Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÀI THƠ "CHẬP CHỜN" CỦA TRẦN ANH THÁI

Vũ Bình Lục
Thứ sáu ngày 19 tháng 3 năm 2010 5:36 AM
 
“Mọi con đường đều dẫn đến thành Rôm”. Cũng có nhiều nẻo đường dẫn đến cõi thơ. Có con đường “trực tuyến”, với thơ là trực cảm. Có con đường “vô tuyến”, với thơ là quanh co uốn khúc, thăng giáng hàm ẩn ý tình. Người đọc phải miên man nghĩ ngợi, rồi bất ngờ vỡ ra những xúc cảm đa chiều. “Chập chờn” của Trần Anh Thái là một bài thơ như vậy.
  “Chiều tắt nắng
  Đêm dâng bứt dứt sau thềm”
 Hai câu mở đầu, vừa đủ, để gợi mở một không gian, một thời gian cụ thể: Đã tắt ánh ngày, đã tràn ngập màn đêm. Nhưng là “Đêm dâng bứt dứt sau thềm”. Đã thấy thấp thoáng cái tình thơ ở chỗ “đêm dâng bứt dứt”, được Người hoá, đang cồn lên, nhấp nháy những nỗi niềm khó tả.
 Thấy ngờ ngợ cái chữ “sau thềm”. Sao không phải là “trước thềm”? Bởi nếu như đứng ở trong nhà mà nhìn ra ngoài trời, thì đêm phải “dâng” ở trước thềm, chứ sao lại ở sau thềm? Chỗ mà người thơ đang đứng, đang quan sát và cảm nhận, là một ngôi nhà có thềm trước cửa, ở nông thôn hay thành thị?...Thì đây:
  “Ngoài kia trăng lên
  Phố chảy mềm sáng tối
  Ai sau góc phố khóc thầm”
 Không gian và thời gian, sau phút giao hoà âm dương sáng tối, dường như có phần mông lung diệu vợi. Rồi trăng lên. Đã thấy “Phố chảy mềm sáng tối”và thấp thoáng bóng giai nhân đang ấm ức “khóc thầm góc phố”. Bức tranh hiện thực hiện rõ dần, chấm phá khái quát, nhưng lại có đủ các yếu tố “Thiên-Địa-Nhân”, để tạo nên một vũ trụ thu nhỏ. Câu “Phố chảy mềm sáng tối” là một câu thơ tài hoa, rất hiện đại. Mỗi chữ là một ý. Mỗi chữ là một nghĩa. Hơn thế, lại linh hoạt biến ảo chuyển hoá giữa danh từ (Phố), động từ (Chảy), tính từ (mềm)…Một câu thơ dồn nén, chặt như nêm cối. Chữ và nghĩa hoà quyện, biến ảo, vận động không ngừng.
 Khổ thơ thứ ba thì đã khác. Không gian thơ được mở rộng dần ra, với một mùa thu gần lắm, diễm lệ và nhiều ấn tượng:
  “Mùa thu mơ màng đi thật chậm
  Ta gom góp giấc hoa
  giật mình bóng thu qua”
 Thế là chủ thể trữ tình đã “hiện nguyên hình”, trước dòng chảy của một thiên nhiên khách thể, đang vô tư chuyển dịch, đang say sưa mơ màng, buông thả như một khách Tiên, như một nhân ảnh trôi chầm chậm ngoài cõi nhân sinh, ngoài vòng cương toả.
 Nhưng mà “Ta” hình như trở lên lạc lõng, bé nhỏ vô cùng, đáng thương vô cùng. Người thơ bỗng “giật mình” cảm nhận, suy tư về cái hữu hạn của những “giấc mơ hoa” mà “Ta” chuyên cần gom nhặt, trước cái vô hạn vô hình của không gian rộng lớn, của thời gian bất tận:
  “Ta gom góp giấc hoa
  Giật mình bóng thu qua”…
 Từ cảm nhận, đến nhận thức về vũ trụ, về cõi nhân sinh phù phiếm, về tồn tại trong ảo giác vĩnh hằng. Đó là những ý tưởng nằm ngoài hình thức ngôn ngữ, ẩn hiện phía sau hình thức ngôn ngữ, phía sau một Vẻ Thơ giản dị mà giàu ý nghĩa biểu tượng, biểu cảm.
 Hai câu cuối của bài thơ là sự tiếp nối của mạch cảm xúc:
  “Con thuyền giấy giờ không thả nữa
  Đêm tràn về rười rượi dọc triền sông”
 Cảm thức về thực tại, về thời gian, thông qua một hình ảnh của quá khứ, của tuổi thơ đã vĩnh viễn qua rồi. Những vô tư trong trẻo của ngày xưa với con thuyền giấy, giờ chỉ gợi lên cái nôn nao hoài niệm của quãng đầu đời thơ dại, mà dâng lên bao nỗi niềm day dứt.
 Tuy nhiên, cuối cùng, lại vẫn là trở về với thực tại, sau những giấc mơ hoa cứ “chập chờn”tung tẩy. Giờ chỉ còn lặng im, chỉ còn tỉnh thức để chấp nhận cái quy luật nghiệt ngã của tự nhiên, của cõi người hữu hạn.
 Mở đầu là chiều tối, kết thúc là “Đêm tràn về rười rượi dọc triền sông”. Bài thơ được cấu trúc như một chỉnh thể, từ gần đến xa, từ cụ thể đến khái quát. Không gian thơ được mở rộng dần, từ nhà đến phố, rồi lan tỏa rộng ra đến tận bờ sông và tình thơ cũng thế, mở rộng ra tới vô tận vô cùng. Bài thơ như một bức tranh lập thể, như sự sắp đặt chủ ý những hình ảnh thơ, những mảng màu sáng tối “chập chờn” gợi mở.
 “Chập chờn” không phải là một tiếng thở dài. Nó là một nhận thức bằng hình ảnh, là một suy tư man mác nỗi niềm. Một chút xao xuyến, nhưng không trầm cảm bi lụy và hơn thế, còn là một thao thức an nhiên tự tại, đang chảy về “rười rượi dọc triền sông”…
 Trần Anh Thái là một nhà thơ mặc áo lính. Gần đây, anh chú ý nhiều đến trường ca và ít nhiều đã có những thành công nhất định. Tuy nhiên, tôi mạo muội nghĩ rằng, trường ca, cho dù thế nào chăng nữa, cũng không thể giúp làm nên một Trần Anh Thái đứng lâu được với thời gian. Chỉ cần một “Chập chờn”, với dăm bảy bài thơ cỡ ấy, chẳng sung sướng hơn sao? Thì hãy cứ đợi mà xem !
      
Hà Nội 18-2-2010
       V.B.L