Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỌC TIỂU THUYẾT "DÒNG SÔNG CHỞ KIẾP" CỦA NGUYỄN QUỐC HÙNG

Hoài Khánh
Thứ sáu ngày 7 tháng 5 năm 2010 9:34 PM
 
Cuộc đời thì dài và có nhiều truân chuyên lắm! - Đó là điều mà tác giả Nguyễn Quốc Hùng muốn giãi bày những trải nghiệm trong cuộc sống thông qua tiểu thuyết “Dòng sông chở kiếp” (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - 2009).
Nguyễn Quốc Hùng là công nhân Cảng Hải Phòng. Anh có lần tâm sự, hoàn toàn ngẫu nhiên, cứ sau một truyện ngắn viết về đề tài người công nhân lao động thì lại có một truyện ngắn đề cập tới một vùng thôn quê, một làng nghề ở ngoại thành. Anh cho đó là những khoảng lặng, là thời gian nghỉ ngơi của những nhân vật. Và với tiểu thuyết, sự ngẫu nhiên đó cũng được lặp lại. Sau tiểu thuyết đầu tay “Chuyến hàng mưa” viết về chính những đồng nghiệp, những người công nhân lao động trên bến cảng, thì tiểu thuyết “Dòng sông chở kiếp” này của anh lại viết về một làng quê nhỏ bé.
Tiểu thuyết “Dòng sông chở kiếp” của Nguyễn Quốc Hùng khiến ta liên tưởng đến một câu chuyện cổ tích về cuộc đời của riêng từng nhân vật, của riêng làng quê ấy, một vùng đất nhỏ tới nỗi gặp một trận mưa to là lụt trắng cả làng, gần hai trăm sinh linh phải dồn về trú ngụ tại khoảnh đất đình. Hai tuyến nhân vật thiện và ác được thể hiện rõ nét. Cuộc xung đột âm thầm giữa hai dòng họ trong làng là diễn biến chính của câu chuyện. Mô-típ tuy đã cũ nhưng tác giả muốn làm mới nó bằng cách tập trung khai thác những xung đột nội tâm của từng nhân vật. Và xung đột của những con người ấy như tiền định bắt phải thế, như giời xui phải làm thế chứ cuộc sống thường ngày của họ hoàn toàn không có nguyên cớ gì để tạo nên mâu thuẫn. Nguyên nhân tại đâu?
“Tất cả chỉ là dục vọng của con người không kiềm chế được mà thôi”. Một chị đĩ Nhụ rất yêu thương chồng con, kính trọng gia đình nhà chồng, hiểu rõ tâm địa đen tối lý Ngang đấy nhưng lại không thể kiềm chế được dục tình lúc nào cũng bốc ngùn ngụt trong lòng để dẫn tới có con với hắn. Nghiệt chướng từ đó mà ra. Chị chịu đã đành nhưng cả dòng họ nhà chồng cũng phải gánh theo. Thằng Sông giữ vai trò trưởng họ của nhà chồng chính là đứa con của kẻ thù. Để rồi cả cuộc đời chị đĩ Nhụ phải ôm mối hận mà không thể gỡ được. Chị muốn giữ kiếp được làm người cho đứa con. Nhưng liệu đứa con ấy có trở thành người? Trục câu chuyện xoay quanh mẹ con chị đĩ Nhụ.
Tuyến nhân vật chính diện là gia đình nhà ông tổng Cò, những con người có học, hết lòng phấn đấu cho sự phát triển tốt đẹp của cộng đồng làng xã. Ông tổng Cò không quản nhọc nhằn, tìm cách đào sông khơi lạch để làng thoát khỏi cảnh lụt lội, thoát khỏi cảnh đói nghèo truyền đời. Con ông tổng Cò như anh Diệc, anh Dự, anh Sơn, chị Thư và một số nhân vật khác, không sợ hy sinh tính mạng, tự nguyện đi theo con đường cách mạng, đấu tranh vì sự tồn vong của Đất Nước.
Tuyến nhân vật phản diện là gia đình nhà Lý Ngang, Trương Bân và những tên tai sai cho ách đô hộ của thực dân, phong kiến. Chúng không từ một thủ đoạn ác độc, hèn hạ nào để đạt được mục đích làm lợi cho cá nhân. Lý Ngang kích động dân hai làng đánh lẫn nhau để hạ uy tín nhà ông Tổng. Thậm chí Lý Ngà ăn cả phân chó để tỏ lòng trung với quan thầy. Tráo trở trắng đen để được đứng trong hàng ngũ của Đảng với mưu đồ được leo cao sẽ lợi nhiều…
Tất cả các nhân vật chính trong tiểu thuyết đều có tuổi thọ cao, nhưng rồi khi tiến tới cái chết mỗi người phải chịu một hoàn cảnh thật công bằng với những gì họ đã làm ở trần thế. Tác giả muốn đề cập tới sự nhân quả ở đời. Trong tiểu thuyết có một số chi tiết huyền ảo, thần thoại nhưng tất cả đều giải thích được nguyên nhân từ đâu. Tất cả từ tâm con người mà ra.
Hình ảnh con sông Vàng tuy chỉ xuất hiện ở phần đầu và phần cuối nhưng nó như một sợi dây kết nối toàn bộ nội dung của câu chuyện và mở cho người đọc những suy tư về nhân thế. Con sông cụ Cờ, bố ông Tổng đã phải đánh đổi tính mạng để có được, để hai làng sống hoà thuận sau lỹ tre, thế mà tới đời sau người ta lại đang tâm ngăn đôi để biến thành hai con mương nhỏ. lí do, nước làng nào làng ấy dùng. Đó là nghiệt chướng mà con người phải gánh chịu. Tính ích kỉ.
Vốn sống thực tế phong phú là điểm mạnh trong sáng tác của Nguyễn Quốc Hùng. Qua tiểu thuyết “Dòng sông chở kiếp” , anh còn thể hiện rõ được tính cách thâm trầm, suy tư thường ngày của anh.
Mấy chục năm trở lại đây, những người công nhân trực tiếp đứng máy trong các xưởng thợ tham gia sáng tác văn chương không nhiều. Tác giả Nguyễn Quốc Hùng là một trường hợp hiếm hoi, nhất lại viết tiểu thuyết, thì thật đáng trân trọng.
HOÀI KHÁNH