Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRUYỆN NGẮN CỦA TẠ DUY ANH

Tạ Duy Anh
Thứ tư ngày 4 tháng 11 năm 2015 2:03 PM

Tại Hà Nội Tổng Khựa gặp Quang Trung, cầu cứu Sầm Nghi Đống rồi chui vào thùng phuy

Truyện ngắn 

 

Đây là một phần trích trong truyện ngắn Chuyện kể mua vui (từ trang 181-209), in trong tập Bước qua lời nguyền và những truyện khác của Tạ Duy Anh, nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa truyền thông Nhã Nam ấn hành năm 2014 (xem hình bìa). Nội dung truyện kể về một cuộc thi của Thượng đế với đề tài dẹp một cuộc tắc đường ở Hà Nội. Có cả thảy năm thí sinh (bốn ngoại, một nội) được triệu tập, trong đó có một thí sinh tên là Tập Khổn Nan, biệt danh là Tổng Khựa. Đoạn giới thiệu về vài nét chân dung Tập Khổn Nan như sau: “Ngài là lái buôn đích thị nhưng luôn nói ra miệng những lời có vẻ cao sang lòe bịp đám đàn em phần lớn là thất học. Tổng Khựa đã từng ăn vạ nằm vật ở một nhà khách tại phố Cầu Gỗ, trong vai trò thủ lĩnh của một nhóm chuyên buôn người nên ngài rất hiểu tình hình giao thông ở Hà Nội. Nếu ngài ra tay dẹp tắc đường thì bài quen thuộc của ngài sẽ là: Gây tắc ở một chỗ nào đó để giải toả chỗ đang tắc. Thế là chỗ đang tắc thì có cảm giác được thông thoáng, còn chỗ mới tắc thì chưa kịp cảm thấy bí bách. Bài đó ngài áp dụng ở mọi nơi và đều rất thành công.

Khi Tổng Khựa cười trông miệng ngài như miệng một con trăn đang nuốt mồi còn nhìn tổng thể ngài giống như một chú gấu trúc phát phì vì phàm ăn”.

Đoạn trích dưới đây nói về cuộc thi của thí sinh Tổng Khựa.

Thí sinh tham gia: Tập Khổn Nan (biệt danh Tổng Khựa).

Địa điểm: Đường Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng, từ Ngã Tư Sở, qua gò Đống Đa đến ngã tư Ô Chợ Dừa.

Đề thi: Mọi phương tiện giao thông rối loạn do hệ thống đèn tín hiệu bị ngưng hoạt động. Xe máy, xe đạp chen lấn sang đường bên trái, trong khi tại gò Đống Đa do có cuộc thi kể chuyện lịch sử của các em học sinh khiến phương tiện đưa đón tại đây tăng lên bất ngờ. Cả đoạn đường dài từ trường đại học Công Đoàn đến đầu đường Xã Đàn vừa khánh thành hoàn toàn kẹt cứng.

Yêu cầu thí sinh dùng mọi biện pháp cho phép để giải toả trong vòng 45 phút.

Nhận đề thi, Tổng Khựa kêu lên: Ban tổ chức chơi xỏ nhau, tại sao lại phải qua gò Đống Đa. Họ kéo ra thì làm thế nào?

Ban tổ chức:

-Chúng ta chọn ngẫu nhiên khi ấn Enter, nhà ngươi đừng quen tưởng mình là trung tâm của thế giới mà ăn nói linh tinh.

- Nhưng ở Hà Nội nghe nói có tới mấy chục tuyến phố hay ùn tắc, tại sao lại cứ nhất thiết phải chọn tuyến phố này?

- Ban tổ chức nhắc lại là chúng ta không hề có ý gì cả. Ngươi không nhớ câu: Khi các ngươi âm mưu thì Thượng đế cười khẩy đó sao? Bây giờ ta hỏi ngươi: Ngươi có định tham gia cuộc thi hay không? Đường thì kẹt cứng cả lại thế kia còn nhà ngươi cứ đứng đó mà tị nạnh.

- Có chứ, có chứ…

- Có chứ thì bắt đầu đi!

- Nhưng mà, nhưng mà…

- Đã hết một phần tư thời gian.

Bỗng mặt Tổng Khựa như bị thất thần khi quay ngang quay dọc nhìn mọi người, hỏi:

- Hôm nay là ngày mấy ta? Sao ta chưa thấy hoa đào nhỉ? Phải có hoa đào chứ.

Không đợi trả lời, ngài lẩm bẩm trong miệng:

- Đường thì xa, chưa kịp nghỉ cho lại sức... Khốn nạn thân mình.

- Dạ bẩm, ngài hỏi ngày ta làm gì ạ?

Tổng Khựa vẫn lẩm bẩm nói một mình:

- Đông quá, như chẻ tre thế kia. Mà chúng ở đâu ra thế nhỉ. Mới vài hôm trước gã đầu lĩnh còn vờ run sợ nói là sẽ thân hành đến vấn an ta sau khi kéo quân ra Bắc…

Đám thuộc hạ càng ngơ ngác.

- Ngài nhanh chóng đưa ra giải pháp đi. Chậm lúc nào bất lợi lúc ấy.

- Bọn bay có lời nào khuyên ta không? - Ngài gần như gào lên. Cấp lắm rồi.

- Cứ như chúng thần nghĩ thì kẻ nào làm sai kẻ đó phải chịu tội.

- Chuẩn tấu! Lôi kẻ say rượu ra chém ngang lưng trước ba quân… Đã có nghiêm lệnh rồi cơ mà. Đáng lẽ chúng nó phải đốt lửa cấp báo cho ta chứ?

- Chúng thần không hiểu gì cả.

- Chỉ có thế mà không hiểu? Chém thằng gác, còn lại xua chúng nó ra bốn cửa thành, trói chân chúng nó vào neo cột ngựa, chỉ có chết chứ không được lùi. Đứa nào tìm chọn cho ta một con ngựa tốt.

- Bẩm ngài, việc của ngài là giải toả ùn tắc giao thông ạ. Người đang ùn đống lại...

- Ta bảo thì làm đi. Từ đây ra bờ sông Nhĩ Hà có lối đi tắt nào không?

Ban tổ chức: Còn một phần tư thời gian.

Tổng Khựa giơ tay chỉ lia lịa vào những người đi xe máy lấn sang phần đường ngược chiều hoặc leo lên vỉa hè quát lạc cả giọng: Bọn giặc đấy. Giết, giết, giết...

- Bẩm, trẻ con, người già, phụ nữ có thai thì làm thế nào?

- Bắt tất. Già rồi sao không chết đi cho bớt chật đường. Trẻ con rồi sẽ thành người lớn, bây giờ mới nứt mắt ra mà đã ngang ngược thì lớn lên tất thành giặc, thành bọn tạo phản… trừ sớm ngày nào đỡ ngày ấy. Còn bọn đàn bà có thai thì đứa nào mang thai con gái có thể tha. Ta chỉ nói thế thôi, tự các ngươi ăn lộc triều đình chỉ để nghĩ kế tất phải hiểu.

- Chúng thần nhớ rồi.

Bất giác Tổng Khựa sờ tay lên đầu, dứt mấy sợi đưa ra trước mắt rồi kêu lên:

- Sao tóc của ta lại bạc trắng cả ra thế này? Hôm qua có thế đâu.

- Chắc là do tại nước và khói xe đấy ạ. Về nhà đâu lại vào đấy.

- Nhà ngươi có dám quả quyết với ta không?

- Quả quyết gì ạ?

- Về nhà tóc ta sẽ đen trở lại?

- Về chuyện đó thì thần mới chỉ đọc và thấy trong sách, không dám nói liều.

- Hình như chúng ta hấp tấp các ngươi ạ, chúng ta chưa lường tới tình huống tóc bạc trắng chỉ trong đúng một đêm.

- Hình như đó là số phận. Kiểm lại thì lần nào chúng ta sang đây cũng hấp tấp cả, nhất là khi mã hồi.

- Thôi, đừng có làm ta thêm rối ruột. Xác định cho ta lối ra bờ sông Nhĩ Hà, nếu có đường tắt chạy lên Phượng Nhãn thì chỉ cho ta. Không được cho bất cứ ai biết là ta đã ra khỏi thành. Chú ý hướng Nam, hình như có bạch tượng…

Tổng Khựa bỗng tái mặt, miệng lắp bắp nói như đọc thần chú:

“Người Nam đánh trận hay dùng voi. Voi không phải là vật nội địa từng tập quen, nên hễ gặp phải trước tiên quân ta thế nào cũng tránh chạy. Không biết rằng, sức voi tuy khoẻ, chung quy cũng là thân máu thịt, không thể đương được với súng ống của ta. Nếu thấy voi ra trận, xa thì bắn súng, gần thì dùng cung và dao, làm cho nó bị đau mà chạy trở lại, giày xéo lẫn nhau, quân ta nhân cơ hội ấy mà tiến lên chém giết, thế nào cũng thắng trận, không còn nghi ngờ gì nữa. Cần phải chỉ bảo nhau cùng được biết”.

- Bẩm ngài, chúng thần phải làm gì tiếp theo?

- Xa thì bắn súng, gần thì dùng cung và dao…

- Bẩm ngài, chúng thần không biết ngài đang nói gì.

- Nhiều voi quá, sao nó lại thay chân bằng bánh xe thế kia, lại một trò phù thuỷ gì đây… lại có cả hoả hổ nữa.

- Chúng thần càng không hiểu phải làm gì. Trong khi tình hình gấp lắm rồi. Mình thua cầm chắc rồi.

- Mình lần nào chả thua, nói lại làm gì. Cầu bắc xong chưa?

- Cầu nào ạ, cầu Thanh Trì xây bằng vốn ODA của Nhật thông xe lâu rồi ạ. Đường dẫn phía bắc lên Lạng Sơn cũng đã xong, bốn làn xe có thể chạy một mạch lên ải Nam Quan. Cầu Vĩnh Tuy huy động vốn bằng trái phiếu, cũng xong một nửa rồi ạ...

- Thôi, tính toán gì, hỏng rồi. Ta thấy hình như có lửa cháy, khét một mùi rơm rạ ngâm bùn. Các ngươi có thấy thế không? Hình như còn khét cả mùi da thịt người.

Đám thuộc hạ của Tổng Khựa ngơ ngác nhìn ra xa bốn chung quanh. Đúng là có mùi rơm rạ nhưng hình như ai đó dùng để thui chó.

- Đúng là có mùi thịt cháy.

- Tìm cho ta hướng gió.

- Bẩm, mới ban nãy gió còn thổi từ hướng Bắc, chúng thần thấy rõ điều đó trên tóc của ngài, vậy mà chỉ thoáng chốc gió đã đổi sang thổi ngược từ phương Nam...

- Ta đã lường tới điều này nhưng không ngờ lại mau thế? Thôi, trời hại ta rồi. Trời hại ta rồi. Bốn phía đều tắc, hoả mù bị đổi hướng gió, có khác nào tự bịt mắt mình, Điền Châu thái thú thì treo cổ, Ô Đề tổng chẳng thấy mặt đâu, các ngươi còn đứng đó làm gì?

- Chúng thần phải làm gì ạ?

- Nhà ngươi chưa đọc sách Tôn Tử sao, không ở được nữa, viện quân không đến, sức cùng, lương thảo cạn, bệnh tật vì chướng khí, thương vong như ngả rạ thì chước thượng sách là gì vào lúc này nhà ngươi phải biết chứ. Chuồn! Nghe rõ chưa?

- Dạ, ngài bảo rút ạ?

- Thế đã rút hết chưa?

- Nhưng chúng thần muốn biết rút gì và rút đi đâu ạ?

- Rút dép, nghe chưa, cắp vào nách, giả làm thường dân chạy bộ nghe rõ chưa? Tẩu, nghe rõ chưa?... Hướng cầu phao, theo đường tắt qua ngả Chi Lăng nghe rõ chưa?

Đúng lúc ấy tiếng Ban tổ chức vang lên: Hết giờ!

- Chết tiệt - Tổng Khựa giật đứng người, ngơ ngác nhìn ra xung quanh hỏi ngài đang ở đâu. Khi thủ hạ bảo ngài đang ở Hà Nội, thuộc xứ Đại Việt, gần sát nơi Sầm đại nhân treo cổ chết xưa kia và vẫn chưa phải sắp qua tết ta thì ngài thốt lên: “Bao giờ thì đến lượt ta” nhưng ngay sau đó trấn tĩnh lại, ngài nói bằng thứ giọng của kẻ vừa trải qua ác mộng-Ta thần hồn nát thần tính rồi - quay sang đám thủ hạ, ngài hỏi: có đúng là ta như vừa bị mê sảng gì phải không? Sao các ngươi không cấu cho ta một cái. Bây giờ thì hết rồi. Mẹ kiếp, không dễ gì sống nổi ở đất này.

Cả tuyến đường vẫn hoàn toàn kẹt cứng, tức là Tổng Khựa đành thua cuộc. Ban tổ chức bèn gọi Papai hỏi xem, bằng vào những gì vừa chứng kiến từ Tổng Khựa, ngài có định tiếp vào cuộc thi hay chờ hôm khác, đề thi khác? Có tất cả điều kiện để một người linh lợi và quyền biến như ngài thi triển các phép thuật ngài đã từng rất thành công ở bản quốc. Không dễ gì lại có một cuộc ùn tắc đẹp như thế này, xét ở góc độ một đề thi. Không phải ở đâu trên thế giới cũng có được, nhất lại ở đúng thời điểm ngày sắp qua nhưng mà đêm còn chưa tới. Papai vội bước ra, chắp tay chào theo kiểu con nhà võ, mình cúi xuống khá thấp, thấp nhất trong tất cả những lần ngài cúi mình:

-Thần vừa ngậm bồ hòn kết giao với Tổng Khựa, nếu dự thi mà bại thì hắn coi nhờn, còn nếu thắng thì chả khác nào chưa là bạn đã thành thù. Thần cần túi tiền góp lại từ đám dân chết đói của hắn. Mà Tổng Khựa tướng tiểu nhân, nhớ lâu, thù dai, bụng dạ sâu hun hút, khó dò đoán lắm. Thần chọn phương án an toàn là bỏ cuộc để lưỡng lợi ạ.

- Thôi được, từ nay về sau thì bớt hung hăng đi nhé. Vậy thí sinh cuối cùng, ý ngươi thế nào? Ngươi có định tham gia luôn không hay cũng để hôm khác?

K. (Trong phần giới thiệu tiểu sử thì K. là cháu nội cụ Xuân Tóc Đỏ, thất lạc vào vùng vùng sát với nước Lào, nhờ tài nhặt bóng mà có hàm phó giáo sư, có chút vai vế, tướng trư, mặt phúng phính nên gọi là Cậu chã, đặc biệt sợ ma, sợ cả những từ gợi đến ma như Bóng tối…) gần như nhảy bổ ra:

- Thần đang nóng lòng chờ để được trổ tài đây.

(…)

…Nhưng điều tệ hại đã xảy ra: đúng lúc K. định bước lên vung cây gậy thì bỗng điện của toàn thành phố tắt phụt. Đó là một trong những sự cố cực kỳ hy hữu như sau này nhờ báo chí người ta mới biết nguyên nhân là do có sự trục trặc của hệ thống phần mềm phân phối điện. Nhưng đó là đề tài tranh luận của những ngày hôm sau. Còn tại thời điểm K. tham gia cuộc sát hạch thì trời đất tối om, chả khác hình dung về ngày tận thế là mấy. Nếu không có những chiếc đèn pha của xe ô tô và xe máy thì coi như mọi thứ bị màn đêm nuốt chửng hoàn toàn. Tổng Khựa và đám thủ hạ cũng như Cao Bồi, Sắng Đá, Papai - những người giờ đây đóng vai khán giả - có lẽ cảm thấy phần nào được an ủi. Trước sau thì cuộc thi này cũng không có người thắng. Tức là cũng chẳng có ai thất bại. Cao Bồi lo lắng nếu cứ tối om om thế này sẽ không về kịp khách sạn để xem buổi đấu bóng chày giữa đội Bò Đỏ và đội Gấu Xám, được tường thuật trên kênh thể thao. Sắng Đá thì quen với cảnh mất điện kinh niên nên ngửa cổ nhìn trời thấy đám sao nhấp nháy thì bất ngờ cười lớn, lại còn đọc to mấy câu thơ của cha cậu mong cho kẻ thù ăn cứt không xong. Cậu chỉ hơi tiếc phải bỏ lỡ xem phim Tom và Jerry đúng vào tập con chuột phóng cả quả tên lửa cháy rừng rực vào con mèo. Papai luôn cho thấy ngài là dân anh chị, sẵn sàng nằm gai nếm mật. Ngài chỉ tiếc bỏ mất một dịp xem thí sinh cuối cùng gỡ cái đám bòng bong kia bằng cách nào, sẵn sàng rút bút ký cấp một học bổng 700% cho hắn ta theo học bộ môn dẹp loạn tại trường đại học vào loại hàng đầu thế giới. Riêng Tổng Khựa, ngài coi sự cố kia là một cơ hội trời cho. Ngài bỏ thuộc hạ trong màn đêm, len lén một mình chui nhờ vào chiếc thùng phuy đã bị đục thông hai đầu chở trên chiếc xe ba bánh của gã buôn sắt vụn, cốt sao thoát ra khỏi khúc đường chạy ngang qua Gò Đống Đa, mồ hôi vã ra ướt đầm trên mặt, chảy cả xuống cổ, xuống háng. Bụng ngài quá phệ nên phải mãi mới chui vào được. “Mẹ kiếp, miếng này xem ra không dễ nuốt, lần nào cũng hóc mà vẫn cứ thèm”-ngài nhủ thầm trong bụng. Rất may cho ngài vì tối om nên không ai trông thấy. Ra khỏi thành, ngài xuống chạy bộ, một tay áp lên ngực để giữ tim, tay kia ôm hạ bộ to như bị bệnh sa đì. Cứ thế ngài chạy một mạch ra bờ sông Hồng rồi từ đó lần về khách sạn nằm trên đường Trần Phú. Tại đó ngài gọi cho mấy thằng đàn em bản địa ngài nuôi nằm vùng nhưng không thằng nào dám bắt máy. Vừa sợ vừa mệt nhưng ngài vẫn cố lê đến bên tấm bản đồ treo sẵn trong phòng, nhìn chăm chăm vào vùng tô mầu xanh dìu dịu, nuốt khan ực một cái và than lên:

-“Giấc mơ của ta tan rồi!”

(…)

11-2009
(Rút trong tập truyện Bước qua lời nguyền)