Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TẶNG VỢ ĐIỂM MƯỜI

Đoàn Nhất Trí
Thứ bẩy ngày 29 tháng 8 năm 2009 9:11 PM
 
          Đã từ nhiều năm nay, như thường lệ, bữa ăn tối thường là thời điểm để vợ tôi trút “bầu tâm sự giá cả” Tựu trung cũng chỉ xoay quanh chủ đề giá cả mọi thứ cứ mỗi ngày ra tăng chóng mặt làm cho đồng lương về hưu còm của hai vợ chồng như bị đánh cắp, không sao chống lại nổi, cũng không kêu ai được. “Kẻ cắp” khi thì là giới doanh nhân, khi là nhà nước, khi cả hai cùng “móc”hội đồng. Tiếc thay, những bầu tâm sự giá cả như thế, mà bữa cơm chiều nào cũng dốc ra, vô hình chung nó cũng đánh cắp luôn phần nào niềm vui sống của cả hai chúng tôi mỗi ngày một tí mà bà vợ tôi thì không bao giờ biết được.
          Ấy vậy mà, bữa cơm tối nay, đã hơn mười lăm phút rồi vẫn chưa thấy vợ tôi mở miệng. Nhìn nét mặt băn khoăn lo lắng của vợ, tôi đành lên tiếng trước:
- Hôm nay làm sao thế, mình không được khỏe à?
- Tôi không sao cả. Thế ông không trông thấy hay sáo còn hỏi?
- Trông thấy...Trông thấy gì cơ?
- Là trông thấy mấy cái anh thợ điện mặc quần áo, đội mũ nhựa vàng khè khuân dây dợ, công tơ, hộp to hộp nhỏ đến đầy cầu thang ta khoan khoan chọc chọc ầm ĩ để thay công tơ đấy ư?
- Có, tôi có thấy ! Nhưng như thế thì ảnh hưởng gì đến nhà ta? Tôi đã hỏi, các anh ấy bảo bà con không phải đóng thêm tiền. Việc thay công tơ này là định kỳ và do ngành điện chúng cháu chiụ chi phí, các cụ không mất gì cả.
          Bà vợ tôi tỏ ra thất vọng về tôi. Cái sự thất vọng ấy thể hiện ra trong âm hưởng của giọng nói:
- Thế ông không nhớ cái công tơ trước đây của nhà ta cứ chạy như ngựa vía đấy à. Nhiều khi chẳng dùng gì nó cũng chạy nên nỗi hàng tháng ta phải trả tiền điện oan. Lẽ ra chỉ năm sáu mươi ngàn đồng mà phải trả đến hơn một trăm một tháng. Đơn từ đi lại lên sở điện hàng tháng người ta mới thay cho. Giờ nó đang chạy ổn định, lại thay, lại đổi. mà đổi từ lần trước đến nay đã được hai năm đâu. Lại cũng chẳng biết lần đổi này liệu nó chạy có đúng không hay cũng lại lồng lên như cái trước, rồi lại khốn khổ với nó. Đâu phải chỉ có mất tiền oan mà còn tốn công sức đơn từ khiếu nại, đi đi về về rồi lục tìm sổ hộ khẩu, sổ đăng kí cùng với đơn từ quá là rách việc.
          Tôi tự an ủi:
- Thôi thì đành vậy chứ biết làm thế nào. Thiên hạ người ta thế nào, mình thế ấy. Tưởng an ủi thế , bà vợ tôi sẽ nguôi ngoai đi, nào ngờ, bà càng điên tiết:
- Ông rõ là người...là con ếch ngồi dưới đáy giếng, chẳng biết đất thấp , trời cao gì cả. Cái bọn người ấy họ đang khuấy nước lên để đục nước béo cò đấy chứ có tử tế gì với dân. Này nhé, tôi hỏi ông, ngày xưa ở thời bao cấp, cái công tơ điện nhà mình dùng đến hàng hai mươi năm chẳng phải thay gì cả mà sao nó vẫn chạy đúng, chạy tốt. Có ai nghĩ đến chuyện vài ba năm đã phải thay định kỳ. Lại còn nữa, cái hộp sắt dùng chung cho công tơ của mấy nhà bền, tốt thế chẳng làm sao, nay họ lấy cớ là xấu là không an toàn, họ bảo phải thay bằng nhựa. Ông trông đấy, cái hộp nhựa họ làm nào có tốt đẹp gì hơn, nó mỏng manh, dễ vỡ, chỉ hai ba năm sau nhựa lão hóa, tự nó sẽ nứt vỡ ra, họ sẽ lại thay. Mà ông biết không, họ tính ra, mỗi cái công tơ, phải có số tiền là măm trăm ngàn đồng đi kèm để làm hộp nhựa. Vị chi mỗi hộ, mỗi lần thay công tơ phải mất năm trăm ngàn đồng cho cả công tơ lẫn hộp. Tôi trông cái hộp cứ như là nhựa tái sinh, gia công từ vỏ chai, vỏ nhựa nhặt từ bãi rác ra thì phải. Lại còn thế này nữa ông ạ. Ngành họ, cái ngành điện ấy là ngành độc quyền nên họ đến họ tháo dỡ, lắp đặt, thay thế họ chẳng thèm nói với ai một lời, dù là chủ hộ hay tổ trưởng dân phố. Thế thì có ma nào biết cái công tơ họ mang đến lắp cho nhà mình họ nói là mới, nhưng ai kiểm tra, kiểm chứng mà biết. Họ tháo công tơ từ nhà này, mang về đánh rửa, đặt về số không rồi lại mang đến lắp cho nhà ta thì sao. Ai kiểm tra mà phát hiện. Giống như cái việc hàng tháng họ đến, họ đi họ đo đếm số công tơ rồi tính tiền, chủ hộ có biết là đâu. Có mấy gia đình mỗi lần như thế lại vác thang theo họ leo lên kiểm tra con số công tơ. Như thế là cứ cho rằng họ “ăn” 50 phần trăm thôi ở cái khoản công tơ cũ và vỏ hộp gia công tái chế, mỗi hộ họ cũng được năm trăm nghìn đồng. Đấy, ông thử nhân cho tôi xem, cứ mỗi hộ họ thu được năm trăm nghìn đồng thì họ thay cho tất cả số hộ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thì họ sẽ được bao nhiêu? Thật là một con số khổng lồ! Nếu chủ chương này thực hiện trong cả nước thì số tiền sẽ là một con số còn to hơn nữa.
- Thì có sao đâu hở bà. Miễn là mình không mất thêm đồng nào là được!
- Ông nói thế mà nghe được, bà xã tôi gay gắt, đành rằng mình không mất xu nào nhưng mà ông thử nghĩ mà xem, họ vẫn tính trăm phần trăm tiền công tơ mới, tiền hộp nhựa mới và xịn, tiền dây điện mới với nhà nước. Số chênh lệch dư ra, họ nhét cả vào túi cá nhân họ, tập đoàn họ rồi chia chác cho nhau. Tiền nhà nước cũng là tiền của dân cả. Rồi đây dân lại è cổ đóng hàng trăm thứ thuế khác nhau nữa. Ấy là tôi còn chưa nói đến cái việc họ coi cái vốn ngành điện xưa đến nay vẫn là của chung xã hội, nay nghiễm nhiên trở thành của riêng họ, Lời lãi họ chia nhau tất. Càng nói, bà xã tôi càng hăng, càng lưu loát.
          Tôi đần người ra trước những lời lẽ xác đáng của bà. Khâm phục bà bao nhiêu thì tự nghĩ mình nông cạn bấy nhiêu. Thì ra, một khi đã đụng đến miếng cơm manh áo thường ngày thì người phụ nữ họ tính toán đâu ra đấy, không có thể cãi vào đâu được. Tôi buột mồm reo lên:
- Hoan hô! hôm nay bu nó có thể sánh ngang với chuyên gia kinh tế hàng đầu nước ta là bà Chi Lan được rồi. Có một chuyên gia kinh tế cỡ bự như thế ở ngay bên cạnh ba mươi mấy năm nay mà tôi không biết. Hôm nay tôi chấm cho bu nó điểm mười về bài thuyết trình...
- Điểm mười cái con khỉ gió ông này! Bà xã phản ứng.
          Tôi nhìn vào mặt vợ. Mặt bả không ra vui, cũng không ra buồn. Nó giống cái mặt người bị điện 220 vôn vừa giật thì đúng hơn.
 
                                    Hà Nội, những ngày người ta đang đổi công tơ điện
                                                                 Đoàn Nhất Trí