Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỖ TRỌNG KHƠI BÌNH BÀI THƠ LÁ DIÊU BÔNG

Đỗ Trọng Khơi
Thứ sáu ngày 7 tháng 5 năm 2010 2:41 PM
 
    lá diêu bông
 
   Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
   Chị thẩn thơ đi tìm
   Đồng chiều
   Cuống rạ
   Chị bảo: Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng.
Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày: Đâu phải lá diêu bông.
Mùa đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu
 Trông nắng vãn bên sông.
Ngày cưới chị em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim.
Chị ba con
 Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt chị không nhìn.
Từ thuở ấy
 Em mang chiếc lá
Đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
 Diêu bông hời...
 ...ới Diêu bông !..
Hoàng Cầm
         
          
Đỗ Trọng Khơi bình:
 

Xưa nay, dân ta thường có tục kiệu võng trong các ngày hội rước thần, hay lễ rước dâu của các nhà giầu sang, phú quý v.v... Bài thơ Lá Diêu bông tả về cách tìm kiếm một loài lá trên cánh đồng chiều, mà khởi bài lại có câu: Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng... Sao tác giả  Hoàng Cầm lại đặt câu thơ ấy, trong một khung cảnh ấy? Thoạt xem ngờ đó là câu thơ rơi lạc, không thuận tình hợp cảnh. Nhưng có ngẫm kỹ mói nhận ra cái sự lạc câu chữ kia là một điềm triệu báo trước về sự lưu lạc của một mối tình, một số phận con người. Và sức biểu tượng “lạc” của hồn chữ thì mới thật đáng sợ. Nó mở cho thấy một lộ trình tâm lý: người con gái buông váy trên cánh đồng chiều vương cuống rạ như buông váy trên một ngõ tình mang dấu hiệu thần cảm về một điểm đích đẹp, một sự cao sang, một lý tưởng. Chính bởi mạch điềm triệu, thần cảm ấy mới sinh ra cái tên gọi huyễn hoặc không có thật về một loài cây lá:
  Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
     Chị thẩn thơ đi tìm
  Đồng chiều
  Cuống rạ
  Chị bảo: Đứa nào tìm được lá diêu bông
  Từ nay ta gọi là chồng...
Thơ đặt ra lời thách, tìm một vật không có thật trong đời sống thực vật - thảo mộc (hiểu theo nghĩa đen), mà lại là, tìm một cách bồn chồn: thẩn thơ đi trong một không gian buổi chiều nắng -  ánh nắng sắp tắt và cánh đồng đã vãn kỳ thu hoạch: đồng chiều / cuống rạ... Quả là một cuộc kiếm tìm trên một lộ trình rất hẹp tính gợi mở, hy vọng .
Cuộc kiếm tìm chiếc lá trong khung cảnh ấy được thể hiện giữa hai nhân vật chị và em. Với nhân vật chị - người là mục đích tình yêu của nhân vật em - cuộc kiếm tìm do chính mình đặt ra (phịa ra) rõ chỉ là cuộc chơi: mộng chơi - mộng tình - mộng ảo. Tuy vậy, xét sâu xa có thể xem hình ảnh chiếc lá là một ảnh thực - thực của mộng: mộng về một hình ảnh, phẩm chất trong cõi mộng tình thực của mình. Bởi vậy, ngay chính nhân vật chị cũng tin tưởng và cũng tự làm cuộc kiếm tìm. Cả hai trạng thái tâm lý: phi thực và mộng thực đan xen trong tình người chị, và người chị cũng ý thức được về điều này. Còn với nhân vật em thì cả hai trạng thái tâm lý ấy đều không có trong nhận thức. Người em mang một niềm tin không phải là trong mộng thực mà là trong sự thực. Người em đã vào cuộc kiếm tìm với một niềm tin yêu, một lỗ lực kỳ lạ: không có điểm dừng dù thời gian bao lâu, dù hoàn cảnh nhiều đổi thay.
Niềm khát khao, tin yêu của riêng tư cá nhân khi đã được phát ngôn ra và đã trở thành hành động thì tất yếu dễ trở thành xã hội hoá tính danh, ý nguyện. Trong cuộc tình lá diêu bông này, giữa hai nhân vật chị và em sức chuyển đổi tâm lý từ cá nhân đến xã hội từ chỗ:
 Em: mộng tình- mộng thực dẫn đến mộng tình - vật thực.
 Chị: mộng chơi - hy vọng dẫn đến ăn năn.
Với nhân vật em, người chị là một con người thực, nuôi cho em khát vọng tình yêu thực và vì vậy, lời ngỏ của chị: Đứa nào tìm được lá diêu bông / Từ nay ta gọi là chồng... Tất đó là lời hứa hẹn thực. Bởi vậy, người em mới bị thất vọng trước sự: Xoè tay phủ mặt chị không nhìn. Còn với người chị không có niềm thất vọng nào. Bởi vì chị biết rõ đó là “mộng” và biết có điểm dừng: Ngày cưới chị... người chị chỉ mộng có vậy. Dường chiếc lá diêu bông - ý tưởng về một phẩm chất tình yêu nho nhỏ, êm ấm chị đã tìm thấy, chị đã được thoả mãn: Chị cười xe chỉ ấm trôn kim...
Từ tình yêu cụ thể với một con người khi không thành niềm thất vọng đã không trở lên tuyệt vọng trong lòng nhân vật em. Cũng từ đấy, tình yêu khát vọng về một bóng hình, một điểm đích của người em đã thoát ra ngoài khuôn mẫu chật hẹp mã hoá tình mình vào với vùng sống rộng lớn bao la và không thể ngăn cản hay đổi thay. Vùng sống của cõi mộng! Và đây chính là sự chuyển đổi, hoán vị kỳ lạ: nhân vật chị đi từ mộng về thực - nhân vật em đi từ thực sang mộng.            
Từ mộng về thực mới cho lòng chị không bị thất vọng. Chị mới tìm được sự thoả mãn: xe chỉ ấm trôn kim... Từ thực sang mộng mới cho người em vượt thoát khỏi niềm thất vọng để tiếp tục nuôi kỳ vọng cho cuộc dấn thân thực hiện lý tưởng về một cuộc tình mà như không hề chịu sự tác động, chi phối nào của thời gian và hoàn cảnh: Chị ba con... Em vẫn đi tìm và đã tìm thấy lá (?); hơn thế, mặc cho chị đã dứt khoát chối bỏ: Xoè tay phủ mặt chị không nhìn... thì em vẫn ra đi. Đến khi ấy, em mang chiếc lá tình hoá nhập đồng lẫn vào với rộng lớn không gian sống: gió quê vi vút gọi... Với người em, cuộc tình này, chiếc lá này đã thành một biểu tượng, một giá trị đời đẹp!
 Cái đẹp cứu rỗi cuộc sống! Cái đẹp không bao giờ mất đi!    
Lá diêu bông - bài thơ được viết như một cái truyện ngắn. Có nhân vật tình tiết, sự việc và nhân vật có tính cách, tâm lý với một quá trình phát triển tính cách tâm lý trong một khoảng không gian- thời gian sống có hình ảnh biểu cảm cụ thể. Nhân vật chị từ chỗ còn kiêu sa, hách buông lời: đứa nào tìm được lá diêu bông / từ nay ta..., đến cách biểu cảm ơ hờ: chị chau mày..., rồi chuyển sang trạng thái trắc ẩn mang niềm dự báo: chị lắc đầu trông nắng vãn ven sông..., ấy là điểm báo của một cõi tình đã mang một hướng đợi chờ, hướng tình khác đơn hẹp thôi: Ngày cưới chị... Chị cười xe chỉ ấm trôn kim... Sự diễn biến cảnh huống tâm lý đó có cả một quá trình và nó đã xây dựng nên một nhân vật chị từ chỗ vô tình gieo cái “mộng chơi” một cách kiêu sa của vị thế nhan sắc, đến chỗ giật mình kinh hoàng phản tỉnh: xoè tay phủ mặt... Hành động “xoè tay phủ mặt” tựa như một cách liệm tử thi. ở hình ảnh biểu tính của đoạn thơ này, nó tượng trưng cho cách liệm tình. Qua đó thấy một cuộc tình, một điểm đích lý tưởng đã dứt khoát bị từ chối, bị chôn vùi.
 Nét khắc hoạ về tính cách, tâm lý nhân vật em cũng rất đạt. Quá trình diễn biến tính cách, tâm lý của nhân vật này từ chỗ chấp nhận lời thách đố (kiêu sa- bề trên) của nhân vật chị, nghĩa là chấp nhận vị thế bề dưới - vị thế của kẻ phải mang ước vọng và rất kiên định thực hiện ước vọng đó, đến chỗ tạo nên cho mình một vị thế lớn có khả năng chấp đổi trước không gian: Đầu non cuối bể, và có sức hoá thân hoà nhập vào thời gian: Gió quê vi vút gọi / Diêu bông hời / ới Diêu bông... Hai từ “hời, ới” được láy nhắc làm biểu hiện về nhịp độ của gió quê - thời gian trong một cõi tình da diết khôn nguôi. ấy là một biểu hiện của một vị thế, một tính cách lớn .
          Một bài thơ có 24 dòng, 111 chữ mà mang một khả năng thể hiện đa thể, đa thanh. Đó là một thi phẩm độc đáo vào bậc nhất.
          Theo thiển ý của tôi, Lá diêu bông là bài thơ hay nhất của nền thơ tình Việt Nam thế kỷ 20.