Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHÍA TRƯỚC CÒN LẮM GIEO NEO

Phạm Quang Trung
Thứ bẩy ngày 3 tháng 4 năm 2010 5:35 AM
  •     (Tham luận tại Hội thảo Văn học Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Đà Lạt - 1/4/2010)
       
     Tôi xin phép được phát biểu đôi điều trong cái nhìn từ xa nhưng chắc chắn không phải với tư cách của một người ngoài cuộc. Chẳng phải người ta vẫn thường xem Thành phố Hồ Chí Minh thuộc miền Đông Nam Bộ đó sao! Song, cái chính là tôi luôn quan tâm tới sáng tạo không biết mệt mỏi và không ít thành tựu của các anh, các chị.  Đặc biệt của thế hệ nhà văn trưởng thành sau 1975. Không thể kể ra trong một đôi dòng những tên tuổi chói sáng, cả trên lĩnh vực văn xuôi lẫn trên các lĩnh vực thi ca, lý luận, phê bình, từ lâu đã trở nên thân thuộc đối với độc giả cả nước. Đó là niềm tự hào chung của cả đội ngũ nhà văn chúng ta – một niềm tự hào chính đáng và cần được thừa nhận rộng rãi. Trong cái nhìn từ xa tất sẽ có những bất cập. Có thể vì thế mà ý kiến tôi nêu ra chưa thật đúng và thật trúng. Nhưng nhìn từ xa thì lại dễ khách quan hơn. Để tập trung và hữu ích, tôi chỉ xin đề cập tới những vấn đề hiện đang đặt ra cho văn chương Thành phố Hồ Chí Minh trong khát vọng hướng tới những bước phát triển mới cao-xa hơn về phía trước.  Đó là những vấn đề gì vậy?

    1. Việc phát huy tiềm năng sáng tạo của cả đội ngũ viết văn

     Có thể nói mà không sợ quá lời rằng đội ngũ viết văn Thành phố Hồ Chí Minh rất đông đảo và rất hùng hậu. Trong số khoảng 300 cây bút của Hội Nhà văn Thành phố đã có tới gần phân nửa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Số lượng như vậy có lẽ chỉ đứng sau trung tâm văn chương Thủ đô Hà Nội mà thôi. Không ít các nhà văn từng sống và làm việc ở đây đã được vinh danh bằng các giải thưởng văn chương có giá trị, như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng ASEAN… Họ thuộc nhiều thế hệ và đến từ nhiều vùng đất khác nhau trong cả nước. Phần nào chung một định hướng sáng tạo nhưng mỗi người mỗi vẻ, nhiều tên tuổi lấp lánh thứ ánh sáng riêng mang sức hấp dẫn và lan tỏa rộng rãi. Tuy nhiên, nếu được hỏi các thành viên Hội Nhà văn Thành phố là chúng ta đã thật sự phát huy hết mọi tiềm năng sáng tạo của cả đội ngũ viết văn chưa thì chắc không một ai dám khẳng quyết. Chỉ xin nêu một dẫn dụ gần như ai cũng biết nhưng hầu như ai cũng có phần e ngại là: Hội đã làm gì để tập hợp các cây bút trẻ, nhất là những cây bút quen xếp vào dòng văn chương ngoài luồng, ngoài lề? Do hoàn cảnh lịch sử đặc thù, Thành phố Hồ Chí Minh dường như là một địa phương duy nhất so với cả nước nhiều năm nay đã âm thầm tồn tại những nhóm văn chương như thế. Họ viết một cách phóng khoáng. Có thể nói không chịu bất kỳ sự giàn buộc nào cả. Về khuynh hướng, và cả về thi pháp. Tác phẩm của họ thường ít xuất hiện công khai dưới hình thức xuất bản chính thống. Vì vậy, các diễn đàn mạng là mảnh đất chính nuôi dưỡng sáng tạo của họ. Tính đa tạp của dòng văn chương này là dễ thấy. Ảnh hưởng của nó trên thực tế là không nhỏ. Cũng không phải chỉ có một chiều. Nếu tinh ý và công bằng thì phải thừa nhận là không phải tất cả sáng tác của họ đều là “rác rưởi” như một vài người nghĩ đâu. Có cái đáng học hỏi, chí ít cũng đáng suy ngẫm. Trong đời sống văn chương cởi mở như hiện nay, không thể và không nên làm ngơ trước sự thật này. Vấn đề là ta cần ứng xử với nó ra sao để vừa tác động vào dòng chảy của nó, lại vừa cuốn hút nó theo những xu hướng văn chương tích cực và tiến bộ mà dân tộc và thời đại đang cần. Tôi biết làm được vậy quả không dễ dàng gì. Nhưng chẳng lẽ với tư cách là một tổ chức nghề nghiệp chính thống, Hội Nhà văn Thành phố lại cứ ngoảnh mắt làm ngơ?

    2. Việc thu hút sức sáng tạo văn chương từ bên ngoài

    Thành phố Hồ Chí Minh cùng một số thành phố lớn ở miền Nam có ưu thế rõ rệt về sức thu hút những sáng tác văn chương Việt ở nước ngoài. Trước đây đã từng có nhiều e ngại đến từ phía này hay từ phía kia. Rất dễ giải thích, và vì thế, rất dễ cảm thông. Có điều, khi Nghị quyết của Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam về người Việt Nam ở nước ngoài ra đời mà tinh thần chính quán xuyến là coi hơn 3 triệu Việt kiều ở khắp nơi trên thế giới là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc thì mọi chuyện xem ra đã dần dần được tháo gỡ. Vậy không rõ Hội Nhà văn Thành phố đã làm những gì và dự định sẽ làm những gì để thúc đẩy mối quan hệ thiết yếu này? Theo thiển ý của tôi, những gì ta làm được hình như chưa thật nhiều và chưa thật hiệu quả. Dự định phía trước xem ra cũng chưa thật rõ. Trong khi sự mong đợi của chúng ta phải nói là rất lớn. Cũng có thể nói là rất da diết. Bởi nếu có điều kiện tìm hiểu văn chương Việt Nam hải ngoại một cách thận trọng và khách quan, ta sẽ nhận ra không ít những yếu tố hợp lý có thể góp phần thúc đẩy quá trình đưa văn chương nước nhà mau chóng hội nhập thành công với văn chương hiện đại của nhân loại – cái điều mà không một ai tha thiết với nền văn chương dân tộc lại không ấp ủ. Những yếu tố hợp lý trong văn chương Việt Nam hải ngoại tôi vừa nói tồn tại ở mọi nơi trên mọi lĩnh vực. Ngay cả lý luận, phê bình vốn gắn chắt với ý thức hệ cũng không là ngoại lệ. Tôi dám cả quyết như thế vì đây là lĩnh vực tôi quan tâm nghiên cứu trong nhiều năm nay, và đã có những bài viết công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước. Ở đây, nếu mạnh dạn làm một phép so sánh thì hình như ở Thành phố Huế giới nhà văn làm được nhiều hơn. Tất nhiên, không phải mọi chuyện đều xuôi chèo mát mái cả. Thậm chí có chuyện diễn ra còn gây nhức nhối nữa kia. Có điều, phải mạnh dạn mà làm thôi trước khi sự thể trở nên quá trễ tràng. Khi đó thì thiệt thòi trước hết thuộc về thế hệ đến sau. Hãy làm bất cứ những gì cần làm và có thể làm. Như vậy, mai này con cháu sẽ không có nguyên do chính đáng để trách cứ chúng ta được.

    3. Việc thúc đẩy hoạt động lý luận, phê bình văn chương 
     
    Gần đây, lý luận, phê bình văn chương được đặc biệt quan tâm. Nhất là những người trong giới. Dễ hiểu thôi! Biết bao vấn đề mới nảy sinh trong đời sống văn chương rất cần được lý luận soi tỏ. Sáng tác của nhà văn chưa bao giờ phong phú và đa tạp như bây giờ rất cần tiếng nói trung thực, thẳng thắn, tích cực của phê bình. Trong khi, chẳng cần chú tâm theo dõi cũng có thể nhận biết được hiện trạng đích thực của lý luận, phê bình nước ta ra sao rồi. Thành tựu thì bất cập. Đội ngũ thì mỏng và phân tán. Rất nhiều lời ta thán đã thốt ra. Ở ngoài xã hội cũng như trên các diễn đàn. Kể cả những diễn đàn chuyên sâu đầy trách nhiệm… Trong tình hình ấy, có thể Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh rất dễ buông xuôi khi xem đó là thực trạng chung, ai cũng có một phần trách nhiệm trong đó. Vì thế, ai cũng phải đưa vai ra để gánh vác. Đáng mừng là trong chúng ta, kể cả những người hay lớn tiếng chê bai, hầu như ai cũng thấy được vai trò quan trọng, không thể thay thế được của lý luận, phê bình trong sự phát triển chung của văn chương. Tôi có một anh bạn viết văn thường phàn nàn về phê bình và giới phê bình, thế mà trong lần gặp gỡ mới đây đã tự vấn bằng cách trân trọng nhắc lại câu nói nổi tiếng của Nhà thơ Raxum Gamzatov: “Các nhà văn không có phê bình sống dễ thở hơn, song văn chương lại trở nên nặng nề hơn”. Có thể xem đó là một hiện tượng điển hình cho lối ứng xử thất thường của giới sáng tác đối với giới phê bình, chẳng ai lấy làm lạ cả!
    Có điều, tình hình lý luận, phê bình văn chương ở Thành phố Hồ Chí Minh từ sau ngày Toàn thắng 1975 đến nay, với tôi, là lạ, thậm chí luôn là lạ. Nơi đây có nhiều khoa Văn thuộc các trường đại học hàng đầu trong cả nước. Nó lại được nối dài theo trục thời gian với văn chương đô thị miền Nam 1954-1975. Truyền thống và tiềm lực như thế không một ai có thể xem thường. Vậy trong suốt 35 năm qua, đội ngũ chuyên về lý luận, phê bình ở Thành phố ra sao? Và đi liền với nó là thành tựu về lý luận, phê bình ở Thành phố như thế nào? Chắc không một ai trong chúng ta dám đưa ra câu trả lời lạc quan, dầu cũng có chừng có mực thôi. Thực đáng buồn, phải không các anh, các chị? Tôi không dám đổ lỗi cho ai cả. Nhưng hình như ai cũng có lỗi thì phải. Người trọng trách càng cao, càng nặng thì lỗi càng nhiều. Đặc biệt là đội ngũ trực tiếp hoạt động trên lĩnh vực lý luận, phê bình. Chỉ xin đề nghị là ta nên nói ít mà làm nhiều hơn, và làm những việc thiết thực, thật thiết thực. Chẳng hạn, Ban chấp hành Hội Nhà văn Thành phố nên kết hợp với các Khoa Văn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Trường Đại học Sư phạm lập dự án nghiên cứu văn chương Thành phố Hồ Chí Minh 1975-2010. Tôi dám chắc nếu được triển khai quyết liệt, đến nơi đến chốn, thì một dự án tương tự sẽ rất bổ ích. Vì hình như ta chỉ biết hùng hục viết và viết. Rất ít khi dừng lại để đánh giá những gì ta đã làm. Nhìn lại sẽ góp phần tạo nên sức mạnh để đi tiếp. Ai cũng đều biết vậy mà!
    Trở lên trên là một vài ý kiến thẳng thắn của riêng tôi. Đó chỉ là cách nhìn nhận của một cá nhân. Nếu có thể gợi ý được chút ít nào cho việc định hướng hoạt động của Hội Nhà văn Thành phố trong thời gian tới thì người viết đã cảm thấy hoàn thành nhiệm vụ đặt ra của tham luận này rồi!
    Chúc cuộc Hội thảo của chúng ta thành công như mong đợi.

    Đà Lạt, 27/03/2010
    PQT.