Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG ĐỨA CON CỦA NGƯỜI THỢ ẢNH

Phạm Gia Văn
Thứ hai ngày 27 tháng 7 năm 2009 6:47 PM

Ai đưa con sáo sang sông
Để cho con sáo sổ lồng.....

                           (Dân ca)

bây giờ con sáo đã sang sông
chấm đen nhỏ hút vào ngàn cơn lốc
giọt rượu chảy tràn trề miệng cốc
anh âm thầm cúi lặng dưới ngàn sao.

                               (Thu Bồn)

*

Thầy tôi ra tỉnh học nghề ảnh vào năm 1924 lúc ấy mới 13 tuổi. Ông nội tôi gửi gắm ở hiệu ảnh của một người cùng làng, cụ Phúc Lai (1). Cụ có tên thật: Nguyễn văn Đính, là thế hệ học trò đầu tiên của cụ Nguyễn Đình Khánh (tức Khánh Ký), ông tổ
nghề của làng và của cả nước.
 

Lứa học trò đầu tiên người Lai Xá ở Ảnh Viện Khánh Ký - hồi đầu TK XX 

Năm đó cụ Phúc Lai mới khai trương thêm cửa hiệu nữa ở Hải Phòng, thầy tôi đã theo cụ xuống làm thợ và sống ngay trong nhà cụ suốt hàng chục năm trời. Cho tới khi ông nội tôi mất vào đầu thập niên 40, thì thầy tôi mới rời Hải Phòng và về lại Hà Nội làm ở Central Photo, số nhà 94 phố Hàng Bông gần đầu phố Hàng Da, cũng do cụ Phúc Lai làm chủ.

Lúc còn sống ông cụ thường kể cho tôi nghe nhiều về 3 người con trai (2) rất sáng dạ của cụ Đính. Đó là chú Riệu, chú Quyền và chú Đạo. Các con  trai cụ Đính được chào đời cùng thời gian thầy tôi sống và làm việc ở Hải Phòng. Nên đã từng chăm bẵm, chơi đùa với các chú như những người thân trong nhà. Thầy tổi kể chú Riệu sinh đâu vào khoảng năm 1931. Các chú Quyền và Đạo thì sinh sau đó. Các chú sinh cách nhau chừng 3 tuổi.

Cụ Phúc Lai như thầy tôi mô tả, sinh ra trong một dòng họ danh giá vào bậc nhất ở làng. Người anh em con chú con bác ruột với cụ Đính là GS-TS nổi tiếng Nguyễn Văn Huyên, là người Việt Nam đầu tiên đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Sorbonne, Paris khi chưa đầy 30 tuổi. Ông nội của cụ Phúc Lai, cụ Điều Khoa, thuở nhỏ sống vất vả, rời làng ra sống với bà nội ở phố Thuốc Bắc. Sau nhờ thông minh, tháo vát, cụ Điều Khoa trở thành người thầy thuốc giỏi, có cửa hàng bán thuốc khá danh tiếng ở 36 phố phường. Cụ đã được vua Tự Đức phong hàm Cửu phẩm, bổ làm y sinh (3). Chính vì lẽ đó theo như bố tôi kể, ước nguyện lớn nhất của cụ Phúc Lai là muốn con cái sau này hướng nghiệp vào ngành Y (4). Với hoài bão lớn nhất của cụ là xây dựng một bệnh viện tư thật hiện đại chữa bệnh cho thập phương.

Bố tôi còn kể, cụ Phúc Lai rất giỏi khoa tử vi, cả ba chú đều được cụ xem rất kỹ, thấy tiền trung và hậu vận của các chú đều đắc ý, cụ mừng lắm. Hồi các chú còn nhỏ tuổi đi học, cứ sau mỗi kỳ thi, khi Báo Tia sáng đăng danh sách các thí sinh trúng tuyển, cụ Phúc Lai lại cầm tờ báo lên hồ hởi nói oang oang với cả nhà: Báo đăng rồi đây, Riệu đỗ măngxông trébiêng (loại tối ưu), Quyền, Đạo phải cố lên, sang năm thi đíplôm cũng phải măngxông trébiêng đấy!

Để thực hiện rốt ráo việc này, cụ đã bàn bạc với những người trong gia tộc và lên một chương trình hành động khá cụ thể (5). Nhưng Nhân định không bằng Thiên định, tất cả những toan tính của mấy anh chị em nhà cụ đã không thành hiện thực.

Sau khi tiễn cả hai người con trai cả là Nguyễn Quang Riệu và con út Nguyễn Quý Đạo sang Pháp du học, chỉ để người con trai thứ hai của cụ là Nguyễn Quang Quyền ở nhà. Năm 1952 sau khi tốt nghiệp tú tài ưu hạng, vào nhập học ở trường Đại Học Y Dược Hà Nội.

Năm 1959 chú Quyền tốt nghiệp bác sĩ, ở lại trường giảng dạy. Người bác sỹ tài năng này chính là lớp người nghiên cứu ngành giải phẫu học đầu tiên ở miền Bắc nước ta, trưởng thành sau hoà bình.

Đợt cải tạo Công Thương ở Hà Nội Hải Phòng, khiến toàn bộ các cửa hiệu sầm uất, cũng như những đồn điền mầu mỡ của cụ Phúc Lai ở vùng Đông Triều đều bị Quốc hữu hoá, Tập thể hoá! Gia đình cụ Phúc Lai trở thành vô sản và lui về sống ở khu nhà tạm cấp 4 ở ven hồ Giảng Võ gần Cầu Giấy cùng vợ chồng chú Quyền. Hàng ngày chú Quyền đạp xe tới Trường ĐH Y Khoa và bệnh viện Bạch Mai làm việc. Thầy tôi, một dạo hàng ngày cũng từ Lai Xá ra cửa hàng ảnh Quốc Tế ở 11 Hàng Khay bằng xe đạp nên vẫn hay gặp chú Quyền ở đoạn đường từ Giảng Võ tới Văn Miếu, cùng trên đường đi làm. Thi thoảng chú vẫn khoe: anh Riệu và em Đạo nhà em ở bên Pháp vẫn thi thoảng gửi quà về cho gia đình. Có lúc nhà nhận được cả chiếc Peuro mới coóng, nhưng em chả dám đi, sợ người ta dị nghị... thôi cứ xe đạp cũ mà diễn có khi lại yên ổn anh Uyển ạ! ...

Có dạo, chừng trước 1975 khoảng một hai năm gì đó, chú Quyền còn cho biết hai cụ Phúc Lai được nhà nước tới mời lên ở khách sạn để tiếp khách qúi từ bên Tây. Tưởng ai hoá ra chú Riệu (6) đi họp hội nghị Quốc tế về Thiên văn (hay Vật Lý) ở vùng Đông Âu (Liên Xô cũ), tiện thể ghé qua thăm Hà Nội. Hai cụ Phúc Lai được gặp lại người con trai sau hơn hai mươi năm xa cách. Trước đó cả tháng, hai cụ đã được các cán bộ có trách nhiệm của nhà nước tới đả thông tư tưởng rồi. Nên cụ phải tỏ ra chấp hành nghiêm những khuyến dụ của nhà nước. Nhưng việc không được gặp song thân ở những nơi bình dân thường nhật, mà lại ở khách sạn chính phủ sang trọng như thế này, chắc tự nó đã nói lên nhiều điều....

Vài năm sau thì cụ Phúc Lai Nguyễn văn Đính đã được về với tổ tiên. Cụ hưởng dương 86 tuổi. Hiện an nghỉ ở trên cánh đồng làng. Cụ bà, sau đó theo chú Quyền vào  TP Hồ Chí Minh sống những năm cuối đời. Giáo sư bác sỹ Nguyễn Quang Quyền cùng với người em họ đồng nghiệp (7) đều là những chuyên gia xuất sắc trong lĩnh vực giải phẫu họcvi trùng học. Cả hai còn là các bậc thầy khả kính của nhiều thế hệ sinh viên y khoa Hà NộiSài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh). Riêng GS-BS Quyền, được đánh giá là nhà nhân trắc học số 1, người góp công trong việc ướp và bảo quản thi hài của Chủ Tịch Hồ Chí Minh trong những điều kiện khí hậu ở Việt Nam.

Những năm chiến tranh ác liệt cơ quan chú Quyền sơ tán lên Việt Bắc, khi về lại Hà Nội, chú đã hoàn thành những công trình nghiên cứu có giá trị về đặc điểm hình thái và thể lực của các dân tộc thiểu số ở Việt Bắc.

Vào năm 1977 GS-BS Nguyễn Quang Quyền đã xuất bản hai cuốn sách Tổ tiên của người hiện đạiCác chủng tộc loài người. Cổ nhânnhân chủng học là các lĩnh vực mà chú là những chuyên gia hàng đầu của Y giới nước ta.

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Quang Quyền là người từng phát động phong trào hiến xác cho khoa học tại Việt Nam vào năm 1996. Bản thân ông cũng tình nguyện hiến xác. Nhưng khi bác sỹ đột ngột qua đời, trong một tai nạn giao thông năm 1997, thì ý nguyện này đã không thành hiện thực.

Ở bên trời Tây, người anh và em trai của cố GS-BS Nguyễn Quang Quyền đều là những nhà khoa học lớn không chỉ của nước Pháp mà cả thế giới.

Sang Pháp du học, ông Riệu đã là một nhà Thiên văn học, một giáo sư tiến sỹ nổi tiếng. Rời Hà Nội, ông vào học ở Đại học Sorbonne vào năm 1950 khi mới 18 tuổi, giờ đây ông đã vào tuổi ngót 80. Cái hồn quê xứ Đoài mây trắng với cây đa, bến nước, mái đình đã sống trong ông, đã theo ông sang tận xứ người.


Giáo sư Nguyễn Quang Riệu

Cách đây chừng gần 3 năm, trên kênh VTV4, ở chuyên mục Con Lạc Cháu Hồng, tôi tình cờ được xem hình ảnh ông Nguyễn Quang Riệu, người mà Thầy tôi, lúc còn sống đã nhắc tới nhiều lần. Ông được đài RFI của Pháp giới thiệu là khách mời liên tục ở chương trình Nhịp cầu tri âm. Nhà khoa học Nguyễn Quang Riệu từng là giám đốc Đài Thiên văn Paris, một trong những chuyên gia đầu ngành thế giới về chiếu xạ Maser. Giáo sư cũng đã nhiều lần về Việt Nam tham gia các chương trình phổ biến ngành thiên văn vật lý và ngành vật lý môi trường. Viện Hàn Lâm Khoa Học Pháp đánh giá cao công trình nghiên cứu của ông. Và đã trao cho ông giải thưởng của Hàn Lâm Viện vào năm 1973. Về việc tìm ra vụ nổ Xích nuýt X3 trong chùm sao Thiên Nga cách mặt đất 30.000 năm ánh sáng.

Đau đáu với vận mệnh của non sông, ông Riệu đã tiên phong cùng với 135 nhân sỹ trí thức tâm huyết ở cả trong và ngoài nước tham gia ký kiến nghị đợt đầu gửi tới Chủ tịch Nước, Chủ Tịch Quốc Hội và Thủ Tướng Chính Phủ về việc khai thác Bauxite ở Tây Nguyên vào ngày 12 tháng 4 năm 2009. Đó chính là tấm lòng son vô bờ của người Con Lạc cháu Hồng đối với non sông.

Con trai út của cụ Phúc Lai, GS-TS Nguyễn Qúa Đạo cũng là một gương mặt sáng láng của trí thức Việt nơi xứ người. Ông đã là tác giả của hơn 300 tài liệu nghiên cứu khoa học, chủ nhân của 3 bằng sáng chế. Nhà khoa học giàu nhiệt huyết này đã được nhà nước trao danh hiệu Vinh danh nước Việt 2005 ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.

Giáo sư Nguyễn Quý Đạo tại lễ trao tặng danh hiệu Vinh danh nước Việt 2005. Ảnh: Lan Anh

Cũng giống như bao người con xa xứ khác, chàng thanh niên Nguyễn Quý Đạo khi được gợi nhớ tới những năm tháng bôn ba nơi xứ người, thì không khỏi xúc động với nỗi niềm quê.

Nguyễn Quý Đạo trở thành sinh viên của đại học Centrale Paris, trường hàng đầu về đào tạo kỹ sư của Pháp, đồng thời theo học song song trường Sorbone. Giành bằng tiến sĩ khoa học ở Đại học Paris vào năm 1967 khi mới 30 tuổi. Ông hiện đang là Giám đốc cao cấp danh dự của trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) và Giám đốc phòng thí nghiệm hóa lý của Ecole Centrle. Tổng Biên tập Tạp chí Analusis, một tạp chí quốc tế về hóa phân tích của Pháp phát hành trên toàn cầu.

Khi đang ở độ chín của một nhà khoa học, được nhiều trường đại học trên thế giới mời thuyết trình, tiến sĩ Nguyễn Quý Đạo bắt đầu thực hiện mơ ước làm một việc gì đó giúp ích cho quê cha đất tổ.

Ngay từ khi cuộc chiến tranh với Mỹ đang ở giai đoạn quyết liệt, đồng bào trong nước bị tàn sát bởi bom đạn, ông lặng lẽ đi thu thập tài liệu về phương pháp và cách xác định sự di chuyển của mảnh bom bi vốn ở dạng chất dẻo rất khó phát hiện khi lọt vào cơ thể.

Thông qua Hội người Việt Nam tại Pháp, ông gửi về Việt Nam các tài liệu, sơ đồ thiết kế loại máy giúp phát hiện vị trí của đạn bi trong cơ thể người.

Sau 1975, ông về Việt Nam và bắt đầu hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học trong nước. Công trình được tiến sĩ Nguyễn Quý Đạo rất tâm đắc là nghiên cứu về đặc điểm sỏi thận, sỏi mật của người Việt Nam, giúp tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả.

Ông xác định được sự khác nhau giữa sỏi của người Việt Nam với một số người nước khác, để kết luận sỏi của người Việt Nam có dạng đá chứ không phải sỏi mỡ như người dân ở các nước phát triển, do đặc điểm ăn uống. Từ đó chỉ ra cách ăn uống và điều trị phù hợp để làm tiêu viên sỏi mà không cần đụng dao kéo.

Với ấp ủ hy vọng sản xuất ra những chiếc máy quang phổ hiện đại, có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực y tế, địa chất, môi trường..., mà giá chỉ 2.000 USD so với giá 200 ngàn USD hiện nay.

Cùng một học trò người Việt ở Pháp, ông nghiên cứu phát minh máy quang phổ Raman, có thể áp dụng trong ngành kim hoàn, giúp thẩm định nhanh và chính xác kim cương, đá quý là thật hay giả.

Với bằng sáng chế cho phát minh này, chiếc máy thử đầu tiên đã sắp ra đời. Từ lúc sáng chế đến lúc sản xuất bán ra thị trường phải mất khoảng 5 năm, song tiến sĩ Nguyễn Quý Đạo hy vọng phát minh của ông sẽ sớm được ứng dụng trong thực tiễn ở Việt Nam.

Mang về Việt Nam chương trình học châu Âu, Tiến sĩ Nguyễn Quý Đạo tin tưởng nền khoa học công nghệ của Việt Nam tuy đang ở trình độ khiêm tốn song sẽ nhanh chóng biến đổi nhờ khả năng đi tắt đón đầu, tiếp thu nhanh khoa học kỹ thuật thế giới.

Một trong những yếu tố quan trọng là nhân tài, cần phải đào tạo ngay từ bây giờ những nhà khoa học cho tương lai, ông nói. Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, mà ông là một trong những người sáng lập, đã thực hiện nhiều năm qua tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Bách khoa Đà Nẵng, Bách khoa TPHCM và Đại học Xây dựng Hà Nội.

Đây là chương trình phối hợp với một số trường đại học ở Pháp, mở các lớp đào tạo theo chương trình giảng dạy của các trường đại học Âu châu...

Làng Lai Xá (Kim Chung, Hoài Đức, xứ Đoài), cái làng tưởng chỉ phát về nghề truyền thống chụp ảnh ai ngờ còn có người thành danh chói lọi thế như câu thốt lên của một cụ già ngoài thất tuần trong làng khi trông thấy mấy người con thắp hương cho mộ cụ Phúc Lai dịp tiết thanh minh Kỷ Mão.

Hẳn nơi suối vàng giấc mơ không thành về một bệnh viện cứu người, chữa bệnh cho khách thập phương của các cụ Phúc Lai.... chắc cũng được an ủi phần nào.

Nhà có 3 anh em trai mà đều trở thành 3 nhà khoa học nổi tiếng, thật khó tìm một gia đình danh giá đến thế! Họ từng có gốc gác quê mùa, nông dân. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình người thợ ảnh. Nhưng đều là trí thức lớn, làm dạng danh cho nòi giống, quê hương.

---------------

(1) Có hai anh em ruột đều có thương hiệu là Phúc Lai, ông này là ông anh, mọi người gọi là Phúc Lai - Hải Phòng. Còn ông em là Phúc Lai - Sơn Tây.

(2) Cụ Phúc Lai - Hải Phòng có hai bà vợ và 4 người con, bà cả chỉ có 1 mụn con gái

(3) Vào năm Tự Đức thứ 19. Từ đó cụ trở nên sung túc và mua đứt được ngôi nhà 29 Thuốc Bắc (nay là nhà thờ họ)

(4) Theo quan niệm từ thời đó nhất Y, nhì Dược...

(5) Tham gia vào kế hoạch này có cả cụ Phúc Lai - Sơn Tây (Nguyễn văn Sứng) và  người chị Gái (vợ chồng cụ Phạm văn Khởi).

(6) Hay chú Đạo (?), chuyện thầy tôi kể đã lâu, nay tôi không còn nhớ được chính xác nữa.

(7) Giáo sư bác sỹ Nguyển văn Thành (Hùng), là con cụ Phúc Lai Sơn Tây, em ruột cụ Phúc Lai Hải Phòng

Ø Xem VCD-Video (dài 9 phút) do VTV4 - Chương trình “Con Lạc cháu Hồng„ ở đường link: http://vn.myblog.yahoo.com/vanph_vanpham/article?new=1&mid=666

Ø Nghe Phỏng vấn GS Nguyễn Quang Riệu trên sóng RFI: http://www.rfi.fr/actuvi/articles/115/article_4288.asp