Ứng đã dừng chân trước một ngôi mộ chí, nắng tháng bảy chan lửa xuống những nấm mồ, hồ nghi và huyễn hoặc, và chợt nhớ về kỳ niệm trường xưa lớp cũ. Anh viết trong bài « Phượng hồng tháng bảy » :
Đã bao lần tháng bảy đi qua
Anh nằm xuống không bao giờ về nữa
Nơi ấy có rừng cây
Xanh xanh mầu khác lạ
Có những bông hoa đỏ
Như phượng hồng ngày xưa...
Trong mấy chục năm chiến tranh vệ quốc, ai là người Việt Nam lại không có người thân hy sinh vì sự tồn vong dân tộc. Mỗi sự mất mát riêng tư cộng lại thành cái mất chung, dù anh không bao giờ về nữa như sự sống của đất nước này đang sinh sôi. Âu đó chẳng là quy luật, sự sống và cái chết trên đời.
                                                                                                         
ảnh : Nhà thơ Thanh Ứng