Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG KHOẢNH KHẮC HẠNH PHÚC TRONG VĂN HỌC NGA

Nguyễn Thị Lan
Thứ ba ngày 29 tháng 9 năm 2009 8:39 PM

Tặng ND
 

1. Trong “Bài thơ về hạnh phúc” để tưởng nhớ vợ là nhà thơ Dương Thị Xuân Quý đã hy sinh, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã tự hỏi:
“Hạnh phúc là gì? bao lần ta lúng túng
Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi vẫn chưa ra”
Hạnh phúc là gì? Một câu hỏi mang tính triết học. Một khái niệm rất trìu tượng không dễ trả lời. Quan niệm về hạnh phúc thì mỗi người một kiểu và để trả lời cho câu hỏi: “Hạnh phúc là gì?” cũng mỗi người một đáp án: Hạnh phúc là đấu tranh, hạnh phúc là yêu thương, hạnh phúc là khi bàn tay nắm lấy một bàn tay, hạnh phúc là phải biết cho đi chứ không phải nắm giữ thật chặt…
Trong các cuốn từ điển cũng có nhiều định nghĩa khác nhau về hạnh phúc nhưng tất cả đều gặp nhau ở một điểm chung: Hạnh phúc là thấy mình sung sướng tột cùng. Có nhiều yếu tố làm nên hạnh phúc, những yếu tố chính là: có cái gì đó để làm, có ai đó để yêu và có gì đó để hy vọng.
Hạnh phúc lắm lúc thật lớn lao như vừa đạt được một cái gì rất lớn trong cuộc sống nhưng cũng có lúc rất đỗi bình dị.
Có hạnh phúc của một đời người và có hạnh phúc của cả một dân tộc.
Có hạnh phúc lâu dài, có hạnh phúc ngắn ngủi và hạnh phúc thường ngắn ngủi vì “kẻ thù tệ nhất là hạnh phúc dài hạn” (Isáél)
Hạnh phúc là một thế giới kỳ diệu nhưng không bền vững.
Người ta chợt nhận ra hạnh phúc như bất chợt nhận thấy một chú bướm vàng trong rừng vào mùa đông. Cái hạnh phúc bất chợt thường mang đến cho người ta một cảm giác lâng lâng khó tả, nghẹn ngào không thốt nổi nên lời, không một ngôn từ nào có thể diễn tả được. Nó để lại trong long “chủ nhân” một ấn tượng khó phai. Nó có thể xoa dịu những nỗi đau tột cùng nhất. Mỗi khoảnh khắc hạnh phúc là một niềm vui bất diệt và mỗi con người trong đời đều ghi tạc những khoảnh khắc hạnh phúc nhưng tiếc thay đó chỉ là khoảnh khắc thường mang tính ngắn ngủi không gian và thời gian. Hạnh phúc đến bất ngờ và ra đi thật nhanh chóng, nó thoắt đến, thoắt đi. Cái thế giới thoáng chốc của hạnh phúc khiến người ta có cảm giác hẫng hụt và thấy sợ…
Nhà văn Trần Thùy Mai có lần tâm sự “so sánh với mọi người tôi không có nhiều hạnh phúc nhưng hạnh phúc không cân đo được bằng thời gian mà hạnh phúc chỉ được đo bằng những khoảnh khắc mà cuộc đời tôi có nhiều những khoảnh khắc như vậy”.
2.  Văn học Nga (thế kỷ XIX, thế kỷ XX) có rất nhiều những “khoảnh khắc hạnh phúc”. Nó trở thành nhiệt hứng sáng tác cho nhiều tác giả.
Nếu văn học Nga thế kỷ XIX “mãnh liệt vì có chủ nghĩa dân chủ, vì nó truyền bá nhân đạo, vì nó có những bài ca ca ngợi tự do, quan tâm sâu sắc đến đời sống cá nhân, có thái độ thuần khiết với phụ nữ” (Gorki) thì văn học Nga thế kỷ XX (văn học Xô Viết) lại là một nền văn học với cái chất hướng thượng, luôn khao khát đi tìm cái tận thiện, tận mỹ. Chính vì vậy văn học Nga giàu nhiệt tình khẳng định, làm cho người ta say mê, mang đến cho người đọc những xúc cảm thẩm mỹ.
3. Puskin (1799-1837) “Vầng dương của thi ca Nga”, “Khởi đầu của mọi khởi đầu”, người có công đầu trong việc làm cho nên văn học Nga trở thành nền văn học dân tộc thuần khiết đồng thời nâng nó lên ngang hàng với các nền văn học phát triển nhất châu Âu đương thời.
Để lại một di sản với nhiều thể loại nhưng trong cốt cách của mình Puskin trước hết là một nhà thơ. Riêng đề tài tình yêu Puskin đã để lại hàng trăm thi phẩm bất hủ trong đó bài “Gửi ***” là một tuyệt tác. Nếu “Tình yêu là tuyệt vời hạnh phúc” (Tagor) thì trong bài thơ này nhân vật trữ tình đã có những “khoảnh khắc hạnh phúc” tuyệt vời nhất của cuộc đời minh.
Bài thơ “Gửi ***” Puskin viết tặng Anna Pêtrôpna Kernơ, một thiếu nữ kiều diễm, say mê nghệ thuật, trẻ hơn Puskin một tuổi.
Puskin gặp Kernơ lần đầu tại Peterbua khi anh mới có hai mươi tuổi, còn nàng đã có chồng. Mới mười sáu tuổi nàng đã phải lấy chồng già hơn mình rất nhiều, một viên tướng giàu có. Buổi gặp gỡ đã để lại cho hai người những kỷ niệm mở đầu khó quên.
Mùa hè năm 1925, tại làng Mikhailôpxcôie, tỉnh Pơskốp ở phương Bắc “mảnh đất cô đơn”, nơi Puskin bị đày ải họ lại gặp nhau sau sáu năm xa cách. Nhưng rồi nàng phải trở về với người chồng có giấy giá thú. Puskin linh cảm rằng lần này chắc lâu lắm họ mới có dịp gặp nhau. Anh vội vàng chép bài thơ tặng riêng nàng, những vần thơ còn chưa ráo mực, đó là bài “Gửi ***”:
Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu:
Trước mặt anh em bỗng hiện lên,
Như hư ảnh mong manh vụt biến,
Như thiên thần sắc đẹp trắng trong.
Giữa day dứt sầu đau tuyệt vọng,
Giữa ồn ào xáo động buồn lo
Tiếng em nói bên tai anh văng vẳng,
Bóng dáng em anh lại gặp trong mơ.
Tháng ngày qua. Những cơn gió bụi
Đã xua tan mộng đẹp tuổi thơ,
Lãng quên rồi giọng em hiền dịu,
Nhòa tan rồi bóng dáng nguy nga.
Giữa cô quạnh âm u tù hãm
Dòng đời trôi quằn quại, hắt hiu,
Chẳng tiên thần, chẳng nguồn cảm xúc,
Chẳng đời, chẳng lệ, chẳng tình yêu.
Cả hồn anh bỗng dưng tỉnh giấc:
Trước mặt anh em lại hiện lên,
Như hư ảnh mong manh vụt biến,
Như thiên thần sắc đẹp trắng trong.
Quả tim lại rộn ràng náo nức,
Vì trái tim sống dậy đủ điều:
Cả tiên thần, cả nguồn cảm xúc
Cả đời, cả lệ, cả tình yêu
1825
Thúy Toàn dịch
Chân thành, tha thiết, đắm say, đó là tình cảm chủ đạo của nhân vật trữ tình trong bài thơ.
Gặp lại “em” sau quãng ngày xa cách “anh” vẫn nhớ mãi cái “phút giây huyền diệu” của “cái thuở ban đầu”. “Em” như vị nữ thần sắc đẹp chói lòa, rực rỡ chợt “hiện lên” trong cái thế giới thoáng chốc hạnh phúc của “anh”. Những ngày xa “em” thế giới với “anh” u buồn, hiu quạnh; gặp lại “em”, “anh” như thấy thế giới tràn đầy cảm xúc và ánh sáng, anh có tất cả:
“Cả tiên thần, cả nguồn cảm xúc
Cả đời, cả lệ, cả tình yêu”
 Tình yêu, về một ý nghĩa nào đó với Puskin có khả năng tái sinh. “Gửi ***”  là một trong những đỉnh cao về thơ trữ tình của Puskin cũng như bản tình ca tuyệt diệu của nhạc sĩ nổi tiếng Glinka phổ theo bài thơ.
 “Gửi ***” còn là một trong những bài thơ tình hay nhất thế giới. Nó đã ghi lại những khoảnh khắc “nghìn năm hồ dễ mấy ai quên” của nhân loại.
4. “Cái Đẹp sẽ cứu chuộc thế giới” đó là câu nói bất hủ của Đôxtôiepxki (1821-1881), nhà văn vĩ đại của nước Nga, “một đỉnh Thái Sơn” (Nguyễn Tuân) trong cánh rừng đại ngàn của văn học Nga.
Đôxtôiepxki là nhà văn cho đến nay người ta mới thấy rõ tầm vóc vĩ đại thực sự của ông, mới đánh giá đúng được quy mô triết lý và cái nhìn sâu sắc, soi thấu những miền bí ẩn nhất của tư tưởng, tình cảm con người thể hiện trong các tác phẩm. Luôn luôn đồng hành cùng nhân loại, thậm chí càng ngày càng trở nên vĩ đại hơn. Các nhà văn thuộc tất cả các khuynh hướng, trường phải: lãng mạn, hiện thực, hiện sinh chủ nghĩa…đều muốn khai thác mặt này, mặt khác trong các tác phẩm của ông để suy tôn cho trường phái mình.
Đốt vĩ đại trước hết ở các cuốn tiểu thuyết lớn (mà người ta gọi là năm màn kịch cổ điển vĩ đại): Tội ác và trừng phạt (1865, 1866); Chàng Ngốc (1867, 1868); Lũ người quỷ ám (1871, 1872); Gã thiếu niên (1874, 1875); Anh em nhà Karamadốp (1879-1880)
Đốt cũng thành công trong những thể loại nhỏ, những truyện ngắn, truyện vừa mà tiêu biểu là truyện “Những đêm trắng” (1848) được viết bằng bút pháp lãng mạn.
“Những đêm trắng” viết về những “con người bé nhỏ”, một truyện ngắn giàu chất thơ. Cốt truyện “Những đêm trắng” hầu như không có gì đáng kể. Nhân vật chính “Tôi” độc giả không biết gì về dĩ vãng của anh. Đó là một viên chức loại xoàng, nghèo hèn. Con người cô đơn gần như chối bỏ cuộc sống bên ngoài, sống ngòai vòng danh lợi, anh “có rất ít đời thực” và hầu như chỉ sống trong mơ ước. Cả đời anh ta chưa từng dám làm quen với một phụ nữ nào. ấy thế mà số phận đã khiến anh gặp gỡ một cô gái đáng yêu, tâm hồn trong trắng. Cuộc gặp gỡ tình cờ, bốn đêm trắng tuyệt vời trò chuyện để rồi cô gái đi lấy chồng. Ngôi sao băng đã vút qua bầu trời và anh chàng tiếp tục sống cô đơn với mối tính vừa bùng cháy trong lòng nay chỉ để lại cho anh những hoài niệm. Với anh từ nay “Thế là hết! Hết tất cả”.
Nhưng tác phẩm không dừng ở đó.
Kết thúc tác phẩm là những trang viết đầy chất thơ - chất thơ  trong cảm xúc trong sáng, trong mộng ước thánh thiện, trong tình người ấm áp của anh. Người đọc sửng sốt trước tâm hồn cao quý, tấm lòng đôn hậu của anh:
“Nhưng tôi đâu có lòng oán hận, Naxtenka ơi! Tôi chẳng bao giờ dồn mây đen che lấp hạnh phúc tươi sáng êm đềm của em; tôi chẳng bao giờ trách móc cay đắng gieo nỗi buồn vào trái tim em khiến cho nó bị cắn rứt ngấm ngầm, làm cho nhịp đập của nó trở nên buồn bã trong phút hoan lạc, không khi nào tôi làm nhầu dù một trong những bông hoa dịu dàng ấy mà em gài vào mái tóc xoăn đen nhánh của em, khi em cùng với anh ấy đến  bàn thờ cưới...
ồ, không khi nào, không khi nào!
“Mong sao bầu trời của em sáng trong, mong sao nụ cười của em tươi tắn và thanh thản, cầu trời ban phước cho em vì một phút hoan lạc và hạnh phúc mà em đã ban cho một trái tim khác, trái tim cô đơn và biết ơn! Trời ơi! Cả một phút hoan lạc! Như thế đâu phải là ít, dù cho cả một đời người đi nữa?”.
Vâng! Một phút hoan lạc với anh là quá đủ cho cả một đời người. Cái khoảnh khắc ấy có ý nghĩa biết bao. Đó là quãng đời rạng sáng ngắn ngủi trong cả cuộc đời xám xịt của anh. “Con người bé nhỏ” ấy nhân hậu và cao thượng biết bao.
Truyện có kết thúc bi thương. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa điểm nổi bật trong tác phẩm không phải là ngợi ca sự đau khổ của con người như đã có người hiểu lầm mà là thông điệp của nhà văn gửi nhân loại: cái Đẹp của tình cảm cao quý sẽ cứu chuộc thế giới.
5. Svetlana Alêxiêvich, nhà văn Nga thời kỳ Xô Viết lại kể về một “khoảnh khắc hạnh phúc” khác.
Đó là câu chuyện của một người đàn ông có một gia đình êm ấm. Hồi sinh viên xa xưa anh có đi lao động ở một vùng đất hoang đâu đó (một không gian chỉ còn mơ hồ trong ký ức. NTL) và gặp một cô gái (tên cô là gì chắc anh cũng chưa kịp biết. NTL) trong chiếc áo liền váy, với những chấm hoa nho nhỏ (nhớ cụ thể như thế chứng tỏ nhớ sâu. NTL) trên một sân ga xép. Có cái gì đó nảy sinh giữa hai người trong vài phút ngắn ngủi (thời gian rất ngắn. NTL). Cảm giác như có một luồng điện ngắn ngủi chạy qua người (phải chăng đó là “khoảnh khắc hạnh phúc” của anh. NTL). Anh pha trò một câu và nói nửa đùa nửa thật: “Đi cùng bọn anh luôn”. Anh hôn cô và nhạy vội lên tàu. Chẳng có gì hơn nữa nhưng anh cứ nhớ cô ấy suốt đời (nhớ nhiều và lâu, đó là biểu hiện của tình cảm sâu nặng. NTL). Trong những năm dài anh đắm vào một nỗi buồn man mác (phải chăng đó là cảm giác hẫng hụt, mất mát? NTL). Anh cứ nghĩ đó mới là niềm mơ ước, là người tình duy nhất mà mình phải tìm cho bằng được. Mặc dầu cuộc sống hiện nay của anh chẳng có gì đáng phàn nàn.
Người đàn ông đó đã có những “khoảnh khắc hạnh phúc” và là người hạnh phúc vì suốt đời anh ”đã có ai đó để mà yêu, và có cái gì đó để mà mơ ước”.
6. Nửa đầu thế kỷ XX, nước Nga có một nhà văn độc đáo mà phong cách sáng tác của ông ảnh hưởng không nhỏ tới các nhà văn Xô Viết và nhà văn Việt Nam, ông là Pauxtôpxki (1892-1967). Là nhà văn chuyên viết truyện ngắn nhưng người ta lại gọi ông là “nhà thơ bị đóng đinh trên cây thánh giá văn xuôi”.
Đặc điểm xuyên suốt từ những sáng tác đầu tay của ông là cái khí sắc lãng mạn. Luôn bắt đầu từ những điều bình dị trong cuộc sống, song với cái nhìn tinh tế, giàu lòng nhân ái, với bút pháp trữ tình và một văn phong điêu luyện, tác giả đã biến những điều bình dị ấy trở thành “những bài thơ văn xuôi” giàu sức biểu cảm, nhẹ nhàng, tinh tế, sâu sắc, trữ tình, lãng mạn với vẻ đẹp ấm áp, dịu dàng như ban mai trong lành. Sau mỗi câu chuyện người đọc lại tìm thấy một niềm vui nho nhỏ, một chút thanh thản trong tâm hồn và xa hơn nữa nhiều khi đó là” cả một chân trời mới mẻ của cái Đẹp”.
Truyện ngắn của Pauxtôpxki rất nhiều những “khoảnh khắc hạnh phúc” mà “Tuyết” là một truyện tiêu biểu. Cốt truyện của truyện thật đơn giản: trong một chuyến nghỉ phép ngắn ngủi trở về thăm quê hương và người cha già, trung úy Nicôlai Pôrapốp gặp gỡ bất ngờ với người thiếu phụ ở nhờ, một sự trùng lặp vô tình đã gợi thức những kỷ niệm xa xăm còn nằm sâu trong tâm hồn anh: Mùa thu 1927 ở bãi biển Crưm. Một cô gái chừng 16 tuổi nhẹ nhàng đi qua anh, tay cầm cuốn sách mở rộng, khoảnh khắc ấy đã trở nên vĩnh hằng trong anh. Sau này nhớ lại, anh kể với nàng trong thư: “Tôi nhìn em và cảm thấy rằng có một người con gái vừa đi ngay bên tôi, người đó có thể làm tan vỡ cả đời tôi mà cũng có thể đem lại hạnh phúc cho tôi. Tôi hiểu rằng mình có thể yêu người con gái ấy đến hy sinh cả thân mình. Lúc đó tôi biết rằng tôi phải tìm em cho bằng được dù cho phải trả bất cứ giá nào (...) Từ ngày ấy tôi yêu Crửm và con đường nhỏ, ở đó tôi đã gặp em trong giây lát và mất em vĩnh viễn”...
Gặp nhau, chưa kịp hiểu thì đã cảm, một nỗi niềm thương mến đã choán ngập cả tâm hồn. Trạng thái tình cảm ấy người ta gọi là “tiếng sét ái tình”. Tình yêu bao giờ cũng bắt đầu bằng tiếng sét, tiếng sét ái tình. Tình yêu bao giờ cũng mang trong mình những giây phút thăng hoa và những giây phút ấy sẽ hằn sâu trong trái tim mỗi người như những ”khoảnh khắc hạnh phúc” ngắn ngủi mà vĩnh hằng.
Truyện “Tuyết” thấm đẫm chất thơ.
Có một truyện của Pauxtôpxki cũng giàu khí sắc lãng mạn với những nhân vật nhạy cảm, tinh tế như thế là truyện “Bình minh mưa”. Sau khi kể lại cuộc gặp gỡ của hai con người hai “nửa của thế giới” trong một đêm chiến tranh, ở cuối truyện tác giả viết về một thoáng rung động bâng khuâng khi viên sĩ quan trẻ tuổi Kuzmin phải chia tay với người thiếu phụ mà anh vừa quen biết: “Tim Kuzmin se lại, chàng nghĩ rằng ngay bây giờ thôi chàng sẽ phải chia tay với một thiếu phụ không quen biết nhưng lại gần gũi biết bao. Chia tay với nàng mà không nói được gì, không nói gì hết….”
Và cả niềm nuối tiếc! “Có lẽ nào giờ đây, trong phút này thôi, tất cả sẽ đi vào dĩ vãng và sẽ trở thành một trong những kỷ niệm xa xót trong đời nàng và cả trong đời chàng?”
Câu chuyện kết thúc đượm buồn. Người đọc bồi hồi xúc động, có một cái gì đó bâng khuâng rất khó diễn tả.
Pauxtốpki “… biết cách vui sướng với tất cả những gì thú vị tốt đẹp mà ta luôn gặp ở mỗi con đường nhỏ, ở mỗi bước đi”. Truyện của Pauxtôpxki gợi cho ta nghĩ ông là người như thế. Mỗi tác phẩm của ông thực sự là những hạt giống tâm hồn gieo vào trái tim người đọc.
7. L.Tônxtôi “Con sư tử” của văn học Nga đã từng khẳng định trong Nhật ký của mình “Nghệ thuật là sự thể hiện cao quý nhất sức mạnh của con người”. Hơn bất cứ một nền văn học nào trên thế giới, văn học Nga đã “thể hiện cao quý nhất” vẻ đẹp của tâm hồn Nga - một tâm hồn đôn hậu, giàu yêu thương khao khát cái tận Thiện, tận Mỹ. Và thực sự văn học Nga đã mang lại cho người đọc những “khoảnh khắc hạnh phúc”, thấm đẫm tình yêu và đẹp đến bất ngờ trên những trang văn.
Hải Dương tháng 9 năm 2009