Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THÁP TÙNG CÁC VỊ LÃO THÀNH CÁCH MẠNG ĐẾN MỪNG SINH NHẬT ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Nguyễn Huệ Chi
Thứ tư ngày 26 tháng 8 năm 2009 2:00 PM

Lịch hẹn tiếp khá dày nên đoàn các cụ lão thành cách mạng (những người đã gửi Tâm thư ngày 28-6-2009 và đã đăng trên Bauxite Việt Nam http://www.bauxitevietnam.info/c/4276.html) hẹn nhau gần 9 giờ rưỡi có mặt trước cổng 30 Hoàng Diệu để đúng 9 giờ rưỡi thì vào. Tôi được các cụ mời cùng đi, đến sớm hơn 15 phút nên xin vào gửi xe máy trước và được anh lính bảo vệ trẻ măng chấp thuận. Trước cửa đã có nhiều người thuộc nhiều đoàn đứng chờ sẵn. Tôi chú ý đến một anh bộ đội đứng lẻ loi một góc, mắt đăm đăm. Cứ nghĩ đây là người bảo vệ cụ Giáp ở vòng ngoài. Nhưng anh ta không ngó ngàng gì đến chúng tôi. Chừng mười phút sau thì nỗi băn khoăn trong đầu tôi được giải tỏa: một chiếc xe máy chạy vè vè từ phía Phan Đình Phùng trờ tới, một người trùm kín mặt mũi chỉ để hở hai con mắt, khoác chiếc áo phùng phình để khỏi cháy nắng, dừng xe lại trước mặt anh bộ đội kia. Mọi thứ phục sức che đậy bề ngoài được cởi ra, một cô gái trẻ trung với nụ cười thật duyên dáng, bộ áo quần mùa hè thanh nhã, trước xe là một bó glaïeul trắng. Họ song song ôm bó hoa bước vào cổng, hai cánh cổng mở rộng cho họ dắt xe vào.

Đoàn chúng tôi tề tựu ngay sau hai anh chị kia. Toàn những ông bà già tóc bạc trắng nhưng dáng dấp vẫn nhanh nhẹn và khí thế “tấn công” thì không lúc nào không lộ rõ – Đại tá Nguyễn Văn Tuyến cùng vợ là Nguyễn Thị Mai, đều là tiền khởi nghĩa, cùng với một bà nữa vốn ở Đội thanh niên xung phong Nguyễn Thị Điền huyện Từ Liêm, vượt vòng vây địch xông pha lên chiến dịch Điện Biên; Đại tá Phạm Văn Hiện vốn người cao nhưng lưng đã hơi còng nên hai vai như cúi xuống; Đại tá Lê Văn Trọng vốn ở Tổng cục II song khi hỏi về Tổng cục II ông không đáp mà chỉ nở một nụ cười; ông Nguyễn Văn Bé 86 tuổi, lúc nào mặt cũng tươi, miệng khuyết chiếc răng cửa, vốn thành viên Đội 23 tháng Mười [1946], từng có vinh dự đón Đại tướng vào Khánh Hòa chỉ đạo trực tiếp cuộc cầm cự với giặc Pháp tại đây liên tục trong hơn một tháng, là nguời không chỉ ký vào Tâm thư mà riêng mình đã viết đến 3 thư ngỏ gửi lên các cơ quan công quyền chỉ đích danh sai phạm của 3 vị đang chấp chính, và đang hẹn trong những ngày này, trước khi về lại Khánh Hòa sẽ còn một lá thư thứ 4 gửi thẳng đến TT Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ông đối chất với mình 4 điều trước màn hình VTV1; LS Lê Mai Anh vừa nghỉ ở Hội Luật gia Việt Nam, trước khi nghỉ đã nhân danh Ủy ban Kiểm tra của Hội dự thảo bản báo cáo ngày 16-7-2008 gửi lên Ủy ban kiểm tra Đảng ủy khối các cơ quan TW đề nghị những giải pháp trước mắt và giải pháp đột phá để lấy lại ít nhiều lòng tin của dân đã gần như vơi cạn hẳn đi đối với Đảng, trong đó, ngoài việc yêu cầu cấp trên xem xét thật rốt ráo các vụ việc T2, T4, Sáu Sứ, Lê Đức Anh, Tổng cục 2… còn nêu cụ thể: “Ngay lập tức hủy bỏ 19 điều cấm kỵ [đối với đảng viên] vì nó vi phạm Hiến pháp nước CHXHCNVN / Tạm thời không cần xem xét tội đưa hối lộ và môi giới nhận hối lộ. Chỉ tập trung vào tội nhận hối lộ / Bỏ việc coi đơn tố cáo nặc danh là vô giá trị không được xem xét, trái lại càng cần phải xem xét kẻ bị tố cáo vì phải có lý do khiến người tố cáo phải nặc danh”; rồi còn các ông Nguyễn Ngọc Nam chuyên viên lâu năm ở Viện nghiên cứu Nông học, em trai Thiếu tướng TS Nguyễn Chu Phác; Trần Đức Quế, chuyên viên Bộ Giao thông vận tải, tham gia hết đánh Pháp đến đánh Tàu, là người lo toan bếp núc cho cuộc đi mừng thọ này… Cả mấy con người tập kết với đủ loại xe,  khệ nệ  ôm theo một bức tranh khổ lớn khung gỗ mạ vàng, vẽ Đại tướng và Phu nhân ngồi bên bờ một con suối, nghe đâu được chụp từ năm ngoái năm kia. Nét vẽ rất giống, nhưng hình như là loại tranh của thợ vẽ truyền thần Hàng Đào ngày xưa, ở dưới có một bài thơ của chính các cụ, không hiểu nên xếp vào thể loại gì. Có hai anh thanh niên con cái trong nhà ông Quế tình nguyện đi theo để quay phim và chụp ảnh.

Buc-tranh-cua-doan-CMLT.JPG
Bức tranh của Đoàn lão thành cách mạng mang đến trong ngày sinh lần thứ 99 Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chúng tôi hớn hở xếp hàng tuần tự bước đi sau bức tranh lớn, trong khi nhiều người khác vẫn đang ngong ngóng chờ đoàn mình đến đủ.

Hóa ra một cuộc chúc mừng mà vai chính không xuất hiện. Đại tướng đã vào bệnh viện từ mấy hôm nay, để dưỡng sức, hình như cốt tránh sự ồn ào náo nhiệt của các đoàn khách tới thăm mình đúng vào ngày sinh nhật. Thế mới đúng là tầm nhìn chiến lược, tôi thầm nhủ. Bởi phải bảo vệ sức khỏe của mình sao cho qua được cái tuổi 100, đó phải là và chính là mục tiêu trận đánh cuối cùng của ông. Nhưng các quan chức cấp trên thì đã biết trước và đã vào thăm Đại tướng ngay tại bệnh viện vào hôm qua. Có đến 4 người vào, trong đó có ông Nông Đức Mạnh TBT, và ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng.

Khu vườn 30 Hoàng Diệu vẫn xanh tươi nhưng hình như không có bàn tay chăm sóc tỉa tót tỉ mỉ thì phải, các cây cổ thụ già nua đứng lặng lẽ, trông có vẻ hoang sơ, nhưng hoang sơ như thế mà lại hay. Ngôi nhà vẫn là ngôi nhà của nhiều chục năm trước, bậc thềm bằng gạch hoa kẻ xanh 20×20, đã đen xỉn, nhiều chỗ sứt lở, mà ở những nhà khác, chỉ là thường dân thôi chứ không nói biệt thự của các ông kễnh, có lẽ cũng đã đập bỏ từ cách đây ít nhất hàng chục năm rồi.
Bac-them-sut-lo.JPG
Những bậc thềm cũ kỹ thế này lẽ ra đã phải thay mới từ hàng chục năm trước

Hai phòng khách trang thiết không hiện đại gì, tuy nhiên có máy lạnh, và phòng lớn kê một dãy bàn, ở giữa phủ nhung xanh, hai bên mỗi bên 6 chiếc ghế bọc nhung đỏ có tay tựa. Đầu bàn cũng hai chiếc ghế như vậy, là chỗ dành cho Đại tướng và Phu nhân mỗi khi tiếp khách. Sau lưng hai chiếc ghế, ở một tầm cao hơn chút ít là bức tượng cụ Hồ đang mặc áo khoác, chân bước đi, bằng đồng, rõ ra là một tác phẩm nghệ thuật. Cao hơn chút nữa và chính giữa lại là tượng cụ Hồ bằng đồng bán thân nhỏ và trên cao nhất là ảnh Hồ Chủ tịch mà ta vẫn thường thấy; một bức tranh đắp nổi khuôn mặt trắc diện hằn lên bộ râu quai nón Phidel Castro và một chữ “tâm” treo đối xứng hai bên. Phía dưới ảnh cụ Hồ có một đôi câu đối chữ nổi mạ vàng lối thảo rất đẹp: Vũ công truyền quốc sử / Văn đức quán nhân tâm. Góc bên trái là tượng bán thân của một người mà tôi không rõ tên, to hơn hẳn các bức tượng đặt ở đây, có thể là bạn đồng chí hoặc bậc tiền bối nào đó (nếu là tượng vị tướng chủ nhân thì hình như điêu khắc gia đã cố tình làm một việc “lạ hóa” khó hiểu: khuôn mặt bạnh chứ không tròn). Lùi sâu vào phía sau bức tượng này mới là bức tranh chân dung Đại tướng miệng cười tươi tắn và đối diện góc bên kia là bức tượng nhỏ bán thân cũng của Đại tướng. Một kiểu xếp đặt hoàn toàn theo nghệ thuật đối xứng cổ truyền. Và kín đáo khiêm nhường khi lộ diện bản thân, rất mẫu mực Đông phương.
Mặt-trước-phòng-khách-chính.JPG
Mặt trước phòng khách chính.

Phòng khách này rộng chừng 35 m2, một phía có bày những bức tượng giả cổ, tượng vũ nữ Chàm, các đĩa trang trí, nhưng vây khắp bốn bên toàn là các bức trướng liễn, với nhiều lời ngợi ca chân thành nồng nhiệt, có điều hình như dấu ấn thời gian đã ám lên chúng. Có những bức đã ngự tọa ở đây hàng chục năm về trước. Một bức có mấy chứ Trí Dũng Nhân chữ Hán mà trong con mắt một người hay tò mò, tôi không hiểu đó là loại thư pháp gì ngoài cái vẻ lực lưỡng của từng nét chữ.
Mat-trai-phong-khach-chinh-co-3-chu-TDN.JPG
Mặt trái phòng khách chính. Trên một bức trướng có 3 chữ Trí Dũng Nhân

Ngắm đi ngắm lại những trướng liễn này, lại bỗng liên tưởng đến hai anh chị bộ đội và sinh viên – tôi tưởng tượng ra thế về người đẹp – với bó glaïeul trong tay vào trước chúng tôi. Trẻ trung hồn nhiên biết bao nhiêu! Không gây cái ấn tượng nặng nề cổ kính – cổ kính mà không mấy đặc thù, toàn một kiểu dạng màu sắc như nhau, lại có vẻ như hàng hiệu, trông lâu có phần mỏi mắt! Nhưng đấy là tấm lòng của dân, vị tướng già biết thế và ông cho treo lên hết, không bức nào xếp lại.

Mat-phai-phong-khach-chinh.JPG
Mặt phải phòng khách chính. Trên kệ có đặt tượng vũ nữ Chàm, các tượng giả cổ và những chiếc đĩa trang trí

Phòng khách thứ hai chừng 30 m2, không bày bàn ghế thành dãy, chỉ có bộ ghế gỗ chạm trổ sơ sài, có lẽ dùng để tiếp khách đi lẻ chứ không phải là khách đoàn, bói mãi chẳng thấy trống đồng ngà voi, xung quanh lại cũng bày đầy tượng và trướng, có bức tượng thạch cao trắng được nặn từ hồi vị tướng còn rất trẻ, và phía trên cao là bức tranh cũng rất trẻ trung vẽ Đại tướng đang bắt tay Chủ tịch Phidel. Không hiểu sao, vào hai phòng này, giữa không khí nhộn nhạo của các đoàn khách khứa, ta vẫn có cảm giác thời gian đang lùi vào quá vãng. Hiện tại thì nằm khuất đâu đấy, ở một chốn nào thật vắng vẻ để con người trí lự nghĩ suy và dồn tâm huyết đọc cho thư ký viết những bức Thư ngỏ, chứ hình như không còn mấy hiện diện nơi đây.
Phòng-khách-thứ-hai.JPG
Phòng khách thứ hai

Người ra đón chúng tôi là Đại tá Huyên (đeo lon 4 sao) nói tiếng miền trong, Nghệ Tĩnh hay Quảng Bình gì đó. Chờ một lúc, Phu nhân Đặng Thị Bích Hà mới từ trên gác xuống, mặc áo bình dị, không trang sức, nét mặt không giấu được những thoáng tư lự.

Phu-nhân-ĐT.JPG
Phu nhân Đại tướng và Đại tá Huyên
Chỉ gặp gỡ trong chừng mươi phút, bên phía các cụ lão thành cách mạng nói những câu nồng nhiệt, bên chủ nhân đáp lại cũng bằng vài câu lấy lệ nhưng thân tình, “… với tuổi tôi có lẽ xin mạnh dạn gọi các cụ bằng anh, cám ơn tấm lòng của các anh”. Thế thôi và trở ra theo lối sau để đoàn khác vào tiếp theo lối trước.
Phu-nhan-DT-dang-tiep-chuyen-doan-CMLT.JPG
Phu nhân Đại tướng đang tiếp đoàn lão thành cách mạng

Trên đường ra, chúng tôi gặp rất nhiều đoàn nối nhau. Một nhận xét: bộ đội đến đông, trẻ nhiều, có nhiều bộ đội gái xinh xắn bên cạnh những ông bà huân chương đầy mình, nhưng cán bộ viên chức thì không đông bằng và không thấy mấy người trẻ (có nhà văn Sơn Tùng đi một đoàn sát sau đoàn chúng tôi).
Bo-doi-den-chuc-mung1.JPG
Nhiều đoàn bộ đội kéo đến chúc mừng

Chừng như còn luyến tiếc, các cụ lão thành cách mạng không ra ngay mà còn ghé vào phòng khách thứ hai để ngắm nghía những gì mình đã nhiều lần từng ngắm. Người ta dừng lại quay phim và chụp ảnh khắp nơi, bên các bức tượng, các bức trướng, các bức tranh từ những năm trước mình đã mang đến đây, chụp và quay ở hành lang, ở bậc thềm, trên lối đi ngoài vườn cây… Người ta dừng lại quay và chụp rất lâu cả trước hai con số 30 ngoài cổng, một con số găm vào tường và một con số in bằng sơn xanh nhạt.
Chup-truoc-cong1.JPG
Bên cạnh con số 30 phố Hoàng Diệu, một địa chỉ đi về trong tâm trí các tầng lớp nhân dân suốt mấy thập kỷ nay

Chừng như ai cũng muốn lưu dấu một nơi mà ai cũng cảm biết trong lòng, rằng không lâu nữa, dăm, mười, mười lăm hoặc hai mươi năm, thì cứ cho là như vậy, nơi này sẽ chỉ còn là ký ức, một khi… Hạc Vàng đã vắng bóng. “Hạc vàng ai cưỡi đi đâu? / Mà đây Hoàng Hạc…“. Và người ta hể hả, tưởng như làm thế là đã gặp được người Anh thân thiết của mình (các cụ lão thành gọi Đại tướng là Anh Cả). Người ta ra về hẹn nhau năm sau nhất định trở lại, hẹn với nhau hay là hẹn với cái tuổi trên dưới chín mươi của mình?

Có một ông Kim Sơn, gặp ở vườn, các cụ dắt đến bắt tay tôi, năm nay 80, là người từng làm việc với Đại tướng từ tháng Ba 1945 mãi đến sau này, nay tự nhận là Thư ký nghiệp dư của Đại tướng, nghĩa là thỉnh thoảng được Đại tướng mời vào hỏi han và giao cho một vài việc, khi tới bắt tay ông có nói: tôi đọc các anh kỹ lắm. Có lẽ ông đọc trực tiếp qua mạng, trong khi các cụ khác chỉ đọc được những gì in từ trang mạng ra chứ không biết computeur là cái gì nữa, tuy thế người được phân công in cho các cụ rất cần mẫn nên các cụ đọc cũng khá cập nhật. “Vừa xem thư của trí thức bên ngoài sát cánh với trí thức trong nước, các anh sướng nhé” – một cụ nói với tôi, có ý nhắc đến lá thư kêu gọi của VEF & CESR mới lên trang.

Chụp-chung-truoc-lúc-về1.JPG
Chụp chung cả đoàn trước lúc chia tay

Ai cũng băn khoăn không biết do đâu mà cựu chiến binh Trần Bá 84 tuổi, đã hẹn lại không đến. Tuổi tác, cộng thêm những việc chung phải lo toan, “gồng mình”, thậm chí “bầm dập” nữa, hễ không thấy mặt nhau đã là cả một nỗi niềm. Cuộc gặp lúc bắt đầu vào là 9 giờ 30, lúc ra đến vườn là 10 giờ 10.

Trên đường về, Hà Nội vẫn đông nghẹt, xe máy ô tô chen lấn nhau, mặt người nào cũng vội vã thờ ơ, không biết có ai quan tâm đến ngày sinh của một vị anh hùng?

HC
Hà Nội, khuya 25-8-2009