Vậy là thi sĩ Hoàng Cầm đã nhẹ bước vào cõi hư không, để lại một di sản tinh thần độc đáo, tài hoa, in dấu ấn riêng biệt vào lịch sử văn chương Việt Nam. Là người yêu thơ Hoàng Cầm, tôi may mắn được có mặt trong một đêm sinh nhật của thi sĩ cách đây hơn 1 năm.
Đó là buổi tối mùng 6 tháng 2 năm 2009. Nhà thơ Vân Đình Hùng muốn dành tặng thi sĩ một bất ngờ. Anh mời các đào kép của Hải Phòng lên hát mừng tại tư gia của thi sĩ ở số nhà 43 Lý Quốc Sư, Hà Nội. Đêm Hà Nội se lạnh, thời tiết rất đẹp như đang chiều lòng văn nhân và ả đào. Cùng dự cuộc gặp còn có các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình: Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Thảo, Hoàng Liên Sơn, bà Lưu Nga (mẹ của ca sĩ Bằng Kiều), nhà nhiếp ảnh Mai Kỳ và tôi. Các đào kép ăn mặc chỉnh tề theo lối cổ bước lên tầng 5 đến tận buồng riêng của thi sĩ vì ông không thể đi lại được.
Hoàng Cầm nằm đó, da dẻ hồng hào, khi thấy khách đến thi sĩ vui hẳn lên. Các con cháu của ông vội vàng lấy thêm ghế cho khách ngồi ngay bên cửa của một căn phòng chật chội. Không khí ấm áp tràn ngập căn phòng khi Vân Đình Hùng mở lời dâng tặng nhà thơ một đêm ả đào do anh tổ chức. Hoàng Cầm xúc động lắm! Thi sĩ nói rằng ông không ngờ có một sinh nhật như thế này, vì chỉ nghĩ mấy anh em đến chơi, uống với nhau chén rượu mà thôi. Tôi nói với thi sĩ về lòng ngưỡng mộ của mình đối với ông. Rất lịch thiệp, thi sĩ khẽ cười và nói “Mình biết mà!”.
Rồi khi tiếng đàn đáy đủng đỉnh dạo lên, cùng nhịp phách của các đào nương, thì căn phòng bỗng trở thành một ca quán đầy ắp những tri âm. Đào nương Đỗ Quyên ngâm bài Ca trù hoài cảm do chính Hoàng Cầm viết tặng CLB ca trù Hải Phòng xuân trước. Thi sĩ cảm động lắm, đôi mắt như hoen lệ. Kế đó là bài thơ của Nguyễn Thụy Kha viết tặng Hoàng Cầm được cất lên, khiến cho cả người được tặng và người đưa tặng lặng đi trong niềm hoài niệm.
Những bài hát Bắc Phản, Gặp Xuân (Tản Đà), Tỳ Bà Hành (Bạch Cư Dị) được các đào nương thay nhau hát. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo hỏi Hoàng Cầm có đi hát cô đầu bao giờ không, thì ông nói “từ năm lên 3 tuổi, theo cha đi hát”. Lại một tràng cười ấm áp lan tỏa, sẻ chia với thi sĩ. Hoàng Cầm đưa bàn tay với những ngón tay thon dài gõ theo nhịp trống chầu.
Cảm xúc từ đào nương lan truyền vào những khách văn nhân, tưởng chừng như đang cùng nhau ngồi dưới con thuyền dạo trên bến Tầm Dương giữa canh khuya mênh mông trăng nước. Mối đồng cảm với Bạch Lạc Thiên một ngàn năm trước nay lại thêm mối đồng cảm giữa những khách văn nhân mà cuộc đời dâu bể, dẫu cho gió dập sóng vùi mà vẫn một lòng băng tuyết với tri âm.
….
Hôm nay, Người đã về Kinh Bắc - vùng đất cổ xưa, với những ngôi chùa hàng ngàn năm tuổi, những hội hè đình đám, những phong tục tốt đẹp, những vị công hầu khanh tướng, những ông nghè ông trạng và những giai nhân tài sắc. Người đã chối bỏ trần gian, để về với quê hương mình, trong câu hát cổ xưa: Em đi khắp bốn phương trời/ Không đâu lịch sự bằng người ở đây.
“Người ơi! Người ở đừng về”! “Đương vui như thế này, sao người bỏ ra về, có nhớ đến chúng em chăng?”. Cầm lòng sao đặng? Người ơi!
Hà Nội, 7.5.2009