Trong điều kiện ngân sách Nhà nước eo hẹp, phải “giật gấu vá vai”, nợ công áp sát giới hạn nguy hiểm thì con số 40.000 xe công lần đầu được công khai khiến dân chúng bàng hoàng, sửng sốt! Đây không chỉ là chuyện tiền bạc, mà là sự vi phạm pháp luật, đạo đức và kỷ luật Đảng một cách trắng trợn, không thể để một số cơ quan quản lý và báo chí và dân chúng nói cho lòng đỡ bức xúc, rồi cho “chìm xuồng” như không ít các vụ việc trái phép khác. Vì vậy, xin được mượn nhan đề của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đây phải là “Việc cần làm ngay”, nếu các cấp lãnh đạo còn thực lòng muốn nhân dân tin rằng Nhà nước và Đảng ta thượng tôn pháp luật và đạo đức.
Xin hãy nói trước đến “đạo đức”, mặc dù nhiều nhà nghiên cứu cho rằng quản lý Nhà nước không thể bằng đạo đức, nhưng chính Đảng ta suốt mấy năm qua liên tục chỉ đạo cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh”. Và chúng ta đều biết Cụ Hồ từng nói cán bộ là công bộc, là đầy tớ của dân. Trong Thư của Hồ Chủ tịch gửi các Ủy ban nhân dân, các bộ, tỉnh, huyện và làng tháng 10 năm 1945, ở điểm 3, Người đã cảnh cáo những kẻ: “…lấy của công làm việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô các cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai chịu?” Chưa nói đến những vị dùng xe trái phép, ngay cả các quan chức có tiêu chuẩn dùng xe công, với tiền “nuôi xe” một năm 320 triệu đồng, tính tròn là 26 triệu đồng/tháng - bằng tiền lương trả cho 5 công nhân (nếu tính lương 5 triệu đồng/tháng), cũng có thể hình dung hàng ngày phải dùng 5 người thợ “cõng” quan chức đó đến công sở ! – trong khi ngân sách khó khăn và xét về mối quan hệ giữa “đầy tớ của dân” với “ông chủ” gần gũi nhất với mình thì người có lương tâm hẳn đều áy náy, cắn rứt, đòi phải thay đổi hoặc giảm bớt chế độ “đặc quyền đặc lợi” mà Đảng ta từng tuyên bố phải xóa bỏ.
Còn đối với các vị không có tiêu chuẩn mà vẫn dùng riêng một xe công thì không cần phải dài lời; chỉ vì nể nang, vì thói quen hưởng “đặc quyền đặc lợi” và coi thường kỷ cương phép nước nên nhiều quan chức vẫn ngang nhiên xài xể tài sản công hàng tỉ đồng ngay khi trên diễn đàn quốc hội và dư luận đang sôi nổi lên án lãng phí xe công, ngay khi thời điểm áp dụng quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng xe công đã có hiệu lực (từ 21/9). Để thấy rõ điều này, các địa phương xin cứ thực hiện theo ý kiến của ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính): “… người dân và truyền thông có thể tham gia giám sát. Khi phát hiện vi phạm, có thể thông báo cho cơ quan chức năng để tiếp nhận, làm rõ và kịp thời xử lý” ("Tuổi trẻ" ngày 25/10/2015), khi đó, Thủ tướng chắc chắn sẽ nhận được một danh sách rất dài những “công bộc” phạm pháp do các “cơ quan chức năng” báo cáo lên!
Vấn đề là làm sao để chấm dứt tình trạng lãng phí và trái pháp luật này. Trước hết, cần phải thắng thắn xác định đây là hành vi trái phép nước, là tội lạm dụng chức vụ và quyền hạn gây tổn thất lớn cho công quỹ, có thể xét xử theo luật hình sự. Hơn nữa, xét về mặt con người, về văn hoá, việc hạn chế sử dụng xe công cùng với số xe công dư thừa bán đấu giá, không chỉ đem lại lợi ích tăng thu, giảm chi cho ngân sách hàng ngàn tỉ đồng mà còn giúp tạo ra bầu không khí gần gũi, hòa đồng giữa thủ trưởng và nhân viên - nói rộng ra là mối quan hệ giữa con người sẽ tốt đẹp lên, có văn hoá hơn. Có thể dẫn ra một cảnh đời cụ thể để dễ hình dung: Trời mưa, cô văn thư chở con đi học trong lớp áo nhựa ướt át, bỗng nghe tiếng nhắc nhở thân tình: “Cô đi cẩn thận, kẻo cháu ướt hết đó!” Cô ngạc nhiên và cảm động vì đó là vị Trưởng Ban T., Ủy viên Thường vụ, thủ trưởng của cô - người không có tiêu chuẩn xài riêng xe công vừa “tự giác” rời bỏ đặc quyền phi pháp, nay cũng trên chiếc hon-đa, trong tấm áo ni lông che mưa, đang đi bên cạnh. “Không khí” đó nhất định trái ngược hẳn khi cô thấy vị Trưởng Ban ngồi trong ô tô bít bùng chạy vụt qua, tung nước làm mẹ con cô thêm ướt! Đó là chưa nói đến hàng ngàn thanh niên trai tráng được giải thoát khỏi công việc không khác chi bị cầm tù bên tay lái suốt ngày chỉ để phục vụ một người đang vi phạm phép nước, để có thể tìm được công việc ích lợi hơn, làm ra sản phẩm góp phần tăng GDP của đất nước …
Để “siết chặt xe công”, tạo thêm những “cảnh đời” đậm tính nhân văn như trên thì lại phải từ con người với “cơ chế” đặc thù của Việt Nam. Chúng ta đã biết, tất cả (hoặc ít ra là 95%) những người phạm pháp công khai này (có thể họ vô tư hoặc còn vô tình xem đây là “chuyện vặt”) đều là đảng viên, hầu hết là cấp ủy Đảng của Tỉnh, Bộ hay Sở, Huyện… Như vậy, cũng với “cơ chế” lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng, chỉ cần Bộ Chính trị ra chỉ thị ghi rõ, đại ý: “Những ai vi phạm quy chế sử dụng xe công, nếu không tự giác từ bỏ, sẽ lập tức bị cách chức hoặc khai trừ Đảng, trước khi đưa ra xét xử theo luật pháp” thì chúng ta có thể tin rằng, nạn lạm dụng xe công, lãng phí công quý cũng sẽ lập tức chấm dứt.
Đây chỉ là “ví dụ” về cách xử lý vấn đề một cách đơn giản mà một “phó thường dân” đưa ra. Với tinh thần thượng tôn pháp luật và siết chặt kỷ luật Đảng, nhất là trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 12, chúng ta có thể tin rằng các cơ quan hữu quan có thừa trí tuệ và ý chí kiên quyết để đề ra các biện pháp thực sự có công hiệu mà toàn dân có thể kiểm soát được.
Có thể có người xem đây chỉ là “chuyện nhỏ”, “hạn chế” nhỏ trong rất nhiều các vấn đề hệ trọng đang đặt ra trên con đường đưa Việt Nam tiến kịp bè bạn ở Đông Nam Á. Nhưng một “chuyện nhỏ” hàng chục năm rồi không giải quyết được, thì nói chi chuyện lớn!?
_