Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHỔNG MINH CŨNG PHẢI GỌI BẰNG SƯ PHỤ

Hoài Giang
Thứ tư ngày 26 tháng 8 năm 2009 6:04 AM
 
Chuyện xưa kể rằng: Khổng Minh tiên đoán được đến đời đứa cháu thứ bảy của ông sẽ rất nghèo túng, thi cử chẳng thành danh, học hành chẳng thành tài phải sống rất lam lũ. Để cứu cháu mình khỏi cánh sống túng quẫn, khổ sở Khổng Minh liền viết mấy chữ lên tờ giấy rồi cho dán kín lại và dặn với người nhà rằng: Đến đời đứa cháu thứ bảy sẽ đem thư này đến đưa cho quan huyện sở tại, nhưng nói với ông ta rằng đích thân ông ta phải xuống nhận thư của Gia Cát Lượng chứ không được đưa lên hoặc trao cho người nào khác đưa lên.
          Quả nhiên đến đời thứ bảy thì đứa cháu của Khổng Minh gặp cảnh khốn cùng, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nghèo đói rách nát đến nước cùng quẫn không có tiền ăn học. Nhớ lời truyền lại của tổ tiên, đứa cháu liền lục tìm dưới mớ áo quần rách nát trong rương để lấy ra lá thư vẫn được dán kín để trong ống quyển. Anh ta vội vàng chạy đến dinh quan huyện xưng là cháu bảy đời của Gia Cát Lượng xin đến đưa báu vật của Khổng Minh cho quan huyện. Anh ta đòi quan huyện phải đích thân xuống nhận chứ không chịu đưa lên. Thấy lạ, quan huyện đành rời khỏi bàn làm việc để xuống nhận báu vật của Gia Cát Lượng. Khi vừa bước ra khỏi chỗ ngồi chừng ba bước chân thì bống nghe đánh Rầm phía sau lưng. Chiếc xà gỗ gãy rời rơi đúng chiếc ghế, làm chiếc ghế gãy vụn. Quan huyện rùng mình tái mặt, sợ hết cả hồn vía. Khi mở lá thư của Khổng Minh ra chỉ thấy mấy dòng: Tôi cứu ông thoát khỏi xà rơi; Ông giúp tôi đứa cháu bảy đời! Vị quan huyện liền quỳ xuống vái trời mà rằng: Muôn lạy Vạn đại quân sư, ơn ngài cứu cho mạng này không gì sánh nổi. Hậu sinh xin làm đúng theo lời ủy thác của người. Quan huyện liền chu cấp cho đứa cháu của Khổng Minh ăn học đỗ đạt thành người có ích cho đất nước, không hổ danh là cháu của Gia Cát Lượng.
          Chuyện nay kể rằng: Chu Cát làm quan được quyền cấp đất xây dựng; được quyền định giá tài sản để Cổ phần hóa doanh nghiệp; được quyền phê duyệt vốn đầu tư; được quyền ký duyệt chỉ định nhà thầu xây dựng. Cái món lợi thu về ức triệu muôn vàn không kể xiết bởi có biết bao kẻ phải cầu cạnh để được trúng thầu; để được định giá tài sản giá rẻ chỉ bằng con kiến, mặc dù giá trị thật nó bằng con voi; để được cấp đất xây dựng ở những nơi giá đất lên cao vùn vụt mà tiền bỏ ra chẳng đáng là bao. Chu Cát chẳng cần viết thư để dành lo cho đứa cháu bảy đời gặp khốn khó như Gia Cát Lượng thời Tam quốc. Chỉ cần một cái e hèm, các đối tác đã hiểu ngay rằng Chu Cát có cổ phần trong đó. Lợi tức doanh nghiệp thu về phải được chia cho con cho cháu Chu Cát với tỉ lệ năm mươi năm mươi, mặc dù Chu Cát không hề bỏ ra lấy một cắc mẻ.
          Con cháu Chu Cát không hề đói nghèo khốn khó như cháu của Khổng Minh. Chúng đâu phải đổ mồ hôi hột đến nhờ cậy xin xỏ, mà hàng tháng các doanh nghiệp đều phải mang tiền đến nộp cho cái gọi là lợi tức của cổ đông, lãi dòng của Hội đồng quản trị...Tiền của lại đổ vào nhà con cháu Chu Cát như nước, không biết cơ man nào mà kể.
          Nghe nói Vạn đại quân sư Gia Cát Lượng đang ngự trên Giời cao nhìn xuống thấy cái mẹo làm ăn của Chu Cát liền chắp tay vái xuống mà than rằng: Ta xưa kia phải vắt óc ra để tính toán sức bền, tuổi thọ của cây xà nhà mới biết được nó sẽ rơi vào khi nào, ứng vào đứa cháu đời thứ bao nhiêu của ta để mà nhờ cậy. Chu Cát hơn ta nhiều quá! Chu Cát quả là tính toán như thần, Lượng ta không gọi Chu Cát là thầy sao được!
   Hoài Giang