Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÓ MỘT CUỘC BÚT CHIẾN...BẰNG THƠ

Ngô Minh Thuyên
Chủ nhật ngày 27 tháng 9 năm 2009 4:52 AM
Trong lịch sử văn học nước ta có rất nhiều cuộc bút chiến nẩy lửa đã xẩy ra, nhằm đấu tranh cho những quan điểm tư tưởng học thuật tiến bộ được nhiều người biết đến như: Cuộc bút chiến giữa Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng với Phạm Quỳnh “Luận về chính học cùng tà thuyết” xẩy ra ở giai đoạn 1924-1930., Cuộc bút chiến giữa nhà văn Mác xít Hải Triều-Nguyễn Khoa Văn với Phan Khôi về “Duy tâm hay duy vật” và nhóm Hải Triều, Hải Khánh,Hải Vân, Hồ Xanh, Lâm Mộng Quang, Bùi Công Trừng...với nhóm Hoài Thanh, Thiếu Sơn, Lưu Trọng Lư, Thiền Quang, Lư Tràng Kiều...về “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”, thời kỳ 1930- 1945...Tuy nhiên ít ai ngờ rằng hơn 150 năm trước, dưới triều vua Tự Đức, khi Thực nhân Pháp đánh chiếm Nam kỳ lục tỉnh, trên vùng đất Gia Định(Sài Gòn) cũng đã từng xẩy ra một cuộc bút chiến nẩy lửa “một mất, một còn” giữa hai phe có tư tưởng quan điểm đối địch. Một bên là những sỹ phu yêu nước, ủng hộ hết lòng cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, một bên là những kẻ bồi bút bán nước. Điều đặc biệt, cuộc bút chiến này là cuộc bút chiến bằng... Thơ, nên càng được lưu truyền rộng rãi trong mọi từng lớp nhân dân.
 Khởi đầu của cuộc bút chiến bắt đầu từ “Thi xã Bạch Mai”. Nguyên trước năm 1858, khi thực nhân Pháp chưa đánh chiếm Nam Bộ, ở Chợ Lớn -Gia Định có một ngôi chùa mang tên Mai Sơn Tự, quanh chùa trồng rất nhiều mai trắng, các văn nhân tài tử Nam kỳ thường lui tới đây xướng họa và lập nên nhóm Thi xã Bạch mai trong đó có Tôn Thọ Tường. Năm 1859 Thực nhân Pháp đánh chiếm Gia Định, Mai Sơn Tự thành đồn lính, nhóm Thi xã Bạch Mai tan rã. Một số nhà thơ lên đường cùng nhân dân Nam Kỳ chống Pháp như, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Hữu Huân, Huỳnh Mẫn Đạt...Một số khác an phận can tâm hợp tác với giặc như, Tôn Thọ Tường, Phan Hiển Đạo..Và cuộc bút chiến bắt đầu xẩy ra và lan rộng ở Nam Kỳ. Tôn Thọ Tường đã dùng văn chương như chiếc mộc đỡ để che dấu bộ mặt phản dân phản nước của mình qua tác phẩm 10 bài Tự Thuật liên vận, Tôn phu nhân qui Thục, Từ Thứ qui Tào... để giải bày gữi gắm tâm sự của mình. Trong đó bài mở đầu là bài Tôn phu nhân qui Thục”:
                                        cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
                                        Ngàn năm rạng tiết gái Giang Đông.
                                        Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
                                        Về Hán trau tria mảnh má hồng
                                        Son phấn thà đem dày gió bụi
                                        Đá vàng chi để thẹn non sông
                                        Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
                                        Thà mất lòng anh đặng bụng chồng.
 
Nhà thơ phan Văn Trị, hay còn gọi là Cử Trị, một trong những cây bút chủ lực của nhóm “Thi xã Bạch Mai”, bằng tấm lòng yêu nước, ngòi bút ngay thẳng sắc bén của mình đã sử dụng thơ ca như vũ khí chiến đấu, vạch bộ mặt giả nhân giả nghĩa của nhà thơ họ Tôn như sau;
                                       Cài trâm sửa trấp vẹn câu tòng
                                        Mặt giã trời chiều biệt cõi Đông
                                        Ngút tỏa vầng Ngô in sắc trắng
                                        Duyên về đất thục đượm màu hồng
                                        Hai vai tơ tóc bên trời đất
                                        Một gánh cương thường nặng núi sông
                                        Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết
                                        Trai ngay  thờ chúa gái thờ chồng.
Bài họa lại của nhà thơ Nhiêu Mân như sau:
                                    “...Dỏi theo thánh trước giữ tam tòng
                                        Lai láng lòng này cách cõi Đông
                                        Ủ dột vầng Ngô oanh ngút bạc
                                        Sửa sang về Thục thắt tơ hồng
                                        Thà đem lá thắm gieo dòng bích
                                        Nở để hoa tàn rửa mấy sông
                                        Anh hỡi sao anh không biết nghĩ
                                        Làm thân con gái phải thờ chồng..”
Cuộc bút chiến thực sự lôi kéo rất nhiều nhà thơ Nam Kỳ vào cuộc và tạo nên một làn sóng lên án mạnh mẽ những kẻ ôm chân thực nhân đế quốc. Đặc biệt sau khi 10 bài “tự thuật” của Tôn Thọ Tường ra đời bao che cho hành vi khiếp sợ sức mạnh  vật chất của thực dân Pháp, với bài mở đầu như sau;
                                        Giang san ba tỉnh tiếng còn đây
                                         Trời đất xui chi đến nổi này.
                                         Chớp nhoáng thẳng bon dây thép kéo,
                                         Mây đen tuôn kịt khói tàu bay
                                         Xăng văng thầm tính thương đòi chổ
                                         Khấp khởi riêng lo sợ những ngày.
                                          Miệng cọp hàm rồng chưa dể chọc
                                         Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay.
Nhà thơ  yêu  nước Cử Trị đã hoạ lại 10 bài, nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa cũng họa lại 10 bài, nhà thơ Lê Quang Chiểu -10 bài, nhà thơ Nhiêu Mân - 10 bài...
  Bài hoạ lại của Cử trị như sau:
                                         Hơn thua chưa quyết đó cùng đây
                                         Chẳng đã nên ta phải thế này.
                                         Bến Nghé quản bao cơn lửa cháy,
                                         Cồn Rồng dầu mặc bụi tro bay.
                                         Nuôi muông giết thỏ còn chờ thuở,
                                         Bủa lưới săn nai cũng có ngày
                                        Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ
                                         Lòng ta sắt đá há lung lay.
Cuộc bút chiến của các nhà thơ yêu nước Nam Kỳ trong những ngày đầu kháng Pháp không chỉ đánh đúng tim đen của những kẻ bồi bút , mươn văn chương để che dấu hành vi bán nước của mình. Mà còn khơi dậy niềm tin tất thắng của  nhân dân -đất nước trong cuộc kháng chiến đầy gian lao anh dũng của nhân dân Nam Bộ. Nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa trong một bài họa lại kết thúc cuộc bút chiến đã khẳng định:
                                     “...Anh hùng sáu tỉnh thiếu chi đây
                                         Đâu để Giang san đến nỗi này
                                         Ngọn lửa Tam Tần phừng đất cháy
                                         Chòm mây ngũ quí lấp trời bay
                                         Hùm nương non rậm toan chờ thuở
                                         Cáo loạn vườn hoang thác có ngày
                                         Một góc cảm thương dân nước lửa
                                        Trời Nam trụ vững há lung lay...”
Với phạm vi bài viết, không thể dẫn hết các bài thơ xướng họa trong cuộc bút chiến này, nhưng qua đây chúng ta cũng thấy được phần nào mức độ sâu rộng của cuộc bút chiến, cũng như tấm lòng của các nhà thơ Nam Kỳ trước vận nước lâm nguy. Đây là cuộc bút chiến đầu tiên, cũng là cuộc bút chiến bằng thơ có một không hai trong lịch sử văn học nước ta từ xưa đến nay.
                                                                      Ngô Minh Thuyên
                                                                               (tổng hợp)
 (Theo Thơ văn yêu nước Nam Bộ thế thế kỷ XIX của Giáo sư Ca Văn Thỉnh và nhà thơ Bảo Định Giang)