Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHẲNG LẼ GIÁO DỤC VIỆT NAM XUỐNG CẤP NHƯ THẾ?

Trần Kỳ Trung
Thứ tư ngày 26 tháng 8 năm 2009 7:03 AM

                Ngày 25/8/2009, báo Thanh Niên, Tuổi trẻ, Pháp Luật thành phố Hồ CHí Minh…đồng loạt đưa một tin, theo tôi nghĩ, có lẽ chỉ xảy ra ở Việt Nam.
                Sinh viên Trần Xuân Thanh, quê Thanh Hoá, học ở khoa Cơ Khí, khoá 28, trường Đại học Nông Lâm ( Thành phố Hồ Chí Minh), thi lại lần thứ…10, không đạt môn Anh Văn chuyên ngành. Sinh viên này đã nhiều lần xin điểm thầy Đặng Hữu Dũng, Phó chủ nhiệm Khoa, thầy không đồng ý. Tức mình, sinh viên Trần Xuân Thanh mua 5 lít a- xít để trả thù. Lừa lúc thầy Dũng đang giảng bài, sinh viên Thanh đã hắt trọn cả 5 lít a – xít này vào người thầy Dũng. Thày Dũng và một số sinh viên khác đang ở trong lớp bị thương,. Riêng thầy Dũng bị thương rất nặng, bỏng độ 3. Đấy là chưa kể, sau khi tạt a xít xong, sinh viên  Thanh còn dùng dao găm đâm loạn xạ những người lao vào cứu thầy Dũng…
               Tôi đọc tin này thực sự rùng mình. Tại sao một nền giáo dục gọi là “ưu việt” lại xảy ra những chuyện khủng khiếp như thế?
                Báo chí của ta đã từng phanh phui nhiều vụ việc: giáo viên bảo mẫu đánh các em bầm tím cả người, rồi phụ huynh học sinh kéo vào lớp đánh giáo viên trước mặt học sinh, rồi…chuyện thầy giáo gạ học sinh “ bán tình” lấy điểm, rồi chuyện giáo viên chống tiêu cực bị loại khỏi ngành, hiệu trưởng đánh giáo viên v.v… Nay lại có thêm tin này.
                Như vậy chúng ta để ý,  trong giáo dục từ cấp thấp như mẫu giáo, đến cấp cao như đại học, ở Việt Nam, luôn có những chuyện xử lý như “ xã hội đen”, không còn chút tình người, phản giáo dục một cách trầm trọng. Nguyên nhân do đâu?
                 Không thể nói sinh viên Thanh là người không có giáo dục, nhất là đã học đến năm cuối của một trường đại học? Cũng không thể nói sinh viên Thanh bị ảnh hưởng của một môi trường độc hại, không có người quản lý?  Sinh viên Thanh đã học bốn năm trong trường Đại học cơ mà! Có sinh hoạt Hội, Đoàn, Lớp… Đấy là chưa kể chuyện giáo dục tư cách con người còn được lồng trong những bài giảng của các môn Lịch sử Đảng, Triết học Mác - Lê Nin, Chủ nghĩa xã hội khoa học… mà sinh viên trường Đại học nào cũng phải học để thi tốt nghiệp . Thế mà, sinh viên Thanh không hề run tay, quyết tâm thực hiện một tội ác giữa “ thanh thiên, bạch nhât”!!!
                Tôi thử lý giải chuyện này:
                 Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục khô cứng, chai lỳ trước những biến đổi của xã hội, của loài người. Những lý thuyết đơn điệu, tách rời thực tế, cố gắng nhồi nhét cho học sinh, sinh viên, đến chính giáo viên giảng bài cũng chán, bắt các em học thuộc như “con vẹt”. Các em không thể thấy điều đó trong thực tế, sinh ra những tâm trạng chán nản, phản kháng.
                   Xã hội của chúng ta, phải nói thẳng, tồn tại nhiều bất công. Đến ngay người giáo viên muốn hưởng thành quả bằng đồng lương chân chính, cũng khó. Chưa kể bên ngoài, bao nhiêu cảnh chướng tai, gai mắt ngày nào cũng có thể bắt gặp. Để luật pháp xử lý, là một chuyện vô cùng khó với người dân, “Được vạ, má đã sưng”, nên họ tự xử với nhau. Điều đó cũng ảnh hưởng đến nhận thức của các em, từ đó hình thành nhân cách xấu trong quan hệ bạn bè, thầy trò… Quan hệ đó, không còn dựa trên tình bác ái, tôn trọng lẫn nhau mà ngược lại, không đồng ý hoặc phản đối các em sẵn sàng sử dụng những hành động trả thù tàn nhẫn nhất. Tôi đã xem những đoạn vêđiô quay lại cảnh những học sinh tuổi teen đánh nhau dã man, mà mọi người đứng xung quanh vẫn dửng dưng, thậm chí còn lấy máy điện thoại ra quay với vẻ thích thú!!!
              Hình ảnh Người thầy giáo hiện tại, trong nền giáo dục Việt Nam không còn một hình ảnh đẹp như xưa nữa. Một xã hội, nói quá nhiều lý thuyết, rất ít thực hành. Điều đó ảnh hưởng đến nhân cách người thầy giáo. Người thầy giáo, khi lên lớp, vẫn giảng bài cho các em, nhất là bộ môn khoa học xã hội, đề cao những lý thuyết tốt đẹp. Nhưng trên thực tế, tôi tin, có nhiều giáo viên không tin vào lý thuyết đó. Họ sống ngược lại, nịnh cấp trên, chạy chỗ dạy, tham ô, trùm úm những người tốt, chạy theo thành tích, moi tiền của học sinh, sinh viên, làm bằng giả , sống giả dối ngay với cả đồng nghiệp, gia đình, bán điểm thi lấy tiền…Người thầy giáo nào sống không như thế, có khi thành thiểu số,  như thầy Đặng Hữu Dũng, Phó chủ nhiệm khoa Cơ khí, đại học Nông Lâm ( thành phố Hồ Chí Minh ) thì bị sinh viên Trần Xuân Thanh tạt ngay vào người 5 lít a – xít.
               Bây giờ thì sinh viên Trần Xuân Thanh đã bị bắt, thầy Đặng Hữu Dũng đang điều trị trong bệnh viện với vết thương khá nặng, chưa biết tiên liệu tốt hay xâú. Hậu quả của câu chuyện này, tôi tin , sẽ để lại một suy nghĩ hết sức nặng nề không những trong sinh viên mà cả trong đội ngũ giáo viên.  Liệu trong tương lai sẽ có một vụ tiếp theo sinh viên tạt a xít vào thầy giáo hay không?
                Để cho người giáo viên  có chỗ đứng thực sự cả trên bục giảng và cả trong lòng thương yêu của học sinh, sinh viên, đến lúc này, không phải chỉ có chuyện riêng của ngưòi giáo viên đó. Mà tôi nghĩ, đó là chuyện của cả xã hội. Xã hội tốt, lành mạnh có đạo đức, thượng tôn luật pháp sẽ hình thành nên những người thầy giáo tốt, học sinh tốt, sinh viên tốt và chính họ sẽ thúc đẩy xã hội lành mạnh lên.  Còn không phải như thế, chỉ trên lý thuyết rao giảng, không chứng minh được trong thực tế , nền giáo dục Việt Nam còn xuống cấp.
              Mà nền giáo dục xuống cấp thì xã hội cũng xuống cấp.