Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI "BẮC CẦU DẢI YẾM" RA THẾ GIỚI

Vũ Quốc Văn
Thứ sáu ngày 28 tháng 8 năm 2009 5:12 PM
Trước nay, bạn bè đồng nghiệp và cả những người quen biết thân, sơ hay chí cốt với nhà thơ Trần Quốc Minh  (ảnh bên) ai cũng khâm phục, nể trọng anh. Người ta nể trọng anh bởi cái nết hiền lành nhân hậu luôn quan tâm đến mọi người. Nể trọng bởi cái bản lĩnh, nghị lực và ý chí vượt lên số phận. Nể trọng bởi niềm đam mê văn chương đến si mê và khá cực đoan của anh.
Tình yêu mà anh dành cho văn học và thơ ca không bao giờ nhạt phai và vơi cạn, điều đó được xác nhận, được khẳng định qua những giá trị tác phẩm Trần Quốc Minh viết và công bố trong nhiều năm tháng đã qua.
Và, cũng nhờ có duyên phận với văn chương mà Trần Quốc Minh được hiện diện, được vinh danh và nổi tiếng như bây giờ.
Ngược thời gian mà tưởng nhớ lại hơn sáu mươi năm trước, Trần Quốc Minh mới lên ba tuổi thì một cơn sốt định mệnh đã làm cho đôi chân của cậu bé ấy bị bại liệt hoàn toàn. Đó đúng là một mất mát, một thử thách ghê gớm nhất với cuộc đời Trần Quốc Minh.
May mắn sao Trần Quốc Minh có một người cha tuyệt vời, ông sớm nhìn ra hành trang vốn liếng phải có và đường đi của con trai mình, không gì khác là phải có tri thức, phải tồn tại bằng tri thức. Mà muốn có tri thức thì phải học chữ. Vâng! Chỉ có chữ mới cứu vãn được số phận của con ông.
Thế là từ đấy ông thân sinh Trần Quốc Minh lao vào dạy chữ và đặt niềm hy vọng vào đứa con trai duy nhất của ông.
Không phụ lòng cha, Trần Quốc Minh học hành chăm chỉ và rất sáng dạ. Học hết chữ của cha mình thì vào trường phổ thông học. Học xong phổ thông thì thi vào đại học. Môn văn học là một môn học mê hoặc cuốn hút nhất Trần Quốc Minh. Niềm mê đắm ấy được đền đáp bằng kết quả trong kì thi đại học năm 1962. Trần Quốc Minh là một trong ba thí sinh miền duyên hải đủ điểm vào Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Mơ ước lớn nhất của đời Trần Quốc Minh là được trở thành nhà văn, vì thế khi biết tin mình được học ngôi trường ấy thì anh mừng vui khôn xiết.
Nhưng niềm vui ấy chưa được bao lâu thì một hôm Giáo sư Hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum gặp anh. Ông thương xót, tiếc nuối nói với cậu trò nhỏ tàn tật, yếu ớt Trần Quốc Minh rằng: "Chiến tranh sắp lan ra miền Bắc, trường phải sơ tán, hay là trò chuyển sang học ở trường trung cấp sư phạm. Thời gian học sẽ ngắn hơn, thầy có thể giới thiệu cho em".
Nghe đến đấy Trần Quốc Minh tưởng như đất dưới chân đang sụt xuống. Anh bàng hoàng và vô cùng tuyệt vọng.
Đêm xuống. Hình như là một đêm cuối tháng 10 hay tháng 11 năm 1962, Trần Quốc Minh tay chống nạng, dẹo dọ, nghiêng lệch lê cái xác tã tượi như cây sau bão ra cầu đá làng Láng quyết định quyên sinh. Không! Anh bảo nói thế nghe văn vẻ quá mà ra đấy để nhảy xuống dòng nước dưới cầu tự tử.
Trần Quốc Minh ngửa mặt nhìn trời, lẻ loi trên cao xanh mấy ngôi sao mờ mịt lúc ẩn lúc hiện nom thật cô đơn. Cảnh vật não nề ấy càng làm cho anh tuyệt vọng và tin vào cái chết sẽ chấm dứt nhanh chóng những đau buồn, rồi trở về với tổ tiên và cát bụi.
Nhưng rồi trong đêm tối vắng lặng, chỉ nghe tiếng dòng nước nhẹ trôi thao thiết chảy bỗng vẳng lên tiếng người ngâm thơ da diết trong buổi tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam từ chiếc loa truyền thanh xa xa vọng lại. Những câu thơ thật mạnh mẽ đầy chủ động của bài "Khi có hướng rồi" trong tập "Ánh sáng và phù sa" của Chế Lan Viên.
"Người dưới vực sâu vẫn cứu kẻ trên bờ/ Khi dưới vực sâu còn dũng khí/ Tôi trong đau vẫn làm viên muối bể/ Để mặn lòng những kẻ muốn vô tư ...".
Những câu thơ kia như lên án, như trách cứ Trần Quốc Minh yếu đuối, thiếu dũng khí làm người và điệu thơ ấy như sôi dậy chèo kéo anh về với cuộc đời. Trần Quốc Minh trở nên tỉnh táo, bình tĩnh đối mặt với số phận mình. Và anh như người đã tìm thấy phương hướng, đứng dậy trở về thành phố quê hương tiếp tục cuộc mưu sinh để tồn tại, để yêu văn học và làm thơ.
Trở lại Hải Phòng, Trần Quốc Minh tự học nghề kế toán, một nghề chẳng dính dáng gì đến ngôn từ chữ nghĩa: Nhưng phải chấp nhận vì không thể sống bằng nước lã và khí trời, vả lại với sức vóc, thân hình ấy chỉ có nghề cạo giấy văn phòng mới mong có miếng ăn để sống thôi.
Chỉ trong thời gian rất ngắn Trần Quốc Minh học nghề kế toán và trong kì thi tốt nghiệp anh đã đỗ đầu và được bổ nhiệm Kế toán trưởng một đơn vị lớn của ngành tiểu thủ công nghiệp Hải Phòng.
Sau giờ làm việc ở công sở trở về anh lại lặng lẽ ngồi hành xác trên trang giấy và giũa gọt những con chữ đặt niềm tin vào thơ ca.
Năm 1966 Trần Quốc Minh in bài thơ đầu tay trên báo Văn nghệ. Bài thơ gây được ấn tượng trong lòng người đọc thời chiến tranh khốc liệt nhưng cũng thật bình thản, lạc quan với những câu:
"Hàng dây điện chim chí cha chí chách/ Ngắm cái xóm hiền lưng nhà tựa vào nhau/ Cửa sổ trầm ngâm dáng người đọc sách/ Khung trời nhà ai cũng xanh ngắt một màu".
Năm 1974 Trần Quốc Minh có tập thơ in chung đầu tiên "Thành phố con tàu". Rồi tiếp đến là tập "Trồng nụ trồng hoa" (cũng là in chung) 1986. Đến 1995 Trần Quốc Minh ra tập thơ riêng của mình: "Tôi chỉ mong". Tập thơ này được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải.
Sau những thử sức với thơ, Trần Quốc Minh còn đam mê viết truyện ngắn mini. Anh bảo: viết là để giải tỏa và cũng để lấy tiền nuôi con trai ăn học. Và thật mừng cho anh, truyện ngắn "Áo đỏ" đã được giải thưởng Văn học Nguyễn Bỉnh Khiêm (1994-1995). Năm 2003 Trần Quốc Minh tập hợp các truyện ngắn in rải rác trên các báo, tạp chí in trong tập "Tuần hoàn của đất" cùng với tác giả Hồ Thủy Giang.
Nhưng có lẽ người đọc Việt Nam biết đến Trần Quốc Minh, một nhà thơ tàn tật người Hải Phòng là bài thơ "Bắc cầu". Bài thơ ấy đoạt giải nhất cuộc thi Thơ người tàn tật Hải Phòng. Sau đó bài thơ "Bắc cầu" được triển lãm trong 100 bài thơ của 6 nước (Mỹ, Brazil, Pháp, Việt Nam, Australia, Nhật Bản).
Năm 2000, họa sĩ Thành Chương đã minh họa một bức tranh lấy ý tưởng của bài thơ "Bắc cầu" với chủ đề "Một trái tim, một thế giới" và bức họa này được Liên Hiệp Quốc chọn in thành tem phát hành toàn thế giới.
Tôi trộm nghĩ kể ra nhân loại mình cũng thật đa tình và ngọn lửa đa tình ấy được thắp lên từ bài thơ "Bắc cầu" của ông Trần Quốc Minh. Bài thơ ấy như một thông điệp giữa những con người, những cuộc đời, số phận nối lại với nhau thật là kì diệu.
"Bắc cầu bằng phong thư/ Tên bay đi bằn bặt/ Bắc cầu bằng câu hát/ Người ơi người có nghe/ Bắc cầu bằng cơn mưa/ Mịt mù cò lạc lối/ Bắc cầu bằng dây nói/ Chuông reo người vắng nhà/ Thôi tìm lại người xưa/ Bắc cầu bằng dải yếm". Vâng! Bằng dải yếm. Việt Nam quá. Dân tộc quá. Xin chân thành cảm ơn nhà thơ.
Có lẽ nói đến thành tựu và những giải thưởng với nhà thơ Trần Quốc Minh còn nhiều nữa. Nhưng ngần ấy cũng đủ vinh dự cho một đời tình nguyện dấn thân theo nghiệp chữ rồi còn gì.
Trong những cái được của đời văn và cả đời người, Trần Quốc Minh bảo tôi là anh biết ơn Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng và những người bạn viết. Anh cũng biết ơn Hội Chữ thập đỏ Hải Phòng và những người yêu văn thơ đã rộng lòng thương anh để anh có được những gì ngày hôm nay. Anh xin ghi lòng tạc dạ tất cả và cố gắng nhiều hơn nữa để khỏi phụ mọi người.
Thưa ra thì Trần Quốc Minh đã cố gắng và thỏa nguyện lắm rồi. Năm 2004, anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Niềm vinh hạnh ấy với người khác sẽ chẳng là gì nhưng với anh - một người tàn tật, đó là sự ghi nhận một khả năng, một tấm lòng với văn học và thơ ca.
Tôi nghĩ cái được lớn nhất nữa với Trần Quốc Minh, đến nỗi anh sung sướng quá mà nói rằng: "Tôi được cuộc đời này cho nhiều lắm!", là người vợ yêu và đứa con trai hiếu thảo của anh.
Vợ anh đã can đảm yêu thương và hết lòng vì sự nghiệp của anh. Đứa con anh có được là vì "trời đã không lấy hết của mình" - anh nói vậy nên cho mình một đứa con hết mực hiếu thuận yêu thương bố. Nó biết bố yêu văn học nên đến bờ bến nào của đại dương nó cũng tìm bằng được những cuốn sách bố cần, bố yêu thích nhưng ngày trước bố không đủ tiền mua. "Nó lại còn vẽ nữa chứ, một thủy thủ tàu viễn dương mà yêu thích vẽ, đặc biệt là bút pháp Van Gog nữa đấy cậu ạ". "Có lẽ cũng vì nó yêu mình quá đấy thôi".
Bây giờ thì nhà thơ Trần Quốc Minh không phải vắt cái xác lấy tiền nuôi con trai và cho con trai ăn học nữa. Con trai anh đã có thể gánh vác được "cái giang sơn bé nhỏ" của bố trao cho rồi. Chỉ có điều kiếp tằm (là anh bảo thế) không lẽ ăn rồi lại chẳng nhả tơ sao. Rồi anh tủm tỉm cười mãn nguyện.
Thôi thì nhà thơ cứ việc tuân theo cái tập tính của con tằm hay là nghiệp trời đã định để mà trả nợ những gì mà trời và đời đã cho anh.
-----
Vũ Quốc Văn: Hội văn nghệ, 19 Trần Hưng Đạo Hải Phòng