Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÓ MỘT NGƯỜI ĐÃ VÀO CÕI TRƯỜNG SINH (kỳ 3)

Đắc Trung
Thứ sáu ngày 2 tháng 4 năm 2010 1:41 PM

3

      Từ đầu năm 1965 sức khoẻ của Bác đột nhiên suy giảm rất nhanh. Tay trái, chân trái bị tê và Bác thường ho về đêm. Bác sĩ đề nghị Bác không hút thuốc lá. Chi bộ Đảng nơi Bác sinh hoạt họp ra nghị quyết: sức khoẻ đồng chí Hồ Chí Minh là tài sản của Đảng, của Nhà nước. Để bảo vệ tài sản ấy đề nghị đồng chí bỏ thuốc lá.
      Bác Hồ chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết của chi bộ.
      Việc làm đơn giản thế thôi, nhưng Bác đã dạy chúng ta bài học rất sâu sắc. Rằng nếu có giữ chức vụ nào trong Đảng cũng không được quên trước hết mình là đảng viên, phải hòan thành tốt nghĩa vụ và trách nhiệm đảng viên, phaỉ đặt mình ngang mọi người chứ không được tự coi mình trên mọi người. Có giữ chức vụ gì trong Đảng, dù to đến đâu cũng không được coi cá nhân mình là Đảng. Bởi cá nhân chỉ là đảng viên, còn Đảng là tổ chức. Không được coi ý kiến người khác trái, thậm chí phản đối ý kiến của mình mà gán chụp cho người ta là chống Đảng. Đó là ngộ nhận, là chuyên quyền độc đoán, là vi phạm nguyên tắc của Đảng.
      Tháng 5 năm 1965 Bác “ viết sẵn mấy lời để lại” gồm ba trang đề ngày 15. Đó là những dặn dò của Cha già dân tộc với các lớp đàn em cùng con cháu. Chỉ ba trang thôi nhưng từng chữ, từng câu được chắt lọc, rút ra từ bộ óc lớn, trái tim lớn, nhân cách lớn, từ tấm lòng nhân ái mênh mông cao cả của một người có công lớn và trách nhiệm lớn với đất nước, với dân tộc. Chỉ ba trang thôi nhưng đã toát lên những vấn đề trọng đại của quá khứ, hiện tại và tương lai; của quốc gia và quốc tế; của cả việc chung và việc riêng. Chỉ ba trang thôi, nhưng “đồng bào trong nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi trên thế giới” đều thấy có mình, đều được nhận từ đó những tình cảm ấm áp và sự quan tâm sâu sắc.
      Bác không gọi “Di chúc” mà coi đó là “ mấy lời để lại”. Bác không dùng từ “chết” mà gọi là “đi xa”. Bởi Bác là người đầy bản lĩnh và rất lạc quan. Dù trong giam cầm tù tội Bác vẫn tin “ hết mưa là nắng hửng lên thôi” và vẫn làm thơ để “ vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do” ( “ Nhật ký trong tù” ). Đó là tư chất cốt cách người phi thường.
      Nhà thơ Chế Lan Viên viết rất hay khi đem chúng ta so với Bác:
“ Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
Hạnh phúc đựng trong một tà áo hẹp
Một mái nhà  tranh rủ bóng xuống tâm hồn”
       Uớc mơ của chúng ta thật nhỏ bé: một mái nhà, có nghề nghiệp và việc làm, có vợ ( hoặc chồng ) khoẻ mạnh, đạo đức tốt, có những đứa con ngoan ngoãn, chăm học...
      Còn uớc mơ của Bác là nước được độc lập, dân được tự do ...
“ Một canh, hai canh, lại ba canh
Trằn trọc, băn khoăn giấc chẳng thành
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt
                                 Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh” ( “Nhật ký trong tù” )
      Để có sức khoẻ lãnh đạo cách mạng, Bác không ngừng và kiên trì rèn luyện thân thể: đi bộ, chơi bóng, tập khí công, thái cực quyền. Trong bài “ Muôn vàn tình thương yêu trùm lên quê hương đất nước” nhà thơ Việt Phương viết:
“ Bẩy nhăm tuổi Bác vẫn thường ném bóng
Chiếc gạt tàn thuốc lá đã hàng năm thôi nóng trên bàn
Con biết lòng Người quyết sống cho miền Nam
Con biết lòng Người quyết sống cho Việt Nam và thế giới”
      Nhưng sinh-lão-bệnh-tử là quy luật. Dẫu có là thánh nhân cũng không thể cưỡng lại được. Mỗi năm sức Bác càng cạn kiệt.
      Ngày 12 tháng 8 năm 1969 Bác bị cảm nặng. Đến 18 tháng 8 Bác bị cảm lại, nặng hơn, sốt rất cao, không ăn được, ngủ ít, mồ hôi ra nhiều, lúc mê lúc tỉnh. Trung ương lo lắng tập trung các giáo sư bác sĩ giỏi ngày đêm túc trực chăm sóc Bác. Nhưng do tuổi cao, sức yếu lại thêm hậu quả những năm bị tù đầy làm bệnh tình Bác ngày càng tăng, sức càng suy kiệt, từng cơn đau dồn đến. Sự chịu đựng của Bác thật phi thường. Ngất đi thì thôi, tỉnh lúc nào Bác lại cố mỉm cười để các đồng chí trong Bộ Chính trị khỏi lo.
      Ngày 1 tháng 9 năm 1969 Bác lên cơn đau tim nặng. Bác mệt lắm, ngất luôn. Tỉnh lại thấy các đồng chí trong Bộ Chính trị nhìn Bác khóc. Bác lại cố mỉm cười. Ngoài trời mưa tầm tã. Đài phát thanh liên tiếp báo tin bão khẩn cấp. Bác thều thào giọng rất yếu: “ Các chú lo chống bão, kẻo mất mùa dân đói, dân khổ”. Mắt Bác chứa chan lệ khiến không ai cầm lòng nổi, có người khóc nấc lên. Bác ơi ! Cả đời Bác lo cho dân cho nước. Đến những phút cuối cùng trước khi đi xa Bác vẫn đau đáu thương dân đói, dân khổ.
      Lát sau Bác bảo cho các cháu vào hát để Bác nghe. Một cô y tá laị gần xúc động hát bài “ Câu hò trên đất Nghệ An”. Nghe xong, Bác bùi ngùi nói: “ Bác nhớ quê quá. Nhớ nhà quá”. Vừa nghẹn ngào vừa gượng cười khiến đờm lại kéo lên họng làm Bác khó thở, rồi lịm đi.
      Bác tỉnh lại, nhưng sức kiệt quá rồi. Bác đưa mắt ý bảo đồng chí Vũ Kỳ lại gần, giọng rất yếu: “ Nếu Bác đi xa chú nhớ ra công an cắt hộ khẩu cho Bác” . Trời ơi, Bác là Chủ tịch nước vậy mà lúc nào Bác cũng coi mình là một công dân và cho đến những phút cuối cùng của cuộc đời Bác vẫn lo hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm công dân.
      Thế mà bây giờ không ít người mới có tý chức tý quyền thôi đã quên mình là công dân , đặt mình trên dân, coi thường dân, lo cho dân thì ít, tìm mọi cách lo cho mình và hành dân thì nhiều. Những kẻ như thế đâu có xứng đáng là con cháu của Bác.
      5 giờ sáng ngày 2 tháng 9 năm 1969 cơn đau tim khác lại ập đến. Bác kiên cường chịu đựng. Bác chỉ tỉnh được ít phút, lại ngất. Các đồng chí Bộ Chính trị đứng quanh Bác khóc.
      Đúng 9 giờ 47 phút tim Bác ngừng đập.
      Một thánh nhân vĩ đại đã ra đi.
      Nỗi đau đớn bao trùm khôn tả xiết.
      Tối 2 – 9 – 1969 quanh hồ Hoàn Kiếm người đông như nêm chen chúc, hồi hộp chờ đợi. 8 giờ...8 giờ 30...rồi 9 giờ 30 vẫn im ắng. Không khí lạ lắm. Người ta xì xào bàn tán: “ Tại sao mít tinh mừng Quốc khánh năm nay vắng Bác ? Không diễu binh, không duyệt binh, pháo hoa cũng không thấy bắn, văn nghệ cũng không chỗ nào biểu diễn ?”. Họ ra về với tâm trạng buồn và lo lắng.
      4 giờ 45 phút ngày 4 – 9 – 1969 Đài tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt. Giọng phát thanh viên nghẹn ngào: “Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam vô cùng đau đớn báo tin để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta biết: Đồng chí Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã từ trần hồi...”.
      Tin sét đánh đó làm mọi người choáng váng. Dưới những loa truyền thanh công cộng người đứng ngồi chen chúc nhau cùng oà khóc nức nở. Trong các công sở, nhà máy, công trường, xí nghiệp, trong từng gia đình từ người già đến trẻ em không ai cầm nổi lòng mình, tiếng khóc cùng oà lên với nỗi đau xé lòng. Từ Hà Nội đến mọi miền đất nước bao trùm không khí tang tóc. Không ai nói với ai, chỉ đưa mắt lặng nhìn nhau và nếu có người nào nhắc tới Bác là tất cả lại khóc. Mọi gia đình, mọi cơ quan, mọi nhà máy xí nghiệp đâu đâu cũng lập Bàn thờ Bác khói hương nghi ngút. Nhìn ảnh Bác vầng trán cao lồng lộng, đôi mắt sáng long lanh đầy nhân từ là lại nghẹn ngào khóc. Đài tiếng nói Việt Nam liên tục phát về tiểu sử tóm tắt của Bác, Thông báo của hội nghị liên tịch, Lời kêu gọi của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Điện chia buồn của các nước anh em...
      Buổi tối đường phố đông ních người. Mặc trời mưa to, từ khắp nơi bà con dồn về Ba Đình. Đường Trần Phú, Hoàng Diệu, Hùng Vương, Lê Hồng Phong, Điện Biên Phủ... chật lèn. Các cụ già đầu tóc bạc phơ, tay cầm bó hoa tươi, tay cầm thẻ hương nghi ngút khói bám dựa vào nhau khóc thảm thiết. Các anh thanh niên, các chị phụ nữ ấp mùi xoa lên mặt mình nức nở. Các cháu thiếu nhi gục đầu vào nhau khóc rũ rượi. Nước mắt hoà nước mưa tràn xuống mặt. Các đồng chí công an dàn hàng ngang để giữ trật tự mà không sao cất nên lời, cũng nức nở khóc theo.  Đồng bào đến Ba Đình mỗi lúc một đông. Không ai để ý đến mưa gió, đến những gì diễn ra xung quanh, nỗi đau cuốn hết tâm trí. Mọi người hướng về phía Phủ Chủ tịch, nơi đó Bác đã từng ở và làm việc, nơi đó giờ đây Bác đang yên nghỉ.
      Bác ơi, chúng con biết lấy gì đến đáp công ơn trời biển của Bác. Có Bác mới có Tổ quốc Việt Nam độc lập ngày nay, mới có chúng con, những người dân thoát khỏi vòng xiềng xích nô lệ. Bác hy sinh cả đời mình cho mọi người bị áp bức. Đời Bác đã trải qua bao gian lao vất vả, bao phen bị săn đuổi, bị tù đầy, chịu bao đói rét, phải trèo đèo lội suối, ngủ trong hang núi, nằm giữa rừng sâu, những đêm đông giá rét cơm không đủ no, áo không đủ ấm, ốm đau không đủ thuốc. Bác phải từ giã quê hương, xa người thân ruột thịt bôn ba khắp rốn bể chân trời tìm đường cứu nước, cứu dân. Phải lam lũ vất vả làm đủ nghề từ phụ bếp, bồi bàn, thợ ảnh, thợ vẽ, thợ sắp chữ, viết báo, bán báo để kiếm sống và hoạt động cách mạng. Suốt đời Bác chỉ có một mục đích là sao cho “ nước nhà được độc lập, dân được ấm no, mọi người có cơm ăn áo mặc và được học hành”. Suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược Bác phải chịu biết bao gian truân vất vả vậy mà chẳng bao giờ Bác nghĩ cho riêng mình. Bác dành tình thương cho đồng bào, cho các chiến sĩ, các đoàn dân công ngoài mặt trận, thương các cháu thiếu nhi không được đi học, thương các cụ già không người chăm sóc. Đánh Pháp vừa xong lại tiếp đến đánh Mỹ, mặc dù tuổi già sức yếu Bác vẫn phải ngày đêm lo trăm công ngàn việc. Bác sống giản dị, khiêm nhường, quần nâu, áo vải, dép lốp cao su. Ngay đến lúc qua đời Bác cũng chỉ bận bộ đồ vải ka-ki đã cũ. Trọn đời vì nước vì dân, vậy mà khi vĩnh biệt chúng con Bác không hề đòi hỏi gì cho mình. Trong “mấy dòng để lại” Bác dặn: “ Sau khi tôi qua đời chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”. Bác đã dành tất cả tình thương yêu cho chúng con. Phần mình, chúng con xin nguyện dâng trọn lòng tôn kính và biết ơn lên Bác. Xin nguyện thực hiện bằng được những điều Bác dạy.
      Trước bàn thờ Bác, con xin đính chiếc băng tang vào “Nhật ký” giữa những trang con ghi về nỗi đau trong ngày mất Bác:
“ Con đính chiếc băng tang vào nhật ký
Ôm giữa tim mình nỗi nhớ niềm thương
Trái tim nhỏ con mang tình nghĩa lớn
Hạt cát vàng thấm vị mặn đại dương
Con đính chiếc băng tang vào nhật ký
Những dòng ghi từ thuở biết làm người
Ôi, tim con máu nhuộm màu chân lý
Từ tuổi nào biết gọi “ Bác Hồ ơi !”
 
Con đính chiếc băng tang vào nhật ký
Để suốt đời nhớ mãi những ngày qua
Cả Trời - Đất sụt sùi tuôn nước mắt
Dân tộc nghiêng mình đau đớn nỗi mất Cha
Con đính chiếc băng tang vào nhật ký
Dưới bút tích “ Lời di chúc” của Người
Điều tiên tri khắc sâu từng ký ức
Cộng đau thương để nhân sức cho đời ”
                                                                                          Hà Nội  ngày tang Bác  9 – 9 - 1969
      Ngày  9  tháng 9 năm 1969 Lễ truy điệu Bác được tổ chức trọng thể tại quảng trường Ba Đình – Hà Nội. Nơi đây vào ngày 2 – 9 – 1945 Bác đã trịnh trọng đọc bản  “ Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nước Việt Nam – Dân chủ - Cộng hoà.
     Hàng vạn người từ khắp nơi đổ về khu Ba Đình, trật tự, lặng lẽ xếp hàng theo từng đơn vị chỉnh tề đội ngũ. Hàng trăm quốc gia trên thế giới gửi điện chia buồn, cử đoàn ngoại giao hầu hết do các nguyên thủ dẫn đầu đến viếng Bác. Vào giờ này nỗi đau tang tóc không chỉ bao trùm khu Ba Đình, mà bao trùm cả Hà Nội và khắp mọi miền đất nước. Trên khán đài phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các đồng chí Trường Chinh, Trần Quốc Hoàn ... mắt người nào cũng đỏ hoe, lệ tràn mi. Cả quảng trường lặng đi khi nghe trên loa truyền thanh giọng đồng chí Lê Duẩn nghẹn ngào:
   
   “ Hồ Chủ tịch của chúng ta không còn nữa !
      Tổn thất này vô cùng lớn lao ! Đau thương này thật là vô hạn !
      Dân tộc ta và Đảng ta mất một vị lãnh tụ thiên tài và một người thày vĩ đại !
      Phong trào cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và loài người tiến bộ mất một chiến sĩ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết !
      Đồng bào và chiến sĩ cả nước ta thương nhớ Người khôn xiết. Anh em và bầu bạn khắp năm châu cùng chia sẻ nỗi đau buồn sâu sắc của chúng ta...
      Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta ...!”
    
       Những phút giây im lặng tôn nghiêm. Từng ý, từng lời trong “Điếu văn” qua giọng đọc trầm ấm đầy cảm động của đồng chí Lê Duẩn truyền đến trái tim mọi người Việt nam trên khắp các miền đất nước qua hệ thống truyền thanh trực tiếp từ thành phố đến nông thôn, từ đồng bằng lên miền núi, từ đất liền ra biển đảo, từ miền Bắc vào miến Nam đến tận từng địa đạo và từng chiến hào ngoài mặt trận. Toàn dân, toàn quân nuốt nước mắt vào tim, nén tang tóc trong lòng thầm hứa với anh linh của Bác biến đau thương thành hành động, quyết đoàn kết phấn đấu thực hiện bằng được lòng mong ước của Bác.
      Hai mươi mốt loạt đại bác vang rền tiễn đưa nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị Cha già - Người Anh hùng dân tộc vĩ đại - Một trí tuệ lớn - Nhân cách lớn – Trái tim lớn và lòng nhân ái mênh mông cao cả về cõi vĩnh hằng .
      Hen-rích Héc-man, nhà báo Tây Đức, hân hạnh được có mặt tại lễ truy điệu lịch sử này ông đã viết một loạt bài ca ngợi Bác Hồ, trong đó có đoạn:
      “ Trên thế giới này, nếu có ai đó đang tự coi mình là lãnh tụ, thì hôm nay hãy đến quảng trường Ba Đình - Hà Nội dự Lễ tưởng niệm cố Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi tự kiểm xem mình đã xứng đáng chưa”.
        Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, ông Mao Trạch Đông, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Trung Quốc đã trân trọng gửi tới viếng Bác đôi câu đối:
      “ Chí khí tráng sơn hà. Cổ, kim anh hùng duy hữu nhất.
        Minh tinh quang nhật nguyệt. Á, Âu hào kiệt thị vô song”
   Dịch là: Vị anh hùng chí khí rải khắp non sông đất nước - từ xưa tới nay chỉ có một.
                 Ngôi sao ánh sáng chiếu tới cả mặt trời mặt trăng - cả Á, Âu không có hai.
      Trong bài “Bác ơi!” nhà thơ Tố Hữu viết: “ Bác sống như Trời - Đất của ta” .
      Bác là Trời – là Đất – là Vũ Trụ - là Thiên nhiên bao la vô tận luôn tạo ra sự sống cho muôn loài.
            Bởi thế Bác đã đi vào cõi trường sinh  !
                                                        Hà Nội đêm 25 – 11 – 2009
                                         Tại số nhà 10 Ngõ 73 Giang Văn Minh – Ba Đình