Trang chủ » Văn học nước ngoài

LÀM NGƯỜI LÁI XE GIỎI

Truyện ngắn: MẠNH TƯỜNG NINH (Trung Quốc)
Chủ nhật ngày 8 tháng 11 năm 2009 3:29 PM
 
 
LND: Nữ sinh Mạnh Tường Ninh, sinh ngày 27 tháng 12 năm 1993, học sinh trường Trung học cơ sở số 28 thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.
Năm thứ hai trường trung học cơ sở, em đã hai lần được trao Giải nhì, Giải ba Cúp Viện Văn học Hà Bắc, được nữ nhà văn Thiết Ngưng, Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc khuyến khích và giúp đỡ. Mạnh Tường Ninh đã công bố gần 60 bài văn và thơ trên các báo, tạp chí “Văn học Thái Hành”, “Nhà văn trẻ Trung Quốc”, “Văn hoá đọc đại chúng”, “Văn học Bắc Kinh”, “Báo Văn học Hà Bắc”, v.v…
Đầu năm 2009, vừa 16 tuổi Mạnh Tường Ninh đã được kết nạp vào Hội Nhà văn tỉnh Hà Bắc, là Hội viên Nhà văn trẻ nhất cấp tỉnh, thành phố ở Trung Quốc.
Tác phẩm “Làm người lái xe giỏi” của Mạnh Tường Ninh đã đăng trên trang 13 Báo “Văn hoá đọc đại chúng” (Đại chúng duyệt đọc báo), số ra ngày 29 tháng 2 năm 2008, khi em 15 tuổi, là học sinh lớp 7 trường trung học cơ sở.
                                           
                                                      ***
Sáng hôm nay, trong giờ đọc báo tại lớp, thày giáo đọc một bài văn bàn về mục tiêu phấn đấu của con người, sau đó hỏi chúng em: “Có ai cho rằng sau hai năm mình sẽ có thể học ở một trường trung học phổ thông trọng điểm?”
Nghe câu hỏi ấy, em thấy hơi khó nghĩ, tại vì sao lại nhất định phải đi học ở trường trung học phổ thông trọng điểm? Học ở những trường ấy, áp lực rất lớn, khiến người ta không thở được, hàng ngày ngoài bài tập ngập đầu như nước lũ, lại còn phải tự học ban đêm, học đến ốm người vẫn không theo kịp, mà sức khoẻ là gốc rễ của cuộc đời. Lát sau, lần lượt có hơn mười bạn giơ tay, thầy giáo nhìn khắp một lượt, rồi lại nhìn em, ánh mắt ấy của thày như đang muốn nói: “Vì sao mà em lại không giơ tay ? Lần này em có thể thi đỗ đầu của lớp mà!”
Thày giáo hình như hơi thất vọng, song em tin tưởng vững chắc vào quan điểm của mình, không giơ tay.
Thày giáo cổ vũ khích lệ mọi người: “Chỉ cần có mục tiêu này, và nỗ lực phấn đấu theo mục tiêu ấy, các em nhất định có thể học ở một trường trung học phổ thông trọng điểm!”
Em nhăn nhó cười.
- Vì sao cứ nhất định phải vào học ở trường trung học phổ thông trung học trọng điểm? – Em hỏi một bạn giơ tay.
- Vì sẽ được học ở trường đại học trọng điểm.
- Vì sao nhất định phải vào học trường đại học trọng điểm?
- Vì để có công tác tốt.
- Nhưng cũng có người tốt nghiệp trường Đại học Thanh Hoa (một trong những trường đại học danh tiếng ở Trung Quốc-ND) ra trường cũng phải đi bán kẹo rong đấy, cũng có người tuy có văn bằng cao mà vẫn tìm không ra việc làm.
- Mình có biết đâu, nhưng bố mẹ mình bảo vậy.
Không có một mục tiêu chính xác rõ ràng, học tập một cách mù quáng, tuy có lập thành tích đặc biệt ưu tú, cũng rất khó đứng vững trong xã hội.
Giữa những người làm cha mẹ có quan điểm khác nhau, cho nên môi trường trưởng thành của com em họ cũng khác nhau, điều này sẽ tạo nên những tính cách khác nhau, số phận khác nhau. Nếu như các vị gia trưởng chạy theo phong trào, cho rằng thi đỗ đại học chính là lối ra duy nhất của con cái, thì con cái sau này sẽ không có thành tựu quá lớn, thậm chí đến kinh phí đi học đại học cũng không chạy nổi, như vậy có khác nào gầu thủng không kín được nước. Trái lại, cha mẹ nếu như có tư duy đi trước thời đại, cho rằng con em phát triển hoàn toàn dựa vào hứng thú, chúng thích gì thì làm nấy, đương nhiên tiền đề là tạo ra cơ sở để học tốt, thì con em sau khi trưởng thành nhất định sẽ tạo lập ra mảnh đất hoạt động của mình.
Cha con của bạn Trịnh Uyên Khiết chính là điển hình như vậy, tuy nói Trịnh Uyên Khiết đến 26 chữ cái chưa thuộc hết, song cậu lại có thể viết ra nhiều chuyện đồng thoại sinh động thú vị, độc giả ưa thích đến thế, bởi vì cậu có một sở trường, chỉ cần có một môn kỹ thuật, thì có thể cắm rễ nẩy mầm trong xã hội này.
Bố mình thường nói: “Phải là một người lái xe giỏi, vừa phải phi thẳng lên phía trước, vừa phải sẵn sàng đối phó với những đoạn đường vòng vèo.”
Trong xã hội này, là một học sinh trung học, chúng mình chỉ có thể làm là phải thích ứng với nền giáo dục thi cử, nhưng không thể học một cách máy móc, không thể  biến mình thành con mọt sách, như vậy thì có hại cho sức khoẻ, hơn nữa đại não của lứa tuổi thanh thiếu niên như chúng mình, đang ở vào trạng thái hoạt bát, tư duy cũng rất hoạt bát, nếu học máy móc sẽ ức chế tư duy phát triển theo chiều ngang, bị thi cử trói buộc.
Với tiền đề thích ứng với nền giáo dục thi cử, chúng mình còn phải bắt đầu từ hiện thực phấn đấu theo lý tưởng của mình.
Lý tưởng của em chính là làm một nhà văn du lịch khắp hoàn cầu, lái chiếc xe đua Ferrari, đi du ngoạn khắp thế giới; Hoặc là làm một ca sĩ, bởi vì em cũng rất mê say âm nhạc. Có những lý tưởng ấy, em bắt đầu phấn đấu…
Với những người khác, không nên chạy theo phong trào, không nên bị giáo dục thi cử nó trói buộc.
Hãy ghi nhớ, mãi mãi phải làm một người lái xe giỏi.
              
VŨ PHONG TẠO dịch
(Theo
www.xywx.org)