Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VIẾT VỀ NGƯỜI LAO ĐỘNG PHẢI LÀ NHU CẦU TỰ THÂN CỦA NGƯỜI CẦM BÚT

Anh Thơ thực hiện.
Chủ nhật ngày 27 tháng 9 năm 2009 7:17 PM

Bài phỏng vấn của Anh Thơ in trên Báo Hải Phòng
 
Bàn về văn học về đề tài công nhân, có nhà văn nhận xét rằng: "Không còn ai vừa viết văn, vừa làm thơ nữa. Và dường như công nhân bây giờ cũng không có thời gian để tiếp cận văn học, để cần đến nhà văn, để nói đúng về mình. Theo đó, làm hạn chế nguồn cung cấp lực lượng mới, tài năng mới cho văn học. Thật khó khăn khi tạo ra một trào lưu mới về văn học đề tài công nhân".
Tuy nhiên, với "Hy râu", "một ngày kiếm việc", "Chuyến xe đêm", "Cún con", "Quyền khinh bỉ"..., nhà văn LƯƠNG VĂN CHI (hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng) khi nhà văn coi việc viết về công nhân, người lao động là nhu cầu tự thân thì vẫn có tác phẩm văn học về đề tài này.
- Anh có thói quen đọc cho người khác nghe một cách chính xác không chỉ những câu mình viết, mà còn nhớ như in những câu văn của người khác nữa, ví như: "Mũi hàn vẫn dũi đều trên mặt thép" của Nguyễn Hồng Quang?
- Nguyễn Hồng Quang là một trong các nhà văn Hải Phòng viết về công nhân khá hay. Tôi đọc rất kỹ "Tia sáng đỏ" của ông và rất thích những chi tiết ấy. Nó cho tôi một chiêm nghiệm: khi nhà văn đồng thời cũng là người thợ, người công nhân, thì họ viết rất đúng, rất đậm đà chất thợ cũng như chuyển tải một cách sâu sắc, chân thực tâm tư, đời sống của người công nhân.
- Anh có cảm thấy lẻ loi khi quay đi, quay lại chẳng còn mấy ai thuỷ chung với đề tài này?
- Cách đây chừng 30 năm, Hải Phòng có những nhà văn công nhân viết rất sinh động về người thợ, người lao động. Tôi cũng như họ, vẫn viết bởi viết là nhu cầu của tôi.
- Bạn đọc gọi anh là "Nhà văn thợ mộc". Nghề thợ mộc có mang lại cho anh lợi thế khi viết văn?
- Tôi từng là công nhân xí nghiệp gỗ 6 - 1. Năm 1989, tôi nghỉ công tác hưởng chế độ một lần, sau đó làm thợ mộc tại nhà và lưu động. Ở đâu có nhu cầu làm mới, sửa chữa bàn ghế, giường, tủ... chỉ cần một cú điện thoại là tôi lên đường. Thực tế mưu sinh ấy cho tôi đến với những ngõ ngách đời sống của những số phận, nhất là những người công nhân cùng về "một cục" như tôi. Và đó là lợi thế cho nghề viết văn của tôi.
- Như tôi đọc và thấy nhiều truyện ngắn của anh, bên cạnh chi tiết cô đọng, bỗng vụt ra những tình huống lớp lang như thể anh đang cấu trúc một kịch bản sân khấu vậy... Anh không có ý định tả thực nhân vật của mình?
- Đúng vậy, tôi thường cắt nghĩa bằng văn học nguyên nhân của những sự việc. Người đạp xích lô trong truyện "Cún con" đã có lúc cùn quằn, thậm chí đánh cả con mình vô cớ cũng vì lỗi lo cơm áo của một gia đình công nhân mất việc đè nặng lên vai. Hay Lương trong "Một ngày kiếm việc" đã bị bóc lột tinh vi mà người cao tay "Soi cho kỹ rồi bắt lỗi trừ vào tiền công" không ai khác chính là tay Giám đốc cũ của anh.
Tóm lại, môi trường xã hội nào thì tạo ra con người thế ấy. Ở nhiều doanh nghiệp, do thời gian làm việc ngặt nghèo, người lao động chân tay ít có điều kiện tiếp cận với việc đọc, nghe, xem, trong đó có văn học. Tôi có lần đến một nhà máy có gần 5.000 công nhân trong khu công nghiệp NOMURA kết hợp khảo sát xem độc giả ở đây với tác phẩm của tôi như thế nào? Nhưng những nhóm thợ nữ tôi hỏi, các cháu đều nói không có thời gian truy cập Internet, hay đọc sách báo... Mặt khác trong số họ, rất hiếm nhân tố mới vừa làm thợ, vừa viết văn như thời kỳ trước đây.
- Có thể chia sẻ với anh như thế này: Hơn lúc nào hết, nhà văn phải nói lên tiếng nói của công nhân, người lao động hiện nay. Nhưng đội ngũ viết văn về công nhân lại đang ở thời điểm báo động!
- Vấn đề là chỗ đấy! Tôi cũng đồng ý rằng đã đến lúc phải mở những cuộc vận động sáng tác từ phía các cơ quan chức năng. Nhưng cũng xin lưu ý rằng, nhà văn đi thực tế sáng tác trong môi trường công nghiệp bây giờ khó hơn trước đây, nhất là các đơn vị liên doanh, nơi mà tổ chức công đoàn nhiều nơi lập ra chỉ "làm vì", và quan trọng nhất là họ không thích văn học. Bởi vậy, nhà văn phải tiếp cận thực tế theo cách riêng. Tôi cho rằng chỉ khi nào sáng tác về công nhân, người lao động là nhu cầu tự thân, thì nhà văn mới góp phần cải thiện thực trạng văn học về đề tài công nhân hiện nay. Và chỉ khi nào trong hàng ngũ công nhân lao động ở các khu công nghiệp lớn xuất hiện những nhân tố mới viết văn và làm thợ thì khi đó, ta mới có nhiều tác phẩm hay về đề tài này.
- Xin cảm ơn nhà văn Lương Văn Chi!
Anh Thơ thực hiện.