Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÁI LÝ NGƯỜI MÔNG

Hoài Giang
Thứ sáu ngày 28 tháng 8 năm 2009 5:17 PM
 
Vợ chồng Voòng Chí San lặn lội từ miền ngược xuống thăm tôi. Mấy chục năm rồi, kể từ ngày chia tay nhau ở cái trung đoàn Tăng ấy, mỗi thằng đi một ngả bây giờ gặp lại tóc thằng nào cũng ngả màu bạc trắng rồi. Voòng bảo:
- Lặn lội tìm anh mãi, hỏi thăm mãi mà không thấy, tưởng anh hy sinh rồi!
- Mình cũng hỏi thăm tin tức cậu mà chẳng ai biết. Mấy thằng cùng đại đội chết cả rồi. Mình cứ tưởng cậu cũng đi rồi!
Voòng cười phà phà như tiếng khèn bè:
- Em chết thế nào được. Bom hất tung tháp pháo. Mấy thằng đứng bật dậy cứ thế dùng AKA lia xuống lũ chúng nó. Thằng Khàu cho xe lao như tên lửa, xả khói mù mịt. Cả xe chẳng thằng nào làm sao.
Voòng nâng bát rượu uống một hơi cạn rồi đưa tay với chiếc khèn treo trên tường. Voòng khom người lắc lắc lấy nhịp rồi thổi. Tiếng khèn vang lên pạp pạp pà pà. Tôi như thấy Voòng đang khuân cả núi đá Mèo Vạc quê Voòng xuống để chật cả nhà tôi, đầy ăm ắp cả nhà tôi. Lả bước theo nhịp khèn của chồng. Cái váy hoa xòe sặc sỡ nhúng nhính, nhúng nhính theo từng nếp gấp. Pạp pạp pà pạp pà. Cái váy gồng lên theo nhịp chân Lả đá đá vào chân chồng. Hai vợ chồng Voòng quấn quýt, xoắn vào nhau, quện vào nhau trong tiếng khèn. Tôi nghe như có tiếng lá rừng xào xạc thổi. Có tiếng nhạc ngựa leng keng xuống núi. Có cả cái dáng điệu của Lả đang dắt con ngựa hồng ngược dốc. Con ngựa thở phì phò. Voòng nằm vắt ngang trên lưng ngựa. Voòng say quá chân không đi nổi đành để vợ bế lên lưng ngựa. Cái gùi to phè chồm lên lưng Lả. Hai cái quai gùi hằn sâu như khắc vào vai Lả. Cả căn phòng nhà tôi đầy ắp tiếng khèn. Lả thôi không nhảy nữa. Lả bước ra sân, đưa tay với chiếc lá Bằng Lăng non còn chưa thẫm màu lá. Tiếng kèn lá từ môi Lả buông ra réo rắt, réo rắt nghe như tiếng suối nước chảy trong kẽ đá. Tiếng khèn ngưng lại lắng nghe và rồi tiếng khèn lại vang lên ào ạt, ào ạt, xoắn xuýt rồi vút lên như tiếng gió thổi trên đỉnh Mã Pì Lèng. Tiếng khèn và tiếng kèn lá lặng đi, tụt sâu xuống nghe thăm thẳm hun hút hun hút.
Tôi nâng bát rượu mời Lả. Tôi nâng bát rượu mời Voòng. Tôi nâng bát rượu mời vợ và một bát cho mình. Gặp nhau chưa nói được nhiều chuyện. Chưa kể hết chuyện xưa. Chưa nói hết về từng cái chết của anh em cùng đại đội thì đã hơn mười một giờ đêm rồi. Vợ tôi và Lả rủ nhau vào phòng ngủ. Lả còn dặn với lại:
- Bác đừng để nó uống nhiều đấy! Cái vết thương trên đầu nó vẫn còn chưa khỏi đâu...
Tôi gật đầu cười. Voòng nói:
- Mấy chục năm rồi anh em tao mới được gặp nhau, không uống say sao được. Say thôi, không chết đâu mà!
Lả cười nhìn chồng, chiếc răng bọc vàng lóe sáng nơi khóe miệng.
Chỉ còn hai anh em, tôi hỏi:
- Sao biết mình dưới này mà tìm?
- Thằng con nó nói mới biết!
- Cháu ở đâu?
- Nó làm ở Hà Nội. Nó bảo xem trên mạng thấy tên bác nó ngờ ngợ liền gọi về hỏi em. Nó bảo đúng là tên bác thật nhưng sao râu ria xồm xoàm dữ quá. Nó nói bác cũng là lính Tăng nên em cũng tin là bác thật. Nó về Hà Giang. Hai bố con xuống chợ. Nó đưa em vào nhà hàng, mở cái máy, chỉ cho em thấy hình bác. Nó bảo nhà của bác ấy đấy! Em chẳng hiểu gì. Nó cứ cười. Vợ chồng em theo nó về Hà Nội. Nó bận họp không đi cùng được. Nó bảo chờ nó họp xong sẽ đi cùng. Nó sợ bố mẹ bị lạc. Em bảo nó tao đi bộ vào Nam bao nhiêu tháng còn chẳng lạc, sợ gì.
- Cô chú trên đó làm ăn thế nào?
- Vẫn như ông bà, cha mẹ ngày xưa thôi bác! Ruộng toàn đá tai mèo. Vẫn con bò lò dò đi trước, con người từng bước theo sau thôi. Ai mà làm ra cái máy cày để cày cái nương đá quê em thì người Mông chúng em gọi người đó là vua. Cây ngô bám vào kẽ đá mà lên. Con người bám vào cây ngô mà sống.
- Cuộc sống có đỡ vất vả hơn xưa không?
- Cũng có đỡ khổ hơn ngày còn chiến tranh.
Voòng thở dài nhìn tôi không chớp mắt. Cặp mắt này tôi làm sao quên được, nó đeo đuổi tôi suốt bao nhiêu năm trời. Cũng trong một đêm như đêm nay, nhưng ở giữa rừng Yên Thế. Ngọn lửa leo lét cháy đủ để tôi nhìn thấy đôi mắt của Voòng ánh lên một cái nhìn thăm thẳm buồn. Voòng nói:
- Em nhớ nhà! Em muốn về thăm bố mẹ và cái Lả (khi ấy Voòng và Lả chưa cưới nhau) một ngày.
- Mai đi rồi, không về kịp đâu. Đơn vị không thấy Voòng lại nói Voòng đào ngũ...
- Em đuổi kịp mà!
- Về quê Voòng xa lắm. Đợi thống nhất hãy về Voòng ạ!
- Bao giờ thống nhất chứ?
Voòng nâng bát rượu đưa tôi. Tôi uống một nửa rồi đưa cho Voòng. Voòng uống cạn.
- Anh thấy bây giờ thế nào?
- Thấy cái gì cơ?
- Xã hội, đất nước, con người ấy!
Tôi yên lặng. Voòng lại hỏi:
- Anh còn nhớ cái đêm trước khi đi B không?
- Quên sao được!
- Mẹ cha nó, em cứ nghĩ sau giải phóng nó khác cơ. Bây giờ con người nó khác quá! Nhiều cái bất công không chịu nổi. Ăn cướp, ăn chặn, tham nhũng, xã hội đen chém giết lẫn nhau. Xã hội mình mong muốn ngày xưa đâu có phải thế này.
Voòng cầm miếng dưa Hấu đưa lên nhìn rồi bật cười:
- Cái màu đẹp thế này mà lại lẫn những hạt đen vào. Xã hội mình nói tốt đẹp mà vẫn lẫn những thằng ăn cướp, ăn trộm, tham nhũng, xã hội đen. Có khác gì những hạt dưa đen trong miếng dưa đỏ này đâu!
- Chú say rồi ! đi nghỉ thôi Voòng ạ!
Voòng cười phá lên. Vợ tôi và Lả vợ Voòng nghe tiếng cười của Voòng liền chạy vội ra. Thấy Voòng đang ngửa mặt lên mà cười, Lả tái mặt:
- Nói rồi mà không nghe, cứ uống nhiều.
Dường như quên cả sự có mặt của vợ chồng tôi, Lả ồm lấy Voòng lay gọi. Voòng vẫn cười. Lả quỳ gối, hai tay tóm gấu váy kéo căng ra rồi cứ thế quạt cho chồng y như người ta quạt thóc ở nông thôn vậy. Lả quên cả sự có mặt của hai chiếc quạt điện đang quay tít mù tung cả gấu váy sau lưng Lả. Lả dùng váy quạt cho chồng say, cứ y như Voòng đang say sau phiên chợ Mèo Vạc trở về. Voòng ngừng cười, nhìn tôi:
- Không! Không giống những hạt dưa đen trong miếng dưa này đâu anh ạ! Nó giống hạt quả gấc hơn. Quả gấc nó đỏ đẹp lắm. Nhưng hạt gấc nó đen và to lắm. Cái màu đen nó được bọc trong màu đỏ ấy. Nó kín lắm, trông đẹp lắm. Nhìn bề ngoài ai biết nó đen đâu!
         Lả bật cười, ngừng quạt. Mặt Lả đỏ bừng như vừa uống cả chum rượu Há Ía. Lả ngượng nghịu:
- Thế mà cứ làm cho em tưởng là lại lên cơn đau vết thương ở đầu.
Lả bẽn lẽn đứng dậy. Hai người đàn bà dắt tay nhau vào phòng ngủ. Tôi và Voòng ngồi bên nhau cho đến sáng. Ngồi bên nhau như cái đêm trước giờ ra mặt trận. Tôi hiểu Voòng không đau do vết thương cũ ở đầu tái phát, mà Voòng đau vì vết thương sau chiến tranh.