Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN VỀ NGƯỜI ĐÀN BÀ MÙ CHỮ

Trần Văn Phong
Thứ hai ngày 28 tháng 9 năm 2009 9:30 PM

  Người đó chính là bà Hiền-chị nuôi của anh em chúng tôi.Năm nay bà đã 85tuổi.Cái tên “Hiền” là do thầy tôi đặt  còn trước khi chị về ở với thầy mẹ tôi mọi người gọi chị là con bé “Hoe”. (ở Nghệ An trước đây, các bé chưa đặt tên,chỉ gọi chung là “cu”(con trai) và “hoe”(con gái). Hiện chị tôi đang sống khỏe mạnh cùng con cháu tại xóm 9,xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương,Nghệ An.
 Vùng quê tôi hiện nay vẫn chưa hếy nghèo nhưng vào thời kì chị tôi còn bé (bấy giờ 10 anh em tôi chưa ra đời) lại càng nghèo khổ.Số phận chị tôi càng éo le hơn:mất cha sớm,mẹ đi bước nữa.vì vậy chị trở thành con nuôi của thầy me tôi(khoảng vào năm 1932, lúc chị 10 tuổi). Bấy giờ thầy tôi đang học ở trường quốc học Huế.(Năm 1934 ông ra trường và về Nghệ An dạy học.) Mẹ tôi là nông dân.
 Sở dĩ tôi ghi lại và gửi  báo ANTG câu chuyện này vì bà Hiền-người đàn bà mù chữ, đã 85 tuổi nhưng cả xã đều thừa nhận đó là người có văn hóa nhất xã!
 Xưa nay có câu: “Nhân bất học bất tri lí”nhưng ở chị tôi câu này lại sai? Thực ra tuy mù chữ nhưng hị tôi là người hiếu học.Tuy không có điều kiện đến trường (mẹ tôi cũng chỉ học bình dân học vụ ) nhưng chị học trong cuộc sống.Lại có câu: “Gần mực thì đen gần đèn thì rạng”,thầy tôi là giáo viên,từ năm 1945 đến lúc về hưu,năm1972 đều làm hiệu trưởng, ông nội tôi là tú tài, cũng là thầy đồ. Còn mẹ tôi dẫu văn hóa thấp nhưng cũng là người sáng dạ,hơn nữa cả ông nội lẫn ông ngoại của bà đều là tú tài.Ông ngoại tôi cũng là thầy đồ.Rõ ràng chị tôi không những được sự dạy giỗ, chỉ bảo của thầy mẹ tôi mà chịu ảnh hưởng về cách sống của họ.
 Trong thời gian gần 20 năm sống với cha mẹ nuôi chị tôi bồng bế,chăm ẵm 8 đứa em .(Tôi là đứa thứ tám).
 Lớn lên anh em tôi đều xa quê công tác, chỉ mình tôi làm việc ở quê nhà. Mỗi lần hội tụ mấy anh em đều thừa nhận : “Chị Hiền của chúng mình còn hơn cả chị gái”.(Chúng tôi không có chị gái).
 Trong thời kì kháng chiến chống pháp, công chức như thầy tôi có thời gian mỗi tháng chỉ được mươi cân thóc.Vì vậy mẹ và chị tôi tranh thủ lúc nông nhàn làm thêm nghề phụ “hàng xáo”.Hai mẹ con sang mãi tận chợ Đình ở huyện Đô Lương mua thóc,gánh bộ về, xay giã mang gạo bán ở chợ Rạng.(Thời bấy giờ không dày dép gì cả.)Những hôm đó anh em tôi tự trông coi nhau.
 Chị tôi lấy chồng vào khoảng năm 1951.Anh rể tôi là chiến sĩ vệ quốc đoàn.Năm 1953 anh có được tranh thủ qua nhà một ngày,thầy tôi đã trao cho anh quả lựu đạn-phần thưởng về thành tích học tập xuất sắc của anh cả tôi. (Phần thưởng gồm một pho tượng Bác Hồ bằng thiếc và một qủa lựu đạn).
 Hòa bình anh được phục viên về quê.Anh là người nghiêm túc,cẩn trọng, lại được rèn luyện trong quân ngũ nên luôn được bầu làm đội trưởng đội sản xuất của hợp tác xã nông nghiệp.Thời gian đó tuy nhà tranh vách đất nhưng nhà anh chị tôi có tiếng trong xã về sự sạch sẽ.Cũng vì nhiều lí do mà anh chị tôi phải chuyển nhà đến mấy lần làm cho kinh tế đã khó khăn càng khó khăn hơn.Tuy vậy không bao giờ nghe họ kêu khổ, kêu khó lấy nửa lời.
 Anh rể tôi là người cẩn trọng, nghiêm túc nhưng “tả” quá nên máy móc,khó tính.Dẫu chị tôi là người hiền lành,vui vẻ nhưng trong cuộc sống thực bấy giờ đầy rẫy khó khăn không tránh khỏi đôi lần vợ chồng xung khắc.Có lần chú tôi ngang qua nhà nghe tiếng chị tôi khóc liền ghé vào thì chị tôi đã vội vàng lấy vạt áo lau nước mắt và đon đả: “Cháu chào chú ạ. Chú đến chơi anh ơi.Mời chú vào mời nước mới.”
 Lại có lần không hiểu sự thể thế nào mà vợ chồng đuổi nhau,chị chạy trước,anh hầm hầm chạy sau.Bỗng chị tôi né sang một bên:
 -Ông khỏe thì ông chạy trước đi.
 Câu đùa làm nhanh chóng hạ nhiệt cơn nóng của anh rể tôi.
 Năm 1956 gia đình tôi bị quy là sai “địa chủ”(sau ba tháng được trả lại thành phần trung nông.). Người ta khuyên chị tôi đấu tố mẹ nuôi và hứa sẽ được chia phần  “quả thực”xứng đáng nhưng chị tôi kiên quyết từ chối:
 _Mẹ tôi cư xử tốt với vợ chồng tôi chẳng khác chi con đẻ, bây giờ đặt điều nói xấu bà làm sao được?
  Câu nói của chị tôi đã năm mươi năm nhưng nhiều người thỉnh thoảng vẫn nhắc lại để giáo dục đức tính thật thà và cách sống ăn ở có đầu có cuối cho con cháu.
 Tôi còn nhớ có lần bọn trẻ chúng tôi ngồi mâm nhân dịp tết. Cả bọn hơn mười đứa.Khi bọn tôi đã chén xong lát bánh tét thì cu Hậu, con trai đầu lòng của anh chị tôi mới nhâm nhi đựơc 1/5.Bấy giờ tuy mới ở tuổi thiếu niên nhưng tôi cũng cảm nhận được việc dạy giỗ con cái của anh chị tôi chu đáo đến mức nào.
 Anh chị tôi có bốn con:ba trai, một gái và đã có đủ ba dâu,một rể từ lâu cùng một đàn cháu.Tuy vậy khi anh em tôi có con nhỏ chị vẫn tranh thủ đến chăm bẵm cháu giúp một thời gian.Như vậy là hết lượt cha ,đến lượt con lại được chị bồng bế, cưng nựng.Nhiều nhà trong xã thường nhờ chị  “tắm lông” cho các bé sơ sinh.Họ đồn nhau chị có đôi bàn tay dịu dàng,trẻ không khóc mà lại rất sạch lông tơ.Tôi cũng đã chứng kiến cảnh chị tắm cho cháu nội tôi:vừa tắm vừa nựng, người lớn nghe cũng cảm thấy dễ chịu.
 Dân gian có câu: “Dâu, gia-khúc ca muôn thuở”,nhưng mối quan hệ giữa chị tôi và ba cô dâu lại khác hẳn.cô nào cũng muốn được đón bà về ở cùng.Điều đó cũng dễ hiểu vì chị là người siêng năng,vui vẻ và giầu lòng vị tha.Có người hỏi chị:
 -Trong ba đứa dâu,đứa nào hơn?
 -Đứa hơn cái này, đứa hơn cái kia nhưng nhà tôi quả tốt phúc mới gặp được chúng.
 Người hỏi câu đó thực ra không thiện chí nhưng gặp câu trả lời của chị tôi như vậy bà ta đành im bặt.Thực ra  tuy chị không tâm sự với ai nhưng qua dư luận tôi vẫn biết  các cô con dâu của chị không phải là  người hoàn mĩ cả.
 Có lần nhà tôi ghé vào nhà hộ sinh thăm con dâu chị về kể rằng:
 _Nghe chị Hiền dạm con dâu ăn mà tôi cũng muốn ăn!
          Lại có lần mọi người chuyện quanh bàn nước chè xanh nói về chuyện ngủ ngáy.Chị tôi bảo:
 -Người ta cứ bảo người già khó ngủ nhưng tôi luôn ngủ ngon giấc.Đêm nào cũng vậy, cứ 11giờ rưỡi là đi nghỉ,dậy lúc 4 giờ sáng, đỏ lửa nấu cháo lợn xong tắm một cái.
 -Đó là bà nói chuyện mùa hè?
 -Mùa đông cũng vậy.
Thế đó ,chả trách cô dâu nào cũng muốn lôi kéo bà.
Có lẽ sức khỏe cũng do tính khí,cách sống quyết định một phần quan trọng. Chị tôi chả bao giờ tức giận gì ai ( mà nếu có cũng không lộ ra ngoài), lại hay lam hay làm nên ngủ ngon, ăn được.Cả đời bà hầu như chẳng bao giờ phải dùng thuốc tây.Có cảm mạo gì đó thì bà dùng nồi lá xông và một ấm thuốc nam.Một lần duy nhất con cháu đưa bà đến bệnh viện là lần bà thay thủy tinh thể(  do được một tổ chức y tế thế giới tài trợ miễn phí).Khi về nhà bà tươi cười(bao giờ bà cũng tươi cười):
 -Người ta cứ bảo đi viện khổ, còn tôi thâý ở viện thật sướng!
 Hầu như chẳng bao giờ bà đau ốm gì nhưng nghe tin trong làng có ai đau yếu,nhất là người già là bà đến thăm hỏi sớm. Chị tôi bảo trước đây thầy mẹ tôi đều như vậy, nghe tin trong xóm,trong họ có ai đau yếu,gặp chuyện rủi ro là vội dừng mọi việc dang dở lại để đến thăm hỏi,an ủi,động viên người ta ngay.Có hôm khoảng mười giờ đêm qua nhà tôi ghé vào chẳng thấy bà đâu.Thì ra bà đến ngủ với một bà cụ trong xóm. Bà này ở nhà một mình lại đang đau yếu.
 Có người bảo: “Đang lúc bực bội mà gặp bà Hiền là nguôi ngay, giống như gặp một làn gió mát vậy!”
 Các cuộc họp xóm bình xét gia đình văn hóa có khi rất mất thời gian. Nhưng khi đến gia đình chị tôi thì lần nào cũng nhanh chóng thông qua.có người nói:
 -Nhà bà Hiền mà không đạt gia đình văn hóa thì cả xã này chẳng nhà nào đạt cả.
Năm bà ngoài tám mươi mấy cô dâu của anh em tôi vẫn chọn bà là người  “tắm lông” cho các “cục cưng”của chúng,thậm chí còn đồng ý để bà chăm ẵm các bé hàng chục ngày.Các bà mẹ trẻ bây giờ ,vừa có tri thức,vừa sẵn tài chính mà chọn bà cụ ngoài tám mươi chăm bẵm con mình quả là điều hiếm thấy.Với họ chỉ có bà nội, bà ngoại hoặc một “ô sin”chuẩn làm việc đó.
 Vậy là không những anh em tôi được bà chăm ẵm mà các con tôi, các cháu tôi cũng có may mắn đó.Quả là điều khó tin, phải không các bạn?
 Tuy chỉ là con nuôi nhưng không những các bận giỗ thầy mẹ tôi mà cả các lễ giỗ ông bà,cụ kị tôi mẹ con,bà cháu chị đều có mặt từ hôm trước. Mẹ thì vò nếp,nhặt rau,con thì xách nước,bổ củi…Những lần họ Trần chúng tôi xây dựng hoặc nâng cấp từ đường mẹ con bà đều có lễ bái phụng.(Mặc dù gia đình chị nói riêng và bà con nông dân quê tôi nói chung mức sống còn thấp vì theo nếp  “tự cung,tự cấp”).
 Tết năm1992, mừng bà đón xuân “bảy  mươi”,tôi có mấy câu mừng :
 -Mừng chị Xuân nay đón Thất tuần
 Tấm lòng nhân hậu khó đong cân
 Suốt đời tần tảo vì con cháu
 Gương sáng tỏa ngời thiện, mĩ, chân.
 Kể ra làm thơ mừng thọ cũng không phải khó lắm nhưng khó ở chỗ phải đúng với từng người.Nếu dùng một bài mừng cho cả nhiều người thì thật buồn.Hoặc hoặc những bài “phóng đại”,thiếu chân thực thì cũng phản tác dụng.
Tết năm 2002 mừng bà nội thượng thọ bát tuần, Phúc-cháu đích tôn của bà, bấy giờ đang là học viên một trường sĩ quan trong Nam có bài thơ gửi về chúc thọ bà nội rất cảm động.Cũng như nhiều bạn bè cùng lứa, Phúc học nghiêng về tự nhiên,rất u ơ về xã hội (không biết đến bao giờ bệnh học lệch mới chữa được đây?)nhưng có lẽ bài thơ hay ở chỗ thực và cảm động.
 Trước Tết năm đó các anh tôi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có thư ,quà về chúc mừng.
 Tết đó tôi đã có đôi câu đối mừng bà:
 -Dẫu không sách vở, văn hóa đủ
 Tuy chẳng thuốc men, sức khỏe dư.
 Các cháu tôi đã chọn vị trí ưu tiên chođôi câu đối trên.
 Tôi cũng chỉ là một giáo viên sống ở nông thôn, kinh tế hạn hẹp nên không có được quà  “ra tấm,ra món” để chúc mừng bà nhưng sau mấy tuần nghĩ ra được đôi câu đối đó tôi mừng thực sự.Các anh tôi khi xem đôi câu đối trên cũng gật gù:
 -Chị Hiền của chúng mình quả đúng hoàn toàn như vậy.Mà có lẽ xưa nay cũng rất ít người xứng với đôi câu đối đó.

Đ.C: Trần Văn Phong, CCB, giáo viên hưu trí xóm Thanh Tân,
xã Thanh H¬ưng, Huyện Thanh Chương. Nghệ An
Đ.T 0383 939 868.  email:
chuongthanhphong@gmail.com