Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN XUÂN ĐỨC TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TOQUOC.VN

Theo Toquoc.vn
Thứ ba ngày 30 tháng 3 năm 2010 10:33 PM
(Toquoc)-Kết nạp hội viên là một trong những vấn đề chính trong điều hành hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam. Tiến tới Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần VIII, Báo điện tử Tổ Quốc dành bài phỏng vấn đầu tiên với nhà văn Xuân Đức, người có nhiều kiến nghị đáng quan tâm đối với vấn đề này. 
 
Nhà văn Xuân Đức từng tham gia ba kỳ Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam gần đây. Trên trang web của ông gần đây có bài "Tiến tới Đại hội VIII Hội Nhà văn Việt Nam" với rất nhiều kiến nghị đáng quan tâm, nhất là vấn đề nhân sự, kết nạp Hội viên... 
PV: Nhà văn đã chỉ ra một trong những điều bất cập nhất của mô hình Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) hiện nay là gần đây có 3 kỳ Đại hội không bầu đủ một Ban Chấp hành (BCH), và bản thân ông nhận định: "Lần Đại hội tới liệu có khắc phục được không? Tôi dám cá cược rằng không". Vậy là người đã từng có mặt cả 3 kỳ Đại hội đó, ông thấy sự thiếu hụt này đã ảnh hưởng đến hoạt động của Hội Nhà văn như thế nào?
Nhà văn Xuân Đức: Tôi vào HNVVN năm 1982, đã tham gia Đại hội IV, V, VII... Đây cũng là giai đoạn biến động nhất của tổ chức Hội Nhà văn. Mỗi lần Đại hội HNVVN là mỗi lần dư luận cả nước hết sức chú ý. Đặc biệt là chuyện bầu bán. Danh sách đề cử có khi lên đến gần 200 người, vận động rút mãi xuống khoảng dưới 100 người thì bắt đầu bỏ phiếu, vậy mà kết quả có khi là 5, có khi là 6 người. Việc không đủ số lượng thành viên BCH là hết sức hạn chế công tác hội. Một hội lớn, có vị trí tập họp lực lượng sáng tác toàn quốc, đáng ra phải có số lượng thành viên BCH tương đối rải đều các vùng miền, đại diện được tâm tư nguyện vọng, phản ánh được tương đối đầy đủ các mặt hoạt động của hội viên. Có đủ số lượng thành viên BCH thì mới bầu được Thường vụ Hội. Ban thường vụ sẽ là người thực thi các nghị quyết của BCH, chịu sự kiểm tra của BCH. Đằng này, Ban chấp hành quá ít, chỉ còn đúng như một Ban thường vụ. Năm năm mới có một kì Đại hội, vì thế công việc của cái số rất ít như là "Ban thường vụ" ấy, không có một cấp nào thay mặt Đại hội kiểm tra giám sát. Hội viên thì không thể giám sát được. Vì vậy việc BCH bất cập là điều đương nhiên.
PV: Về vấn đề kếp nạp Hội viên, ông kiến nghị Hội Nhà văn nên giống như các Hội khác như Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nhạc sĩ... để giải quyết sự "tồn đọng" đơn xin vào Hội Nhà văn. Hiện nay Hội Nhà văn đã có nhiều ý kiến đánh giá là không còn "thiêng" như trước, vậy kết nạp một cách dễ dàng như vậy có làm cho độ thiêng ấy mất thêm đi không?
Nhà văn Xuân Đức: Trước hết tôi xin nhắc lại, quan điểm của tôi về chuyện kết nạp Hội viên không phải vì mục đích trước mắt là "giải quyết tồn đọng" mà muốn Hội trở lại đúng với tôn chỉ mục đích là một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp. Nói ngắn gọn, đây là một nghiệp đoàn. Không thể để cho những người có nghề, đang làm nghề và rất tha thiết được ở trong tổ chức nghề nghiệp mà lại phải chịu cảnh đứng ngoài tổ chức. Như thế là bất công và cũng không đúng với chủ trương tập hợp của Đảng và Nhà nước về việc cho thành lập các Hội nghề nghiệp.
Còn chuyện Hội Nhà văn có "thiêng" hay không còn "thiêng" lại do quan niệm của từng người. Trước hết, cần xác định xem thế nào là "thiêng"? Số ý kiến cho rằng việc kết nạp nhiều sẽ mất thiêng chính là số người cố tình biến tổ chức Hội thành cõi riêng của các bậc anh tài đặc biệt. Đây chính là căn bệnh tự làm sang của một số người. Và trên thực tế, trước con mắt của hàng trăm đồng nghiệp khác, người ta lại thấy những người đó chẳng phải ai cũng anh tài kiệt xuất, cũng làng nhàng vậy thôi, nếu không muốn nói là có nhiều người kém cỏi nữa. Vì thế nên người ta thấy Hội không còn thiêng nữa. Có thể ví von thế này. Bấy lâu người ta đồn rằng Miếu ấy có vị Thành Hoàng rất thiêng, cầu gì được đấy. Nhưng qua trải nghiệm, nhiều người thấy rõ, Thành Hoàng cũng chẳng ra gì, nên cái Miếu ấy không còn thiêng nữa.
Riêng tôi thì quan niệm rằng, muốn xã hội và những người nghề nghiệp coi Hội là nơi rất đáng trân trọng thì trước hết Hội phải chứng tỏ mình là một tổ chức của tất cả những ai đang làm nghề, kết nạp họ, động viên họ, giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi cho họ. Người viết cảm thấy đến với Hội, họ có thêm nghị lực, thêm điều kiện để sáng tác và công bố tác phẩm. Mọi người phải nhìn thấy tổ chức Hội là nơi tập họp đông đảo bạn nghề, người thiên tài và cả những người tài năng còn hạn chế, không phân biệt đẳng cấp, tôn trọng, đùm bọc nhau.
Cái mà dư luận cho rằng Hội Nhà văn hiện không "thiêng" nữa không phải vì số lượng hội viên đã đông lên, mà chính là người ta thấy chán, không còn tình cảm thao thiết với nó nữa.
PV: Ông có cho rằng đó cũng là một "khác biệt" của Hội Nhà văn? Và sự "khác biệt" này vì sao không nên tồn tại nữa?
Nhà văn Xuân Đức: Đúng thế. Nó khác vì mang tiếng là Hội, nhưng nó không còn là Hội nữa. Nó là một tổ chức đầy quyền năng. Quyền năng về việc thu nạp con người và quyền năng trong việc tạo ra dư luận xã hội về sự nghiệp sáng tác văn học của cả nước. Theo tôi, từ nay cần loại bỏ ngay cái khái niệm cõi thiêng ấy. Hội Nhà văn đừng tự cho mình là cái gì đó quá đặc biệt. Nó thật sự chỉ là một hiệp hội nghề nghiệp, thế thôi.
PV: Nhà văn nghĩ sao khi những người cầm bút không vì Danh hiệu Nhà văn mà vì nhu cầu tự thân?
Nhà văn Xuân Đức: Không có gì phải nghĩ nhiều chuyện đó cả. Đó là bản chất của sự sáng tạo. Người cầm bút đích thực sẽ viết vì trăn trở với điều cần viết. Thậm chí có khi cầm bút viết ra một trang chữ, nhà văn còn linh cảm thấy mình có thể gặp rắc rối, có thể mất việc, có thể cô đơn. Nhưng nếu có đủ dũng khí thì vẫn viết. Cả đến cuộc sống bình thường người viết chân chính còn dám đánh đổi, làm sao lại đặt ra tiêu chí viết để có danh hiệu nhà văn?
PV: Nếu đã mở rộng cánh cửa kết nạp Hội viên thì có nên gắn nhà văn với các danh hiệu: Nhà văn nhân dân, Nhà văn ưu tú không? Và tiêu chí sẽ là gì: chất lượng văn chương, hay giải thưởng khi mà giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn cũng có nhiều ý kiến rồi?
Nhà văn Xuân Đức: Kết nạp Hội viên không hạn chế số lượng, chứ không phải kết nạp đại trà. Tôi chưa khi nào nói là cần kết nạp đại trà, vì nói thế rất dễ hiểu nhầm. Là một Hội nghề nghiệp, đương nhiên Hội viên cũng cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghề nghiệp. Hiệp hội những người lái tắc-xi đương nhiên phải có nghề lái xe và đang hành nghề lái xe tắc-xi. Kết nạp Hội viên không hạn chế có nghĩa là ai đang hành nghề, có khả năng nghề (được chứng minh bằng một số lượng tác phẩm đã xuất bản nhất định) thì đều được vào Hội, không cần phải làm thêm động tác xét duyệt xem tài năng người ấy ở đẳng cấp nào, có thật sự là những tài năng lớn hay không? Có đặc biệt xuất sắc hơn nhiều người khác không?
Và như thế, Hội chỉ là tổ chức tập hợp, chứ không phải là nơi vinh danh. Vì vậy, Nhà văn rất cần sự vinh danh của Nhà nước. Sự vinh danh Nhà văn Nhân dân, Nhà văn ưu tú... thì cũng dựa theo tiêu chí gần giống như các lĩnh vực khác thôi. Có 2 tiêu chí quan trọng nhất là tài năng và sự cống hiến. Việc lượng hoá hai tiêu chí này là việc của các cơ quan có thẩm quyền, không phải việc của tôi. Còn giải thưởng Văn chương là việc làm cần thiết. Nó có nhiều ý nghĩa đối với người sáng tác. Cũng có đôi khi giải thưởng không chính xác, đó là chuyện bình thường, cần rút kinh nghiệm chứ không phải để loại bỏ. Nhưng Giải thưởng chỉ là một kênh tham khảo về tài năng và sự cống hiến. Nó quan trọng và không phải là tất cả.
* Cảm ơn nhà văn.