Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGÀY CUỐI CÙNG CỦA LÃO NHÀ VĂN HOÀNG CÔNG KHANH

Hoàng Minh Tường
Thứ sáu ngày 7 tháng 5 năm 2010 3:00 PM
 

Vài năm nay, trụ sở số 9 Nguyễn Đình Chiểu, thường đón một vị khách, thoạt nhìn người ta dễ tưởng đó là một ông lão bưu tá, có việc cần chuyển công văn giấy tờ hay thư báo gì đó. Một ông già ngoại bát tuần, lưng hơi còng, đeo túi vải, như một loại túi dết cũ, mùa đông thường vận áo bông xanh, phu la kín cổ, mũ len đan, mùa hè sơ mi bỏ ngoài quần, mũ cátkét hoặc mũ vải kiểu tai bèo. Có dạo ông đi xe đạp, một chiếc xe tàng, cũ kỹ. Gần đây, ông sắm một đôi kính đen trông rất thám tử và chuyển sang đi xe ôm . Anh lái xe ôm  có vẻ tận tuỵ, chở ông già đến rồi ngồi trước cổng đợi, cho đến khi nào ông thích về.
Ông già ấy, chính là nhà văn lão thành Hoàng Công Khanh.
Có một dạo, cách đây hơn hai năm, cả cơ quan Hội Nhà văn  bỗng như lên cơn sốt khi nhận vé mời đồng loạt, vé mời của chính tác giả kịch bản, mời cả vợ chồng con cái và bạn bè, đi xem vở cải lương Cung phi Điểm Bích, do một nữ đạo diễn trẻ măng cũng người họ Hoàng, đưa lên sân khấu Nhà Hát lớn. Vở đầu tay, đạo diễn  Hoàng Quỳnh Mai đoạt luôn giải A cuộc thi tài năng trẻ toàn quốc , còn tác giả kịch bản thì tới tấp nhận được lời mời đặt hàng của các đoàn kịch nói, cải lương, dân ca Chèo... Từ hôm đó, ai cũng trầm trồ khen cả tác giả và đạo diễn. Mọi người đều ngớ ra rằng ông già trông như bưu tá, khoác túi dết, hay đến ngồi ở phòng khách văn phòng, chính là nhà văn Hoàng Công Khanh, tác giả của Cung phi Điểm Bích và nhiều vở kịch trứ danh : Về Hồ, Bến nước Ngũ Bồ, Vằng vặc sao Khuê,Chử Đồng Tử... Các cô, các chị kháo nhau : Ông cụ là thông gia với nhà văn Kim Lân đấy. Mà đặc biệt lắm nhé. Đi tù cả hai chế độ Tây và Ta. Từng là bạn tù với đồng chí cây đào Tô Hiệu ở nhà tù Sơn La, có ghê không?
Ban đầu tôi không tin người như thế mà đi tù hai lần. Sau thì tôi vỡ lẽ. Lần đi tù thứ nhất (1941-1945) ông còn mang tên khai sinh là Đoàn Xuân Kiểu, quê quán Kiến An, Hải Phòng. Cái bút danh Hoàng Công Khanh hình như chớm hé trong tù, khi ông muốn lấp đầy những ngày dài dằng dặc trong đại lao bằng những ý tưởng sáng tác. Ông đi tù cùng những người cộng sản, cùng tội danh yêu nước, chống lại mẫu quốc Đại Pháp, nhưng ông lại thuộc đội ngũ của nhà yêu nước vĩ đại, lãnh tụ Quốc dân đảng Nguyễn Thái Học. Rồi cũng vì cái lý lịch này, hơn hai chục năm sau, ông lại bị rắc rối một lần nữa...Đang công tác, thoắt cái, trắng tay...
Người hiền, chưa chắc đã gặp lành. Với nhà văn Hoàng Công Khanh có một khoảng đời trầm luân rất ít người biết.Nhưng không phải với ai cũng được ông thổ lộ. Ông không oán thán, không cay cú, hằn học. Gặp ai, ông cũng phô hàm răng côi cút, cũng ân cần, nồng nhiệt.Ai tiếp xúc với lão nhà văn cũng thấy ông gần gũi, chân tình. Dường như ông chỉ còn niềm vui duy nhất là viết. Sách in ra, vừa nhận từ Nhà xuất bản đã mang ngay đến Hội để tặng và chơi với các nhà văn .
Lần này cũng vậy, sau mấy ngày nghỉ lễ 30 tháng 4 và 1 tháng 5, sáng đầu tuần đã thấy lão nhà văn gõ cửa Ban sáng tác. Cái túi dết vải kéo lệch một bên sườn khiến ông bước đi chậm chạp và rón rén. Chắc lại có quà đấy. Nhà văn Đào Thắng nháy mắt với tôi.  Quả nhiên, vừa ngồi chưa kịp uống hết chén nước, ông già đã lấy trong túi, trịnh trong đưa cho mỗi chúng tôi một cuốn sách dầy như tảng gạch Bát Tràng, đã viết sẵn lời đè tặng. Chà, đáng nể, đáng kính phục lão gia. Tôi nâng cuốn kịch thơ hợp thế trường thiên Vua Đen dày ngót năm trăm trang lên ngang mày đáp lễ. Lão nhà văn cười hở hết hàm răng rụng, bỏ cặp kính đen xuống, nghiêng bên tai đeo máy về phía tôi , rồi bảo : Đây là sách Nhà nước đặt hàng đấy nhé. In chữ ở bìa sau ấy. Tớ chẳng lấy đồng nhuận bút nào của Nhà xuất bản Sân khấu. Đổi thành sách hết để tặng bạn bè. Thích không? Lão gia coi chúng tôi như bạn bè, và quý lắm mới tặng sách.
 Với tôi, tình bạn vong niên với ông lão, có dễ hơn chục năm rồi. Ấy là cái hồi tôi đang làm Tạp chí Thuỷ Sản. Cháu ngoại ông lão là phóng viên ở chỗ tôi, mấy lần bảo Ông ngoại cháu cứ nhắc hôm nào mời bác đến chơi. Và lần đầu tiên đến thăm nhà văn Hoàng Công Khanh ở căn hộ tập thể tầng trệt Phương Mai, tôi đã thấy ông như người cùng họ hàng thân thiết ( Như đã nói, ông họ Đoàn. Và Hòang Công Khanh chỉ là một cách chơi chữ, ông Hoàng, Công hầu Khanh tướng của văn chương). Căn phòng giản dị, đầy ngộn sách vở.Tài sản đáng giá nhất là một chiếc máy chữ Ôptima, công cụ kiếm sống từ khi nhiều nhà văn còn xa lạ với việc đả cơ khí tự. Từ ngày bà lão mất, bốn cô con gái lấy chồng, ông lão ở với hai cháu ngoại,con chị cả, đều theo nghiệp ông, hành nghề báo chí. Không rượu chè, không thuốc sái , đam mê duy nhất chỉ dồn vào trang viết. Với bằng tú tài tiếng Pháp, tú tài triết học từ những năm 1938-1940, mấy chục năm qua ông đã đọc thiên kinh vạn quyển, trải bao chìm nổi và viết gần sáu mươi tác phẩm, đủ thấy sức làm việc đấng kính phục biết chừng nào.
Lần kiến diện đầu tiên ấy, nhà văn đã tặng tôi một món quà ấn tượng : một bản tử vi do chính tay ông an sao và khuyên, xổ những cát tinh, hung tinh có ý nghĩa chi phối đời tôi. Ông bảo Văn nghiệp lận đận, nhưng không bỏ được. Đi làm báo rồi nhưng vẫn không dứt bỏ được nghiệp văn. Nhưng phải khéo không có chuốc vạ vào thân.. Bốn năm sau tôi từ giã tạp chí Thuỷ Sản, thôi nghề báo để trở về lại Hội Nhà văn. Ngẫm thấy chí lý lắm thay!
Cuốn kịch thơ Vua Đen, được tác giả Hoàng Công Khanh mang tặng hết lượt các nhà văn trong Hội : Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Hoa, Đào Thắng, Hoàng Minh Tường, Y Phương... Riêng Hữu Thỉnh, vì bận họp ở đâu đó, ông phải chờ để tận tay trao tặng. Trước khi ra về, ông đi ra đi vào, rồi lấy từ trong túi vải một cuốn sách mỏng hơn : tập truyện Quán cháo lú cũng mới vừa phát hành, rồi dúi vào tay tôi. Cho Tường thêm cuốn này nữa. Đọc ngay nhé. Đôi kính đen như phủ lên tôi, như muốn nhắn gửi một điều gì, như tiên lượng trước một cái gì.
Đêm ấy tôi về đọc Quán cháo lú. Câu chuyện viết về cuộc gặp giữa Quỷ, Ma và Người, bên bờ sông Mê, con sông dẫn những người chết xuống cõi Diêm Vương. Kết thúc chuyện là một cuộc ăn cháo lú, ăn để bỏ lại hết, quên hết mọi thứ sướng khổ trần ai trên cõi đời này, trước khi đi vào Âm phủ.
Truyện ngắn ám ảnh tôi suốt một đêm dài.
Sáng ra, tôi nhận tin đột ngột : Nhà văn Hoàng Công Khanh, sau khi ăn sáng, đang ngồi đọc báo, thì đi.
Hà Nội, 6.5.2010
HMT