Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÌNH BÀI THƠ TÌM NGƯỜI LÊN KINH KỲ NĂM ẤY

Lê Hoài Nam
Thứ hai ngày 29 tháng 3 năm 2010 5:21 AM
Bình bài thơ Tìm người lên Kinh năm ấy của Phạm Trọng Thanh 
                   
   Tìm người lên Kinh năm ấy
 
   Sáng rời Hương Sơn, đêm trấn Vĩnh Dinh
   Sớm vượn hú ngàn chiều chuông gióng sóng
   Tuổi cao đi thuyền, đi bộ, đi cáng
   Rẽ lối nhân gian bởi lệnh Chúa vời
   Ký sự lên Kinh vừa đi vừa chép *
   Viết sách làm thơ trị bệnh cứu người
   Bệnh hủ bại công hầu
   Can gì đến thuốc !
   Bệnh lũ kiêu binh trở giáo lên lầu
   Bệnh đám con trời bệnh nơi vương phủ
   Thừa mứa cửa quyền tan hoang phường phố
   Thuốc nào chữa được bệnh thời thế xưa ?
   Loài thảo dược cũng chẳng nương tà khí
   Huống nữa lương y tâm ý đạo trời
   Đọc nghìn trang sách hiểu nghìn chứng trạng
   Lánh bụi phồn hoa tìm chốn rừng cây
   Thương cả nỗi đau hang cùng ngõ hẻm
   Mới mong chẩn trị - mới mong làm thầy
   Án thư đặt trên thạch bàn Hà Tĩnh
   Hải Thượng Y tông tâm lĩnh truyền đời **
   Trở lại chốn xưa không còn phủ Chúa
   Tìm về phố cũ tên người y nguyên
   Gặp ở giảng đường gặp nơi y viện
   Một ngày Hải Hậu cho tôi nhìn lên
   Tượng đài danh sư áo bạc râu bạc
   Giữa những bệnh nhân giữa những người thầy
   Hải Thượng Lãn Ông cuộc đời ghi tạc
   Biết mấy lo toan y đức còn đây !

Bệnh viện Hải Hậu, ngày 6/6/2009
Phạm Trọng Thanh 

   
Lời bình của nhà văn Lê Hoài Nam:

Khi bình một bài thơ, theo cách thường gặp, người ta bình nội dung trước, nghệ thuật sau, nhưng với bài Tìm người lên kinh năm ấy của nhà thơ Phạm Trọng Thanh, tôi muốn làm ngược lại, không phải cho có vẻ khác đời mà cái chính là cho hợp với logic của tác phẩm.
Tìm người lên kinh năm ấy có cấu trúc lạ. Viết về một sự kiện lịch sử: danh y Hải Thượng Lãn ông được chúa Trịnh Sâm vời lên kinh chữa bệnh; lần thứ nhất chữa cho thế tử Trịnh Cán; lần thứ hai thì chữa cho cả hai cha con. Ta thử nói về lần thứ nhất, vào năm 1782. Xã hội Việt Nam lúc này, nhà hậu Lê đã bước vào thời mạt, chúa Trịnh lạm quyền, chuyên chế. Trong cung vua thì vắng vẻ như tu viện, trong phủ chúa thì điện đài lộng lẫy, đèn nến sáng trưng cả ngày lẫn đêm, ăn chơi đàng điếm xa hoa. Bên ngoài cổng thành, nạn bạo hành, nạn kiêu binh nổi lên. Dân chúng bị bỏ mặc, chỉ còn mỗi một việc gò lưng kéo cày làm ra sản vật nộp sưu thuế, khi có lệnh bắt lính thì đi lính. Đói khát, bệnh tật. Nạn cờ bạc, trộm cắp nổi lên như rươi. Tiếng kêu ai oán nổi lên khắp nơi nhưng không thấu qua bốn bức tường phủ chúa.
Từ nhiều năm trước đó, Hải Thượng đã cáo hoàn cảnh khó khăn, giã từ quân ngũ lui về quê ngoại vùng rừng núi Hương Sơn – Hà Tĩnh sống ẩn dật, học và hành nghề lương y. Vào cái thời điểm chúa Trịnh vời lên kinh đô, Hải Thượng đã 62 tuổi, từng quen với cuộc sống an bài trị bệnh cứu người nơi thôn dã, không còn màng tới chốn quyền quý nơi đô hội. Chuyện được nhà chúa vời lên kinh là tình thế nhà danh y không bao giờ ngờ tới. Cũng chỉ vì tài cao đức trọng của Hải Thượng khi ấy đã danh bất hư truyền, không cánh mà bay xa vạn dặm. Thoạt đầu Hải Thượng toan từ chối, nhưng tự thấy như thế là can tội phạm thượng, thế là ông đành phải khăn gói ra đi. Ông đi trong tâm thế những mong ra kinh đô tìm cơ hội để xuất bản bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh là chính, còn chuyện chữa bệnh cho thế tử, cho chúa, ông sẽ gắng mang hết khả năng tâm sức, nhưng ông không thật tin lắm rằng tay nghề của mình sẽ đắc dụng.
Nếu theo thông lệ, vào phần mở đầu, nhà thơ Phạm Trọng Thanh phải đưa ra cái “căn cớ” để ông viết bài thơ, rồi sau mới viết đến chuyện Hải Thượng lên kinh, thì đằng này tác giả làm ngược lại, song lại là sự làm ngược có lý. Bập vào câu đầu tiên và kéo hết khổ một và khổ hai, tác giả “đi” thẳng vào chuyện Hải Thượng Lãn ông lên kinh:
  Sáng rời Hương Sơn, đêm trấn Vĩnh Dinh
  Sớm vượn hú ngàn chiều chuông gióng sóng
  Tuổi cao đi thuyền, đi bộ, đi cáng
  Rẽ lối nhân gian bởi lệnh chúa vời.
Ba câu trên chỉ là trần thuật việc ra đi, nhưng đến câu thứ tư thì rõ ràng là một câu thơ hay. Haỉ Thượng khi ấy đã hòa mình với nhân quần, là người của nhân gian, nhưng rồi bất chợt ông phải “rẽ lối nhân gian”, rẽ lối tức là phải đi làm cái việc mà ông không mong, không ngờ tới: lên kinh đô chữa bệnh cho nhà chúa. Một tài năng đa diện như Hải Thượng, ông không thể để chuyến đi lên kinh vô vị, nhạt nhẽo; tận dụng nó không những để tìm cơ hội in sách thuốc mà ông còn viết nên một tác phẩm văn chương bất hủ:
  Ký sự lên kinh vừa đi vừa chép
  Viết sách làm thơ trị bệnh cứu người.
Hải Thượng bước chân ra khỏi nhà cũng là lúc ông bắt đầu viết những trang đầu tiên cho tác phẩm Thượng kinh ký sự. Đúng là bên trong ông thầy thuốc kiệt xuất Hải Thượng có một nhà văn, nhà thơ trứ danh Hải Thượng. Nói cách khác, Hải Thượng chữa bệnh cứu người bằng cái tài của nhà y phối kết với tinh thần nhân văn thăm thẳm trong một nhà văn hóa lớn.
Tài năng nhường ấy, nhưng liệu Hải Thượng có chữa nổi bệnh cho thế tử Trịnh Cán không? Ta hãy đọc khổ thơ thứ hai:
  Bệnh hủ bại công hầu
  Can gì đến thuốc!
  Bệnh lũ kiêu binh trở giáo lên lầu
  Bệnh đám con trời bệnh nơi vương phủ
  Thừa mứa cửa quyền tan hoang phường phố
  Thuốc nào chữa được bệnh thời thế xưa?
Xin kể một tình tiết: Khi Hải Thượng đã lên đến kinh đô bắt mạch kê đơn cho thế tử Trịnh Cán, thì đám quan thái y vốn dĩ ghen ghét với tài năng của nhà danh y, chúng đã đánh tráo thuốc để rồi bệnh Trịnh Cán không khỏi. Chỉ một tình tiết ấy cũng đủ minh chứng thứ “bệnh hủ bại công hầu”, “bệnh đám con trời bệnh nơi vương phủ”. Nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là những căn bệnh người ta dễ nhìn thấy, còn biết bao căn bệnh khó kê đơn  thành tên nữa, chỉ có thể gọi chung là “bệnh thời suy mạt”; chính thứ bệnh ấy mới làm “tan hoang phường phố” mới là không thuốc nào trị nổi! Giá trị của bài thơ chính là ở cái điểm nhấn đầy ấn tượng này.
Giá trị tác phẩm càng được củng cố vững chắc thêm khi đến khổ thứ ba, tác giả nói về quá trình để trở thành một danh y kiệt xuất, Hải Thượng đã phải “Đọc ngàn trang sách, hiểu ngàn chứng trạng/ Lánh bụi phồn hoa tìm chốn rừng cây/ Thương cả nỗi đau hang cùng ngõ hẻm/ Mới mong trấn trị, mới mong làm thầy...”. Và mặc dù ở chốn thâm sơn cùng cốc, không hề có một chút trợ lực của văn hóa kinh thành, Hải Thượng vẫn chữa được bao nhiêu căn bệnh hiểm nghèo, cứu sống bao mạng người; rồi băng kinh nghiệm, bằng học hỏi các bậc tiền bối, Hải Thượng còn biên soạn nên một bộ sách y học đồ sộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh, gồm 28 tập, 66 quyển...Cho dù thế thì Hải Thượng cũng hoàn toàn bó tay trước chứng bệnh ghê gớm của thời đại, “vô tư” như cỏ cây cũng phải “chào thua”:
  Loài thảo dược cũng chẳng nương tà khí
  Huống nữa lương y tâm ý đạo trời.
Thật chí lý! Đây là hai câu thơ “thần” làm nên một thi phẩm thấm đẫm giá trị nhân văn, người đọc khó mà quên được.
Đến khổ thứ tư nhà thơ mới nhẹ nhàng nói về cái “căn cớ” để ông có cảm xúc viết bài thơ, không có gì đáng phải bình giải nhiều. Nếu có điều cần nói thì xin “bật mí” một chút vể cái địa danh “Hải Hậu” trong bài. Đó là một chuyến đi du hí tùy hứng của mấy anh em viết văn làm báo chúng tôi tự tổ chức, chúng tôi ghé thăm bệnh viên đa khoa huyện Hải Hậu. Trong khuôn viên bệnh viện này chúng tôi được chiêm ngưỡng pho tượng Hải Thượng Lãn ông rất uy nghi, như có thần thái, do Thượng tướng anh hùng LLVT Nguyễn Huy Hiệu tặng. Phạm Trọng Thanh cứ ngắm pho tượng rất lâu, gương mặt lộ vẻ xúc động, cái tứ của bài thơ Tìm người lên kinh năm ấy đã hình thành từ giờ khắc này.
Vào cuối tháng 6 năm 2009, nhóm bạn bè ở Nam Định tổ chức liên hoan tiễn chân tôi về Hà Nội, vào giờ khắc chia tay, nhà thơ Phạm Trọng Thanh đưa cho tôi bản thảo bài thơ mà chúng ta đang nhắc tới, anh nói: “Tặng Nam”. Đọc, tôi rất vui, vì cảm nhận đây có thể coi là một trong những bài thơ hay của Phạm Trọng Thanh, vui hơn nữa khi tôi được anh tặng. Nhưng tôi không dám khoe với ai, bởi “tự kỷ ám thị”: mình lên kinh đô là để viết văn viết bào nhì nhằng nuôi con trai học đại học, chứ đâu có được bề trên nào “vời” lên để làm cái việc mệnh hệ như cụ Hải Thượng? Còn cái điều mà tôi linh cảm đã đến: tháng 2 năm 2010, trong lễ kỷ niệm ngày thầy thuộc Việt Nam, Tìm người lên kinh năm ấy đã được giải nhì cuộc thi thơ viết về ngành y do báo Gia đình và xã hội tổ chức.
    Hà Nội tháng 3 năm 2010.