Trang chủ » Văn học nước ngoài

THỐI NÁT VĂN HÓA QUAN TRƯỜNG LÀ THỐI NÁT TIỀM ẨN NHẤT

Chu Bích Hoa
Thứ ba ngày 24 tháng 11 năm 2009 8:30 PM

Báo điện tử Hội Nhà văn Trung Quốc (www.chinawriter.com.cn), ngày 20-10-2009, truy nhập bài tạp đàm của nhà văn Chu Bích Hoa (sinh năm 1963, tại An Hương, tỉnh Hồ Nam. Hiện anh là Hội trưởng Hội Tản văn thành phố Thường Đức, sáng lập Song nguyệt san “Thời đại Tản văn”; Đã xuất bản 2 tập thơ, 1 tập tản văn, 2 bộ tiểu thuyết). Chu Bích Hoa là tác giả tiểu thuyết “Quyền lực - Chủ tịch Hội đồng nhân dân”, tâm sự về chủ đề bộ tiểu thuyết này của anh.
Chúng tôi giới thiệu toàn văn bài tạp đàm trên của nhà văn Chu Bích Hoa, để bạn đọc tham khảo.
                                                         ***

Thối nát văn hoá quan trường là chủ đề đặt ra khi tôi sáng tác bộ tiểu thuyết “Quyền lực - Chủ tịch Hội đồng nhân dân” (Quyền lực – Nhân đại chủ nhiệm).
Trước đó, cách nói thịnh hình trong nước chỉ là “thối nát văn hoá”, chủ thể của thối nát là người làm văn hoá. Đại loại như: Mỗi khi bình chọn một giải thưởng, mỗi hoạt động bình chọn, thì máy điện thoại di động, thẻ ngân hàng của các uỷ viên Hội đồng bình chọn lại bận bịu túi bụi, bình chọn không dựa vào chất lượng nữa, cạnh tranh không dựa vào trình độ nữa, mà dựa vào tài lực mà tiến hành đấu đá. Những uỷ viên Hội đồng bình chọn đạo mạo hiên ngang đã trở thành nô lệ của đồng tiền. Những hội đồng giám định khác, như bình chọn đạo diễn ưu tú, hội thảo tác phẩm, công bố luận văn, v.v…, hàng loạt nhân sĩ trí thức đã vứt bỏ lương tri.
Mà thối nát văn hoá mà tôi bóc trần trong bộ tiểu thuyết này, chủ thể của nó là người trong quan trường. Ví dụ như Lưu Quốc Tài trong tác phẩm là Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp thành phố, chức quan của ông ta không cao lắm. Nhưng, ông ta vì làm cho giá trị nhân sinh của mình được gia tăng, làm cho ảnh hưởng xã hội của mình kéo dài mãi mãi, không vì sau này thoái vị mà tiêu thanh nặc tích, ông ta đã khéo léo lợi dụng chiếc thang văn hoá này.
Cần nói rằng: Quan chức yêu văn hoá bản thân nó không phải là chuyện xấu, mà là đáng được kính trọng ngưỡng mộ, quan chức tuân thủ quy luật phát triển của văn hoá nếu như nắm chắc sự nghiệp văn hoá, nhất định sẽ thúc tiến sự phồn vinh của sự nghiệp văn hoá. Mà Lưu Quốc Tài trong tiểu thuyết trái lại vì quyền lợi của cá nhân mình, vì xây dựng danh tiếng của bản thân mình.
Song, văn hoá không phải là xây một ngôi nhà, không phải là chuyện một sớm một chiều, ông ta phải đi con đường tắt, dùng rắn làm bút sáng tạo ra cái gọi là “Sách rồng” (Long thư). Xoay quanh sự “thành danh” của ông ta, một đám nhân vật nhỏ kết chạ với ông ta thành một dây móc nối quan hệ, hình thành vòng tròn, cái “làng” thối nát đặc biệt độc đáo.
Trước đây không lâu, trong một cuộc hội chợ triển lãm sách, tôi đã nhìn thấy rất nhiều cuốn sách tranh khổ lớn vẽ về những vị quan cao mặt to tai lớn, khuôn khổ của những cuốn sách tranh này có thể so sánh ngang hàng với “Tứ khố Toàn thư”, bìa sách cực kỳ hào hoa, thậm chí có thể nói là hạng nhất thế giới. Những kiệt tác cỡ lớn của những quý nhân đạt quan như vậy, đại đa số đều là những người hoặc đơn vị X nịnh bợ tô vẽ nên.
Tục ngữ nói: Thiên hạ không có cơm trưa miễn phí, những người hoặc đơn vị này bỏ ra, nhất định sẽ thu được sự đáp đền của những vị quan cao X. Sự báo đáp của những vị quan cao chức trọng, nhất định là lợi dụng quyền lực trong tay. Đây chính là hiện tượng thối nát kiểu mới được che đậy bằng chiếc áo khoác văn hoá, nhất thời không dễ dàng bị người thường phát giác, cũng chưa dẫn đến sự quan tâm chú ý của ngành kiểm tra kỷ luật và ngành kiểm sát.
Sứ mệnh xã hội của nhà văn là những gì? Nhà văn chân chính phải có ý thức lo lắng trước tai hoạ của đất nước, “là xúc giác của một dân tộc”, phải đứng trên một độ cao nhất định suy ngẫm đi trước thời đại. Trong khi công tác chống thối nát tiến hành một cách cực kỳ gian nan, nhà văn có trách nhiệm sử dụng thủ pháp văn học, phơi bầy dưới ánh năng mặt trời những tội ác tiềm ẩn tệ hại nhất, để lôi kéo sự coi trọng của mọi người.

  VŨ PHONG TẠO dịch
(Theo
www.chinawriter.com.cn, 20-10-2009)