Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HOÀI” RÂU”- MỖI BÀN CHÂN TRÊN HAI CON ĐƯỜNG

Nguyễn Tham Thiện Kế
Thứ ba ngày 29 tháng 9 năm 2009 5:36 AM

Tôi chót sắm vai khách sộp trong chiếc Matiz hỏng điều hoà phập phành kính cửa mở lửng đang chạy dọc đường Lê Văn Lương. Mùa hè, đúng thì xây dựng. Mồ hôi và bụi phút chốc đã trát bả trên da mặt.
Hòng xua bớt chút nồng oi chiều tháng 6, tôi phẩy lấy gió từ cuốn Chuyện tình mùa tạp kỹ của Lê Anh Hoài, vừa mua ở phố Nguyễn Xí. Được gã gưỉ tặng cùng lúc nộp lưu chiểu, đang đọc dở, quanh quẩn tôi đã bị ai “mượn” tạm. Bị hấp dẫn bởi lối viết cách tân và vấn đề Chuyện tình mùa tạp kỹ  đặt ra, tôi nghiến răng xuỳ mấy chục ngàn ra mua, mà không có thông lệ trừ mười mất phần trăm giá bìa. 
Chẳng biết là thấy tôi say “đòn” hay là khan thật, bà chủ sạp nạ dòng ngủng nguỷnh nói vóng:” Bác nhặt mau đi, chứ cuối tuần lũ sinh viên xã hội nhân văn ào đến là “tạch” đấy “
Chưa đọc tiếp nhưng ít ra nó giúp tôi hạ nhiệt. Đang ngác mắt lên toà nhà xây chất ngất tua tủa cốt thép nơi đầu cột, bức rào sắt chạy quanh công trình kín bưng thì cảm giác của tôi bỗng bị vướng vào một đám đông dưới tàng cây phượng xanh um lả ngọn xuống vỉa hè.
Người đàn ông ngây ngô khác thường trong sắc màu bảo hộ lao động màu ghi nhợt, trên cây-cột-điện-người nhằng nhịt dòng chữ quảng cáo xe ôm bằng sơn chống rỉ, một thông báo rơi giấy tờ, một mảnh giấy chứa thông tin khoan cắt bê-tông thông tắc vệ sinh không đục phá. Vài ba người vây quanh, khạc nhổ, một cô gái dựa lưng cột điện đứng ngóng chờ, một bé con ngộ nghĩnh tụt quần vạch chim tè.
 Đôi giày vải trắng màu nhôm bị ỗ-xy hoá, ướt sũng. Cây-cột-điện-người hai tay buông dọc chỉ quần, ống tay cài khuy, đầu nghêng nghêng, như thách thức mà cũng như đang trút bớt áp lực.
Ái ngại, lại một kẻ sang chấn tâm thần trong thế giới hiện đại. Hội nhập với thế giới còn đồng nghĩa với sự hội nhập các chứng bệnh tâm thần của nền kinh tế thị trường. Nhưng có sự…gì đó khiến tôi bứt dứt không thể lướt qua. Cặp kính. Mái đầu. Cái khuyên tai hình sao. Chòm râu ngổn ngang…quen lắm lắm. Trí tôi nhói sáng: Chẳng lẽ thằng cha kia là Hoài râu… Lê Anh Hoài- cha đẻ của cuốn sách khiến tôi vừa “ hy sinh “ 45 nghìn đồng chẵn.
Phanh đột ngột bằng cái vỗ ghế lái, tôi xuống xe ngồi im ẩn trong quán nước bên hè đối diện. Đã quá đủ những gương mặt báo chí, văn nghệ đang xoay quanh Hoài. He, cách đây không lâu ghé toà soạn Tiền Phong, tôi đã nghe mang máng vụ “ performance  art” có tên là “Ra đường” do hoạ sỹ Ngô Lực chủ trò. Chẳng nhẽ, NÓ đây ư? Hoài râu đã tình nguyện” nhân hoá đồ vật “. Tự giễu đến thế là cùng. Performance art xuất hiện ở phương Tây đã không ít thời gian, hơn một lần tôi đã mong muốn tận mắt thứ nghệ thuật thông qua thị giác để tìm cảm xúc tương tác giữa nghệ sỹ và công chúng. Qua đó nó tham vọng nhằm thay đổi tư duy và cảm xúc của con người về một vấn đề của xã hội. Mà người nghệ sỹ chỉ là vai trò phát hiện “vấn đề” rồi cùng hoà đồng nhập vai như mọi thành viên trong xã hội.
Nay bỗng thấy Hoài râu, một bạn văn “diễn vai “ cây cột điện trong tôi dâng bao xung đột gần như là một cú shock. Chắc chắn, tôi và nhiều người  không mấy ai đủ bản lĩnh mang chút danh phận còm như Hoài râu ra đường xả thân vì thứ nghệ thuật đại chúng nhưng lại còn quá xa lạ với đại chúng.
Con-người-cột-điện-hoài-râu đứng kia, một hình tượng sống  kêu gọi công dân đô thị hãy hành xử như những con người đô thị theo đúng nghĩa. Cảm giác này cũng không xa lạ bao nhiêu khi nhìn thấy bức tranh áp-phích” trời xanh, mây trắng, lúa vàng, công, nông, binh, trí xếp hàng tiến lên “
Nếu muốn vẽ những bức tranh cổ động truyền thống, thì ta phải có năng khiếu, mất công học hành cả đống thới gian. Giờ đây, với phương tiện chuyển tải mới, thì chỉ cần ta có ý tưởng, có ý thức công dân làm đã có thể tham gia vào công việc “kêu gọi điều chỉnh hành vi “của xã hội bằng hình tượng nghệ thuật trực quan sống và gần với nhân quần hơn bao giờ…
Xây dựng và quản lý đô thị của chúng ta có vô vàn vấn đề cần phải ”giải phẫu” hoặc “chiếu xạ”. Ngày ngày chúng ta bị đập ngang tầm mắt là hình ảnh những bức tường, những cây cột điện thương tích, nham nhở. Bỗng nhiên cây cột điện hoá thành người thân quen thì ta mới ngộ ra một điều thì ra không gian sống của chúng ta đang bị chính hành vi thường hằng của chúng ta làm cho ô nhiễm cảm giác.
 Sau không mấy lâu, khi viết tuỳ bút NHỮNG CON NGÕ CỦA TÌNH YÊU  đăng ở mục Thư Thăng Long của Vietnamnet thì hình ảnh cây-cột-điện-hoài- râu buổi chiều tháng 6, cứ ám ảnh như nỗi buồn, như hy vọng khi tôi “khảo tả”  thân phận những cây cột điện nơi đầu ngõ Hà Nội.
Anh công nhân mướt mải, chắc vừa tụt trên toà nhà xây dở phía sau, bàn tay nhuốm vữa gạt mồ hôi, ngó trân trân con-người-cột-điện rồi bước sang quán nước tôi đang ngồi, buột ra.
- Hoá ra các ông bà nghệ sỹ cũng biết thương xót những vật vô tri vô giác do công nhân chúng tôi làm nên đấy nhỉ. Đây mới chỉ là cây cột điện, cũ kỹ nhưng có những bức tường mới lăn sơn, quét vôi cũng đã bị con người làm cho hoen ố bằng nước cặn, bằng những dòng chữ bậy bạ…
Ít bữa sau tôi đụng Hoài râu. Trả lại gã mấy tấm ảnh chụp từ xa bằng điện thoại cầm tay. Không nghệ thuật, nhưng cũng đầy đủ đường nét hình hài. Vẫn là một câu hỏi thông tục.
- Sao lại thế này?
- Thì đang thế này rồi…Ông anh ạ. Tại vì thích thôi ạ. Chấp nhận hy sinh một chút cho nghệ thuật nhân sinh thì có sao. Hoá ra không phải chỉ có viết văn làm thơ mới có cảm giác “phê” đã đời như thế này…
- Ngại không
- Có, nhưng ít thôi. Chỉ là những giây phút mới hoá thân nhập vai, hứng chịu, đón nhận tất cả mọi ánh mắt. Nhưng tin rằng một tương lại gần perfomance art sẽ được đón nhận của công chúng như mọi loại hình nghệ thuật vị nhân sinh khác. Có những điều là kinh hoàng của tháng trước, nhưng đến tháng sau thì đã lại bình thường…
- Đây có phải là một cuộc chơi không ?
- Ông anh à, chẳng lẽ em mang thân em ra để trình diễn mà chỉ để chơi cho thoả mãn cái tôi ?
Và bây giờ, sau hai năm vụ trình diễn náo động, cũng một buổi chiều nhưng đã đầy mùa thu tôi lại đối diện Hoài râu. Sau một vụ sắp đặt không gây shock nhưng có nhiều dư ba. Có gì hơn nữa đâu ngoài câu chuyện cuộc đời của những danh từ những động từ. Và cả vô khối tham vọng văn chương nghệ thuật.
Xoay người trên ghế gỗ bệt mặt vỉa hè bê tông vỡ rạn, tựa lưng hàng rào nâng niu chén trà da lươn gã quay mặt hồ Hale. Nhìn xa lơ mơ, vượt lên đầu của đám người ngồi lố nhố sì sụp thứ trà nóng bình dân.
Đã lắng để điềm tĩnh. Cười. Cái cười im mê dụ hướng về đâu đó. Những cởi mở tưởng phơi bày mà lại chẳng phơi bày chút gì. Lấp lửng. Lấp loáng cặp kính cận. Đằng sau nụ cười có hình thức buông thả, vẫn có một chốt hãm tinh quái. Nhưng cái sự chân mộc và mộng mỵ vẫn cứ ám ảnh ở đâu đó như ngây ngô.
Tóc râu lởm chởm,  thoáng sợi bạc. Chiếc khuyên tai hình sao lệch một bên vẫn lấp lánh điểm nhấn. Chú ý một chút, phía sau gáy trên cái cổ nâu rám lành mạnh xăm điểm một hoa văn tinh xảo hình ngựa, đen ánh. Không trẻ nhưng cũng chưa già, gã hội đủ tố chất của hotboy- kiểu nghệ sỹ của đám đông.
Biên bản đầy đủ của Hoài râu là Lê Anh Hoài: Biên tập báo, làm báo, làm thơ, viết văn, làm nghệ thuật sắp đặt (Installation art), trình diễn ( performance art,  diễn thuyết về kịch phi lý cùng Dương Tường, hơn thế nữa kịch bản kịch phi lý của Hoài râu được cả Hội đồng Anh và Nhà hát Tuổi trẻ đã đưa diễn trích đoạn. Tuýp nghệ sỹ “tổng hợp”  đứng giữa dòng sông đang chảy, nửa hướng lên thượng nguồn nửa muốn tan trôi ra biển. Tham lam trải nghiệm.
Trốn chạy cái mòn sáo như trốn chạy chứng dị ứng phấn hoa, luôn lắng nghe khơi gợi mọi cảm xúc từ bên trong mình đang hướng tới những niềm vui, khoái cảm của sự sáng tạo nghệ thuật mà không nề hà phương tiện chuyển tải. Miễn là được sáng tạo, được cống hiến và trao tặng sự sáng tạo cho đồng loại cùng san sẻ.
Trên móng nền nhân bản, Hoài râu luôn ý thức được cái tôi chỉ là những mảnh. Cái tôi Hoài râu chìm dưới bước chân đồng loại như một sự tự giễu nhại nhưng kẻ cả. Ví dụ.
…Vì một ngày mới đã đến mà ngày cũ chưa qua
Vì một chuỗi ngày trước đó vẫn còn sống từng mảnh từng mảnh
Tôi đã sống? Quả thật đã sống hàng chục năm?
Có hàng ngàn người đã gặp tôi, còn lưu lại những mảnh của tôi trong ký ức họ?
Thỉnh thoảng tôi gặp một trong số họ, những người lưu - mảnh – tôi
Tôi nhận ra họ cũng là những mảnh mảnh mảnh mà tôi thu lượm được.
mảnh mảnh mảnh
mảnh mảnh
mảnh
mảnh…
 Tôi biết những mảnh mảnh kia đã biến thành những phiến sắt rỉ in hình mũi tên hướng lộn xộn tứ tung của các tấm biển chỉ đường trong các thì thời gian và không gian được chất ánh sáng vàng ngà rọi chiếu và một cái tên để gọi mà cũng có thế là slogan” TIẾN LÊN”. Một sắp đặt đầy biểu tượng dân chủ…về cái sự tiến lên. Mỗi người tự tiến lên bằng một cái cách riêng đặc trưng. Thế thôi mà gây ấn tượng, hiệu quả. Chấp nhận cùng mỗi cái tôi tiến lên trong cái riêng của họ thì mới là bản chất đa dạng và phong phú vỗn dĩ đã tồn tại trong thế giới người.
 Chiếc- mảnh-cột-điện-Hoài-râu dịch chuyển mảnh gỗ có chân làm ghế sàn sạt trên mặt hè, tư lự.
 - Ông anh à, người ta chê thằng em cũng có lý. Người ta khen thằng em cũng có lý. Giờ thì em đã biết yêu thương tất cả những chéo ngoe ấy với mình…
 - Một thông điệp hậu Chuyện tình mùa tạp kỹ chẳng ? Mà này, cái gã Hoài râu định phát biểu gì ở cuốn sách “vào chung khảo “ấy nhỉ?
 Vẻ tinh quái tràn trề đến tận các chân râu, Hoài râu sờ cằm râu, bỡn cợt.
 -Thì chính em có chuyển tải cái gì đâu… cuộc sống hiện tại quanh mình đang thế mà. Một lát cắt của nhân quần trong sự chuyển tiếp hình thái đời sống. Mới thì chưa hẳn. Cũ thì chưa hết. Mối nối giữa hai thanh ray hay là cái khoá móc gắn hai toa hành khách, bao giờ cũng tập trung những đe doạ tai nạn tiềm ẩn cho con người. Cuộc sống thực có hứa hẹn điều gì đâu mà em lại nguỵ tạo ra lời hứa, hay niềm tin…Con người không thể nhìn mãi lên trời, mà cũng không thể cúi mãi ngắm ngón chân. Nó luôn cần được tạo ra phản xạ ý thức về toàn bộ cơ thể mình đang trần trụi giữa vũ trụ….
 Tôi phân vân không biết Hoài râu vừa “biểu diễn” hay “sắp đặt”  nữa. Thôi thì vai ông anh nhưng bất tài bé mọn, dẫu tôi có ngáng chân hay phun nước bọt thì gã vẫn cứ cười khẩy tự tin đi tiếp con đường mà số phận đã chọn sẵn. Cuốn sách  “ vào chung khảo “Chuyện tình mùa tạp kỹ hình như chưa viết sẵn cái kết rành mạch. Một cuốn sách đang đọc thì chẳng thấy có gì để đọc. Nhưng đọc xong mới thấy rằng nó đáng phải đọc cho tất cả mọi người. Tôi- anh- nó- bạn, tất cả đẫm ướt nhạt nhẽo, tầm thường, sao mà không biết tự ngộ rằng chúng ta đang sống rất đáng thương…
  Lần ngực chiếc áo cộc cổ ngắn Hoài râu tìm mép túi tưởng tượng, nhưng mớ tiền lẻ thì lại tìm ở túi sau chiếc quần bò bạc phếch. Tiền trà vỉa hè gần cổng toà soạn báo Tiền Phong. Chúng tôi quay lưng. Tôi vẫy tìm xe về phía con hồ. Hoài râu thì tưng tửng nhảy lên mấy bậc một lối lên sảnh.
Bất ngờ tôi hô to : Tiến lên. Chẳng tẹo giật mình Hoài râu ngoảnh lại cười cười, nhưng ánh mắt thì long lanh mê dụ tận những đâu….
                                                NTTK