Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÁI BÀN VI TÍNH

Đoàn Nhất Trí
Thứ sáu ngày 28 tháng 8 năm 2009 5:20 PM
 
         Cán bộ về hưu ăn lương thời điểm này (tháng 8/2009) hơn hai triệu chút xíu như tôi đã là loại lương cao rồi, ấy thế mà mong muốn có được một chiếc bàn đặt vi tính để làm những công việc cuối đời mãi đến hôm nay mới thực hiện được. Nói là “thực hiện được” cho oai, cho người ta tưởng mình mua được chứ thực ra là xin được.
          Chả là mong ước cháy bỏng của viên công chức về hưu nghèo này là làm sao mưa được chiếc vi tính để có thể cảm thấy thời gian đỡ dài trong khi ngồi chờ chết bằng cách viết, vẽ lăng nhăng cho khuây khỏa. Thế nhưng ở cái thời điểm về hưu, cách đây ba, bốn năm, chỉ có hơn bẩy trăm đồng thì mua làm sao được. Mãi hai năm sau ngày nghỉ mới gom góp được thêm nửa số tiền (3 triệu), số còn lai đi vay mới mua nổi chiếc vi tính. Khỏi nói là kẻ nghèo này vui biết nhường nào. Cũng lo biết nhường nào vì bao giờ mới trả hết 3 triệu tiền vay. Máy tính mua được rồi nhưng không có tiền mua bàn. Đành  lôi chiếc bàn học cá nhân mua cho con gái từ ngày nảo ngày nào ra cải tiến dùng tạm. Cũng dễ, chỉ cần “chế” thêm chỗ để bàn phím là dùng được ngay. Chiếc bàn này con gái tôi dã ngồi học từ đầu cấp 3 đến hết đại học, giờ đã công tác hơn chục năm rồi. Chẳng sao, vừa đỡ tốn tiền mua, vừa ngày ngày cảm nhận được hơi ấm tình cảm của con từ ngày nó còn thơ bé. Nay dù con gái đã đi lấy chồng, có con và ở cách biệt, vẫn như thấy nó hồi nào còn nhỏ quấn quýt bên cạnh. Những lần cháu đưa hai đứa con trai về vào những ngày nghỉ thứ bẩy, chủ nhật hay lễ tết, tôi thường bật vi tính, cho cháu ngoại, đứa đầu lòng, ngồi lên ghế chơi trò chơi. Lần nào, như một câu chuyện cổ tích, tôi cũng kể rằng ngày xưa, từ lớp đầu cấp ba của trường PTCS, mẹ cháu đã ngồi học ở bàn và chiếc ghế này. Sau này, lớn lên, đi học, cháu phải học giỏi như mẹ cháu, thi đỗ đại học rồi ra làm việc lĩnh lương mua quà cho bố mẹ và ông nữa nhé. Cháu tôi trả lời nghe mát cả ruột: Vâng ạ, cháu sẽ mua cho ông một cái bàn vi tính đẹp hơn cái bàn này nữa cơ! Giống cái bàn vi tính của bố mẹ cháu vẫn dùng ở nhà. Như thế, cái bàn học thay cho bàn vi tính giờ lại có thêm những kỉ niệm về những đứa cháu ngoại ngoan ngoãn của tôi vì thế nó càng thêm giá trị về mặt tinh thần. Phía trên, nhích sang bên phải của chiếc vi tính, tôi gắn một mảnh kính hình chữ nhật vào tường trước mặt, tôi trang trọng đặt tấm ảnh chụp toàn thân một anh bộ đội trong trang phục hải quân chỉnh tề đứng cạnh hạm tầu phóng ngư lôi HQ332 anh hùng, vùng 3 hải quân. Đó là ảnh con trai đầu lòng của tôi, chiến sĩ lái tín hiệu của tầu HQ332 đã mất sau một chuyến đi công tác cùng con tầu và hạm đội của nó ngoài đảo Trường sa. Ngày ngày, khi ngồi vào trước màn hình máy tính, bao giờ tôi cũng ngước nhìn lên tấm hình của con trai rồi mới bắt đầu làm việc. Tôi cảm nhận rất rõ tấm hình ấy, chiếc bàn đặt máy tính cùng hơi hướng của con gái, con trai, cháu nội, cháu ngoại ngày ngày vẫn tiếp sức cho tôi để tôi có đủ dũng cảm sống tiếp và làm những việc gì dù nhỏ thôi nhưng hữu ích trong những ngày đầy gian khó của cuộc đời còn lại này. Thế nên khi vợ tôi bảo đã xin được chiếc bàn vi tính của đứa cháu gái thải ra, còn mới và đẹp lắm, tôi không muốn, viện cớ, chiếc bàn cũ này cũng tốt chán rồi, cần gì phải đẹp, tốt. Cái lý lẽ ấy không thuyết phục được bà vợ tôi. Thị cứ cho người chở về. Buộc lòng để cho trong ấm ngoài êm, tôi dùng chiếc bàn máy tính xin được nhưng quyết không cho mang chiếc bàn học cũ ra vứt ở bãi rác bên đường. Tôi kê nó phía trái sát với chiếc bàn vi tính mới mang về dùng làm bàn để sách vở giấy tờ và mọi thứ lặt vặt khác có liên quan đến cuộc sống của tôi mỗi ngày.
          Tôi già thì đã rõ rồi nhưng có phải là loại người bảo thủ, luôn trì kéo những cái cũ, cái đã qua? Có phải vì thế, mặc dù có 36 năm cống hiến nay vẫn nghèo, và...vẫn hèn?
          Bây giờ, tuy ngồi trong phòng kín gõ phím những dòng cảm thán này, lòng tôi cũng nghe được, ngoài kia, một mùa thu nữa đã lại đang đến. Người già cảm nhận mùa thu thổi hơi lạnh hun hút qua từng ống xương trong cơ thể mình. Người già cũng nhìn thấy sắc thu vàng của chuối tiêu chín trứng cuốc, hay màu diệp lục của cốm làng Vòng như những giọt màu của người họa sĩ tài hoa nào đó vô tình đánh rơi trên những chiếc lá xen đặc trưng, thơm ngát Hồ Tây. Tất cả những biến thiên, những giai điệu bốn mùa của trời đất ấy, tôi đều lắng nghe và cảm nhận được qua từng sợi tóc ngày ngày vẫn rơi trên bàn phím của chiếc máy vi tính. Những sợi tóc cứ mỗi ngày một nhạt màu dần đi dù muốn cũng không thể nào nứu kéo nổi.
 
                                                               Hà Nội, thu 2009
                                                                 Đoàn Nhất Trí