2
Có lần Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ: “ Mai chủ nhật, chú cho các cháu vào thăm Bác”.
Hôm sau đồng chí Vũ Kỳ đưa các cháu vào Phủ Chủ tịch, dặn yên lặng ngồi chờ dưới tầng một nhà sàn rồi lên báo cáo với Bác. Bác rất vui: “ Chú lấy bánh kẹo, trái cây mời các cháu. Đợi một lát Bác sẽ tiếp”.
Bác xuống, ôm hôn từng cháu. Nhìn trên bàn, rồi nhìn đồng chí Vũ Kỳ, Bác hỏi: “Sao chú chưa lấy bánh kẹo và trái cây mời các cháu ?”. Đồng chí Vũ Kỳ cười: “ Các cháu được đến thăm Bắc là quý lắm rồi ạ. Khỏi cần phải ...”. Bác lắc đầu: “ Không được. Các cháu ở nhà là con của chú, nhưng đến đây thăm Bác thì là khách của Bác. Mà đã là khách của Bác thì không chỉ chú, mà cả Bác cũng phải lo đón tiếp các cháu chu đáo”.
Một ứng xử nhỏ của Bác nhưng đã dạy chúng ta bài học lớn và sâu sắc về lòng hiếu khách, về truyền thống văn hoá dân tộc. Đã là khách đến thăm thì bất luận già, trẻ, giầu, nghèo, sang, hèn, quyền cao chức trọng hay tiểu tốt vô danh đều phải đem hết cái tâm, cái tình của mình ra đón tiếp chân thành và lịch sự.
Một lần khác, nhân nói chuyện về mấy cháu nhỏ, Bác hỏi: “ Chú Kỳ này, có bao giờ chú đánh con không ?”. Đồng chí Vũ Kỳ đáp: “ Thưa Bác nói “chính trị” không được có khi cũng phải dùng đến “quân sự” ạ”. Nghe xong Bác trầm ngâm rồi lắc đầu: “Đánh con là dã man”. Câu nói đó ăn sâu vào ký ức khiến sau này, cũng có lần bực với con quá, đã bắt con nằm sấp xuống giường, dơ cái phất trần lên rồi, bỗng chợt nhớ tới lời Bác: “Đánh con là dã man”, nhìn ảnh Bác treo trên tường, thấy đôi mắt nhân từ như nhíu lại, thoáng buồn, lập tức bao nhiêu giận giữ tiêu tan hết và chỉ thấy trào lên tình thương yêu đối với con. Đồng chí Vũ Kỳ cũng chợt nhận ra rằng treo ảnh Bác trong nhà không chỉ thể hiện lòng tôn kính đối với Bác, mà còn để cảm thấy Bác như người ông, người cha luôn gần gũi nhắc nhở răn dạy chúng ta đạo làm người. Nhà thơ Việt Phương viết về Bác: “ Lòng trời biển dịu hiền khi gặp trẻ” ( “Muôn vàn tình thân yêu trùm lên quê hương đất nước”). Trong cuộc sống nhiều khi do quá nóng nảy không kiềm chế được, hoặc do thói quen gia trưởng mà quát mắng, dùng lời lẽ thô bạo xúc phạm làm tổn thương thậm chí bạo hành con cái. Những hành vi đó đều trái đạo lý, không đúng những điều Bác Hồ mong muốn.
Tầng một ngôi nhà sàn của Bác ở Hà Nội, giữa phòng kê một bàn lớn và mười ba chiếc ghế tựa thường để họp Bộ Chính trị hoặc các cuộc hội ý quan trọng do Bác chủ trì. Xung quanh Bác cho xây bệ xi-măng bên ngoài ốp gỗ sơn nhẵn bóng thành dãy ghế thấp. Bác bảo: “Để những khi các cháu nhỏ vào thăm sẽ cùng ngồi quanh bên Bác”.
Trong bài thơ “Bác ơi!” Tố Hữu viết: “ Sữa để em thơ, lụa tặng già”. “Để” là “phần”, là “dành” chứ không phải để “cho”. Với các cháu Bác không dùng từ “cho”. “Cho” hàm ý bố thí, thiếu tôn trọng, thiếu tình thương yêu. Với người già, hàng năm các địa phương báo cáo lên Bác danh sách những cụ thọ từ một trăm tuổi trở lên để Bác gửi thư chúc mừng và “tặng” lụa quý. Yêu thương trẻ thơ, kính trọng người già là truyền thống đạo đức, văn hoá dân tộc. Bác làm thế và luôn dạy chúng ta làm thế. Chính vì vậy Bác tới đâu cũng được tất cả trẻ già hồ hởi kính trọng đón rước coi Bác là Cha già dân tộc và các cháu ríu rít như đàn chim non quây quần quanh Bác cùng nhau hát vang: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên Việt Nam...”.
Ngày nay cũng có những người không phải học tập Bác mà bắt chước Bác, nhưng không bắt chước nổi vì làm sao có được cái tâm, cái tầm của Bác. Người Nepal có câu: “ Có thể kiếm được cái mũ giống mũ của Đức Phật, cái áo giống áo của Đức Phật nhưng không thể có cái đầu và trái tim của Đức Phật ”.
Một lần, vào tháng 9 năm 1945 ôtô đưa Bác tới số 12 phố Ngô Quyền. Đồng chí bảo vệ tên là Định lúng túng thế nào để rơi quả lựu đạn ngay chân Bác. May lựu đạn không nổ. Mọi người hốt hoảng. Thấy đồng chí Định mặt tái xám vì lo sợ, Bác bình tĩnh vỗ vai nhẹ nhàng bảo: “ Lần sau chú nhớ cẩn thận hơn ”. Đồng chí Định ứa nước mắt nhìn Bác biết ơn.
Khi làm việc đồng chí Vũ Kỳ thường ngồi sau chiếc bàn kê cách bàn của Bác không xa. Mỗi khi cần trao đổi Bác không vẫy tay gọi thư ký, mà tự xách chiếc ghế mây của mình đến ngồi đối diện. Có lần Bác bảo: “ Chú gạch dưới mấy từ này ”. Không có thước nét gạch không thẳng. Bác lặng lẽ đứng dậy về bàn mình lấy chiếc thước đưa cho thư ký. Chỉ nhẹ nhàng thế thôi mà từ đó trên bàn đồng chí Vũ Kỳ lúc nào cũng có thước và nét gạch kẻ bao giờ cũng thẳng.
Có lần xe rời khỏi Phủ Chủ tịch, Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ: “ Từ đây đến chỗ họp, Bác cho chú hỏi Bác ba câu ”. Phần ngại, phần khác cũng chưa biết nên hỏi Bác điều gì, rồi “quên” luôn. Lúc về, khi xe rẽ vào Phủ Chủ tịch, Bác cười: “ Bác bảo chú hỏi Bác ba câu mà đợi đến giờ vẫn chưa thấy chú hỏi. Chú không hỏi Bác thì Bác hỏi chú. Chú có biết những cây xoài kia thuộc giống gì ? Trồng nó bằng hạt hay chiết cành ?”. Đồng chí Vũ Kỳ ấp úng rồi im lặng, không trả lời được. Bác thủ thỉ: “ Những cây xoài ấy ngày nào cũng ở bên chú, che nắng che mưa cho chú, thế mà chú không biết về nó ”.
Bác chỉ nói thế thôi mà sao càng ngẫm càng thấm thía sâu sắc về đạo lý.
Một buổi chiều Bác đi dạo, thấy mấy đồng chí cảnh vệ cưa, rìu trong tay đang chuẩn bị chặt cây bụt mọc bên bờ ao. Bác hỏi : “ Vì sao các chú chặt ?”. “ Thưa Bác cây này bị sâu bộng sắp chết rồi ạ ”. Bác bảo: “ Hạ cây thì dễ, trồng cây nuôi cây mới khó. Chỗ nào sâu bộng các chú đục khoét chỗ ấy đi, dùng vôi sát trùng cho kỹ, lấy bùn đắp lên rồi băng buộc lại. Cứu cây như cứu người ”. Các đồng chí cảnh vệ làm theo ý Bác. Cây bụt mọc không chết. Đến nay nó không chỉ cao lớn cành lá sum xuê mà còn sinh sản được nhiều cây bụt mọc khác.
Ao cá của Bác con nào cũng to, cũng đẹp. Mỗi ngày một lần đến giờ ăn Bác gõ kẻng. Nghe tiếng kẻng của Bác, nhìn bóng Bác ung dung đạo cốt như ông tiên xuất hiện là cả đàn cá ào ào bơi đến quây quần hân hoan đón đợi thức ăn Bác tung xuống. Sau khi Bác qua đời, cứ đến giờ ăn đàn cá lại quần tụ quanh cầu ao ngẩn ngơ nhớ Bác.
Hằng ngày, sau giờ làm việc buổi chiều, đồng chí Vũ Kỳ thường theo Bác dạo quanh ao cá. Một lần đang đi thấy Bác dừng, chăm chú lắng nghe tiếng con chim nhỏ đậu trên cành cây bụt mọc hót rất hay. Đợi chim hót xong bay vút lên bầu trời cao, Bác mới lại thong thả dạo tiếp. Đồng chí Vũ Kỳ nghĩ: tại sao mình không kiếm con chim có giọng thật hay đem về để ngày ngày nó hót cho Bác nghe ?
Được biết đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch Tổng Công đoàn lao động là người rất mê nuôi chim và có nhiều loài chim quý, đồng chí Vũ Kỳ tìm đến. Biết ý tưởng ấy đồng chí Nguyễn Đức Thuận tán thành ngay và chọn con chim vừa có dáng mã đẹp, vừa có giọng hót hay lại chọn chiếc lồng thật xinh đưa đồng chí Vũ Kỳ mang về. Trong thâm tâm đồng chí Vũ Kỳ muốn treo cái lồng chim ấy trên cành cây vú sữa gần cửa sổ phòng làm việc của Bác, nhưng chưa xin phép Bác nên không dám, đành treo gần cửa sổ phòng mình phía bên kia ao để từ từ thăm dò ý Bác.
Hôm sau, đi dạo đến đấy, thấy chiếc lồng chim, Bác dừng. Ngắm nghía một lúc, Bác quay lại bảo: “ Chú Kỳ dạo này lại thích nuôi chim”. Đồng chí Vũ Kỳ im lặng vì chưa hiểu ý Bác. Biết đâu đó là lời Bác phê bình. Rằng cả nước đang lo vừa sản xuất vừa chiến đấu chống Mỹ mà chú lại say mê thú chơi chim ? Cũng là đoán thế thôi nên cứ im lặng chờ xem. Ngày thứ ba đi dạo đến gần đấy bỗng con chim ở trong lồng cất tiếng hót. Bác dừng lại lắng nghe. Xong, Bác bảo: “ Con chim chú mang về hót hay lắm”. Mừng quá, đồng chí Vũ Kỳ liền nói: “ Thưa Bác ! Cháu định treo chiếc lồng chim này gần phòng của Bác để ngày ngày nó hót cho Bác vui”. Bác không nói gì. Đồng chí Vũ Kỳ lại im lặng. Lát sau khi đi đến gần cây bụt mọc, bỗng con chim nhỏ đậu trên cành cất tiếng hót. Bác dừng, chăm chú lắng nghe. Hót xong nó lại tung cánh bay vút lên trời cao. Bấy giờ Bác mới quay sang nhìn đồng chí Vũ Kỳ thong thả nói: “ Tiếng hót con chim này khác tiếng hót con chim nhốt trong lồng của chú. Đây là tiếng hót tự do của con chim tự do. Nó muốn hót lúc nào thì hót, muốn bay đi đâu thì bay. Còn tiếng hót con chim trong lồng là nỗi đau của kẻ bị giam cầm , bị bắt làm nô lệ”. Lời nói nhẹ nhàng của Bác mà nghe xong muốn toát mồ hôi. Ngay hôm sau đồng chí Vũ Kỳ đem con chim đến trả lại đồng chí Nguyễn Đức Thuận.
Lòng nhân ái của Bác bao la như trời biển. Có lẽ vì thế mà trong bài “Bác ơi !” nhà thơ Tố Hữu viết: “ Tự do cho mỗi đời nô lệ”. Mỗi “đời” chứ không chỉ mỗi “người”.
Thì ra đạo lý sống thể hiện ngay từ cách ứng xử với tất cả những gì gần gũi quanh ta, không chỉ với con người, mà cả con vật, cả từ cái cây, bông hoa, ngọn cỏ... Nhiều khi chúng ta toàn nghĩ những điều cao xa viển vông đâu đâu trong khi lại rất vô cảm, vô tình,vô đạo với những gì thường xuyên gắn bó bên ta, cùng ta, thậm chí với cả những người ruột thịt, tâm phúc ngày đêm lo lắng tận tâm chăm sóc ta.
Có lần trong lúc trò chuyện vui vẻ, đồng chí Vũ Kỳ nói: “ Thưa Bác ! Từ khi được giúp việc Bác đến nay chưa bao giờ thấy Bác nổi nóng với cháu”. Bác cười: “ Từ khi Bác làm việc với chú đến nay cũng chưa bao giờ thấy chú nổi nóng với Bác”. Lời Bác dí dỏm nhưng thật sâu sắc. Bác là cấp trên mà không nổi nóng với chú. Khác với chú là cấp dưới không nổi nóng với Bác. Chú không nổi nóng với Bác vì Bác là cấp trên, nhưng với cấp dưới chú có nổi nóng không ? Thói đời khi có chức có quyền thường cậy thế lộng hành quát nạt cấp dưới. Bác Hồ của chúng ta lúc nào cũng khiêm nhường, tôn trọng, yêu quý mọi người.
Những ngày mệt nặng trên giường bệnh, vẫy đồng chí Vũ Kỳ lại gần, giọng xúc động Bác nói: “ Người già thường khó tính. Bác vừa già lại vừa ốm nên càng khó tính. Nếu có điều gì làm các chú không hài lòng thì bỏ qua cho Bác nhé ”. Nhà thơ Tố Hữu viết về Bác : “ Người là Cha, là Bác, là Anh. Trái tim lớn lọc muôn dòng máu nhỏ”. Đó cũng chính là lòng tôn kính của chúng ta đối với Bác.
Tháng 12 năm 1954, một lão nông ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình ( Cà Mâu ) tìm gặp ba cán bộ trong đoàn quân chuẩn bị ra miền Bắc tập kết, giọng thiết tha: “ Các con ra ngoài đó thế nào cũng được gặp Bác Hồ. Ba muốn gởi cây vú sữa này các con đem ra dâng lên biếu Bác. Các con thưa với Bác rằng bà con miền Nam luôn hướng về Bác, về miền Bắc ruột thịt ”. Ba cán bộ rất cảm động nhận lời. Cây vú sữa cao chừng nửa mét bọc bầu đất đặt trong một hộp nhỏ bằng gỗ. Suốt chặng đường hàng ngàn cây số lênh đênh trên biển, cây vú sữa được giữ gìn cẩn thận và chăm sóc chu đáo. Sáng mồng một Tết Đinh mùi ( 24-1-1955 ) tầu cập bến Sầm Sơn ( Thanh Hoá ). Một trong ba cán bộ đó được theo đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, lúc ấy là uỷ viên Thường vụ Trung ương cục miền Nam ra Hà Nội. Sáng hôm sau, mồng hai Tết, trong buổi chúc đầu năm tại Phủ Chủ tịch đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh thay mặt đồng bào, chiến sĩ miền Nam dâng lên Bác Hồ cây vú sữa. Bác rất xúc động. Cây vú sữa được trồng trước căn nhà của Bác trong Phủ Chủ tịch, rồi được chuyển về phía sau gần cửa sổ phòng Bác vẫn thường ngồi làm việc. Ngày ngày Bác nâng niu chăm sóc gửi tình thương vào cây vú sữa như lời nhắn nhủ: “ Miền Nam luôn trong trái tim tôi”.
Tháng 2 năm 1969, khi ấy Bác đã mệt lắm vậy mà nghe tin có đoàn cán bộ miền Nam ra, Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đưa Bác đến thăm. Đồng chí Vũ Kỳ thưa sẽ bố trí để đoàn đến thăm Bác. Bác nói: “ Các cô, các chú ấy đi đường xa vất vả còn mệt, mình đến thăm trước là phải đạo”. Được gặp Bác, thấy Bác gầy yếu quá, nhiều đồng chí không cầm nổi nước mắt. Bác ân cần thăm hỏi từng người. Nắm tay anh Nguyễn Xuân Hữu ( anh Hữu sau này làm Bí thư tỉnh uỷ Phú Khánh ) thấy anh xanh xao hốc hác mắt Bác rưng rưng. Bác nói Bác nhớ đồng bào miền Nam lắm. Hôm sau Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đem đến hai con sâm kèm bản hướng dẫn cách sử dụng do chính Bác đánh máy tặng anh Nguyễn Xuân Hữu. Nhận quà của Bác anh Hữu khóc vì biết đó là sâm tiêu chuẩn bồi dưỡng của Bác, Bác nhường để anh dùng. Nhưng anh không dùng, coi đó là kỷ vật. Suốt bao nhiêu năm chiến đấu gian khổ, ác liệt, anh luôn giữ bên mình và cảm thấy như lúc nào cũng được Bác ở bên tiếp cho anh thêm sức mạnh. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác anh đưa hai con sâm đó tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tình cảm của Bác dành cho đồng bào miền Nam và tấm lòng của đồng bào miền Nam với Bác, nhà thơ Tố Hữu viết: “ Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà. Miền Nam mong Bác nỗi mong Cha”. Đúng là như thế.
Lần đầu tiên sau năm mươi hai năm xa cách Bác về thăm quê. Lãnh đạo địa phương mời Bác dùng bữa trưa tại Nhà khách tỉnh uỷ. Phòng rộng, bàn kê thành dãy, các món ăn được bày từng mâm đậy lồng bàn. Bác bước vào. Mọi người theo sau. Ai cũng muốn được gần Bác, được quay phim chụp ảnh bên Bác. Bác vẫy tay bảo tất cả ngồi xuống. Khi lồng bàn được mở ra, thấy thịt gà, cá rán, các món xào nấu thơm ngon, cơm giẻo trắng tinh không có độn. Bác cười: “ Các chú ăn sang nhỉ ?”. Bảo mọi người cầm đũa bát lên, xong, Bác quay nhìn đồng chí cảnh vệ. Hiểu ý Bác, đồng chí cảnh vệ đưa đến đặt trên bàn gói cơm nắm độn ngô, thức ăn là miếng cá kho và mấy quả cà. Đó là tiêu chuẩn bữa trưa của Bác. Nhìn thấy thế, vẻ hân hoan, hồ hởi không còn, mặt người nào cũng tái đi rồi cùng lặng lẽ đặt bát đũa xuống. Bác đứng dậy thong thả nói, giọng buồn buồn: “ Nước mình còn nghèo, dân mình còn khổ. Vì thế trước khi làm việc gì, ăn thứ gì các chú đều phải nghĩ đến dân, phải biết thương dân. Cái gì lợi cho dân thì làm, không lợi cho dân thì tránh. Hôm nay đã trót sắm ra thì các chú cứ ăn kẻo lãng phí ”. Nói rồi Bác dùng cơm nắm với cá kho, cà muối rất ngon lành.
Viết về việc này, nhà thơ Việt Phương trong bài “ Muôn vàn tình thương yêu trùm lên quê hương đất nước” có câu :
“ Bác thường để lại đĩa thịt gà mà ăn trọn những quả cà xứ Nghệ
Tránh nói chữ to và đi rất nhẹ cả trong vườn
Tim đau hết nỗi đau người ở chân trời, góc biển
Đến bên Người con thở dễ dàng hơn”
Bây giờ có những vị quan rất to đến dự đám cưới con một vị quan cũng rất to, tổ chức tại salon khách sạn rất sang, say sưa ngồi ăn bên mâm cỗ toàn những món đặc sản mà giá tiền một mâm cỗ ấy có thể đủ cho ít nhất hàng chục gia đình ở nông thôn chi dùng trong dịp Tết. Chủ nhân thì hỷ hả, không chỉ bởi sự hiện diện của các vị khách sộp đã làm tôn thêm “cái vẻ sang trọng” của đám cưới con mình, mà hơn thế chính họ đã làm “tấm lá chắn thép” giống như sự bảo lãnh khiến cánh báo chí dù có muốn cũng không dám chọc quậy. Mỉa mai thay hôm sau mở ti-vi lại thấy chính cái vị quan rất to ấy đang lên lớp phê phán sự sa hoa lãng phí và hô hào nhân dân tiết kiệm !
Sau Cách mạng Tháng tám thành công, để giúp đồng bào nghèo Bác Hồ kêu gọi toàn dân cứ mười ngày bớt ăn một bữa dành xuất lương thực đó cho vào “ Hũ gạo cứu đói”. Bác thực hiện rất nghiêm việc ấy. Có lần Bác đi họp về thấy đồng chí phục vụ phần cơm. Bác từ chối không ăn vì theo lịch bữa đó Bác nhịn.
Thời bao cấp, gạo thiếu, mọi cán bộ nhân viên phải ăn độn ba mươi phần trăm ngô, Bác cũng thực hiện rất nghiêm. Mỗi khi đi công tác phải đem cơm nắm theo,các đồng chí phục vụ xin Bác cho phép bỏ độn, nhưng Bác không chịu.
Bác Hồ của chúng ta là thế: lời nói luôn đi đôi với việc làm.
Tháng 7 năm 1956, Trung ương tổng kết đợt cuối cùng đánh giá, khẳng định những thắng lợi căn bản của cuộc vận động cải cách ruộng đất ở miền Bắc song cũng nhận thấy trong quá trình thực hiện ta đã phạm những sai lầm nghiêm trọng. Ngày 18 tháng 8 Bác Hồ gửi thư tới đồng bào, Người nhấn mạnh: “ Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những những sai lầm, khuyết điểm ấy và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa”. Trong một văn bản khác Bác viết: “ Một Đảng mà dấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng” ( Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 5 – trang 261 )
Bác Hồ của chúng ta là thế: biết sai kiên quyết sửa chữa.
Lời nói luôn đi đôi với việc làm. Biết sai kiên quyết sửa chữa. Đơn giản vậy thôi, nhưng đó là tư chất của người quân tử, của bậc thánh nhân. Tiểu nhân không có và không làm được. Họ thường nghĩ một đằng nói một nẻo, nói một đằng làm một nẻo. Biết sai không chịu sửa, không muốn nghe, thậm chí không cho ai nói về cái sai của mình vì thế mà lại tiếp tục phạm sai lầm.
Ngày nay chúng ta phát động phong trào “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác ”, giữa lúc thiên tai, mất mùa, lũ lụt, thất nghiệp triền miên, biết bao lương dân đói rét vậy mà nhiều quan chức tự xưng là “đầy tớ của dân”, luôn đăng đàn diễn thuyết rao giảng về đạo đức của Bác, về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” lại vẫn vẫn xe hơi nhà lầu, chỉ lo vinh thân phì gia, vô cảm trước nghịch cảnh “ kẻ ăn không hết, người lần không ra”.
Nhớ Bác càng ngẫm, càng thấy xót xa và tủi hổ vì một bộ phận không nhỏ trong chúng ta đã xúc phạm Bác, đã phụ công lao của Bác, đã mang nặng tội lỗi với Bác.
Chiến dịch Biên Giới năm 1950, khi thấy một tù binh người Châu Phi co ro vì rét, Bác liền cởi chiếc áo len đang mặc đưa cho anh ta. Người tù binh ấy xúc động nghẹn ngào. Sau này được trở về nước, chính người lính đó đã trở thành một chiến sĩ cách mạng chiến đấu giải phóng đất nước An-giơ-ri của mình khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp.
Bác Hồ của chúng ta là thế, với trẻ thơ, với người già, với cấp dưới, với đồng bào miền Nam, với nhân dân lao động, với kẻ thù, với cả cái cây trên đất, con cá dưới nước, tiếng chim hót giữa bầu trời... Đều được bao trùm bởi lòng nhân ái vị tha mênh mông cao cả của Bác.
*
Có lần Bác đến thăm một lớp bồi dưỡng chính trị cho cán bộ tổ chức trong rừng Việt Bắc. Trèo đèo lội suối, khi cưỡi ngựa, lúc đi bộ ròng rã hơn nửa ngày đường mới đến nơi. Bác vừa bước vào hội trường tất cả học viên vui mừng đứng dậy đồng thanh hô to ba lần liền: “ Hồ Chủ tịch muôn năm !”. Đợi mọi người ngồi xuống xong, Bác dơ cao tay hô lại: “ Hồ Chủ tịch muốn nằm !”. Cả hội trường cười vang.
Bác của chúng ta là thế, ung dung đạo cốt mang đặc trưng phong cách triết gia phương Đông, khiêm nhường, sâu sắc, không ưa phô trương hình thức.
Ngày nay không ít người đi tới đâu cũng muốn có băng biểu ngữ rất to: “ Nhiệt liệt chào mừng đồng chí ... ( ghi đầy đủ các chức vụ ) tới thăm, làm việc và chỉ đạo ...” . Nếu thật sự muốn học tập và theo gương Bác Hồ thì không nên làm thế vì nó trái với tư tưởng, đạo đức, tác phong của Bác, xa rời nhân dân, thậm chí để người đời coi khinh cả kẻ xu nịnh lẫn kẻ háo danh thích xu nịnh.
Một lần nhân kỷ niệm ngày sinh của Bác, đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh H đến chúc mừng và đem theo bức tượng Bác bằng đồng làm quà biếu, khấp khởi hy vọng Bác sẽ vui. Nào ngờ lại bị Bác phê bình nghiêm khắc. Bác hỏi: “ Ai cho các chú đúc tượng Bác ? Bộ đội thiếu đồng làm vỏ đạn, nhân dân thiếu đồng làm xoong, nồi. Các chú mang về, Bác không nhận !”.
Bác không bao giờ muốn đề cao cá nhân. Khát vọng lớn nhất của Bác là “ Nước nhà được độc lập, mọi người dân đều được ăn no, mặc ấm, đều được học hành”.
Trong bài “Bác ơi!”, nhà thơ Tố Hữu viết:
“ Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”
Đó là tư chất bậc thánh nhân. Khác hẳn tiểu nhân chưa làm được gì cho cộng đồng, cho xã hội đã muốn được mọi người tung hô và nghĩ tới chuyện lưu danh thiên cổ.
Đến dự lễ khởi công đại công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, về thăm các hợp tác xã nông nghiệp Bác xắn quần lội xuống bùn, xem xét kỹ từng rễ cây lúa, đếm từng hạt trên mỗi bắp ngô, cùng guồng nước chống hạn với bà con nông dân, cùng uống nước chè xanh, ăn khoai luộc, trò chuyện thăm hỏi từng người. Bác am hiểu công việc như một lão nông, gần gũi thân tình như người cha, người ông. Dường như không có khoảng cách giữa vị lãnh tụ tối cao của quốc gia với nhân dân lao động.
Bây giờ trên truyền hình, hoặc khi đăng đàn diễn thuyết người ta luôn lớn tiếng kêu gọi “ Học tập và làm theo gương Bác Hồ”, nhưng khi đến động thổ, khởi công các công trình họ diện comple, thắt cà-vạt, đi giầy da ngoại xịn bóng loáng, xỏ găng tay trắng tinh, cầm cái xẻng quấn giấy xanh đỏ, gắn chiếc nơ hình bông hoa hồng, khẽ xục vào âu cát vàng đã rửa sạch. Hệt như diễn trò trên sân khấu ! Xuống thăm đồng bào bị ngập lụt mà ngồi trên xe Toyota du lịch, không chia sẻ động viên, không nhận lỗi, lại còn lớn tiếng phê phán những nạn nhân đang khốn khổ ấy rằng thiếu chủ động tự lo cứu mình, ỷ nại vào nhà nước (!).Đến các công trường, nhà máy hoặc về nông thôn thì quan cách, khệng khạng xa rời quần chúng chỉ thích được tâng bốc, tung hô đón rước như vua chúa thời phong kiến.
Bác Hồ của chúng ta đâu có thế. Nếu thật sự thành tâm muốn học tập và theo gương Bác thì tại sao lại dám làm những việc như vậy ?
Năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, hoà bình lập lại, từ Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, Bác ở ngôi nhà mái tôn, vừa thấp, vừa chật, vừa nóng lại không đủ tiện nghi. Ngôi nhà ấy trước đây là nơi ở của mấy người thợ chuyên lo điện nước cho Phủ Toàn quyền. Các đồng chí phục vụ mời Bác lên toà nhà lớn nhưng Bác không chịu. Một buổi tối mùa hè, Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ và hai chiến sĩ cảnh vệ cùng Bác đến mấy phố đông dân trên khu Hàng Đào, Hàng Ngang, Đồng Xuân. Để xe ngoài Bờ Hồ mấy bác cháu đi bộ vào các phố. Trời nóng lại không có điện, nhiều người trải chiếu, kê ghế ra vỉa hè nằm ngồi la liệt, quạt nan, quạt giấy đập muỗi phành phạch. Không ai ngờ trong nhóm người đang đi đó có một cụ già và cụ già đó chính là Bác Hồ. Bác ghé tai đồng chí Vũ Kỳ nói nhỏ: “ Bà con mình còn khổ thế này, Bác ở đấy là tốt lắm rồi”.
Tất nhiên làm sao có thể yên tâm để Bác ở đó mãi được. Năm 1958, nhân Bác đi thăm chín nước xã hội chủ nghĩa Bộ Chính trị bàn và quyết định làm nhà để Bác ở. Lối sống của Bác là biểu tượng đặc trưng lối sống truyền thống Việt Nam, gắn bó hoà nhập với thiên nhiên, nhà bằng gỗ, có vườn cây, ao cá, cỏ cây, hoa lá tươi tốt bốn mùa, có ong bướm vẽ vòng và ríu rít tiếng chim. Quy mô vừa phải, xinh xắn, đơn giản, ít tốn kém Bác mới đồng ý ở, nếu không chắc Bác không chịu ở mà còn phê bình. Tất cả những điều đó đều được cân nhắc và mọi việc tiến hành khẩn trương. Đúng ngày 17 – 5 – 1958 ngôi nhà sàn của Bác được khánh thành. Khi về Bác đồng ý ở và ngôi nhà lịch sử ấy đã gắn bó với Bác cho tới khi Bác đi xa.
Thời kỳ đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh, điên cuồng cho không quân đánh phá miền Bắc. Trung ương cho xây hầm rất kiên cố phía tây nhà sàn mời Bác xuống đó làm việc, nhưng Bác không chịu. Bác bảo: “ Nông dân cần mẫn cày cuốc ngoài đồng, công nhân bám nhà máy sản xuất, bộ đội ngày đêm trực chiến đánh trả máy bay Mỹ. Bác xuống hầm sao được”. Thế là đồng chí Vũ Kỳ phải chuẩn bị hai cái mũ sắt để sẵn trên chiếc bàn nhỏ cạnh cầu thang nhà sàn của Bác. Mỗi khi báo động, còi ủ và khắp nơi vang lên tiếng loa truyền thanh: “Đồng bào chú ý ! Đồng bào chú ý ! Máy bay địch cách Hà Nội ... cây số. Đề nghị...” là đồng chí Vũ Kỳ vội đội cho mình chiếc mũ, một chiếc Bác đội và đưa Bác xuống hầm. Đợi khi còi báo yên lại đưa Bác lên.
Bác của chúng ta là thế. Luôn đồng cảm, chia sẻ và gắn bó mình với cuộc sống của nhân dân, của những chiến sĩ ngày đêm lao động vất vả và luyện tập, chiến đấu dũng cảm để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay trong khói lửa của bom đạn giặc Mỹ, mặc dầu tuổi đã cao, sức đã yếu Bác vẫn về thăm các hợp tác xã, đến công trường, nhà máy, ra tận sân bay, trận địa thăm hỏi động viên bà con nông dân, công nhân, bộ đội và dân quân tự vệ, cũng như những năm đánh Pháp trước đây Bác xuống tận chiến hào cổ vũ động viên chiến sĩ. Bác tới đâu là ở đấy có thêm tình người, thêm tinh thần lạc quan và sức mạnh.
Thấy tay áo của Bác sờn sắp rách, đồng chí Vũ Kỳ xin phép may áo mới, Bác không đồng ý. Bác hỏi: “Ở nhà chú, cô ấy có biết vá không ?”. “ Thưa Bác, có ạ”. “ Chú đem về nhờ cô ấy mạng lại cho Bác”.
Thấy đôi dép của Bác quai cao su, đế làm từ lốp ôtô hỏng cắt ra đã mòn vẹt, đồng chí Vũ Kỳ ra chợ Đồng Xuân mua đôi mới về thay, nhưng Bác không chịu đi. Bác bảo: “ Dép của Bác còn dùng được. Chú mua về thì chú dùng”.
Sau ngày Bác đi xa, biên bản kiểm kê tài sản của Bác chỉ vẻn vẹn mươi dòng: mấy bộ đồ đại cán bằng vải ka ki, vài bộ bà ba bằng lụa Hà Đông, mấy đôi giầy, vài đôi dép, giường, tủ bằng gỗ thường, ngay chiếu Bác nằm cũng bằng chiếu cói, quạt Bác dùng là quạt giấy, tầu lá cọ hoặc đan bằng giang ... Hầu như toàn hàng nội như những thứ mà mọi người dân lao động bình thường vẫn dùng. Không có ngà voi, trống đồng, cổ vật; không có cổ phiếu, đất đai, nhà cửa, vàng bạc đá quý, tài khoản trong nước, nước ngoài ... Rất dễ dàng đơn giản chứ không khó khăn phức tạp như việc kê khai tài sản của cán bộ bây giờ. Nhưng giá trị và ý nghĩa thì vô cùng lớn lao và sâu sắc.
Nhà thơ Thu Bồn viết :
“ Hành trang Bác chẳng có gì
Một đôi dép mỏng đã lỳ chông gai
Cho con núi rộng sông dài
Cho con lưỡi kiếm đã mài nghìn năm ...”
Cuộc sống giản dị thanh cao của Bác là cốt cách của bậc thánh nhân. Những vật Bác dùng đã đi vào thi ca, âm nhạc, sống mãi với thời gian trở thành bất tử: “Đôi dép đơn sơ. Đôi dép Bác Hồ. Bác đi từ ở Chiến khu Bác về. Phố phường, trận địa, nhà máy, đồng quê. Đều in dấu dép Bác về Bác ơi. Dép này đã trải đường dài. Đã cùng Bác vượt chông gai xây nên nước nhà...”
Bác là tấm gương “ cầm, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, là tấm gương “ người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Cũng như gần một nghìn năm trước, để chấn hưng kinh tế quốc gia Lý Thánh Tông kêu gọi dùng hàng nội và nhà vua là người nghiêm chỉnh, kiên quyết thực hiện làm gương cho các tầng lớp quan lại và mọi thần dân.
Vừa qua Bộ Chính trị phát động phong trào “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt nam”. Đó là chủ trương đúng ý Đảng, hợp lòng dân. Trong xã hội, người nghèo chiếm số đông, nhưng thật ra do kinh tế eo hẹp hầu hết họ dùng hàng Việt Nam. Cho nên đối tượng chủ yếu của cuộc vận động là các tầng lớp quan chức, nhất là quan chức cao cấp và thương gia tỷ phú. Xin các ngài hãy thành tâm học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Xin các ngài hãy kế thừa truyền thống tốt đẹp của các vua anh minh trong lịch sử dân tộc. Không thể đeo trên tay chiếc đồng hồ trị giá sáu chục ngàn đô-la, mặc bộ comple ba ngàn đô-la, đi đôi giầy năm trăm đô-la, ngồi xe du lịch ba bốn trăm ngàn đô-la mà lại đăng đàn diễn thuyết kêu gọi mọi người “ cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, kêu gọi “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt nam”. Làm như thế là xúc phạm Bác Hồ, là trái với đạo lý tốt đẹp của tổ tiên ông cha, là tự phỉ báng nhân cách chính mình.
*
Là lãnh tụ thuộc đẳng cấp siêu phàm Bác có sức cảm hoá kỳ lạ với giới trí thức nổi tiếng người Việt du học tại Pháp như Trần Đại Nghĩa, Trần Văn Giầu, Hồ Đắc Di, Dương Bạch Mai, Nguyễn An Ninh, Phạm Huy Thông ... Nhân cách, trí tuệ, đạo đức và lòng yêu nước của Nguyễn Ái Quốc khiến họ ngưỡng mộ và tình nguyện đi theo làm cách mạng. Nhà bác học Lương Định Của từ Nhật Bản về nước, chưa hiểu Việt Minh là gì, chỉ biết rằng Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc và bạn ông, một trí thức lớn như Trần Văn Giầu theo cách mạng là ông theo. Rời bỏ Sài Gòn đô hội đưa người vợ Nhật đi cùng tìm đường ra căn cứ tham gia kháng chiến. Không chỉ những người du học từ nước ngoài mà hầu hết giới trí thức trong nước cũng đều ngưỡng mộ Bác và theo Bác làm cách mạng.
Trong phép trị quốc nếu có được lòng dân và có được nhân tài sẽ só thiên hạ. Nếu mất lòng dân và nhân tài quay lưng lại thì hoạ diệt vong tất không tránh khỏi. Đó luôn là bài học sâu sắc cho những người nắm giữ vận mệnh quốc gia ở mọi thời đại.
Bác Hồ của chúng ta đã có được cả hai: lòng dân và nhân tài. Bởi thế Bác lãnh đạo cách mạng thành công, nước Việt Nam - Dân chủ - Cộng hoà ra đời mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên Hồ Chí Minh chói lọi vinh quang.
Ngày 6 – 6 – 1931 cảnh sát Anh tại Hương Cảng ập vào số nhà 186 phố Tam Lung bắt Bác đem tới giam tại nhà tù Victoria. Bấy giờ Bác lấy tên là Tống Văn Sơ. Lần này Bác được luật sư Lô-giơ-bai người Anh cứu thoát. Lô-giơ-bai đứng đầu một tập đoàn luật, dưới quyền ông hầu hết là các luật sư nổi tiếng, chỉ những vụ án lớn và những ai nhiều tiền mới dám đến nhờ cậy. Ông quan hệ rộng, uy tín cao, là bạn thân của nhiều nhân vật quan trọng trong Hoàng gia và thành viên Chính phủ Anh. Lô-giơ-bai thuộc dòng dõi quý tộc và rất yêu Tổ quốc của mình. Toà biệt thự của ông tại Hương Cảng có tới hơn ba nghìn chậu cảnh, giống cây và đất trồng đều chở từ nước Anh sang.
Năm 1960, nhận lời mời của Bác Hồ, ông bà Lô-giơ-bai cùng cô con gái sang thăm Việt Nam, khi ấy cụ ông đã ngoài tám mươi tuổi. Bác Hồ của chúng ta đón tiếp gia đình luật sư Lô-giơ-bai như người ruột thịt. Luật sư Lô-giơ-bai rất vui. Trong cuộc tiếp xúc với báo chí ông kể lại: hôm ấy đi làm về, vào nhà ông thấy hai người Châu Á ngồi chờ ở phòng khách. Họ nói rằng họ là người Việt Nam yêu nước. Một đồng chí của họ mới bị cảnh sát Anh tại Hương Cảng bắt. Được biết luật sư luôn dành cảm tình với những chiến sĩ đấu tranh cho độc lập tự do nên họ đến nhờ gíup đỡ. Không biết tại sao hôm ấy ông vui vẻ nhận lời ngay, rồi sau đó đến nhà tù gặp Tống Văn Sơ. Tiếp xúc khoảng hơn một giờ thôi nhưng luật sư Lô-giơ-bai đã vô cùng cảm phục Tống Văn Sơ, đôi mắt sáng như sao, nói tiếng Anh tuyệt vời, kiến thức uyên bác, đúng là một người yêu nước chân chính. Ông kể lại với phu nhân về ấn tượng của mình với Tống Văn Sơ khiến bà rất ngạc nhiên, bởi chưa bao giờ bà thấy ông ca ngợi một người nào như thế và xin ông cho đến thăm Tống Văn Sơ.
Hôm sau, một người bạn gái thấy bà chọn mua hoa quý, hỏi mua tặng ai ? Bà nói tặng một người yêu nước Việt Nam trong tù. Bạn bà càng ngạc nhiên. Phu nhân luật sư Lô-giơ-bai mua hoa quý tặng phạm nhân thì chắc người đó phải xuất chúng nên tò mò muốn đi cùng. Bà Lô-giơ-bai đồng ý. Người bạn ấy chính là phu nhân ngài thị trưởng thành phố Hương Cảng. Cũng chỉ tiếp xúc chừng một giờ thôi nhưng cả hai người phụ nữ quý phái đều rất kính trọng và ngưỡng mộ Tống Văn Sơ. Về nhà phu nhân luật sư Lô-giơ-bai bàn với ông nhận bào chữa miễn phí cho Tống Văn Sơ. Bà chỉ nghĩ đơn giản, con gái họ đã đến tuổi đi học, nếu cứu được Tống Văn Sơ mời ông làm gia sư... Luật sư Lô-giơ-bai thì nghĩ khác. Tống Văn Sơ là nhà yêu nước người Việt Nam mà ông kính phục. Trước đây ông đã bào chữa cho một nhà yêu nước người Trung Quốc trắng án, sau này người đó trở thành lãnh tụ của cuộc Cách mạng Tân Hợi, đó là Tôn Dật Tiên. Nay ông nhận bào chữa cho Tống Văn Sơ biết đâu sau này ông ấy cũng trở thành lãnh tụ của cách mạng Việt nam. Tuy động cơ khác nhau, nhưng cả hai ông bà Lô-giơ-bai đều thống nhất phải cứu Tống Văn Sơ.
Trước hết bằng ảnh hưởng và uy tín của mình luật sư Lô-giơ-bai yêu cầu chính quyền Anh tại Hương Cảng phải đưa Tống Văn Sơ ra toà xét xử công khai. Vì nếu không chắc chắn cảnh sát Anh sẽ nhận tiền rồi bí mật giao Tống Văn Sơ cho mật thám Pháp thủ tiêu.
Phiên toà gây tiếng vang lớn, bởi rất ít khi đích thân luật sư Lô-giơ-bai và những đồng sự giỏi của mình cùng tham gia tranh tụng để bênh ực Tống Văn Sơ. Kết quả Tống Văn Sơ trắng án.
Từ toà án về nhà, chỉ mấy giờ sau, vẫn hai người Việt Nam lần trước đến gặp luật sư Lô-giơ-bai, cám ơn ông và lo lắng thông báo với ông rằng Tống Văn Sơ vừa được trả tự do liền bị một nhóm côn đồ bịt mặt xông vào bắt cóc, hiện không biết chúng đưa đi đâu. Chắc chắn màn kịch này do mật thám Pháp và cảnh sát Anh dàn dựng. Không tìm cách giải cứu ngay thì tính mạng Tống Văn Sơ nhất định bị đe doạ. Luật sư Lô-giơ-bai điện đi nhiều nơi ở Hương Cảng, gọi cả về Anh quốc nhưng vẫn không biết “bọn côn đồ” đưa Tống Văn Sơ đi đâu. Phu nhân của luật sư cũng rất băn khoăn. Bà tìm gặp phu nhân ngài thị trưởng. Hai người bàn bạc. Tối hôm ấy, rất khôn khéo vợ thị trưởng dò hỏi từ ông chồng mới biết Tống Văn Sơ đang bị “giam lỏng” trong một tu viện lớn. Ở đấy có những quy định rất nghiêm ngặt người ngoài khó lọt vào được.
Mấy ngày sau, bằng nhiều cách luật sư Lô-giơ-bai móc nối được với một người tâm phúc trong tu viện và qua đường dây bí mật này ông gửi vào bộ y phục chỉ dành cho linh mục cao cấp gồm đầy đủ quần, áo, giầy, mũ, kính kèm bức thư dặn Tống Văn Sơ đúng giờ hẹn mặc vào rồi ra cửa phía Tây sẽ có người đón. Mọi việc trót lọt và ngôi biệt thự sang trọng của luật sư nổi tiếng Lô-giơ-bai đã hân hạnh lưu giữ nhà chí sĩ yêu nước lớn Tống Văn Sơ. Rồi mươi ngày sau cũng do luật sư thu xếp ông bí mật xuống tầu biển đi Xiêm La (Thái Lan).
Sang Việt Nam lần này luật sư Lô-giơ-bai mang theo bộ y phục linh mục đã có công cứu Tống Văn Sơ gần ba chục năm trước mà ông đã giữ rất cẩn thận. Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam vinh dự được tiếp nhận hiện vật vô giá đó ( bộ y phục này hiện trưng bày tại tầng hai nhà Bảo tàng cách mạng Việt Nam ). Bằng giọng vui vẻ, vị luật sư tóc bạc phơ rất khả kính nói: “ Từ đó tới nay tao luôn treo ảnh Tống Văn Sơ trong phòng làm việc của mình”. Mấy cán bộ bảo tàng ngỏ ý muốn được xin luật sư tấm ảnh đó về lưu giữ. Ông cụ cười: “ Chúng mày làm bảo tàng, thế tao không biết làm bảo tàng sao ?”. Tất cả cùng cười, tình cảm thân thiết như trong gia đình.
Sau chuyến thăm Việt Nam một thời gian luật sư Lô-giơ-bai qua đời. Năm 1969 khi biết tin Bác Hồ tạ thế, tuổi già sức yếu cụ bà Lô-giơ-bai không sang Hà Nội viếng tiễn được, gia đình cụ gồm con gái, con rể đều là hai nhà toán học nổi tiếng thế giới cùng các cháu lập bàn thờ Bác, để tang Bác đúng như quốc tang ở Việt Nam và hơn ba nghìn cây cảnh quý trong biệt thự đều thắt băng tang.
Bác Hồ của chúng ta là thế. Kể cả các nhân vật nổi tiếng thế giới, nếu có hân hạnh được biết Bác, gặp Bác đều ngưỡng mộ, kính trọng bởi nhân cách, đạo đức, trí tuệ của Bác.