Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÓ MỘT NGƯỜI ĐÃ VÀO CÕI TRƯỜNG SINH (kỳ 1)

Đắc Trung
Thứ sáu ngày 2 tháng 4 năm 2010 1:37 PM
 
1
   
       Trong tâm hồn mỗi người Việt Nam chúng ta đều có một chút Nguyễn Du. Bởi từ khi còn nằm trong nôi ta đã được nghe mẹ, nghe chị, nghe bà ầu ơ ru bằng những câu Kiều ngọt ngào. Rồi khi lớn lên từ bậc phổ thông đến đại học, ta học Kiều. Trên đại học nghiên cứu Kiều. Không chỉ người Việt Nam mà người nước ngoài cũng nghiên cứu Kiều. Ni-cô-lin, học giả người Nga bảo vệ luận án Tiến sĩ văn học Á Đông bằng đề tài : “ Hình tượng Từ Hải trong Truyện Kiều”. Đâu phải ngẫu nhiên tổ chức UNESCO của Liên hiệp quốc công nhận Truyện Kiều là di sản văn hoá thế giới và tác giả Nguyễn Du là danh nhân văn hoá thế giới.
      Truyện Kiều rất hay nhưng cũng rất khó. Để phần nào thấy cái hay, cái khó, xin được dẫn hai trường hợp.
      Câu 97 Nguyễn Du viết :
“ Một vùng cỏ áy bóng tà
Gió hưu hưu thổi một và bông lau”
       Đó là ông tả cảnh buổi chiều, ánh tà dương chiếu xuống thảm cỏ làm rực lên một màu vàng áy. Hãy tạm gác chuyện tả cảnh, mà chỉ xét một từ áy trong câu thơ trên ở góc độ ngôn ngữ.
      Số phận từ vựng trong ngôn ngữ cũng tương tự số phận con người. Có quê hương, có hoàn cảnh ra đời, có sống và có chết. Chẳng hạn “bầm”, “bủ” quê Phú Thọ. “Thày”, “u” quê vùng châu thổ Sông Hồng. “Bọ”, “mạ” quê Quảng Bình, Vĩnh Linh. “Ba”, “má” quê Nam Bộ. “Thần sấm”, “con ma”, “bổ nhào”, “tọa độ” ra đời trong thời kỳ miền Bắc chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ. Có từ sống mãi, song có những từ chết dần chết mòn khi xã hội không còn chấp nhận như “làm chủ tập thể”, “pháo đài cấp huyện”, “con người mới xã hội chủ nghĩa”..vân ..vân...
      Theo các nhà ngôn ngữ thì từ áy quê Thái Bình. Nguyễn Du người Hà Tĩnh, sống vào thời cuối triều Lê đầu triều Nguyễn, ngày ấy chưa có các phương tiện thông tin đại chúng, việc giao lưu văn hoá rất hạn chế. Vậy bằng cách nào Nguyễn Du biết và lấy được từ áy quê mãi Thái Bình xa xôi để đưa vào tác phẩm của mình ? Câu hỏi đó luôn đặt ra với các nhà nghiên cứu.
      Mãi đến năm 1968, trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân, một nhóm chiến sĩ quân giải phóng của ta đánh vào cố đô Huế, tình cờ lấy được hộp tư liệu quý, trong đó có một bản bằng chữ Nôm, tựa đề “Mối hận tình của tôi” viết theo thể tự truyện. Không biết đó có phải bút tích của Nguyễn Du ? Nhưng câu chuyện thì kể về mối tình dang dở của ông.
      Ngày còn đi học, Nguyễn Du có người bạn thân là Nguyễn Thiếp ( Nguyễn Thiếp sau này làm quan to cho nhà Tây Sơn, là nhà thơ, bút danh La Sơn Phu Tử ). Họ thường qua sông bằng đò ngang. Cô lái rất xinh khiến chàng Nguyễn Du đa tình cảm mến và bày tỏ nỗi lòng bằng thơ:
“ Ai ơi chèo chống tôi sang
Kẻo trời trưa trật lỡ làng tôi ra
Còn nhiều qua lại, lại qua
Giúp cho nhau với để mà ...”
      Cuối bài thơ Nguyễn Du thả ba dấu chấm lửng để ướm thử lòng người đẹp. Đa tình nhưng nhút nhát, Nguyễn Du nhờ Nguyễn Thiếp chuyển giúp bài thơ ấy đến cô gái. Lúc đầu cô gái không nhận, lấy cớ mình quê mùa không am hiểu thơ văn. Ngại Nguyễn Du buồn, Nguyễn Thiếp dấu kín việc đó. Rồi không hiểu sao, mấy ngày sau cô gái nói với Nguyễn Thiếp cho cô xin bài thơ. Rồi cũng khoảng mươi ngày sau, cô gái nhờ Nguyễn Thiếp nói với Nguyễn Du rằng cô xin điền vào chỗ ba dấu chấm lửng hai chữ “quen nhau” . Rồi cũng chẳng hiểu vì sao, chừng mươi ngày sau cô lại nhờ Nguyễn Thiếp nói với Nguyễn Du rằng cô xin đổi từ “quen” thành từ “thương”. Được tin Nguyễn Du mừng quá, lấy ngay hai từ “quen” và “thương” làm tứ thơ, ngồi xuống bên gốc đa cạnh bến sông viết một mạch :
“ Quen nhau nay đã nên thương
Cùng nhau chắp mối tơ vương chữ tình
Bến xinh xinh, người xinh xinh
Trên trời, dưới nước,giữa mình với ta”
      Bắt đầu từ đấy mối tình giữa chàng thư sinh Nguyễn Du với cô lái đò xinh đẹp nảy nở, bất chấp cả lễ giáo phong kiến về “môn đăng hộ đối”.
      Những ai đã yêu, khỏi nói cũng đoán biết sau những ngày ấy hai người sống với nhau hạnh phúc thế nào. Tưởng rằng mọi việc sẽ thuận buồm xuôi gió...
      Nhưng cuộc đời đâu có đơn giản. Người mẹ kế của Nguyễn Du, tức bà vợ lẽ của cụ đồ Nguyễn Nghiễm tôn kính là một người sắc sảo, biết Nguyễn Du có đức có tài nên rất quý mến. Quê bà tận vùng lúa Thái Bình. Bà có người cháu gái gọi bằng dì cũng rất thục hiền xinh đẹp mà từ lâu bà có ý muốn tác thành cho Nguyễn Du. Nay biết Nguyễn Du nặng tình với cô lái đò, sợ kế hoạch của mình đổ bể, bèn bàn với Nguyễn Khản là anh cả của Nguyễn Du, khi ấy đang làm quan trong triều nhà Lê ở Đông Đô thu xếp để đưa Nguyễn Du ra Thái Bình quê bà tu học. Nguyễn Khản bằng lòng. Bấy giờ cụ Nguyễn Nghiễm đã qua đời, quyền huynh thế phụ, thế là Nguyễn Du phải chiều theo ý anh cả và kế mẫu.
      Ba năm sau mới có dịp trở lại cố hương, đến bến đò xưa tìm người trong mộng. Nhưng than ôi, nàng đã “bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông” lên xe hoa về nhà người khác mất rồi. Đau buồn, thất vọng, chàng ngồi xuống lặng lẽ nhìn dòng nước trong xanh gửi lòng mình vào những dòng thơ man mác:
“ Trăm năm dầu lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khác đưa
Cây đa bến cũ còn lưa
Con đò năm ngoái, năm xưa đâu rồi ?”
      Nguyễn Du đem theo nỗi buồn vô vọng ấy trở lại Thái Bình. Rồi sau này ông lấy vợ quê Thái Bình. ( Cô gái đó là em Đoàn Tuấn, một tài thơ khá nổi tiếng ).
      Như vậy phải chăng nhờ có thời tu học ở Thái Bình, rồi lại làm trai tế đất ấy mà ông biết được từ áy để đưa vào tác phẩm của mình ?
     Cũng trong Truyện Kiều, câu 2871, Nguyễn Du viết :
“ Ngọn bèo chân sóng lạc loài
Nghĩ mình vinh hiển, thương người lưu ly”
    
      Đó là nhà thơ tả tâm trạng chàng Kim Trọng, sau khi đỗ đạt làm quan, cuộc sống hiển vinh bỗng chạnh lòng nhớ thương Thuý Kiều, xót cho thân phận chìm nổi của nàng.
      Nhưng mà thôi, hãy gác chuyện tình sầu thảm ấy lại, chỉ xét tới từ chân sóng ở góc độ ngôn ngữ trong văn cảnh này. Trước đây mỗi người hiểu từ chân sóng một cách. Tới năm 1960 nhà văn Nguyễn Tuân đi thực tế, cùng ra khơi đánh cá với bà con dân chài mới biết rằng sóng biển khi ở ngoài khơi có ngọn và có cả chân, rất lớn như từng dãy núi nối tiếp đuổi nhau. Nếu biểu diễn bằng đồ thị hình “sin” thì bước sóng ( lam đa ) cũng rất lớn. Vì thế tầu thuyền đi trên sóng có chân tuy bị dồi lên cao rồi lại hạ xuống thấp, nhưng rất từ từ, rất êm. Khi vào gần bờ gặp phản sóng từ trong ra, nó bị mất chân, chỉ còn ngọn, bước sóng ( lam đa ) rất nhỏ. Cuộc đời nàng Kiều qua mười lăm năm lưu lạc gian truân, chìm nổi, khốn khổ như bọt bèo lênh đênh trên ngọn sóng mất chân ấy liên tục bị dồi lên, giáng xuống, tai họa này vừa qua đã tiếp tai họa khác.
     Chỉ dẫn ra hai trường hợp phân tích ở góc độ ngôn ngữ thôi, đã thấy Truyện Kiều hay và rất khó. Chứ đâu phải đọc thuộc từ câu đầu “ Trăm năm trong cõi người ta”, đến câu cuối cùng “ Mua vui cũng được một và trống canh” là đã hiểu được Truyện Kiều. Nghiên cứu. cảm nhận được là cả cuộc hành trình đầy vất vả.
      Vậy mà Bác Hồ của chúng ta dù bận trăm ngàn công việc, vẫn dành thời gian đọc Truyện Kiều, nghiên cứu Truyện Kiều, thuộc, hiểu, hơn thế Bác còn vận dụng Truyện Kiều vào công tác cách mạng...
      Năm 1946, với tư cách là khách mời đặc biệt, Bác sang Pháp dự Hội nghị Phông-ten-blô. Trước khi về nước bà con Việt kiều ta tại Pa-ri mời Bác tới thăm và nói chuyện. Buổi nói chuyện rất xúc động và Bác đã kết thúc những ý cuối cùng của mình bằng hai câu Kiều :
“ Gìn vàng, giữ ngọc cho ngay
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”
      Đó là câu 545, là lời của Kim Trọng trước khi về Liêu Dương chịu tang chú, dặn người yêu là Thuý Kiều: em hãy giữ gìn tình yêu thuỷ chung trong trắng và tâm hồn vàng ngọc của mình để yên lòng anh nơi quê hương xa cách.
      Bác mượn lời Kim Trọng dặn Thuý Kiều để muốn nói với bà con Việt kiều của ta rằng: Dù ở xa Tổ quốc, tại Pháp, Mỹ, Canada... hay bất kỳ đâu, bà con cũng luôn nhớ mình là người Việt Nam, phải giữ gìn nhân cách, phẩm giá, bản sắc truyền thống người Việt Nam, hướng về Việt Nam để yên lòng những người thân yêu của mình nơi chính quốc đang ngày đêm chịu đựng gian khổ, chiến đấu hy sinh giải phóng đất nước.
      Không phải ngẫu nhiên Bác trích Truyện Kiều. Trước đó gần nửa thế kỷ một nhà văn đã viết: “ Người Việt Nam nếu chưa biết Truyện Kiều thì chưa phải người Việt Nam”. Ý muốn nói kiệt tác bất hủ đó là biểu tượng của văn hoá dân tộc. Là người Việt Nam không thể không biết, không hiểu, không tự hào về nền văn hoá của dân tộc mình. Một dân tộc luôn bảo tồn và phát triển được nền văn hoá thì không bao giờ bị diệt vong. Cũng không phải ngẫu nhiên Bác mượn lời Kim Trọng dặn Thuý Kiều nói với bà con Việt kiều, mà bởi hàm ý sâu sắc của câu đó khiến mọi người thấm thía và sẽ trở thành đề tài để luôn nhắc nhau hướng về Tổ quốc.
      Mười hai năm sau, năm 1958, đồng chí Vô-rô-xi-lốp, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô-Viết tối cao Liên Xô sang thăm Việt Nam. Bối cảnh lịch sử lúc đó như sau: Chủ nghĩa xét lại hiện đại mà Khơ-rút-sốp được coi là người chủ xướng bị những người cộng sản Trung Quốc công kích mạnh mẽ. Bởi thế trong chuyến thăm này, đồng chí Vô-rô-xi-lốp rất muốn biết thái độ của Đảng Lao động Việt Nam đối với vấn đề đó ra sao. Nhưng đây là việc rất tế nhị không thể bộc lộ bằng văn bản hoặc lời nói trực tiếp.
     Bác Hồ rất hiểu điều đó, cũng muốn đáp ứng yêu câu của bạn, nhưng thật khó. Tưởng rằng không thể thực hiện được, nhưng rồi nhờ Truyện Kiều ...
      Sáng hôm sau đoàn bạn về nước, thì tối hôm trước Bác bảo cho một nhóm văn công vào Dinh Chủ tịch biểu diễn nghệ thuật. Bác ngồi trên chiếc ghế mây đặt giữa, một bên là đồng chí Vô-rô-xi-lốp cùng các thành viên trong đoàn đại biểu nước bạn, một bên là Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng các đồng chí của đoàn Việt Nam, đối diện là nhóm diễn viên có cả nam và nữ, trong đó một cô ôm đàn Ac-cooc-de-on (ôm cầm ). Sợ thất lễ, các cô muốn lùi xuống sau để các nam diễn viên đứng trước. Thấy vậy, Bác đứng dậy bước đến. Bác bảo cô ôm đàn đứng giữa, những cô khác đứng hai bên, còn nam diễn viên lui cả về phía sau. Xong, quay trở lại, trước khi ngồi xuống ghế, nhìn đồng chí Vô-rô-xi-lốp đầy ý nghĩa, Bác đọc hai câu Kiều:
“Đã nguyền hai chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai”
      Nghe xong đồng chí Vô-rô-xi-lôp đứng dậy ôm hôn Bác thắm thiết và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cười rất vui vẻ.
      Vậy là điều bạn muốn biết, Bác đã nói và bạn đã hiểu.
      Đó là câu 555, lời Thuý Kiều đáp lại Kim Trọng. Ý nàng muốn nói rằng: anh cứ yên tâm về Liêu Dương chịu tang chú cho trọn đạo hiếu. Em đã nguyện yêu anh thì suốt đời chung thuỷ với anh chứ thề chẳng bao giờ “ôm cầm thuyền ai” khác. Mượn câu Thuý Kiều trả lời Kim Trọng ý Bác muốn nói với đồng chí Vô-rô-xi-lốp: đồng chí thân mến ! Đồng chí có thể yên tâm về báo cáo với Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô rằng, Đảng Lao động Việt Nam đã chọn Chủ nghĩa Mac-Lênin làm kim chỉ nam thì nguyện suốt đời trung thành chứ không bao giờ “ôm cầm” bất kỳ thứ chủ nghĩa nào khác.
      Như vậy là nhờ Truyện Kiều mà Bác đã nói lên được những quan điểm chính trị cực kỳ quan trọng. Mà như vậy không chỉ Bác mà đồng chí Vô-rô-xi-lốp cũng rất hiểu Truyện Kiều. Điều đó càng chứng tỏ sự bất hủ của kiệt tác này. Nó vượt thời gian, không gian để đến với trái tim nhân loại. Càng chứng tỏ đâu phải ngẫu nhiên mà tổ chức UNESCO công nhận Truyện Kiều là di sản văn hoá thế giới, Nguyễn Du và Hồ Chí Minh là danh nhân văn hoá thế giới. Mặt khác cũng chứng tỏ rằng muốn hiểu một dân tộc nào thì phải hiểu nền văn hoá của dân tộc ấy. Chính vì thế chúng ta mới tổ chức “Những ngày văn hoá Việt Nam” tại các nước khác và “Những ngày văn hoá” của các quốc gia khác tại Việt Nam.
       Mới biết văn hoá thuộc đẳng cấp cao của chính trị là vậy. Làm chính trị mà không am hiểu sâu sắc văn hoá, không thuộc đẳng cấp cao về văn hoá, chỉ căn cứ “mác” này, cấp nọ thôi thì chẳng khác kẻ mắt mù, tai điếc nhưng lại cứ tranh cầm đèn soi đường cho thiên hạ, hậu hại sẽ khôn lường.
      Ngày 14-5-1957, sau 52 năm xa cách Bác mới có dịp về thăm quê. Bác đi máy bay trực thăng ra biển, rồi vào miền Trung quãng Cửa Lò. Ngồi trên máy bay nhìn bà con làm nghề chài cá, Bác khẽ vỗ vai đồng chí Đặng Tính ( bấy giờ là chính uỷ quân chủng Phòng không- Không quân ) ngồi bên và đọc Kiều:
“ Buồn trông cửa bể chiều hôm
                            Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”  ( câu 1048 )
     Đồng chí Đặng Tính xin phép Bác được đọc tiếp theo lối họa Kiều:
“ Bác về thăm lại quê nhà
52 năm ấy bây giờ là đây”
      Một đồng chí trong tổ lái tên là Đặng Đình Ninh, vốn thường được phục vụ Bác, biết Bác giỏi Kiều cũng xin được họa tiếp:
“ Bác đi gian khổ những ngày
Bác về cờ đỏ tung bay rợp trời
Bác đi đồng ruộng của người
Bác về rừng, núi, đất, trời của ta”
     Thế là mấy bác cháu nhìn nhau cười vui vẻ.
     Tháng 5 – 1965, khi “viết sẵn mấy lời để lại” ( mà chúng ta gọi là “Lời di chúc của Hồ Chủ tịch” ) Bác lại họa câu 557 “ Còn non, còn nước, còn người. Còn về, còn nhớ đến người hôm nay ” trong Truyện Kiều thành “ Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ ta xây dựng hơn mười ngày nay ” trong Di chúc.
      Năm 1967, đoàn đại biểu Đảng Cộng sản một nước bạn sang thăm nước ta, tới chào Bác, biếu Bác một món quà mà Bác rất hài lòng. Có lẽ trước đó họ đã suy nghĩ kỹ về món quà, làm sao vừa thể hiện lòng tôn kính đối với Bác, với dân tộc Việt Nam lại vừa nói lên nhiều ý nghĩa sâu sắc. Lụa là gấm vóc ư ? Không. Vàng, bạc, châu báu ư ? Không. Sơn hào, hải vị ư ? Không. Biệt dược quý ư ? Không. Những thứ đó Bác đâu có màng. Vậy họ biếu Bác món quà gì ? Là hai bông hoa trà mi tươi cắm vào chiếc lọ thuỷ tinh đựng nước trong suốt. Tại sao họ biếu Bác hoa trà mi, mà lại chỉ hai bông ? Bởi họ biết Bác Hồ của chúng ta rất hiểu Truyện Kiều. Trong Truyện Kiều chỉ hai lần Nguyễn Du viết đến hoa trà mi ( vì thế họ biếu Bác hai bông ). Lần thứ nhất: khi Thuý Kiều phải bán mình lấy tiền cứu cha già, nàng bị Mã Giám Sinh, một tên ma cô chuyên dắt gái cho mụ chủ chứa Tú Bà đưa đi, và chính hắn đã phá hoại trinh tiết đời nàng. Đau đớn xót thương cho số phận Thuý Kiều, Nguyễn Du viết :
“ Tiếc thay một đoá trà mi
                    Con ong đã tỏ đường đi, lối về”  ( câu 845 )
    Lần thứ hai: khi Tú Bà giam lỏng Thuý Kiều ở lầu Ngưng Bích, nàng bị tên Sở Khanh, tay chân của mụ chủ chứa ấy tìm đến. Hắn giả hiền nhân quân tử vờ yêu thương và rủ nàng bỏ trốn, cốt tạo ra cái cớ để Tú Bà ép Thuý Kiều phải tiếp khách làng chơi. Nhẹ dạ, nàng tin gã đốn mạt đó và nhận lời. Một buổi chiều khi hoàng hôn sắp tắt, ngóng đợi Sở Khanh đến đón, lòng ngổn ngang bao nỗi ưu tư, nhớ nhà, thương bố mẹ, thương các em, cảm thông với tâm trạng ấy của Thuý Kiều, Nguyễn Du viết:
“ Chim hôm thoi thóp về rừng
                          Đoá trà mi đã ngậm trăng nửa vành” ( câu 1091 )
      Biếu Bác hai bông hoa trà mi, các vị khách muốn nói rằng: Thưa Chủ tịch ! Chúng tôi rất hiểu Chủ tịch, rất tôn kính Chủ tịch và rất ngưỡng mộ nền văn hoá Việt Nam.
      Sáng hôm sau, bước lên cầu thang nhà sàn của Bác, đồng chí Vũ Kỳ ( thư ký riêng của Bác ) thấy Bác đang ngắm hai bông hoa trà mi đó. Sợ ảnh hưởng tới cảm xúc của Bác, đồng chí Vũ Kỳ dừng lại. Thấy vậy Bác vẫy tay gọi lên, rồi Bác hỏi: “ Chú thấy hoa trà mi có đẹp không ?”. “ Thưa Bác đẹp ạ”. Bác mỉm cười gật đầu, rồi họa luôn hai câu Kiều:
“ Đẹp thay một đoá trà mi
Con ong chưa tỏ đường đi lối về ” 
      Hai câu thơ của hai nhà thơ lớn, hai danh nhân văn hoá thế giới, ở hai thời kỳ lịch sử khác nhau đã toát lên bản chất hai chế độ khác nhau. Xã hội Truyện Kiều vào cuối triều Lê, đầu triều Nguyễn thối nát, bất công trong đó thân phận người phụ nữ chẳng khác bông hoa chỉ xoè nở mua vui cho thiên hạ, rồi đến khi hương tàn, nhụy lạt liền bị quên đi một cách phũ phàng. Vì thế mà Nguyễn Du đã phải thét lên: “ Đau đớn thay phận đàn bà...”. Còn trong thời đại chúng ta, thời đại Hồ Chí Minh, quyền làm người được tôn trọng, nam nữ hoàn toàn bình đẳng, cuộc sống vừa đẹp về thể chất vừa đẹp về tâm hồn.

                                                                   *

      Tại Hội nghị cán bộ văn hoá toàn quốc ngày 30 – 10 – 1958, Bác Hồ nói: “ Những câu tục ngữ, vè, ca dao là những viên ngọc quý”.
      Dân tộc nào cũng có quá khứ, có lịch sử và nền văn hoá truyền thống với những tinh hoa vô cùng quý. Văn hoá dân tộc thể hiện sức sống và bảo đảm sự trường tồn của dân tộc. Khi biên giới văn hoá không còn, có nghĩa dân tộc bị diệt vong. Cho nên tiếp thu, kế thừa, bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hoá dân tộc là sứ mệnh thiêng liêng của mọi thế hệ.
      Không phải ngẫu nhiên mà hơn hai nghìn năm trước đức Khổng Tử đã dày công sưu tầm, nghiên cứu tập hợp được 305 bài thơ tuyển chọn từ dân gian do những người lao động sáng tác truyền khẩu đời này qua đời khác suốt hơn sáu trăm năm từ thời Tây Chu đến Xuân Thu làm nên tập “Kinh thi”, một trong những biểu tượng, những “viên ngọc quý ” của nền văn minh Trung Hoa.
      Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu giầu tâm huyết như Nguyễn Đổng Chi, Vũ Ngọc Phan ... dày công sưu tầm, nghiên cứu, tập hợp những truyện cổ tích, thần thoại, tiếu lâm, những câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao ... được sáng tác và lưu truyền trong dân gian từ bao đời xưa. Đó cũng chính là “những viên ngọc quý”, biểu tượng nền văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam ta.
      Không phải ngẫu nhiên mà dòng văn học dân gian luôn trường tồn, không ngừng phát triển và có sức sống mãnh liệt qua tất cả các thời đại, phản ánh sinh động nhiều mặt hiện thực xã hội, thể hiện phong phú tình cảm con người và giáo dục đạo lý sâu sắc.
      Để thấy một chút vẻ đẹp lấp lánh của những “viên ngọc quý” ấy, ta hãy phân tích câu ca dao:
“ Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng
Tre vừa đủ lá đan sàng nên chăng ?
Đan sàng em cũng xin vâng
Tre vừa đủ lá nên chăng, hỡi chàng ?”
      Đây là cuộc đối thoại giữa một đôi trai gái đang yêu. Ý chàng trai muốn hỏi: anh tính sắp tới chúng mình làm lễ cưới (“đan sàng”) – “sàng” nghĩa đen là cái sàng dùng để sàng gạo, nhưng nghĩa bóng “sàng” là cái giường để nằm ( đồng sàng dị mộng ) – theo em có nên chăng ? Cô gái khước từ. Nhưng cách khước từ sao mà khôn, mà khéo quá chừng. Trước hết để người yêu yên tâm và cũng không làm anh ta tự ái nổi máu Trương Phi rồi sinh sự, cô khẳng định: “Đan sàng em cũng xin vâng”. Nghĩa là em đã yêu anh thì chỉ “đan sàng” với anh thôi, chứ không có đứng núi này trông núi nọ, lập trường vững vàng kiên định lắm. Nhưng mà anh ơi, anh hãy nghĩ kỹ lại xem. Như anh vừa nói đó – ( cô gái lấy ngay cái ý mà anh vừa nêu ra chứ không lấy đâu xa, để cột anh, bác anh. Khôn đến thế là cùng ) – “Tre vừa đủ lá”, có nghĩa là nó mới thoát măng, chưa hẳn đã thành tre ( chắc chàng chừng 18 và cô gái mới độ 16, đã làm gì đủ tuổi kết hôn ) – thì “đan sàng” làm sao được ? Anh không biết ư ? Đan sàng phải dùng tre bánh tẻ, non quá hỏng mà già quá cũng không được. Chưa đủ đâu ạ. Dù là tre bánh tẻ cũng phải chặt ra, chẻ thành từng thanh, vùi sâu xuống bùn ao mấy tháng, vớt lên, pha nhỏ, vót thành nan thật chau chuốt, gác lên sàn bếp cho ăn bồ hóng thật nỏ, rồi mới đan. Có khi đan xong vẫn phải gác lên sàn bếp cho ăn bồ hóng tiếp. Phải trải qua những thử thách như thế mới không bị mối, mọt. Tình yêu của chúng mình cũng vậy. Còn non nớt lắm, đã được thử thách gì đâu, nếu “đan sàng” ép buộc, nhỡ sau này ...khổ em, khổ các con và cả anh cũng khổ. Chi bằng ta hãy nán đợi. “ Tre vừa đủ lá nên chăng, hỡi chàng ?”, thật là tuyệt vời thông minh. Vậy là cô gái đã biến cái câu hỏi rất khó trả lời đó, cái câu do chính chàng đặt ra đó buộc chàng phải tự giải đáp. Lô-gíc quá, hùng biện quá, thấu lý đạt tình quá khiến chàng trai phải ngậm bồ hòn làm ngọt không thể bắt bẻ vào đâu. Tất nhiên chàng phải dơ cả hai tay lên mà đầu hàng, mà bái phục người yêu, tự hào về người yêu vì thấy nàng thông minh, khôn ngoan, chín chắn và sâu sắc hơn hẳn mình.  Chọn được người như thế làm vợ thì đại phúc còn gì. Bởi vậy chàng im re.
      Chao ôi, mới biết cha ông ta xưa hơn ta bây giờ nhiều quá. Ngỏ tình bằng thơ: “Tiện đây mận mới hỏi đào. Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?”.  Đáp lại cũng bằng thơ: “Mận hỏi thì đào xin thưa. Vườn hồng có lối, nhưng chưa ai vào”. Mà đều là người lao động cả chứ đâu phải văn nhân mặc khách gì. Rồi khi bàn chuyện trăm năm kết tóc cũng thế, rất bóng bẩy, lịch thiệp và bình đẳng. Thì ra sống có văn hoá đâu phải học nhiều, bằng cấp lắm.
      Ý đã hay, mà cái tình trong đó cùng cách ứng xử mới tuyệt hảo làm sao. Nơi họ ngồi tâm sự không phải một xó xỉnh tối tăm nào, mà là không gian bao la vằng vặc ánh trăng, tươi mát, tinh khiết và trong lành. Có như thế mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của “đêm trăng thanh”. Đúng là đôi trai gái yêu nhau, chứ nếu “đêm khuya thiếp mới hỏi chàng” thì là vợ chồng rồi. Ở Việt Nam chúng ta, nhất là miền Bắc khí hậu bốn mùa, chỉ mùa thu trăng mới thanh. Mùa thu có ba tháng, nhưng chỉ tháng tám trăng mới thanh. Tháng tám có ba mươi tối, nhưng chỉ tối mười tư trăng mới thanh. Tối mười ba trăng còn non quá. Tối mười rằm trăng tròn quá, đủ đầy quá. Mà khi đã đủ đầy thì đồng thời cũng xuất hiện những dấu hiệu của sự tàn tạ. Nhưng dù có là tối mười tư thì cũng chỉ từ tám giờ đến chín giờ trăng mới thanh. Sớm quá ánh tà dương chưa tắt hẳn, bụi đường chưa lắng hết, khói lam chiều chưa tan hết trăng không thể thanh. Muộn hơn sương đêm buông xuống, ánh trăng sẽ đục nhờ nhờ như sữa loãng càng không thể thanh. Cũng vào cái giờ trăng thanh ấy, ở giữa mùa thu ấy, công việc đồng áng đang độ thư nhàn, lúa giữa thì con gái xanh mượt như nhung, khí trời mát mẻ, không gian thoáng đãng, sức khoẻ dồi dào, thần kinh tỉnh táo, anh vậy mà em cũng vậy. Cuộc đọ trí được thực hiện trong điều kiện lý tưởng. Anh đại diện phái mày râu, em đại diện phái tóc dài. Kết quả anh phải đầu hàng. Rõ ràng phái tóc dài thông minh hơn, chín chắn, sâu sắc, biết nhìn xa thấy rộng hơn. Vậy thì đương nhiên họ không chỉ được bình đẳng mà còn phải được phái mày râu kính trọng.
      Hoặc cũng ở trong kho tàng văn hoá dân gian của ta có câu:
“ Ăn mày là ai ?
Ăn mày là ta
Đói cơm, rách áo
Hoá ra ăn mày”
      Có lẽ chẳng thời nào không có người ăn mày. Cũng có lẽ chẳng quốc gia nào không có người ăn mày. Càng có lẽ chẳng người nào dám chắc đời mình sẽ không bao giờ phải đi ăn mày. Bị một tai nạn bất ngờ cụt chân, mù mắt, tàn phế... là rất có thể phải lang thang đi ăn mày. Nghĩa là ta, phải chính ta, nếu sa cơ lỡ vận cũng rất dễ phải đi ăn mày. Vậy nhưng ở đời có mấy ai nghĩ được như thế, nghĩ xa như thế. Khi giầu có tiền tiêu không hết, thấy người nghèo dù ruột thịt của mình cũng tỏ ra khinh mạn. Khi lắm chức nhiều quyền thì hống hách tự cho mình được sai khiến, quát nạt thậm chí hạ nhục người khác. Một chủ tịch cấp huyện thôi mà cậy thế đập bàn quát mắng nhân viên, ký quyết định kỷ luật cấp dưới một cách vô lý. Vì miếng cơm manh áo nhiều người phải nhẫn nhịn chịu đựng. Lần ấy gặp một cán bộ dưới quyền, nhưng anh ta học hành, từng trải, cống hiến, nhân cách và uy tín hơn hẳn. Đợi ngài chủ tịch hết lên lớp đến mạt sát xong, anh ta mới thủng thẳng: “ Cuộc vui nào cũng đến hồi kết thúc. Chức quyền gì cũng đến lúc bàn giao. Năm tới chắc bác về hưu rồi đấy nhỉ ?” Nói xong anh ta nhếch mép cười, bỏ đi. Ông chủ tịch bỗng giật mình, ngồi trầm ngâm nghĩ tới những lời nói và hành vi đối xử với cấp dưới, với anh em, hình dung những gì đang chờ mình phía trước ...
      Cho nên, hỡi những ai đang giầu có, những ai đang lắm chức nhiều quyền. Đừng bao giờ coi thường người ăn xin, đừng khinh mạn, quát nạt, xúc phạm làm tổn thương cấp dưới. Hãy luôn tự nhắc mình bằng câu thành ngữ: “Ăn mày là ai ? Ăn mày là ta ...”.
      Đó chính là “những viên ngọc quý” bởi nó răn dạy ta đạo lý làm người.

                                                                  *

      Có lần tôi đưa một bạn nhà báo nước ngoài đi Hội Lim. Đó là An-phon Sác-lơ, phóng viên tờ Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp. Anh không chỉ là nhà báo mà còn là nhà sử học, sang Việt Nam học thêm và tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ở lại thường trú đã bốn năm nên rất sõi tiếng Việt và am hiểu nhiều về văn hoá Á Đông, tác giả cuốn sách dầy hơn năm trăm trang viết khá sắc sảo về Điện Biên Phủ mà tôi rất ấn tượng khi anh đánh giá “ Võ Nguyên Giáp là vị tướng chưa hề biết thất bại”. Năm 1985, khi cuốn “ Những ngày sóng gió” của tôi ( bối cảnh lịch sử từ năm 1941-1946) xuất bản, anh tìm đến tận căn phòng nhỏ của tôi ở số 64 phố Bà Triệu, Hà Nội “xin tặng” sách. Tất nhiên tôi không thể từ chối. Chúng tôi thân nhau từ đấy.
      Hội Lim đông. Đúng là “ ngựa xe như nước, áo quần như nêm” (Kiều). Phải vất vả lắm chúng tôi mới chen vào được, ngồi xếp chân bằng tròn trên chiếu nghe một nhóm “liền anh, liền chị” hát quan họ giao duyên. Những vạt áo tứ thân mềm mại rực rỡ màu sắc, những ánh mắt lúng liếng, những miệng cười tươi như hoa nở, những giọng hát bổng trầm dìu dặt ngọt ngào theo giàn nhạc đệm khiến tâm hồn chúng tôi lâng lâng man mác. Một giọng nam trung sâu lắng: “ Năm quan...quan... đổi lấy...lấy...miệng cười. Mười quan anh chẳng tiếc...tiếc người ...người có duyên...tình tính tang, tang tính tình...”. Giọng nữ cao đáp lại: “ Chẳng vì...vì...gác tía...tía lầu vàng. Phải duyên...duyên phải kiếp...kiếp vì chàng...chàng em theo...Tình tính tang, tang tính tình...”. An- phon Sác-lơ ghé vào tai tôi thì thầm : “ Những mối tình như thế thật lý tưởng. Cái đẹp (“miệng cười”) chỉ đáng năm quan, nhưng cái nết na (“có duyên”) gấp đôi. Tôi hiểu thêm câu thành ngữ của người Việt Nam “ Cái nết đánh chết cái đẹp”. Họ yêu nhau vô tư quá, trong sáng quá, không hề tính toán vụ lợi, không vì “gác tía, lầu vàng”.
      Khi nhóm “liền anh, liền chị” hát sang phần “giã bạn”, nghĩa là đã đến lúc sắp phải chia tay nhau. Biết bao là lưu luyến, bịn rịn, nhớ nhung, đi không nỡ mà ở không được. Từ giai điệu cho tới lời ca sao mà da diết, cháy bỏng...Giọng nữ tha thiết vút lên: “ Người ơi, người ở, đừng về...Người về em vẫn trông theo. Trông nước, nước chảy, trông bèo, bèo trôi...Người ơi, người ở đừng về ...”. Ý người đẹp muốn nói rằng: các anh như dòng nước, chúng em như những cánh bèo. Nước chảy đi đâu thì bèo trôi theo đó, dù qua trăm thác nghìn ghềnh cũng không thể rời xa nhau.
      Khổ hát đầu chỉ ví von bóng bẩy thế thôi. Nhưng đến khổ thứ hai đã khác: “ Người về em những khóc thầm. Đôi bên là bên vạt áo... ướt đầm như mưa...Người ơi, người ở đừng...về...”. Thế là nhớ nhau lắm rồi. Nhớ phát khóc. Khóc đến mức hai vạt áo thấm nước mắt “ướt đầm như mưa”. Chưa hết. Đến khúc hát sau người đẹp mới bộc bạch hết nỗi lòng mình: “ Người về em nhắn đôi lời. Yêu em...là em...mong anh xin chớ... đứng ngồi với ai...Người ơi, người ở... đừng...về...”. Lời ca vút lên, luyến láy thật điêu luyện và trong sự da diết ấy đã hàm ý ghen tuông với mong muốn ngăn ngừa, đề phòng, bảo vệ tình yêu, mong người yêu “ chớ đứng ngồi với ai”. Lặng đi thưởng thức những giai điệu và ca từ tuyệt vời ấy, lát sau An-phon Sác-lơ nhìn tôi rất hóm: “ Này, cô gái hát yêu em mong anh xin chớ đứng ngồi với ai, vậy nằm với ai, chắc được ? ”. Tôi cười lắc đầu: “Cậu nhầm. Muốn nằm phải qua hai trạng thái đứng hoặc ngồi. Mà đứng bị cấm, ngồi cũng bị cấm thì nằm làm sao ”. Ngẩn ra một lúc, rồi khi đã hiểu An-phon Sác-lơ vỗ hai tay vào nhau đánh “rốp” đầy vẻ thán phục: “Giỏi ! Giỏi ! Ông cha các cậu giỏi lắm. Quan họ Bắc Ninh không chỉ phong phú về nội dung, tha thiết ngọt ngào trong giai điệu mà còn chặt chẽ đến không thể bắt bẻ được về ngôn ngữ. Các bạn rất xứng đáng được tự hào về nền văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Quan họ Bắc Ninh xứng đáng là di sản văn hoá thế giới ”.
      Lược bình chút xíu vậy thôi để thấy cái hay, cái đẹp, cái sâu sắc của “ những viên ngọc quý ”trong văn hoá truyền thống dân tộc . Chính vì thế mà Bác Hồ luôn nhắc nhở chúng ta phải giữ gìn, phát huy.

                                                                       *

     Không ít chính khách thực thi quyền lực bằng thủ đoạn và mỵ dân. Bác Hồ của chúng ta không làm thế. Hầu như tất cả những suy nghĩ, hành động, tình cảm của Người đều xuất phát từ đạo đức, văn hoá và tận tâm tận lực vì dân . Đó là tư chất của bậc thánh nhân mà những kẻ tiểu nhân không thể có. Chính vì thế mà tư chất siêu phàm của Bác đã khiến hầu hết những ai được biết Bác, kể cả kẻ thù đều ngưỡng mộ. Từ lâu bậc thánh nhân ấy đã là nguồn cảm hứng vô tận cho biết bao sáng tác nghệ thuật. Và, tác phẩm nào lấy chất liệu từ cuộc đời Bác, mà ở đấy hội tụ khá đầy đủ những phẩm chất cao quý của người Việt Nam chân chính, lại được thể hiện bằng sự kế thừa “ những viên ngọc quý ” của văn hoá truyền thống hầu hết đều thành công.
      Hãy phân tích đôi nét nhạc phẩm: “ Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh” của  Nguyễn Văn Tý...
      Trong bài có hai từ “mô”. “Đi mô thì cũng nhớ về Hà Tĩnh” và “ Ai đi xa mô đó, biết có nhớ lấy đường về”. Hai từ “mô” đó chỉ hai đối tượng khác nhau. Từ “mô” thứ nhất là nhạc sĩ muốn nói với những người quê Hà Tĩnh đang sinh sống ở các tỉnh khác trong nước rằng: dẫu ở đó đất đai có phì nhiêu, màu mỡ, trù phú, cây trái quanh năm xanh tốt, hoa tươi quả ngọt chứ không khô cằn xơ xác như Hà Tĩnh; dẫu ở đó có sầm uất phồn hoa đô hội, cuộc sống có đế vương trong nhung lụa với xe hơi nhà lầu chứ không thiếu đói nghèo khổ như Hà Tĩnh “ thì cũng nhớ về Hà Tĩnh” – nơi cội nguồn gốc rễ của mình, mảnh đất đã sinh ra, đã nuôi dưỡng từ tổ tiên ông cha mình bằng củ sắn, củ khoai, hạt thóc và rèn dạy mình nên người. Ở đó có biết bao kỷ niệm thời thơ ấu, có những người bạn chăn trâu cắt cỏ, đánh khăng đánh đáo, chia nhau từng trái sim chín mọng, từng miếng sắn lùi bốc khói vừa thổi vừa nhai, cùng sưởi chung ngọn lửa trong những chiều đông giá rét. Ở đó có những người chị, người mẹ lam lũ, tần tảo chắt chiu từng hạt gạo, bắp ngô nuôi mình ăn học. Ở đó có những người vợ thuỷ chung son sắt ngày đêm ngóng đợi. Ở đó, nơi mảnh đất cằn cỗi ấy đang lưu giữ hài cốt bố mẹ, ông bà, tổ tiên mình ... Bởi thế đừng bao giờ quên. Dẫu có “đi mô thì cũng nhớ về Hà Tĩnh” . Tết về. Tết không về được thì Thanh minh về. Thanh minh không về được thì Giỗ Tổ phải về, nghỉ hè phải cho con cháu về. Nếu không sẽ mất gốc, mất cội nguồn, mất mồ mả ông bà, cha mẹ, mất họ hàng, mất người thân. Phẩm chất cao quý của người Việt Nam là sống trọng đạo nghĩa. Khi những tình cảm thiêng liêng ấy không còn thì có khác gì đã chết. “Đi mô thì cũng nhớ về Hà Tĩnh” lời ca là sự nhắc nhở vừa da diết, vừa nghiêm khắc. Nghiêm khắc là đúng, bởi đã không ít người được sinh ra, được nuôi dưỡng, được lớn lên từ mảnh đất khô cằn nhưng đầy ân nghĩa đó ra đi, vinh thân phì gia, cuộc sống giầu sang phú quý rồi không muốn về nữa. Ngại đường xấu, xe xóc; ngại nước sông nước ao; ngại lắm ruồi nhiều muỗi; ngại không giường đệm, không máy điều hoà nhiệt độ; ngại những bữa cơm rau dưa đạm bạc... Năm năm, mười năm xa quê không một lần trở lại. Có kẻ mặc bố mẹ già ốm yếu bệnh tật sống túng thiếu trong cô đơn buồn tủi. Có kẻ tìm mọi cách ruồng rẫy, hắt hủi rồi rũ bỏ người vợ hiền tần tảo cùng mấy đứa con chỉ vì người phụ nữ đó già, xấu và những đứa bé nhếch nhác quê mùa thất học để chạy theo những ả đàn bà nhan sắc, nhiều tiền bất chấp nhân nghĩa đạo lý.
      Từ “mô” thứ hai là nhạc sĩ muốn nói với những người quê Hà Tĩnh đang sinh sốn ở nước ngoài liệu họ “ biết có nhớ lấy đường về ?” hay xe hơi nhà lầu, bơ sữa, những đồng đô-la và mọi tiện nghi vật chất khác đè bẹp, bóp chết tình yêu quê hương đất nước mảnh đất cội nguồn của mình, quên cả những người ruột thịt, những bầu bạn thân thiết của mình. “ Biết có nhớ lấy đường về ?” - lời ca vẫn da diết và nhắc nhở nghiêm khắc. Nghiêm khắc là đúng. Bởi đã có không ít người rời bỏ quê hương Tổ quốc, dù chính thức hay trốn lủi và rồi không bao giờ “nhớ”, không bao giờ “ biết đường về” cam tâm sống lưu vong cốt vinh thân phì gia vô trách nhiệm với tổ tiên, với đất nước, thậm chí có kẻ còn lên giọng chỉ trích, phỉ báng Tổ quốc mình.
      Cũng lời bài ca ấy: “ Hôm nay ai ra khơi buông lưới, mà nhìn chi mãi con tầu vào bờ, nhìn bến cảng lại nhớ ngày xưa, thương con đò cắm cây sào đứng đợi...” . Nghĩa đen nói lên sự thay da đổi thịt của đất nước. Mới năm nào nơi ấy chỉ là cửa sông với những con đò nhỏ bé mỏng manh, những cánh buồm nâu rách vá, yên vắng, buồn tẻ. Thế mà nay đã trở thành một bến cảng sầm uất, san sát những con tầu hàng vạn tấn neo đậu ăn hàng, nhả hàng cùng hệ thống kho bãi, đường xá, chi chít cần cẩu, rầm rập ôtô, xe máy. Nhưng nghĩa bóng sâu sắc hơn nhiều. Người Hà Tĩnh nói riêng, người Việt Nam nói chung trọng đạo lý, uống nước nhớ nguồn không quên ân nghĩa,“ ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”. Có “ bến cảng” và những con tầu hôm nay càng nhớ, càng “ thương con đò” và bãi sông ngày xưa. Bởi nhờ những bãi sông ấy, nhờ những “con đò” ấy, mới có từng đoàn tầu ra vào tấp nập và bến cảng sầm uất nhộn nhịp hôm nay. Ân nghĩa là đấy, thuỷ chung là đấy, đạo lý là đấy, nhân cách phẩm giá người Hà Tĩnh, người Việt Nam cũng là đấy. Bởi thế dù “đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh’ , dù “đi xa mô đó” cũng vẫn “ nhớ lấy đường về”.
      Suy rộng ra tác giả đâu chỉ nói với người Hà Tĩnh mà nói với mọi người Việt Nam chúng ta bằng tất cả tấm lòng chân thành, sự nhắn nhủ, nhắc nhở da diết và nghiêm khắc. Nghiêm khắc là đúng, bởi vẫn có những người sống vô tâm vô đạo. Có một anh phó tiến sĩ quê Hà Tĩnh. Mẹ già, bố hy sinh trong phong trào Xô-viết , nhà nghèo, có cô bạn gái cùng xóm tính nết hiền lành, chịu thương chịu khó. Họ thân nhau, rồi thương yêu nhau. Những năm gieo neo đói kém cô bạn gái ấy đã bòn nhặt chắt chiu từng đồng, từng hào, từng lon gạo, bơ ngô, từng mớ củi, chai mắm để anh đem theo đi trọ học. Hết cấp hai, rồi cấp ba, nhờ lý lịch “trong sạch” anh được tuyển thẳng vào đại học. Rồi cũng nhờ lý lịch anh lại được chọn du học nước ngoài. Phần do ân nghĩa sâu nặng, phần lo mẹ già sớm khuya lam lũ lủi thủi một mình nên trước khi đi xa anh cưới cô gái làm vợ. Người vợ đảm ấy suốt tuổi thanh xuân đã hy sinh vì anh, giờ lại tiếp tục hy sinh vì anh, tần tảo một nắng hai sương cần cù chăm chỉ phụng dưỡng mẹ chồng, đối nhân xử thế với gia đình, họ hàng nội ngoại, làng trên xóm dưới đâu ra đấy và như “con đò cắm cây sào” ngày đêm vò võ “đứng đợi” chồng về. Trăm ngàn sự lo toan vất vả đều đặt lên “con đò” ấy. Vậy mà “ con đò” ấy vẫn cam phận gánh chịu không hề kêu ca đòi hỏi. Khi người chồng khoác tay bạn gái đi dạo trên bờ sông Nhê-va lung linh ánh điện, thì ở quê nhà “con đò” ấy đang phải thức thâu đêm chăm sóc mẹ chồng ốm liệt trên giường bệnh. Khi người chồng say sưa tiệc tùng với bạn bè trong câu lạc bộ ban đêm, điên cuồng trong vũ hội thì ở quê nhà mẹ anh trút hơi thở cuối cùng và vẫn “con đò” ấy đau đớn nghẹn ngào vuốt mắt cho bà cụ. Rồi cũng vẫn “con đò” ấy cùng bà con họ hàng, làng xóm làm lễ an táng cho bà cụ, cũng vẫn “con đò” ấy lo hương khói cúng cơm, lễ bái cho bà cụ theo đúng nghi lễ truyền thống, cũng vẫn “con đò” ấy lo cải cát xây mộ cho bà cụ và cũng vẫn “con đò” ấy lại ngày đêm “cắm cây sào” vò võ ngóng đợi chồng với niềm mơ ước về một tương lai hạnh phúc tốt đẹp.
     Nhưng than ôi !
     Người chồng đó từ nước ngoài về, có học vị phó tiến sĩ, bằng đỏ hẳn hoi cùng với một bạn gái xinh đẹp là ái nữ của ngài Thứ trưởng Bộ Ngoại thương. Suốt những năm ở Nga họ là tri âm tri kỷ, quấn quýt như uyên ương. Hành lý bỏ chung thùng lớn, thùng bé, va-ly to va-ly nhỏ, ánh mắt, nụ cười lúc nào cũng tràn ngập niềm vui hạnh phúc. Rồi cũng nhờ mối quan hệ với con gái Thứ trưởng mà anh ta được nhận về làm chuyên viên Vụ Xuất nhập khẩu. Thời bao cấp ngồi ở chỗ ấy quyền lớn, tiền nhiều. Anh ta được phân phối căn hộ tập thể tiêu chuẩn tương đương Bìa B. Tiện nghi đầy đủ, toàn đồ xịn, cuộc sống phong lưu, người đẹp quấn quýt. “ Bến cảng” đấy. Tầu hàng ngàn, hàng vạn tấn neo đậu ăn hàng nhả hàng đấy. Hệ thống kho bãi, giao thông, đèn cao áp sáng trưng, chi chít cần cẩu và tấp nập ôtô, xe máy đấy. Nhưng anh ta không hề nghĩ tới và thương nhớ đến “con đò” cũ rách suốt bao nhiêu năm trời hết lênh đênh chìm nổi lại nhẫn nại “cắm cây sào đứng đợi”. Mấy tháng sau mới tìm đường về quê đem theo tâm địa của kẻ bội nghĩa bạc tình. Dường như anh ta đã hoàn toàn vô cảm trước “con đò” biết bao tháng ngày vặn sườn chở mình qua bao khúc sông đầy sóng gió của cuộc đời để mình vinh hiển như hôm nay. Tàn tệ hơn anh ta còn kiếm cớ để xúc phạm, hắt hủi rồi ruồng rẫy “con đò” ấy, băm vằm chém nát “con đò” đáng trọng đáng thương mà suốt đời anh ta phải mang tội mắc lỗi ấy.
      “Nhìn bến cảng lại nhớ ngày xưa, thương con đò cắm cây sào đứng đợi”. Hầu hết người Hà Tĩnh, người Việt Nam là thế - trọng đạo lý. Nhưng vẫn có những kẻ táng tận lương tâm, đi ngược lễ giáo đạo đức truyền thống. Nhờ tính khái quát của lời ca mà mỗi lần nghe bài hát ấy lại làm bừng lên trong mỗi chúng ta tình yêu quê hương đất nước, sự gắn bó sâu nặng với những người thân thiết ruột thịt, cùng với nỗi niềm trăn trở tự trách, nếu mình chưa sống trọn vẹn thuỷ chung.  

                                                                    *

      Ngày 14 – 5 – 1957, sau năm mươi hai năm Bác Hồ mới có dịp về thăm quê. Cán bộ địa phương và bà con làng Kim Liên nô nức đón Bác. Bác xúc động bắt tay từng người. Khi gặp một ông già, gầy nhỏ, mặc áo bông bằng vải xanh, đội trên đầu chiếc mũ biên phòng đã cũ, tóc bạc, râu bạc, khoảng ngoài sáu mươi trạc tuổi Bác. Ngỡ ngàng mấy giây, rồi Bác nhận ra ngay đó là người bạn thân thiết từ hồi nhỏ cùng đánh khăng chơi đáo với mình. Bác ôm chầm lấy bạn, rồi chỉ xuống Giếng Cốc gần đó nói: “ Ngày xưa choa với mi cùng câu cá ở nớ”. Tình cảm của đôi bạn già khiến mọi người rất cảm động. Người bạn già của Bác là Cố Điền làm nghề thợ rèn, hiền lành, đức độ mà bà con làng Kim Liên ai cũng quý trọng.
      Tình cảm của Bác đối với cố Điền đã dạy chúng ta bài học rất sâu sắc về đạo lý. Đó là: con người đối với nhau phải lấy tình người làm gốc. Ở đời không phải ai cũng nghĩ và làm được như thế. Người ta thường lấy chức vụ, quyền lực và tiền bạc làm căn cứ cho việc ứng xử. Sẵn sàng xun xoe, nịnh bợ, khúm núm trước những kẻ có thế lực hoặc giầu có dù nhân cách của họ rất đáng coi thường, nhưng lại vênh váo khinh mạn những người tuy không thế lực, không tiền bạc nhưng đạo đức nhân cách lại rất đáng kính trọng. Cùng là khách đến chơi, đến dự lễ cưới, đến thăm hỏi nhưng thấy ai có chức có quyền, ăn mặc sang trọng, ngồi xe ôtô xịn, túi quà to, “phong bì” dầy thì săn đón, tiếp đãi nhiệt tình, còn ai không chức quyền, ăn mặc xuềnh xoàng, đi xe máy, xe đạp, túi quà không, “phong bì” cũng không dù họ đã từng là bạn thân, đã từng là ân nhân thậm chí là bà con họ hàng ruột thịt cũng chỉ đón tiếp lấy lệ. Cái thói quen xấu ấy nhiễm dần vào từng người trong gia đình khiến đạo lý bị che lấp bởi địa vị, quyền lực và tiền bạc.
      Bác Hồ của chúng ta không thế. Bởi trong ứng xử Bác luôn lấy tình người làm gốc.
      Vẫn khoác tay Cố Điền, Bác theo con ngõ hẹp đi về phía nhà mình, mọi người nối gót theo sau. Trước khi Bác về, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng, Bảo Tàng cách mạng tỉnh phối hợp với các ngành, các cấp chính quyền địa phương đã sưu tầm, phục chế, sửa sang lại khu nhà Bác. Hơn nửa thế kỷ qua rồi, có biết bao thay đổi, nhưng cảnh cũ, người xưa vẫn in sâu trong tâm trí Bác. Dừng lại một chút, nhìn chiếc cổng mới làm  phía trước, Bác lắc đầu. Rồi Bác rẽ hàng cây râm bụt: “ Cái cổng nhà choa ngày xưa ở chỗ ni ”. Qua vườn, đến sân Bác bồi hồi xúc động đứng lặng nhìn mái nhà tranh vách liếp, nhìn hàng cây, buồng cau, trái bưởi... Vào nhà, nước mắt rưng rưng, Bác thắp hương vái lạy tổ tiên. Nhìn chiếc phản gỗ cũ kỹ rất lâu, Bác xoè bàn tay đo chiều dọc, chiều ngang rồi nói: “Đúng là cái phản ni ngày xưa Bác vẫn nằm. Nhưng so với trước ngắn hơn một chút”. Mấy cán bộ bảo tàng nhìn nhau. Đúng là vậy. Số là bộ phản này đã qua tới ba chủ, mới được sưu tầm chuộc lại. Ở Nghệ An vào mùa đông người ta thường đốt lửa trong nhà để sưởi cho ấm. Lửa cháy to bén vào đầu phản phải cưa xén chỗ cháy. Ngắn hơn so với trước một chút là vì thế.
     Mới biết gia đình và quê hương trong lòng Bác “ tình sâu nghĩa nặng” biết nhường nào.
     Bác bôn ba khắp chân trời bốn bể trên các địa lục, tiếp xúc với biết bao nền văn minh, thông thạo nhiều ngoại ngữ, đằng đẵng hơn nửa thế kỷ, trải qua biết bao sóng gió thăng trầm ở đời, hiện giữ tới chức Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước vậy mà Bác vẫn không chỉ  “nhớ đường về ” mà còn nhớ và ôm hôn thắm thiết từ người bạn thuở thiếu thời cùng đánh khăng chơi đáo; nhớ và nói bằng tiếng nói, giọng nói, cách nói “quê choa”; nhớ “cái cổng nhà choa xưa ở chỗ ni”; nhớ bộ phản đã nằm từ thời thơ ấu “ so với trước ngắn hơn một chút”. Bác nhớ cái Giếng Cốc ngày xưa đã từng “ câu cá ở nớ” . Phải là người yêu quê hương sâu sắc lắm mới có được tình cảm như thế và lòng yêu nước mênh mông cao cả của Bác cũng bắt nguồn từ đấy, Bác đã dâng hiến cả đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng Tổ quốc cũng bắt nguồn từ đấy. Trong bài  “Trông cây lại nhớ đến Người” nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết “ Yêu Làng Sen thêm yêu cả giang sơn. Cả một đời vì nước vì non” . Đúng. Bác Hồ của chúng ta là thế.
      Trong một cuộc thi hoa hậu, giám khảo hỏi thí sinh:“ Cô yêu vùng quê nào nhất ?”. Cô thí sinh trả lời thật bóng bẩy: “ Tôi yêu vùng quê nào mà ở đấy sinh ra các bậc vỹ nhân”. Như vậy có nghĩa ở đâu sinh ra vỹ nhân thì cô yêu, còn nơi nào không sinh vỹ nhân dù đó là quê hương cô, nơi cội nguồn gốc rễ của mình cô cũng không yêu ? Điều ấy trái đạo lý truyền thống dân tộc. Tục ngữ có câu: “Mẹ ta áo rách ta thương. Mẹ người áo gấm xông hương mặc người”. Quê hương mình mà mình không yêu thì chẳng thể yêu quê người khác. Mẹ mình mà mình không thương thì chẳng thể thương mẹ người khác . Những bài học về đạo lý được rút ra từ cách đối nhân xử thế của Bác Hồ chính là đặc trưng phẩm chất cao quý của người Việt Nam. Tố Hữu có một câu thơ viết về Tổ quốc rất hay: “ Bốn nghìn năm ta vẫn là ta” . Nếu mọi người Việt Nam đều sống theo gương Bác thì không chỉ bốn nghìn năm, mà bốn triệu năm và mãi mãi ta vẫn là ta, vẫn là người Việt Nam với nhân cách, đạo lý, văn hoá truyền thống Việt Nam, không bao giờ, không thế lực và kẻ thù nào có thể đồng hoá nổi, xâm lược nổi.
      Cùng với “ Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh” của Nguyễn Văn Tý là những ca khúc  “Trông cây lại nhớ đến Người” của Đỗ Nhuận, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” của Phạm Kiết Tường, “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của Nguyễn Đức Toàn, “ Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của Trần Hoàn... Những bài thơ “ Sáng tháng năm”, “Bác ơi” của Tố Hữu, “ Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên, “ Muôn vàn tình thân yêu trùm lên quê hương đất nước” của Việt Phương  ... vân vân ... Hầu như tác phẩm nghệ thuật nào lấy chất liệu từ cuộc đời của Bác, lại được thể hiện bằng “những viên ngọc quý” trong truyền thống văn hoá dân tộc đều sống mãi với thời gian.
      Cuộc đời thánh nhân như Bác khi đã đi vào nghệ thuật trở thành sản phẩm văn hoá, sống trong lòng nhân dân thì vĩnh viễn bất tử trường sinh .

                                                                *

      Sức sống của ngôn ngữ là khẳng định sự tồn vong và phát triển của một dân tộc. Mấy ngàn năm Bắc thuộc và hàng trăm năm Pháp thuộc kẻ thù tìm mọi cách đồng hoá nhưng chúng không thể làm được. Bởi nền văn hoá của ta nói chung, ngôn ngữ nói riêng luôn có sức sống mãnh liệt.  Chúng ta tự hào về tiếng Việt của mình rất giản dị, trong sáng, súc tích, phong phú, giàu hình ảnh và âm điệu. Với khối lượng từ vựng vô tận, với cách phát âm chuẩn mực, với cấu trúc cú pháp đơn giản, chặt chẽ, chính xác, với sự sáng tạo trong sử dụng ngôn ngữ của ta, cả viết và nói, có đủ khả năng diễn đạt tất cả mọi ý tưởng, lý luận, kiến thức cả khái quát lẫn cụ thể sinh động cho mọi lĩnh vực xã hội và cuộc sống.
      Thế mà đã không ít người chỉ ở nước ngoài mấy năm thôi đã quên dần tiếng mẹ đẻ trở thành “ông Tây An Nam”. Không ít ngươì khi viết, khi nói rất thích dùng tiếng nước ngoài cốt để khoe là chính, dù tiếng nước ngoài không thạo và cả tiếng Việt cũng không thạo. Trong khi Bác Hồ của chúng ta bôn ba hải ngoại nhiều năm, giỏi nhiều ngoại ngữ nhưng Bác luôn tôn trọng tiếng Việt, yêu tiếng Việt, lấy tiếng Việt là ngôn ngữ chính và sử dụng rất chuẩn xác.
      Một lần ôtô đón Bác từ phía Yên Viên về Hà Nội. Đến đoạn qua trước cổng Nhà máy xe lửa Gia Lâm, ngồi trong xe nhìn ra thấy dòng biển hiệu bằng tôn gắn trên khung sắt hình vòng cung, nhưng không có dấu, vỗ nhẹ vào vai đồng chí cảnh vệ Bác cười nói vui: “ Chú đọc đi. Có phải ở kia họ viết : “ Nhà mày có khỉ già lắm”. Đúng không ?” Đồng chí cảnh vệ cũng cười và anh thấm thía nhận ra trong cái dí dỏm ấy là bài học sâu sắc Bác dạy rằng đã dùng tiếng Việt thì phải chính xác từng cái dấu, từng con chữ. Bài học đó dành cho tất cả chúng ta, nhất là bác sĩ, công an. Bởi trong đơn chỉ cần viết lẫn một chữ, thiếu một nét, sai một dấu sẽ dẫn đến nhầm thuốc và hậu quả có thể chết người. Kết luận điều tra “cố ý gây thương tích” mà viết thành “cố ý gây thương tật” ( viết không rõ, đọc từ tích thành tật) tức là đã biến khung hình phạt từ ba năm tù lên mười hai năm tù. Trong thực tế không ít người sử dụng tiếng Việt rất tuỳ tiện. Thời bao cấp mấy cô nhân viên đẩy quầy thực phẩm lưu động vào tận cổng trường học. Biển hiệu là miếng bìa cát tông trên đó viết rất cẩu thả dòng chữ: “ Tại đây bán thịt giáo viên”. Thông điệp đó là : tại đây bán thịt cho giáo viên theo bìa cung cấp thực phẩm. Nhưng viết như thế nội dung sẽ được hiểu là : thịt chúng tôi đang bán tại đây là “thịt giáo viên” (!). Chúng ta cũng vẫn thường thấy nơi này, chỗ khác những biển hiệu viết tuỳ tiện kiểu như thế: “Ở đây xay bột trẻ em”. Thông điệp đó là : ở đây nhận xay bột để nấu cho trẻ em ăn. Nhưng viết như vậy nội dung sẽ được hiểu là: ở đây xay trẻ em thành bột !
      Tiếng Việt rất phong phú, trong sáng và chính xác. Nhưng sự cẩu thả thiếu tôn trọng và thiếu trách nhiệm trong sử dụng, nhất là đối với người Việt thì không thể chấp nhận. Đó là sự xúc phạm nền văn hoá chính dân tộc mình.
      Có lần một tờ báo đăng bài viết về trận đánh lớn của quân dân miền Nam và bình luận: “Đây là chiến thắng long trời lở đất”. Bác dùng bút mực đỏ khoanh tròn mấy từ “ long trời lở đất ” và kéo mũi tên ra lề viết rất nắn nót: “Thế Bác cháu ta ở đâu ? Sau này nếu có trận thắng lớn hơn thì các chú dùng từ gì ?”. Trong dòng chữ vui dí dỏm của Bác là bài học sâu sắc dạy chúng ta về đức khiêm tốn, nhắc chúng ta khi dùng từ phải chuẩn mực và chính xác tránh lạm dụng sáo ngữ, lộng ngữ, ngoa ngữ. Chắc giới làm báo, tuyên truyền và những chuyên viên thường viết báo cáo rất thấm thía bài học đó.
      Nhà thơ Việt Phương nguyên thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhiệm vụ của ông là cập nhật thông tin để báo cáo Thủ tướng và trình lên Bác. Cũng có lần khi viết về một chiến thắng lớn của quân dân miền Nam tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, ông bình luận: “Đây là một trận đánh đẹp”. Khi đọc, Bác lắc đầu, dùng bút mực đen khoanh tròn từ “đẹp” và gạch dưới rất đậm. Việt Phương nhận ra điều ấy, khi sửa lại ông bỏ từ “đẹp”. Sau này viết về Bác trong bài thơ “Muôn vàn tình thân yêu trùm lên quê hương đất nước” Việt Phương có câu:
             “ Bác không bằng lòng gọi trận đánh chết nhiều người là đánh “đẹp”
                Con xoá chữ “đẹp” đi như xoá sự cạn hẹp trong lòng con
                Mới thêm hiểu lòng Người đối với quân thù như sắt thép
               Mà tình thương mênh mông ôm trọn mọi linh hồn” .
      Trong việc sử dụng tiếng Việt, Bác Hồ cũng giáo dục, nhắc nhở chúng ta về lòng nhân ái cao cả.
      Năm 1946, trong bản “Dự thảo quy chế làm việc của Chính phủ lâm thời” Bác viết : “ Phó Chủ tịch nước giúp đỡ Chủ tịch nước”. Chỉ hai từ “giúp đỡ” mà bao hàm sâu sắc quan điểm tư tưởng của Bác về mối quan hệ giữa cấp trưởng với cấp phó, giữa cấp trên với cấp dưới. Đó là sự tôn trọng, cộng đồng trách nhiệm, giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành công việc.
      Ngày nay nói rằng học tập Bác mà đâu có làm theo Bác. Họ coi cấp phó và cấp dưới chỉ là người “giúp việc” cấp trưởng ( giống như ô-sin giúp việc ở nhà vậy ). Điều đó rất sai. Bởi trong cơ chế tổ chức mỗi người tuỳ cương vị của mình đều có nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm riêng để cùng lo công việc chung. Lương họ hưởng là ngân sách quốc gia chứ đâu phải cấp trưởng bỏ tiền túi của mình trả cho họ ? Bởi vậy không thể coi cấp phó, cấp dưới như ô-sin được . “Giúp đỡ” và “giúp việc” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Không hiểu đúng, hoặc cố tình không hiểu đúng là tạo điều kiện cho độc đoán chuyên quyền, cho hối lộ, tham nhũng, cho thành kiến, trù úm, vùi dập, cho những việc phi chính bất nghĩa, là phá hoại thể chế dân chủ, là chống lại quan điểm tư tưởng của Bác.
      Rõ ràng ngay từ việc tôn trọng tiếng Việt, hiểu và cách dùng tiếng Việt của Bác cũng thể hiện nhân cách cao đẹp của Bác, đồng thời cũng là những bài học lớn mà chúng ta nhận được từ Bác.