Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÒN CÓ MỘT TRƯƠNG ĐĂNG DUNG LÀ THI SỸ

Trần Tố Loan
Thứ bẩy ngày 8 tháng 5 năm 2010 3:26 PM


                                         
Nhiều người thường chỉ biết đến PGS-TS Trương Đăng Dung là tác giả của những công trình Lí luận văn học, nghiên cứu về mối quan hệ giữa văn bản với hiện thực, tác giả và bạn đọc như Từ văn bản đến tác phẩm văn học; Tác phẩm văn học như là quá trình…
Nhưng cũng nhiều người chưa biết, Trương Đăng Dung còn tác giả của những vần thơ sâu sắc, ám ảnh…Với tôi, được gặp thầy là một cơ duyên trong đời.
Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi ngày hôm đó.
Một ngày chớm hè đầy nắng và gió, năm 2003.
Khi đó, tôi là sinh viên năm cuối khoa Ngữ văn trường Đại học Vinh, hay mơ mộng, ít nghĩ đến những gì thực tế như công việc, tương lai…
Tôi may mắn được gặp thầy Trương Đăng Dung trong buổi giao lưu, gặp gỡ giữa các nhà nghiên cứu của Viện Văn học với thầy trò khoa Ngữ văn trường Đại học Vinh. Buổi giao lưu về đêm thật thân mật, đầm ấm. Âm vang bài hát Thời hoa đỏ đêm hôm đó đến giờ vẫn vang vọng trong tôi …Nhiều bạn sinh viên đã mạnh dạn đặt ra với các thầy những câu hỏi thú vị. Tôi đã hỏi: “Tại sao ngày nay người ta nói nhiều đến xu thế đối thoại giữa các nền văn hóa?” và “Tại sao nói chủ nghĩa nhân văn hiện đại không quá tin tưởng nhưng cũng không quá tuyệt vọng về con người?” (Ý của nhà văn Nhật Bản Oe Kenzaburo). Thầy Dung không chỉ trả lời câu hỏi của chúng tôi mà còn bộc bạch nhiều suy tư của thầy về cuộc sống. Trước đó, tôi đã được đọc nhiều bài viết của thầy, thành thực mà nói là không dễ đọc chút nào nhưng chúng đã bắt tôi phải nghĩ khác về Lí luận văn học. Tôi không nghĩ một ngày nào đó lại được thầy trực tiếp giải đáp câu hỏi một cách sâu sắc và lịch lãm như thế. Cuối buổi, tôi nhận được danh thiếp và một lời hẹn gặp lại.
Mùa hè năm đó, tôi ra Hà Nội chơi và đến gặp thầy ở Viện Văn học. Thầy đã nói rất nhiều về những vấn đề thầy quan tâm, suy nghĩ và động viên tôi học tiếp: Học để biết một điều gì đó. Cho đến bây giờ, tôi vẫn theo đuổi việc học một phần là vì câu nói của thầy. Sau này, khi học cao học và làm nghiên cứu sinh, tôi đã được nghe giảng và trò chuyện với thầy nhiều hơn. Các bài giảng của thầy đã mở ra cho tôi những chân trời học thuật mới và những suy tư về cõi sống.
Tôi biết đến những bài thơ đầu tiên của thầy Trương Đăng Dung là qua tuyển tập những sáng tác của cựu học sinh trường chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An nhân dịp 30 năm thành lập trường. Thú thực, tôi đã rất ngạc nhiên về thầy. Đọc thơ Trương Đăng Dung cảm giác không bình yên xuất hiện trong tôi như chính câu thơ của thầy: Bao nhiêu lần khép cửa/ em vẫn thấy mình chưa ở bên trong… (Thành phố phía chân trời)
Thơ Trương Đăng Dung thường là sự chiêm nghiệm về cái được- mất, khoảnh khắc - vĩnh cửu, ý nghĩa của kiếp người trong hành trình chạy đua với thời gian…Thơ của thầy chạm vào vỉa tầng của triết lý nhân sinh. Chúng ta có mặt trong cõi sống này rồi một ngày nào đó sẽ lặng lẽ ra đi mà không mang theo gì cả …rồi sẽ qua đi kiếp người ngắn ngủi,/một ngày kia hết mọi buồn vui/chui xuống cỏ ta sẽ nằm dưới cỏ/bàn tay ta bất động giữa đất dày/bàn tay ta thôi tìm nhau run rẩy. ..Vì kiếp người là ngắn ngủi và nhiều khi vô nghĩa như thế nên Em ở lại/một lần nữa cùng anh giữa mùa trăng sắp lụi/ta cùng nghe tiếng muôn loài hấp hối/tiếng côn trùng trong cát bụi sinh sôi...(Ảo ảnh)
 Bởi con người chỉ sống có một lần mà thời gian thì cứ mãi vô tình trôi nên phải tận hiến. Vì vậy mà, anh gom ánh sáng bằng sức lực đàn ông/có tự ngàn đời/để cho em rạng rỡ. Bài thơ Anh chiếm chỗ bóng đêm viết về sự dâng hiến tột cùng nhưng không hề dung tục, sex mà không sex, đầy dục tính mà vẫn trong sáng và còn quyết liệt chống lại triết lí của Arthur Schopenhauer nữa! Có phải chúng ta đang bị tự nhiên lừa/để kéo dài sự sống?anh vẫn muốn bị lừa/để chiếm chỗ bóng đêm/để có em vĩnh viễn!
Chính vì ý thức được sự hữu hạn của kiếp người trước dòng chảy vôi thủy, vô chung của thời gian và Sợ bóng tối sẽ tràn vào/ khi em mở tung cửa sổ/cơ thể chúng ta thôi rạng rỡ; Sợ thời gian rình trong từng sợi tóc /khi môi ta rời nhau/hơi ấm đã thuộc về quá khứ  nên thi sỹ cần “vật chứng” của sự hiện tồn, khi ta được ở bên nhau: Em đừng xếp lại chăn/em đừng chải lại tóc/em đừng tô lại môi/ cứ để nguyên áo quần trên ghế /cứ để nguyên hiện trạng căn phòng/Anh cần vật chứng /trước thời gian.(Vật chứng) 
Cũng bởi ý thức được sự ngắn ngủi của kiếp người nên thi sỹ nói nhiều đến sự ngăn cách giữa người với người, đó là những Bức tường. Bức tường có thể là hữu hình nhưng hiều hơn là vô hình, con người dựng lên dày đặc: Những bức tường, những bức tường, những bức tường/có mặt khắp nơi,/trong những lời vui đoàn tụ/trong những lời buồn chia tay…, để đào sâu hố ngăn cách, làm lòng người ly tán.Từ đó, thi sỹ muốn lưu ý loài người đừng tự đào hố sâu ngăn cách mình nữa, bởi đằng sau cái chết mọi thứ vô nghĩa lắm. Đêm đêm anh vẫn nghe tiếng lũ quạ/Cười nói huyên thuyên trên những bức tường này. Đọc những câu thơ này tôi lại nhớ đến truyện Nguyễn Huy Thiệp. Chúng ta rồi sẽ mất đi, chỉ có lũ quạ vẫn cười nói huyên thuyên và kiến muôn đời ca bài của kiến mà thôi!
Thơ Trương Đăng Dung nhấn mạnh khoảnh khắc có ý nghĩa của thực tại, dù nhiều khi chỉ là thưc tại của ảo ảnh. Thi sỹ viết nhiều về những cuộc gặp gỡ phi thực: Có thể em quên rằng anh đã gặp em hai mươi ba ngàn năm về trước/ở một bến sông…(Có thể); về hành trình tìm kiếm Bao năm rồi anh tìm em/trong những bình minh không có mặt trời/trong những lâu đài chỉ có cánh dơi…
 (Ảo ảnh); những cuộc hẹn Em ngồi bên anh nhìn dòng sông/chảy từ phía chân trời/đầy nắng, mưa và gió (Bên đồi Vọng Cảnh). Vẫn biết câu hỏi đâu là ý nghĩa đích thực của cuộc đời thật khó có lời giải đáp như những dấu hỏi chạy trên đường/ lặng lẽ nhưng thi sỹ vẫn đang trên hành trình tìm kiếm, dù nhiều khi đã thấy nó trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất/thành lời về kiếp người ngắn ngủi (Anh không thấy thời gian trôi).
Và biết bao điều khác nữa… nhưng xin dành sự cảm nhận riêng cho bạn trước những bài thơ như thế này:
ẢO ẢNH
Bao năm rồi anh tìm em
trong những bình minh không có mặt trời
trong những lâu đài chỉ có cánh dơi
trong những giấc mơ không đầu không cuối.
Anh hỏi dòng sông về hạnh phúc trên đời
sông trả lời anh sông chỉ biết trôi,
anh hỏi ngọn núi
núi trả lời anh núi chỉ biết ngồi,
anh hỏi con người
người trả lời anh bằng nước mắt rơi!
Thôi em đừng khóc
rồi sẽ qua đi kiếp người ngắn ngủi,
một ngày kia hết mọi buồn vui
chui xuống cỏ ta sẽ nằm dưới cỏ
bàn tay ta bất động giữa đất dày
bàn tay ta thôi tìm nhau run rẩy.
Em ở lại
một lần nữa cùng anh giữa mùa trăng sắp lụi
ta cùng nghe tiếng muôn loài hấp hối
tiếng côn trùng trong cát bụi sinh sôi.
Anh nhìn vào mắt em
thấy hình anh ở đó
nếu mắt em khép lại
ảnh hình kia chỉ còn lại trong em
anh không còn thấy anh trong hiện tại
chỉ thấy em với những hình những ảnh
của mùa hè dang qua
một góc vườn và mấy khóm hoa
chiếc ghế bỏ quên cơn mưa mùa hạ
tóc bà bạc xoá
thấp thoáng bên khung cửa
nắng nhoà.
CHÂN TRỜI
 
Thấy không em đường chân trời trước mặt?
Anh đã từng đến đó trong mơ
Có khi như Jesu đi trên mặt nước
Lòng anh cao thượng, sáng trong,
Có khi như một tên tội phạm
Anh bước đi uất hận trong lòng,
Có khi như một đứa trẻ
Anh hân hoan, ngơ ngác, chờ mong...
Anh đã thấy những người dị dạng
Dang tay đòi hái mặt trời,
Những bóng ma thọt chân, lang thang
Đòi trở về quê cũ.
Và những đội quân không mũ
Tay súng, tay đao chân bước thụt lùi,
Những nhà thơ chống gậy đứng cười
Trước những con trâu mông dính đầy mạng nhện...
Anh đã đứng trong màn đêm
Khắc khoải chờ em đến
Cùng đi về phía chân trời.
Anh đã khóc những đêm chờ đợi
Khao khát một thứ gì nồng cháy như mặt trời
Ngọt ngào như quả chín.
Em đã đến
Đẹp như ánh trăng
Cô đơn như ngọn gió,
Chúng ta nằm trên cỏ
Sợ hãi trước chân trời.  
1994

CÓ THỂ
Có thể em quên rằng anh đã gặp em
hai mươi ba ngàn năm về trước
ở một bến sông.
Có thể em đã quên cánh buồm nâu ngày ấy
trôi giữa trời xanh không biết đến bao giờ.
Có thể em đã quên những dấu chân em trên cát
nơi bình minh tạm trú trước hoàng hôn.
Anh cảm nhận thời gian qua từng giọt nước
hai mươi ba ngàn năm trong giọt nước mắt này,
giọt nước của ngày xưa còn lại đến hôm nay.
Anh trở về với bến sông xưa,
em không nhớ thời gian nước chảy
anh không biết những ngày thơ bé ấy.
Những giọt nước qua má, qua môi
rơi xuống bàn tay nóng ấm hơi người.
Ta soi bóng.
Sông vẫn bình yên hát khúc vô tư
trời vẫn xanh như thế tự bao giờ
em toả sáng giữa đời anh lặng lẽ...
Anh không biết dòng sông trôi về đâu
bốn mươi sáu ngàn năm nữa.
Có thể em vẫn nhớ một ô cửa của con tàu
nơi anh đứng,
và bàn tay thấp thoáng vẫy trong đêm.
Có thể em vẫn nhớ những vầng trăng thức trắng
lá rơi thảng thốt trước thềm.
Có thể em vẫn nhớ một bóng hình, giọng nói
đã tan trong sương khói
những kiếp người
4/2001

TRÊN ĐỒI VỌNG CẢNH
Em ngồi bên anh nhìn dòng sông
chảy từ phía chân trời
đầy nắng, mưa và gió.
Không một cành khô, lá khô
sông thanh thản kéo trời
trôi theo mình lặng lẽ.
Không mang theo những gì để trở thành bất tử
sông chảy vô tư bên những lăng mộ im lìm
những đền đài quạnh quẽ.
Đang mùa xuân ha y đã sang hè
mà hoa tím rụng đầy mặt nước
chảy về đâu, sông ơi
Sao chỉ thấy một con thuyền thấp thoáng?
Em nhìn anh và nhìn dòng sông
anh có thực và dòng sông có thực,
anh nhìn em và nhìn dòng sông
em có thực hay dòng sông có thực?
Anh sợ đến một ngày dòng sông ngừng trôi
đất khô cứng, những giọt buồn hóa đá,
anh sợ đến một ngày hồn anh từ cõi lạ
trở về đây mà không có dòng sông
     Huế, 4.2007
ANH CHIẾM CHỐ BÓNG ĐÊM
Anh nghe bóng đêm tan trên cơ thể em
bóng đêm chạy trốn.
Những khoảnh khắc trước lúc nửa đêm
những đường cong như sóng vươn về phía trước
hơi thở như gió
đắm say và gấp gáp.
Anh chiếm chỗ bóng đêm
cơ thể lún sâu đến kiệt sức
những khoảnh khắc trước lúc nửa đêm
sâu lắng và bí ẩn.
Bóng đêm chạy trốn
Thủy triều lên từng đợt, từng đợt
Bãi cát mịn mượt mà dâng hiến.
Anh chiếm chỗ bóng đêm
anh gom ánh sáng bằng sức lực đàn ông
có tự ngàn đời
để cho em rạng rỡ.
Có phải chúng ta đang bị tự nhiên lừa*
để kéo dài sự sống?
anh vẫn muốn bị lừa
để chiếm chỗ bóng đêm
để có em vĩnh viễn!
    4.2007
-------------------
* Ý của Arthur Schopenhauer
 
NHỮNG BỨC TƯỜNG
Có những bức tường ta xây
và ta phá,
có những bức tường ta không xây
và không nhìn thấy.
Anh và em đi trên mặt đất này
giữa những bức tường ta xây và phá
nhưng tất cả đều bị bao quanh
bởi những bức tường không nhìn thấy.
Giữa những cái bắt tay
có một bức tường,
giữa em và người em thấy trong gương
có một bức tường,
giữa ha i chiếc gối nằm kề n ha u
có một bức tường.
Khi ta ngước mắt nhìn trời xanh
trên mặt đất đã có những bức tường,
khi ta cúi xuống nhìn mặt đất
xung quanh ta đã có những bức tường
khi ta nghĩ đến những miền xa
phía trước ta đã có những bức tường.
Những bức tường, những bức tường, những bức tường
có mặt khắp nơi,
trong những lời vui đoàn tụ
trong những lời buồn chia tay,
những bức tường ta không xây
những bức tường không thể phá...
Đêm đêm anh vẫn nghe tiếng lũ quạ
Cười nói huyên thuyên trên những bức tường này.
                                                                                    4.2007
VẬT CHỨNG
 
Sợ bóng tối sẽ tràn vào
khi em mở tung cửa sổ
cơ thể chúng ta thôi rạng rỡ.
Sợ thời gian rình trong từng sợi tóc
khi môi ta rời nhau
hơi ấm đã thuộc về quá khứ.
Sợ căn phòng trở nên trống rỗng
khi em xếp lại chăn màn
kí ức không còn nơi ẩn náu.
Sợ tiếng bước chân em xa dần
khi những viên sỏi trong vườn đang ngủ
ta còn lại gì sau mỗi lần tình tự?
Em đừng xếp lại chăn
em đừng chải lại tóc
em đừng tô lại môi
cứ để nguyên áo quần trên ghế
cứ để nguyên hiện trạng căn phòng.
Anh cần vật chứng
trước thời gian. 
5-2008.
(Viết nhân sinh nhật Thầy 8-5)