Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÔI ĐÃ NGÁN XE GẮN MÁY

Vũ Duy Chu
Thứ ba ngày 30 tháng 3 năm 2010 7:05 AM
 
Ra khỏi nhà, tôi cũng như bao nhiêu người dân Sài Gòn đã sẵn tâm lí thế nào cũng sẽ phải chôn chân giữa những vòng xoáy kẹt xe triền miên. Thật là ngán ngẩm phải ngồi trên xe gắn máy mỗi ngày. Có người bảo: Sao ông không đạp xe đạp, không đi xe buýt?
Có chứ, tôi đã đi xe buýt, đạp xe đạp nhiều lần. Nhưng xe buýt thì khi nào thật rảnh rỗi bạn hãy bước lên xe. Xe buýt vừa xấu, vừa bẩn, vừa chậm đã đành, khi xuống xe bạn còn phải thêm một cuốc xe ôm nữa, qua vài con phố, dăm con hẻm ngoằn ngoèo mới đến được nơi cần đến. Còn xe đạp ư? Hai ba cây số còn được, chứ đạp xe hàng chục cây trong khói bụi mù mịt giữa chang chang nắng mùa khô, giữa cuồn cuộn nước như sông trên các con phố mùa mưa, thì không ai có thể chịu được.
Thế thì chỉ còn cách duy nhất là cưỡi xe máy mà thôi. Việt Nam là đất nước nhiều xe gắn máy và nhiều chủng loại xe gắn máy nhất thế giới. Cái sự nhất này đã đeo bám chán chê đằng đẵng mấy chục năm rồi. Tôi từng thấy những du khách Á – Âu - Mỹ ngạc nhiên đến sửng sốt trên vỉa hè góc đường Lý Tử Trọng – Pasteur, quận 1, khi cả một rừng xe máy rầm rầm lao đi lúc tan tầm. Họ chụp ảnh, quay phim, chuyện trò xì xồ, có người cười khoái chí. Nhưng rồi họ phải xanh mặt run rẩy ngay lập tức lúc phải băng qua đường. Năm 2008, diễn viên điện ảnh Hồng Kông Dương Tử Quỳnh đến thăm Hà Nội theo lời mời của Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á, đã nói rằng: Đóng phim hành động còn dễ hơn đi xe máy ở Hà Nội. Nhưng không riêng gì Dương Tử Quỳnh, bất kỳ người dân nào từ các tỉnh xa về Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng đều sợ hãi khi ngồi trên xe gắn máy.
Trên một website chính thống thống kê rằng gần 70% số tai nạn giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh là do xe gắn máy gây ra. Hiện thành phố này đang quản lý hơn 4 triệu xe mô tô, gắn máy. Bình quân mỗi ngày có gần 1000 xe gắn máy đăng kí mới, mỗi năm lại tăng hơn 10% so với năm trước. Ấy là chưa kể thêm khoảng 1 triệu xe từ các tỉnh đi vào thành phố mỗi ngày.
Người Việt Nam đã coi xe máy là phương tiện đi lại phù hợp duy nhất mấy chục năm nay, từ thành thị tới nông thôn. Thật là một thị trường béo bở cho các đại gia nhập khẩu và cho các hãng xe máy trên thế giới đua nhau nhảy vào kiếm ăn. Từ xe máy nghĩa địa của Nhật, của Hàn, Thái Lan, xe máy Tàu, đến các hãng danh tiếng Piaggio của Ý, Harley Davidson của Mỹ đều có mặt. Nhập khẩu chưa đủ, người ta liên doanh với nước ngoài xây các nhà máy sản xuất xe máy tại chỗ. Hai nhà máy của Honda công suất 1,5 triệu xe/ năm, Suzuki 60.000 xe/năm, Yamaha cho ra đời 1 triệu sản phẩm chi tiết, phụ tùng/ năm. Piaggio 100.000 xe/năm. Ấy là chưa kể hàng triệu xe của hãng SYM Đài Loan. Hãng Lifan của Trung Quốc cũng tung ra thị trường vô số kể…
Nghe tin này không biết nên buồn hay vui: Việt Nam sẽ trở thành trung tâm thiết kế và lắp ráp xe máy lớn nhất khu vực. Dự tính, năm 2010 Việt Nam có 24 triệu xe máy, năm 2015 là 31 triệu chiếc, năm 2020 là 33 triệu chiếc. Còn tại hội thảo” Tương lai của vận tải hành hành khách công cộng” ngày 5.3.2010 tại thành phố Hồ Chí Minh do Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt - Đức tổ chức, người ta đưa ra những con số nổi gai: Việt Nam mỗi năm mất 4 tỉ đô la do tắc đường, riêng thành phố Hồ Chí Minh 13.000 tỷ đồng. Trung bình mỗi giờ người dân thành phố đi được 9 km.
Làm sao biết được bao giờ thị trường xe máy Việt Nam sẽ bão hòa. Bởi cơ sở hạ tầng giao thông đì đẹt, không sao đuổi kịp tốc độ gia tăng dân số đô thị. Thế thì xe máy vẫn còn lên ngôi, càng lên ngôi càng kẹt đường. Những người khá giả nhưng đầu óc thực tế sẵn sàng mua một chiếc xe máy Nhật, Ý, Mỹ 150, 175 phân khối, chứ không mua chiếc ô tô Matiz hay Kia Morning bốn chỗ cũng chỉ xấp xỉ ngần ấy tiền. Tiền gửi ô tô mỗi tháng bạc triệu, chạy như rùa bò trên đường, muốn đỗ không có chỗ. Giờ cao điểm, muốn ra sân bay cho kịp chuyến bay, muốn đón đưa con cái đi học thêm, chỉ còn nước ngồi xe máy. Hầm hố, lô cốt nhan nhản trên đường, xe máy vọt lên vỉa hè, tạt vào một con hẻm nào đó, luồn lách rồi cũng đến nơi. Ô tô thì đành chịu trận.
Các nhà quản lí giao thông dường như đã bất lực trước nạn kẹt xe. Tại những cuộc họp Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, khi bị chất vấn gay gắt về nạn kẹt xe, ngập lụt bao giờ chấm dứt, vị quan chức có trách nhiệm trả lời khoảng… 15 năm nữa. Nghĩa là, ngay khi đang chức vị này cũng không chịu trách nhiệm gì, nói chi hơn mười lăm năm sau.
Người ta đưa ra các sáng kiến thuộc “hàng khủng”: Xe biển số lẻ đi ngày lẻ, biển số chẵn đi ngày chẵn. Rồi lập các trạm đầu cầu. Trước khi vào thành phố, người dân phải gửi xe máy ở các trạm này, rồi leo lên xe buýt. Rồi khuyến khích xe máy chở người. Rồi mỗi người dân đô thị chỉ được sở hữu một xe. Rồi chị em ngực lép thì không được đi xe máy. Rồi các cơ quan ban ngành bố trí lệch giờ làm việc. Tăng mức xử phạt vi phạm giao thông, tăng phí trước bạ, phí lưu thông, dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, lề đường. Rồi tăng lực lượng cảnh sát giao thông, đưa lực lượng thanh niên xung phong tham gia điều khiển giao thông, lắp thêm camera giao lộ….Những sáng kiến này, cái thì chết yểu ngay trên giấy, ngay khi vừa phát biểu xong, cái thì ngắc ngoải một thời gian rồi chết. Bây giờ, thêm một biện pháp mới nữa là siết chặt việc dân nhập cư vào Hà Nội, chưa biết thế nào.
Thế mới biết bày ra cuộc chơi thì dễ, kết thúc cuộc chơi mới khó. Trên thế giới này, có nước nào người dân từ đi bộ, một bước lên ô tô mà không qua một thời gian đạp xe đạp, đi xe gắn máy? Vậy nước người ta đã làm những gì và làm thế nào để hạn chế được, thậm chí cấm hẳn đi xe gắn máy trong các đô thị lớn mà người dân vẫn ủng hộ?
Tuyên truyền, vận động thực hiện văn minh giao thông chúng ta đã làm từ lâu lắm rồi. Chẳng có cách tuyên truyền nào sinh động trực quan cho bằng cứ ra đường là gặp cảnh sát giao thông tay cầm còi, vai đeo túi đựng hóa đơn phạt tiền. Có ai không ít nhất một lần chứng kiến tai nạn kinh hoàng từ xe máy. Những con số thống kê lạnh lưng: Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2009, cả nước có 6.231 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.827 người, bị thương 3.975 người. Ai mà tránh khỏi chuyện đứng hàng giờ giữa một rừng xe máy ầm ầm, dưới trời mưa như trút, dưới nắng nóng khói bụi mù mịt. Chị em phụ nữ đầu đội mũ bảo hiểm, miệng bịt khẩu trang, tay đeo găng qúa khuỷu, mặt che khăn, mắt đeo kính râm, bức bối hơn cả trang phục phụ nữ đạo Hồi. Hiệu ứng bức xúc đám đông góp phần làm nên sự hỗn loạn giao thông không kiểm soát nổi.
Có thể nói, chính tầm nhìn và cung cách quản lý của các nhà lãnh đạo đã làm nên những đô thị xe máy khủng khiếp như hiện nay. Văn hóa tham gia giao thông của người dân có yếu kém thật, nhưng cũng chỉ là hệ qủa của cung cách quản lí, cung cách điều hành nói trên mà thôi.
Năm 1982, cơ quan tôi cả trăm người làm việc ở 137 Pasteur, quận 3, cũng chỉ có 5,7 chiếc xe máy cũ, còn lại toàn xe đạp. Tương tự, 20 năm trước đây, cứ 5 người dân Bắc Kinh thì 4 người dùng xe đạp. Đến giai đoạn kinh tế Trung quốc nhảy vọt, số người dùng ô tô tăng lên nhanh chóng, người đi xe đạp có giảm đi. Nhưng cả thế giới hiện vẫn phải thừa nhận Bắc Kinh, Thượng Hải là Vương quốc xe đạp. Hiện nay người ta đang khôi phục và xây dựng mới những làn đường đẹp nhất dành cho xe đạp. Sẽ có hàng trăm ngàn xe đạp cho thuê tại các bến xe khách, xe buýt, bến tàu điện ngầm vào năm 2015. Dự báo năm năm nữa, một nửa số dân Bắc Kinh sẽ dùng phương tiện giao thông công cộng…
 Tôi đã ngán xe gắn máy. Nói cho cùng, chẳng ai muốn phơi mình ra giữa nắng mưa với cái xe gắn máy cả. Nhưng biết làm thế nào?
TP. Hồ Chí Minh, tháng 3.2010
V.D.C