Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TẢN MẠN ĐINH QUANG TỐN VỀ NGHIỆP VĂN

Dương Kiều Minh
Thứ hai ngày 28 tháng 9 năm 2009 8:41 AM

 (Đọc Tản mạn nghiệp văn, tập tiểu luận của Đinh Quang Tốn - NXB Hội Nhà văn 2008)
vspace=12
Tôi được biết, Đinh Quang Tốn đứng trên văn đàn với tư cách là nhà nghiên cứu phê bình văn học. Mặc dù sáng tác thơ vẫn là việc anh say mê ngay từ buổi đầu và bền bỉ theo nó đến tận bây giờ, nghe chừng anh muốn mình ở tư cách là thi nhân hơn là một phê bình gia. Để viết về Đinh Quang Tốn, đây có lẽ là câu chuyện không thể nói dăm ba dòng mà thấu tỏ được.

Về cái lý do, hay là cái duyên để Đinh Quang Tốn đến với phê bình văn học thật giản dị và chân thực, anh không hề khoác lên nó một lớp giả kim nào, anh kể “Khi còn dạy học ở trường cán bộ quản lý của Bộ Mỏ - Địa chất” (nay nằm trong Bộ Công thương), tôi là bí thư đoàn thanh niên trường. Làm công tác đoàn là gắn liền với phong trào văn nghệ. Tôi không biết hát, nhưng biết nhận xét góp ý những người hát. Có lẽ đây là khởi nguồn cho con người làm phê bình của tôi chăng?” (Nghệ thuật là khoảng giữa mờ và tỏ – tr32).

Cái quê hương mang tính địa lý được coi là khởi nguồn của nhà phê bình Đinh Quang Tốn mà anh nhắc đến là một cái làng quê mà cơ quan của anh đã sơ tán nhiều năm ở đó. Tôi có cái may mắn là được về làng quê này cùng Đinh Quang Tốn, nhà thơ Trần Hùng (hiện là vị pháp chủ ngành văn hoá - thể thao – du lịch Cao Bằng) và nhà thơ Nguyễn Thành Tuấn. Đấy là một làng Việt cổ của tỉnh Hưng Yên, các cảnh quan kiến trúc từ đầu thể kỷ XX còn được gìn giữ khá nguyên vẹn, đến mức cái trạm xá nơi sinh đứa cháu gái của Đinh Quang Tốn nay vẫn còn; đặc biệt thật hiếm thấy làng nào lại gìn giữ các giếng khơi công phu và cẩn mật như vậy, hình như người làng ở đây coi những cái giếng cổ xưa là những huyệt khai và tụ long mạch của làng. Theo nhà thơ Nguyễn Thành Tuấn thì làng còn lại cây cầu bằng đá đẹp và cổ nhất của Việt Nam. Đinh Quang Tốn là một tác giả phê bình viết đều đặn bền bỉ. Tập tiểu luận Tản mạn nghiệp văn được ra đời trong sự đột xuất, là kết quả một giai đoạn hứng khởi phê bình của Đinh Quang Tốn bay lướt lên khỏi cái thói quen, cái cách thức mà tác giả từng viết phê bình mấy chục năm qua. Tiểu luận viết theo hướng này tác giả có điều kiện nói trực diện nhất, những điều cốt lõi nhất và phổ quát nhất về văn chương được đúc rút từ tri thức, kinh nghiệm của mình. Với tập tiểu luận theo hướng này, Đinh Quang Tốn còn rút tỉa và bộc bạch được nhiều điều từ trải nghiệm của một người sáng tác, của một cuộc đời từng trải, mà theo hướng viết phê bình trước đây, tác giả không có cơ hội để bộc lộ. Các tiểu luận của Tản mạn nghiệp văn không dài, mỗi tiểu luận chỉ từ 500-1000 từ nhưng nó đã cô đọng và khái quát về những vấn đề khá cơ bản của công việc văn chương chữ nghĩa.

Trước nhất, Đinh Quang Tốn không né tránh những cái khó, những khiếm khuyết trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình mà anh là người trong cuộc. Tác giả viết: “Tôi thấy việc định giá một tác phẩm, một hiện tượng văn chương là vô cùng khó khăn. Bởi người sáng tác thì giấu chìa khoá của mình đi, còn nhà phê bình thì đi tìm nó”. Tôi không rõ người sáng tác có giấu chìa khoá của mình không, nhưng việc đi tìm mã khoá của tác phẩm văn chương là việc có thật của các nhà phê bình. Về công tác nghiên cứu phê bình hiện nay, Đinh Quang Tốn nói rõ: Đời sống văn chương thì lực lưỡng là vậy, nhưng công tác lý luận phê bình văn chương, tuy là người trong cuộc các nhà lý luận phê bình cũng phải thừa nhận rằng nó còn rất èo ợt và bợt bạt. Lý luận phê bình chưa làm nổi công việc tổng kết để đánh giá và hướng dẫn dư luận, chưa có tác động đáng kể vào dòng chảy văn chương. Có người còn cực đoan cho rằng, thành tựu lớn nhất của công tác lý luận phê bình văn chương những năm gần đây là dịch được  một vài tác phẩn lý luận văn chương nước ngoài, mà những tác phẩm này lại không được các nhà văn đón đọc. Thực ra thì lý luận phê bình văn chương của ta cũng đang trong thời kỳ đổi mới, đang vận động và phát triển.

Tiếp theo, tác giả trở về cái kết cấu có hậu là phác họa viễn cảnh chân trời tương lai của lý luận phê bình: Vậy chúng ta có thể tin rằng giai đoạn tiếp theo của đời sống văn chương, công tác lý luận phê bình sẽ có những bước phát triển mới có thể song hành với các sáng tác văn chương. Để rồi từng bước, lý luận phê bình có thể làm chủ đời sống văn chương, đưa ra những nhận định đúng đắn, những đánh giá chuẩn xác, những kiến giải mà đời sống văn chương đòi hỏi (Lý luận và đổi mới văn chương - tr118, 119).

Để công tác lý luận phê bình tiếp cận, giải mã, song hành và định hướng văn chương, theo Đinh Quang Tốn phải xác định nền tảng của văn chương là văn hoá, văn chương nảy nở phương trưởng trên nền tảng của văn hoá và văn chương là tinh hoa tinh túy của văn hoá: Nền tảng của văn chương là văn hoá. Văn chương của một dân tộc chỉ phát triển trên một nền văn hoá phát triển. Nền văn hoá càng bề thế, càng đồ sộ và rộng lớn thì nền văn chương càng có điều kiện xuất hiện nhiều đỉnh cao. Đó là điều không còn phải tranh cãi…. Đinh Quang Tốn đi sâu và nhấn mạnh cái làm nên nền tảng văn hoá, nuôi sống cái nền ấy, tạo nên hồn vía cho cái nền ấy là thôn quê, là văn hoá làng xã: Càng thấm đẫm văn hoá làng xã thì càng dễ tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại (...). Nền văn hoá của một dân tộc bao giờ cũng có một nền tảng cơ sở từ văn hoá làng xã. Đặc điểm của nền văn hoá dân tộc tìm ở đâu nếu không phải là ở văn hóa làng xã? Đó là cội nguồn, là nơi giữ lửa văn hoá qua những biến động của lịch sử” (Nền tảng của văn chương - tr 104, 105).

Cả tập tiểu luận Tản mạn nghiệp văn dày hơn 200 trang với 63 tiểu luận, tôi nhận thấy mối quan tâm thường xuyên của Đinh Quang Tốn có lẽ là về thế giới của văn học nghệ thuật và sáng tạo của văn nghệ sĩ. Đúng, đó chính là tâm điểm để khởi phá những luồng gió lớn làm choáng ngợp trái đất. Một người làm lý luận phê bình văn học làm sao không quan tâm đến những vấn đề cốt tuỷ đó được. Sau đây là những suy ngẫm, luận điểm và kiến giải của Đinh Quang Tôn những vấn đề này.

Thế giới nghệ thuật là một thế giới tuyệt diệu mà nghệ sĩ có tự do tuyệt đối để sáng tạo nếu trái tim đã hiến dâng cho con người, cho cái đẹp. Điều này chỉ trong sáng tạo nghệ thuật mới có được (Sống một trăm lần - tr2). Văn học nghệ thuật cũng như cuộc sống phong phú kỳ lạ và còn nhiều ẩn số, “văn nghệ sĩ là những người sáng tạo, điều quan trọng nhất với họ là làm ra những cái mới lạ từ những chất liệu bình thường (Cánh diều và mặt đất -tr67). Người nghệ sĩ họ khác mọi người ở chỗ họ không sống bình thường được: nhiều niềm vui và nhiều nỗi buồn hơn. Họ nhạy cảm hơn mọi người trước cái xấu và cái đẹp, và có chính kiến riêng. Những tài năng đều do sự phát triển thái quá về một mặt nào đấy, người nghệ sĩ là sự phát triển thái quá của chất nghệ sĩ có sẵn trong con người (Trái tim thức ngủ - tr12)

Giá  trị thẩm mỹ là giá trị muôn đời của văn học nghệ thuật. Còn những giá trị khác là nhất thời trong từng hoàn cảnh mà thôi (Giá trị của văn chương - tr23).

Nhưng tôi quyết cho rằng: sáng tạo nghệ thuật không phải là một công việc nặng nhọc vất vả. Nói đến nghệ thuật là nói đến nhẹ nhàng thanh thoát(...). Một tác phẩm đích thực được tạo ra do hai yếu tố: người nghệ sĩ có điều muốn nói và có khả năng để nói ra. Khi hai yếu tố này hoà hợp với nhau thì tác phẩm được ra đời một cách tự nhiên như nhặt được, như trời cho vậy (...). Nghệ thuật đòi hỏi sự điêu luyện đến mức tự nhiên như hoa đến kỳ thì nở. (Làm văn nghệ là một công việc nặng nhọc vất vả? - tr.27).

Giá trị của một tác phẩm là đặt ra được vấn đề gì và cách giải quyết vấn đề đó như thế nào theo cách riêng của người nghệ sĩ (Giá trị của một tác phẩm -tr45) Anh là ai, thì hãy trình tác phẩm ra cho thiên hạ. Còn anh viết ra bằng cách nào không quan trọng lắm. Miễn là tác phẩm phải hay. Nếu tác phẩm dở thì anh, chị có viết như cầu nguyện, như thoát xác, như trời hành cũng chẳng có giá trị gì (Viết như lên đồng, như trời hành? – tr.51).

Tuổi càng nhiều tôi càng ít viết. Hình như trong tôi có một nhà phê bình nên tôi cứ cầm bút là bị nhắc nhở: phải cẩn trọng với từng chữ khi viết ra (...) Đối với các nhà văn, tác phẩm của anh không chỉ là vạch áo cho người xem lưng mà là vạc áo cho người xem hết mọi thứ của mình:  tư tưỏng, tình cảm, trình độ học vấn, thái độ sống, văn hoá ứng xử ... Anh tự lật hết anh ra, không có gì che giấu được. Thậm chí, càng che giấu càng lật tẩy. Thế thì các cụ nói phải biết sợ chữ là phải ( Hãy cẩn trọng với từng chữ - tr41). Theo Đinh Quang Tốn, nghệ thuật là một thế giới tuyệt diệu, người nghệ sĩ là người khác mọi người và giá trị thường hằng của nghệ thuật là giá trị thẩm mỹ. Đối với người nghệ sĩ giá trị tác phẩm là tất cả, tác phẩm của nghệ sĩ chứa đựng đầy đủ nhất từ phẩm cách, tài năng và toàn bộ con người nghệ sĩ, do vậy người nghệ sĩ không thể không biết sợ những gì mà mình tạo nên tác phẩm rồi trình đặt trước công chúng.

Để làm nên tác phẩm có nhiều yếu tố, nhưng theo Đinh Quang Tốn cái duyên, cái hồn mới là yếu tố quyết định đối với tác phẩm hay hoặc dở. Tác giả lý giải như sau: Viết văn phụ thuộc nhiều nhất vào cái duyên của người sáng tác. Cái duyên đó là sự gặp gỡ kết hợp kỳ lạ giữa tâm hồn nghệ sĩ và cuộc sống tạo ra một sản phẩm đặc biệt khác thường. Những tác phẩm phê bình thực sự cũng phải có cái duyên bí ẩn kia (Duyên văn - tr18).

Tác giả lý giải tiếp Sự thạo nghề, tinh thông nghề nghiệp thì có thể học, có thể rèn luyện. Còn tác phẩm hay là ở hồn thơ, hồn văn cao hay thấp. Mà hồn văn, hồn thơ cao hay thấp thì phần nhiều từ bẩm sinh, sự bồi đắp cũng có thể làm tôn cao thêm, rạm vỡ hơn, nhưng khó khăn vô cùng (Nhà văn chuyên nghiệp? – tr. 60)

Việc tạo nên tác phẩm hay, có giá trị khác thường, người nghệ sĩ phải có cái duyên, cái hồn, yếu tố bẩm sinh là những yếu tố quyết định, nhưng như vậy vẫn chưa đủ mà người nghệ sĩ còn phải tạo được cảm hứng xuất thần như là của trời cho. Chúng ta nghe nhà phê bình Đinh Quang Tốn kiến giải những yếu tố thuộc lĩnh vực ngỡ như siêu hình này một cách thật dung dị: Vậy thế nào là xuất thần, là trời cho? Đó là những tác phẩm vượt lên trên khả năng sáng tạo của tác giả lúc bình thường. Nó chỉ ra đời do một sự kết hợp đặt biệt giữa các yếu tố vào một thời điểm nào đó. Nói trời cho là nói vậy, chứ nó cũng của tác giả thôi. Nhưng do sự giao cắt bất ngờ giữa các yếu tố mà tạo nên. Từ sự thôi thúc tích tụ, dồn nén nào đấy, rồi gặp sự phá vỡ đột ngột mà vọt trào, mà chuyển đổi thành một chất lượng khác, đôi khi chính tác giả cũng phải ngỡ ngàng. Nhưng muốn có thể được những tác phẩm như thế, tất nhiên không thể ngồi há miệng chờ sung mà phải sống hết mình, yêu hết mình, hiến dâng cho cuộc đời cho nghệ thuật may ra mới có thể có được một phút xuất thần, mà cũng có thể suốt đời không có. Ai mà biết được! Nghệ thuật có thể có quy luật chung, nhưng với từng cái riêng thì lại chẳng có quy luật nào (Những tác phẩn xuất thần – tr.54).

Về cảm hứng sáng tạo và năng khiếu bẩm sinh, ở những chỗ khác trong tập tiểu luận, tác giả Đinh Quang Tốn tiếp tục kiến giải một cách không mệt mỏi theo cách hiểu riêng của anh: Đối với sáng tạo một tác phẩm, cảm hứng sáng tác là khởi đầu, nhưng cũng góp phần quyết định, và không có cảm hứng sáng tác thì không có tác phẩm (...). Cảm hứng sáng tác là một cảm hứng tự nhiên, đừng cố tạo ra nhưng cũng đừng thụ động ngồi chờ, bởi muốn có mùa gặt thì phải gieo hạt và chăm bón (Cảm hứng sáng tác – tr.69)

Thiên tài phát triển từ năng khiếu bẩm sinh do liên tục được chăm bón, bồi đắp. Chính sự chăm bón, bồi đặp mà mầm năng khiếu lớn dần, cao to và thành cổ thụ. Lao động chỉ là quá trình chuyển đổi chất thành sản phẩm. Còn quá trình nạp chất mới là quá trình quyết định đối với tài năng (...). Vì thế tôi rất sợ phong trào tập làm thơ, tập viết văn. Không thể tập mà thành được đâu! Không thể lao động nhiệt tình mà thành được. Tài năng cho đến nay vẫn là một sự bí ẩn đối với con người. Nếu không có tài  năng mà lao động nhiều thì sẽ sản sinh ra hàng đống những sản phẩm vô nghĩa (Năng khiếu bẩm sinh và sự đắp bồi – tr.66).

Tác giả của Tản mạn nghiệp văn hay dừng lại những suy ngẫm trước sự bí ẩn của tài năng, của cảm hứng xuất thần. Về sự bí ẩn của cảm hứng và tài năng nghệ thuật, các nhà tâm lý học đầu thế kỷ XX đã thăm dò chạm tới vùng bí ẩn này, nhưng thực ra họ vẫn còn bỏ ngỏ chưa có kết luận sáng tỏ cuối cùng. Sigmund Freud cho rằng năng lực sáng tạo nghệ thuật và khoa học là sự chuyển dịch Libido dưới sự cho phép khí quan thần kinh, làm cho mục đích bản năng thay đổi, ở đây có sự giúp đỡ bởi sự thăng hoa bản năng. Nhưng sự chuyển dịch libido thăng hoa bản năng chỉ có thể diễn ra đối với những người có khí chất đặc biệt và yếu tố thiên phú làm điều kiện tiên quyết. Vì vậy S.Freud vẫn  phải nói rằng sẽ có ngày có thể làm rõ những niềm vui sướng của cảm hứng sáng tạo bằng ngôn ngữ của Tâm lý Huyền học.

C.G.Tung đi sâu vào thăm dò tiềm thức và siêu tượng , ông cho rằng nhiều lĩnh vực của tâm trí người vẫn còn mù mịt trong bóng tối.

Roberto Assagioli đã vẽ lên cả một Sơ đồ về cấu trúc tâm lý của con người. Ông khẳng định Trong tâm hồn con người có nhiều năng lực và năng lượng nói chung chưa được biết tới, những khả năng sáng tạo và biểu hiện đáng ngạc nhiên tồn tại trong trạng thái tiềm ẩn, sẵn sàng được bộc lộ một khi người ta mang lại cho chúng những điều kiện mong muốn. R.Assagioli đã phác hoạ sự mở rộng đi lên của trường ý thức, khi có sự nâng cao nội tâm, nó di chuyển và nâng tới trình độ siêu thức, hoặc một sự đột nhập của những yếu tố cao siêu vào trường ý thức. Sự đột nhập ấy biểu hiện dưới hình thức những trực giác, ngẫu hứng, tài năng sáng tạo, những xung lực có tác động nhân đạo hay anh hùng. Khi đạt đến trình độ siêu thức kích thích những năng lượng đang ngủ quên, năng lực này được thể hiện một cách tự phát, bất ngờ, thôi thúc, tạo nên từ một kích thích bên ngoài, nó đột nhiên đập vào và gây ra những cảm xúc sâu sắc, những cảm giác mạnh mẽ và làm cho cái siêu thức hoạt động.

Các nhà tâm lý học danh tiếng đầu thể kỷ XX đã khoan một lỗ thủng lớn vào thế giới của vô thúc, tiềm thức với những siêu thức và siêu tượng trong cái sơ đồ hùng vĩ về cấu trúc tâm lý tâm thần của đời sống con người, làm thay đổi nhận thức của cả nhân loại từng an bài hơn hai chục thế kỷ. Nhưng xem ra cái vùng sáng tạo nghệ thuật và cảm hứng xuất thần, chắc vẫn còn nằm trong tương lai như  S.Freud đã nói sẽ có ngày có thể làm rõ bằng ngôn ngữ của Tâm lý Huyền học. Tập tiểu luận Tản mạn nghiệp văn xoay quanh cái trục chính là vai trò của văn học nghệ thuật và sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ. Trong cái chu trình kỳ diệu của một nghệ sĩ tạo ra tác phẩm của mình, việc đọc và đi là quá trình nạp chất của mỗi nhà văn, không có quá trình này thì mầm năng khiếu không thể phát triển (...) Còn viết thì lại là quá trình khác. Đó là quá trình chuyển đổi chất từ cành lá xanh thành quả chín. Anh đọc lắm đi nhiều, mọi điều đều hay, nhưng cuối cùng là anh viết được cái gì (Đọc, đi và viết – tr.99). Tác giả tiếp tục lý giải sâu hơn về việc đọc, đi và viết này Tuy nhiên phải khẳng định rằng thực tế cuộc sống rất cần cho các văn nghệ sĩ. Như cây cần hút dinh dưỡng vậy. Nhưng thực tế cuộc sống có ở mọi nơi, có ngay ở thành thị, ngay ở cơ quan, ở cuộc sống riêng của nhà văn...”

“Thực ra, vốn thực tế không đồng nghĩa với vốn sống, vốn sống là bề sâu của nhà văn, còn vốn thực tế chỉ là bề nổi” (Cánh diều và mặt đất – tr.5,6) .Mỗi nhà văn đều có một quê hương văn chương của mình. Đó là nơi nhà văn gắn bó am hiểu và có tình cảm sâu nặng. Vì thế con người và mảnh đất nơi ấy thường đi vào tác phẩm của nhà văn một cách tự nhiên, làm nên sự thành công của tác phẩm. (Quê hương văn chương – tr.63).

Từ sự kiến giải trên về việc đọc, đi và viết, Đinh Quang Tốn đã khái quát nâng lên tầm quan trọng của thực tế cuộc sống đối với việc tạo ra tác phẩm của nghệ sĩ: Cảm xúc cuộc sống và cảm hứng văn chương có sự tương quan thúc đẩy nhau như đời sống văn hoá và nền văn chương vậy (Viết văn vào lúc nào – tr.57). Nhà văn có thực tế sống cuộc đời nhân vật thì các nhân vật mới sống với đời... Số phận những nhân vật là tượng đài kỳ vĩ nhất mà nhà nghệ sĩ tự dựng cho mình” (Sống một trăm lần – tr.22).

Từ những vấn đề có tính phổ quát và nguyên lý về văn học nghệ thuật và sáng tạo của nghệ sĩ, tác giả Tản mạn nghiệp văn không dừng lại ở đây, mà hướng sự quan tâm tới những vấn đề cập nhật của thời hiện nay với kinh tế thị trường. Trong cái môi trường với khí hậu và những dòng hải lưu mới này, sự vận hành của văn chương và người nghệ sĩ là mối bận tâm không nhỏ đối với nhà phê bình: Thời buổi kinh tế thị trường cũng phải cảnh giác với nhiều giá trị ảo, những tác phẩm được lăng xê vượt quá xa giá trị thật (Có bột mới gột lên hồ – tr.72). Có thể, cơ chế thị trường sản sinh ra những văn nghệ sĩ thị trường (Kiêu hãnh và khiêm tốn – tr.84).

Trong mười người làm thơ thì chín người ngộ nhận. Trong một trăm tập thơ thì chỉ có một hai tập khá, vài ba tập đọc được còn hầu hết là yếu kém, chưa phải là thơ (...). Cơ chế thị trường chỉ làm hỏng những nhà văn bất tài. Điều ấy thì lại là may mắn cho hàng triệu độc giả, may mắn cho nền văn chương” (Văn chương và cơ chế thị trường – tr.30). Trong văn nghệ hiện nay cũng đang có quá trình tự bán mình ở chợ giời thơ và tiểu thuyết (Sự thay đổi - tr16).

Từ việc suy ngẫm và sáng tạo của nghệ sĩ và giá trị của tác phẩm trong một môi trường với khí hậu mới như trên, tác giả đã lý giải phân biệt sự thật giả xuất hiện trên các mặt hàng văn chương hiện nay. Tôi không đánh giá thơ họ theo danh vị hoặc nghề nghiệp.  Mà thường xem thơ từ hồn họ phát ra hay là họ sáng tác. Thơ phát ra từ hồn với thơ sáng tác khác nhau nhiều lắm (Việc thường làm tốt hoá thiêng liêng – tr.81). Thơ đích thực là thơ phát ra từ tâm hồn nhà thơ, vì thế qua thơ có thể hiểu được nhà thơ, qua nhà thờ có thể hiểu được dân tộc sinh ra nền thơ ấy (...) Nhưng trong thực tế luôn có hai loại thơ. Đó là thơ phát ra từ hồn và thơ sáng tác (...) Thơ sáng tác là vì một mục đích nào đấy mà tác giả viết ra. Mục đích ấy có thể cao cả (...) hay vì mục đích thù tạo bình thường, hoặc cũng có thể vì danh, vì lợi. Thơ sáng tác có mục đích thì thường ít có chất thơ, vì đa số nó không phải rung động của tâm hồn. (Thơ phát ra từ hồn và thơ sáng tác - tr 95).

Trước những yêu cầu và đòi hỏi mới của thời đại và của cuộc sống làm thay đổi một số nhận thức, trong đó có sự thay đổi về việc nhìn nhận đánh giá các tác phẩm văn chương. Theo Đinh Quang Tốn thì đó là quy luật vận động và phát triển biện chứng, vấn đề là sự thay đổi nhìn nhận đánh giá này có thành thực, chân chính hay không mà thôi: Kẻ cơ hội khác người chân chính ở chỗ không thành thực. Nhận thức là một quá trình vận động và phát triển để tiến tới chân lý. Trong cuộc sống cũng như trong văn nghệ, người chân chính vẫn có thể thay đổi chính kiến. Vấn đề không phải là giữ vững hay thay đổi lập trường, mà ở chỗ phải thành thực. (Sự thay đổi – tr.15).

Vâng, đúng thành thực vừa là phương cách và phẩm cách cao quí nhất của một con người, trong việc xử thế đời thường rất cần phẩm tính này, và nghệ thuật lại cần nó hơn bao giờ hết. Bởi nghệ thuật là nơi tập trung sự tự nguyện cao nhất, sự dâng hiến cao nhất. Nếu không thành thực thì lấy gì để sống và sáng tạo nghệ thuật. Về sự chuyên nhất, thành thực mà tác giả Tản mạn nghiệp văn đề cập, tôi thấy nó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và quán xuyến toàn bộ tinh thần của các nhà chú giải Kinh Dịch đời Tống, theo các ngài thì sự thành thực có thể cảm thấu tới trời xanh.

Tinh thần của sự thành thực này làm nên hơi thở chính của tập tiểu luận Tản mạn nghiệp văn của Đinh Quang Tốn . Để kết thúc bài viết, tôi xin mượn lời nhà thơ Trần Đăng Khoa nói về công việc lý luận phê bình của Đinh Quang Tốn : Tiếng nói của Đinh Quang Tốn có sức thuyết phục bởi sự vô tư, trong sáng của một người cầm bút làm công việc phân định. Thật không có gì cao hơn sự vô tư, trong sáng của người cầm bút, dù là sáng tác hay phê bình. Đó cũng là một phẩm chất quý của một con người luôn phải vươn tới và gìn giữ.

 

Hà Đông, ngày 13 tháng 03 năm 2009