Trang chủ » Văn học nước ngoài

CUỘC ĐỐI THOẠI TRÊN XE CA

Lâm Vĩnh Luyện - Vũ Công Hoan dịch
Thứ ba ngày 27 tháng 4 năm 2010 8:02 PM
 
Một chiếc xe ca vừa đỗ, hai cửa phía trước và phía sau cùng mở ra trong một lúc, một người đàn ông đứng tuổi tên
là Lý Tiểu Đạo bước lên từ cửa trước. Một người đàn ông đứng tuổi khác tên là Phương Đại Lộ bước lên từ cửa sau.Khi họ cùng ngồi xuống một dãy ghế, hai người nhận ra nhau.Mấy năm trước hai người cùng ở một đơn vị, cùng một ngành. Bởi cùng tranh một chức vị, họ tranh nổi đấu chìm, kẻ nọ nói xấu người kia. Lý Tiểu Đạo nói với Tổng giám đốcPhương Đại Lộ không tốt. Phương Đại Lộ nói với Chủ tịch Hội đồng quản trị Lý Tiểu Đạo xấu xa.Thế là  Công ty cho cả hai  nghỉ việc.
Hôm nay hai người gặp nhau trên xe ca, kẻ thù trông thấy nhau, đầu tiên nét mặt hằm hằm, mắt đỏ hoe, sau đó có vẻ bất ngờ, hơi  ngường ngượng, sau đó nữa  họ nói chuyện với nhau như bạn cũ lâu ngày gặp lại.
Lý Tiểu Đạo nói,lâu lắm không gặp.
Phương Đại Lộ đáp,lâu lắm không gặp.
Lý Tiểu Đạo nói, phải, bởi vì tôi không gặp anh, anh cũng không gặp tôi.
Phương Đại Lộ nói,đúng,anh không gặp tôi, tôi cũng không gặp anh, cho nên chúng ta không nhìn thấy nhau
Lý TiểuĐạo hỏi, hiện giờ anh làm gì, sống ra sao?
Phương Đại Lộ đáp, mở một xưởng nho nhỏ, sống thường thôi, còn anh?
Lý Tiểu Đạo đáp ,buôn bán nhỏ, sống qua ngày. Nhà anh ở đâu?
PhươngĐại Lộ đáp, ở nhà gác kiểu lắp ghép tại tiểu khu trung tâm thành phố, còn anh?
Lý Tiểu Đạo trả lời, tôi ở khu biệt thự Hoa viên ngoại ô thành phố.
Phương Đại Lộ khen,anh thật là tuyệt vời!
Lý Tiểu Đạo nói, anh cũng không phải xoàng.
Phương Đại Lộ hỏi,con trai anh bao nhiêu tuổi rồi, hiện nay làm gì?
Lý Tiểu Đạo đáp, con trai tôi mười bảy tuổi, học lớp mười hai trừơng dân lập, còn con gái anh?
Phương Đại Lộ đáp,con gái tôi năm nay mười sáu tuổi, vừa đi du học nước ngoài.
Lý Tiểu Đạo, hay quá, hay quá!
Phương Đại Lộ, vầy vậy thôi.
Lý Tiểu Đạo hỏi, vợ anh hiện nay làm gì?
Phương Đại Lộ đáp, còn làm được gì nữa, suốt ngày không lái xe hóng gió, thì  sang nhà hàng xóm đánh bài mạt chược, không đi rèn luyện thân thể, thì đi dạo  siêu thị. Bà xã nhà anh làm gì?
Lý Tiểu Đạo đáp, còn biết làm gì hơn, suốt ngày nếu không đi ra ngoài du lịch, thì cùng với các chị em đi tập thể hình , nếu không đi nhảy, thì thì đi vào tiệm sửa sang sắc đẹp.
Phương Đại Lộ khen, tuyệt quá, tuyệt quá.Bà xã nhà anh rất biết hưởng thụ
Lý Tiểu Đạo nói, hay đấy hay đấy,  bà xã nhà anh tiến bước cùng thời đại.
Phương Đại Lộ hỏi, anh buôn bán phát tài lắm phải không?
Lý Tiểu Đạo đáp, phất cực kỳ,vốn định mở mấy cửa
hàng liên hoàn, nhưng cảm thấy mệt mỏi quá, một mình không kham nổi. Hơn nữa bây giờ tiền tiêu không xuể, chẳng phải lo buồn  gì, hà tất phải ôm rơm nặng bụng, lao
vào cho mệt xác. Nói trắng ra, tiền bạc chỉ là vật ngoài thân, sinh không đem đến, chết không mang đi. Nhà máy của anh hiệu quả tốt lắm phải không?
Phương Đại Lộ đáp, tốt vô cùng, vốn định mở rộng sản xuất, nhưng cảm thấy vất vả quá, một mình xoay xở không nổi. Mặt khác, bây giờ đã sẵn tiền, cái gì cần có thì đã có, kiếm nhiều tiền làm gì nữa?Anh biết đấy, tiền nhiều chỉ là sự biến hoá của chữ số. Không nói chuyện tiền nữa, tầm thường quá.
-Trước mặt là Quảng trường nhân dân,hành khách nào xuống xe đề nghị chuẩn bị - Nhân viên phục vụ xe khách nhắc nhở hành khách sắp đến bến.
Lý Tiểu Đạo nói, ôi, ngồi lâu lắm, tôi vẫn chưa hỏi anh, anh đi đâu?
 Phương Đại Lộ đáp, tôi phải đi lái xe, quên nói với anh, chiếc xen con Ngựa báu của tôi đang lắp máy báo động trong xưởng sửa chữa, lẽ ra lái xe phải chở tôi đi, bởi vì rất lâu nay không đi xe khách, hôm nay thử thể nghiệm thể nghiệm, dù sao chúng mình cũng không thể mất gốc, phải rồi, thế còn anh đi đâu?
Lý Tiểu Đạo nói, tôi đi nhận xe, suýt nữa quên nói với anh gần đây tôi đã đổi một xe con Mét xê đét kiểu mới nhất. Lẽ ra chủ ngành xe đến đón tôi,nhưng tôi thấy không cần thiết, ngồi xe ca ôn lại những năm tháng đã qua cũng là một thứ hưởng thụ, phải không anh?
Đã đến bến cuối cùng, Lý Tiểu Đạo và Phương Đại Lộ
cùng chào nhau tạm bịêt
Nửa tiếng đồng hồ sau, Lý Tiểu Đạo và Phương ĐạiLộ lại gặp nhau tại phòng họp của một nhà máy loại nhỏ, họ đến để gặp mặt thi tuyển làm nhân viên tiếp thị bán hàng. Nhà
máy vốn chỉ cần một người, nhưng cả hai đều  dẻo mỏ, đều khéo ăn khéo nói, nên người chấm thi quyết định tuyển dụng cả hai.
 
( Theo “Tiểu tiểu thuyết”
năm 2006 nhà xuất bản Ly Giang)
 
CHỈ LÀM VIỆC MÌNH YÊU THÍCH

Vương Vãng
 
Anh là một thợ mộc
Là thiên tài trong làng thợ mộc.
Khi còn nhỏ, anh đã rất yêu thích nghề mộc. Anh đã từng  dùng một cái đục bé tí, đục một khúc gỗ xấu xí thành một cái bát gỗ rất xinh xắn.Anh đã dùng chiếc bát gỗ ăn cơm.
Anh biết chỉ vào một cây gỗ nói, cây này đóng được một chiếc tủ đựng quần áo, làm được một cái bàn. Mặt rộng bao nhiêu, chân cao bao nhiêu, kích thước anh đều nói ra vanh
vách. Một năm sau, chủ nhân của cây gỗ  đã dùng đến cây gỗ này thật, chủ bảo cần đóng một tủ quần áo và một chiếc bàn. Anh đứng dạy nói, đó là tôi nói năm ngoái, năm nay cây gỗ này đóng được một cái tủ quần áo, một cái bàn và hai chiếc ghế.Kết quả cây gỗ ấy anh đã đóng được một tủ đựng quần áo, một cái bàn, còn có cả hai chiếc ghế, gỗ vừa hết, không thừa không thiếu. Con mắt anh sắc sảo lợi hại ghê gớm thế.
Lớn lên, anh đã theo nghề mộc. Tay nghề của anh rất nhanh chóng vượt qua thầy dạy. Cưa gỗ không bao giờ anh dùng dây bật mạch. Thợ mộc tất phải dùng dây quả rọi đánh dấu. Anh không cần. Cái mộng anh chêm không cần sơn bạn cũng không nhìn thấy vết. Anh điêu khắc mới thật sự là nhân tài của làng thợ mộc. Con bướm, con cá chép anh chạm trổ khiến cô gái sắp đi lấy chồng chăm chú nhìn không chớp mắt, y như sợ bướm bay mất,cá chép bơi mất. Kỹ thuật chạm trổ của anh có thể làm cho vết lõm trên gỗ  biến thành nét bút điểm mắt, một vết nứt khiến anh trang sức thành  sóng nước con cá chép bơi gợn lên, hoặc thành cái râu con bướm. Một nốt sẹo gỗ anh có thể trang sức thành  vằn đốm trên cánh con bướm, hoặc mắt cá chép. Cây gỗ chết anh có thể làm nó sống lại bằng hình thức khác.
Những người làm dụng cụ gia đình, lấy mời được anh là một vinh dự. Trông thấy anh đeo hộp đồ nghề đi vào nhà, chủ nhà liền hớn hở nói với cây gỗ: Thợ đến rồi, thợ đến rồi!
Đúng thế, anh đến, cây gỗ chết đã sống lại.
Khi tôi còn ở quê, có một thời gian thích đi xem anh làm mộc. Chiếc rìu thoăn thoắt lên xuống trong tay anh chặt bỏ cái chạc vô dụng, bập thẳng vào vỏ cây cứng chắc. Cái cưa của anh  đưa đi đưa lại  tự do thoải mái như con thoi, mạt gỗ rơi tới tấp. Con dao trổ của anh nhỏ nhắn xinh xắn du di rất uyển chuyển … Anh đã gợi ý cho người yêu sáng tác như tôi: ngôn ngữ của tôi phải giống như lưỡi rìu của anh, vượt qua bề nổi hoa mỹ và xơ cứng, bập thẳng vào chỗ quan trọng của khúc gỗ.Tôi phải tái hiện một cách  tinh tế và hoàn mỹ  trình độ nghệ thuật tưởng tưởng của mình…. Bao nhiêu năm cố gắng tôi vẫn chưa đạt tới tầm cao ấy.
Nhưng người thợ mộc này, anh ấy lại không có nhân duyên tốt trong thôn làng chúng tôi.
Dân làng gọi anh ấy là thợ mộc lười biếng.
Anh ấy lười biếng, ngoài việc  người ta bỏ tiền mời anh làm dụng cụ gia đình anh im lặng không nói ra, mời anh làm những thứ lặt vặt, anh không làm, ví dụ đóng một cái ghế con, đóng cánh cửa chuồng lợn, tra cái cán mai cán cuốc, anh đều trả lời :không có thì giờ.
Trong làng có nhiều thợ mộc, mời các thợ mộc khác dễ ợt, một điếu thuốc một cốc trà, bảo làm gì họ làm ngay.
Một năm tôi từ Trịnh Châu về quê, vừa vặn gặp trận mưa to, chuồng xí của nhà đầy nước. Tôi phải múc nước phân tưới ruộng rau, Tim  gáo múc nước phân, cán gáo hỏng, Vừa vặn trông thấy anh, tôi đưa mời anh một điếu thuốc: Anh có bận không? Anh trả lời không. Tôi nói anh giúp tôi lắp một cái cán gáo. Anh bảo, việc này bản thân anh lắp được mà, tôi còn có việc.Anh không châm thuốc hút bước đi liền, tôi hơi bực.
Một thợ mộc khác trong làng đến bảo: Cậu mời anh ấy phải không? Không mời nổi đâu,Không nghe người ta nói  anh ấy là một chàng thợ mộc lừơi biếng là gì? Để tôi giúp cậu lắp.Anh thợ mộc này đã giúp tôi vừa lắp cán gáo múc phân, vừa nói về anh thợ mộc bỏ đi: Anh ta nghèo túng là đáng đời, thời này đi làm thuê không kiếm ra tiền, cậu biết tại sao không? Trên công trường hiện nay, các giá đỡ, các loại khuôn đều bằng sắt thép, các cửa sổ đều dùng hợp kim nhôm, thợ mộc đều làm những thứ này, rất hiếm dùng đến cưa rìu. Anh ấy đã chuyển mấy công trường, anh ấy nói,tôi có phải thợ sắt đâu, tôi không làm nổi. Anh ấy ra cạnh đường tìm việc làm, chờ người ta tìm anh làm việc của thợ mộc. Có khi một hai hôm, chẳng có ma nào tìm anh ấy. Tôi nói, anh này lạ nhỉ!
Tôi rất ít về quê. Năm ngoái ở Quảng Châu, một hôm tôi chợt nhớ đến anh thợ mộc này.
Hôm ấy tôi nằm trên giường nghĩ việc của mình. có những tiếng nói giục dã bên tai:
-Anh viết cho bọn tôi bài ký sự nhé, một ngàn chữ một ngàn đồng, tìm một tin, viết một truyện là được.
- Tạp chí của bọn tôi mới ra mắt, anh soạn cho một bức thư của bạn đọc gưi đến được không? Nói vài lời hào hoa phong nhã, hòn gạch ném đi hòn chì ném lại quảng cáo ấy  mà!
- Anh viết cho tôi một quyển sách,kể chuyện nữ sinh viên đăng quảng cáo muốn làm “vợ hai” trên mạng cũng được.
Tôi không viết gì hết. Không nhận lời làm gì cả. Tôi biết mình làm mất lòng người khác, cũng thiệt cho ví tiền của mình. Tôi nghĩ đến những chuyện buồn chán này, nghĩ đến anh thợ mộc kia, Là một thợ mộc cao tay trời phú,  anh ấy việc gì phải nhún mình bằng lòng đi tra cán gáo múc phân và làm cánh cửa chuồng lợn cho người ta? Nghề nghiệp có sự tôn nghiêm của nghề nghiệp. Anh ấy không lười biếng, Anh ấy chỉ cô độc mà thôi.
Tết xuân năm ngoái tôi về làng, nghe nói anh ấy đã làm ra rất nhiều tiền.Trong vòng hai năm,anh ấy đã sửa ngôi nhà ngói  nhỏ hẹp thành một nhà gác hai tầng.Tôi nghĩ, có thể anh ấy đã đổi nghề. Khi tôi gặp anh, anh đang si mê ngắm một cây gỗ hoè lớn,
Tôi lịch sự mời anh hút điếu thuốc. Tôi hỏi anh:
 - Anh đi làm thuê ở đâu?
Anh trả lời:
- Ở Thượng Hải, làm cho một cửa hiệu mô phỏng dụng cụ gia đình thời xưa. Ông chủ này khá lắm, mỗi tháng trả mình năm ngàn đồng nhân dân tệ.
Tôi nói, tốt đấy, công việc ấy thích hợp với anh!
Anh cười đáp
 - Mình không muốn làm những việc không yêu thích.
 
Vũ Công Hoan dịch
(Theo “tiểu tiểu thuyết năm 2006
Nhà xuất bản Ly Giang)