Trong việc bang giao, bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt, tổng thống Bill Clinton có vận dụng câu Kiều:
Sen tàn , cúc lại nở hoa.
Sầu dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân.
Tôi thực sự ngạc nhiên bởi một người ngoại quốc am hiểu văn hóa Việt, thấu hiếu văn thơ Việt và vận dụng sáng tạo chuyện Kiều một cách sâu sắc, linh hoạt đến nhường vậy. Câu thơ thuần Việt, không điển tích nói về quy luật thời tiết, luân hóa trong một năm: Xuân- Hạ- Thu –Đông: Sen mùa hạ, cúc mùa thu, ngày ngắn là mùa đông, nẩy lộc đâm chồi, vạn vật tốt tươi ấy là mùa xuân. Câu thơ sáu - tám gói trọn quy luật vũ trụ trong một năm lại được một chỉnh khách hiểu sáng tạo cho quan hệ của hai quốc gia: khép lại quá khứ, hưởng tới tương lai, thật là thông hiểu được lẽ trời và hợp với lòng người. Mọi khổ đau rồi sẽ qua đi, chiến tranh đã kết thúc việc gì chúng ta tự cầm tù bản thân, tư tưởng, trí não vào quá khứ. Xuất xứ của câu Kiều trên vào thời điểm cô Kiều đã qua chốn lầu xanh, bị Hoạn Thư bắt cóc đưa về làm gia nô,hành hạ nhiều, nhưng nuôi cho béo, đẹp (đặt tên là Hoa nô) để thực hiện mứu sâu kế hiểm về sau. Thúy Kiều cả tin, hý hứng lạc quan tếu , hy vọng thoát nạn, đối đời:Đông đà sang xuân. Chính vì việc đánh ghen có bài bản của Hoạn Thư :Bề ngoài thơn thớt nói cười,/Mà trong nham hiểm giết người không dao nên không ít người Việt vốn chịu nhiều khổ đau, lắm bất hạnh không tin vào lời hứa, cánh giác với những thời cơ, phân vân với vận hội. Phải chăng ngài tổng thống Bill Clinton lẩy câu Kiều trong giai đoạn Thúy Kiều tủi nhục nhất, ê chề nhất vừa qua chốn thanh lâu, sắp bước tới đại nạn khác nên quan hệ của hai quốc gia chưa được hanh thông, xuôi chèo mát mái, còn e dè còn rào cản.
Sau hai mươi năm, phó tổng thống Jol Biden muốn thúc đẩy quan hệ
giữa hai quốc gia Việt – Mỹ tích cực hơn, nâng thêm tầm cao mới lại đọc câu Kiều:
Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời.
Mười lăm năm lăn lóc, mây trôi bèo nổi, thiếu gì là nơi, thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần thật quá dài cho một kiếp hồng nhan. Hai mươi năm quan hệ giữa hai quốc gia đã nóng lên thì việc tan sương đầu ngõ là chuyện bình thường, huống gì đây là đoạn đoàn viên có hậu của chuyện Kiều thì việc vén mây giữa trời là việc trong tầm tay. Thúy Kiều ắt gặp Kim Trọng: người quốc sắc kẻ thiên tài gặp nhau . Như cụ Nguyễn Du cũng đã nói: Có trời mà cũng có ta, việc Mỹ giỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là việc làm nay mai.
Thật kinh ngạc, đến Việt Nam, sau khi kết thúc bài phát biểu tại TT Hội nghị quốc gia Mễ Đình, tổng thống Barack Obama lại ngâm câu Kiều:
Rằng: “Trăm năm cũng từ đây,
Của tin gọi một chút này làm ghi.”
Thưa ngài Obama tôi xin ghi nhận, ghi nhớ, ghi ơn tất cả cái tâm, cái trí cái tình của ngài đối với người dân như tôi. Chúng tôi tin ngài. “Chút này” ngài để lại cho đất nước tôi đó là hòa bình, là những người lính của ngài sắp sang đây không phải để đánh nhau mà đi dạy chữ, 100 máy bay không phải để ném bom mà phục vụ người dân đi lại, trường đại học Fulbright hoạt động không vì lợi nhuận. Các sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu hai nước sẽ tập trung vào các lĩnh vực như chính sách công, quản trị doanh nghiệp, hợp tác trong các lĩnh vực máy tính, từ thơ của Nguyễn Du, triết học của Phan Chu Trinh tới lĩnh vực toán của GS Ngô Bảo Châu. Cảm ơn ngài đã làm cho chúng tôi biết yêu chúng tôi, chúng tôi tự tin để mở miệng.
Sau 21 năm kể từ ngày quan hệ bình thường của hai quốc gia ngài tháo bỏ rào cản nâng quan hệ lên tầm cao mới (số 21 có định mệnh gì không ?)
Trở về xuất xứ của câu Kiều mà ngài Obama đọc. Nàng Kiều sau khi gặp Chàng Kim bối rối tới mức vô tinh đánh rơi cái trâm vàng cài đầu lên cành đào gần nơi chàng Kim cố tình ở trọ. Vậy là người đi trả của rơi gặp người đi tìm của rơi. Đó là duyên mình chứ đâu phải duyên trời. Trả mà không trả: Gởi kim thoa với khăn hồng trao tay.Lúc đó Kiều đã tới tuần cập kê ( số 16 có định mệnh gì không ?)
Kinh ngạc bởi tổng thống đã đứng ra làm lễ đỉnh hôn cho đôi tình nhân này rồi.
Và đôi trai tài gái sắc phải cưới nhau thôi. Đây là thể kỷ 21 rồi, chàng Kim khỏi cần về bái lạy bậc bề trên phương bắc, nàng Kiều khỏi cần hỏi ý kiến mẹ cha, cưới nhau đi, cưới chạy tang càng tốt, để lâu biết đâu: Một ngày lạ thói sai nha, làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.
Bao giờ mới hợp tác toàn diện? Đối tác chiến lược của nhau?
Và ai đoán được sau Obama tổng thống nào của Liên hiệp chúng quốc Hoa Kỳ sẽ đọc tiếp câu Kiều gì?
Và việc lẩy Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, họa Kiều, đố Kiều vẫn còn tiếp tục !
Và Truyện Kiều còn, nước ta còn!
Và xin ai chớ dung tục Kiều, gia công chuyện Kiều nữa!
Và …
Đinh Văn Thân