Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI THƠ TẢO TẦN BÊN THỰC BÊN MƠ

Vũ Nho
Thứ bẩy ngày 25 tháng 7 năm 2009 10:48 PM

Qua các tập thơ Thời hoa gạo cháy, Nón trắng sang đò, Một khúc sông trăng, Tảo tần gót khuya ca Nguyễn Thị Mai.

 Phụ nữ làm công tác Hội phụ nữ các cấp thì rất nhiều, nhưng cán bộ Hội trở thành nhà thơ như Nguyễn Thị Mai thì thật hiếm hoi. Phải chăng vì công việc của Hội phụ nữ bộn bề không cho người cán bộ có thời giờ đến với thơ ca nghệ thuật? Hay tại công việc  hành chính sự vụ chẳng có mấy chất thơ? Hay còn nguyên nhân nào khác nữa?
 Trường hợp của nhà thơ Nguyễn Thị Mai cho chúng ta thấy một sự thực là chính công việc cho phép người phụ nữ đi sâu vào thực tế phong phú và bộn bề của cuộc sống để thăng hoa cảm hứng thi ca. Sự tảo tần hết mình với công việc chung và riêng “ Việc đời nhiệt thành, việc riêng đam mê” ( Đêm phù vân, tập Tảo tần gót khuya TTGK) đã khơi nguồn cho thơ Nguyễn Thị Mai, và chắp cánh cho thơ chị.
 Người phụ nữ ấy là một người có tâm hồn thật đa cảm và trong trẻo. Cảnh vật quê hương, những ấn tượng về chị em cùng giới như ùa vào thơ chị với nét đẹp giản dị, dân dã mà tươi trẻ, khỏe khoắn:
 Dòng sông trong, gầy mùa cạn
 Khoai ngô xanh mướt bãi làng
 Nón trắng sang đò ngày chợ
 Tiếng cười bến nước râm ran
   Quê ngoại, tập Nón trắng sang đò (NTS Đ)
Những vần thơ viết về mẹ của chị được viết bằng tấm lòng thơm thảo của người con hiếu thuận. Bài thơ Qua hàng trầu vỏ xúc động mọi người bởi tấm lòng và tình cảm yêu quý mẹ. Khi mẹ còn sống, người hưởng niềm vui nho nhỏ quà trầu vỏ của con gái:
 Quết trầu đỏ thắm làn môi mẹ
 Sau bữa cơm đèn trải chiếu hoa
 Mẹ ngồi thong thả bên hè mát
 Hàng xóm sang chơi ấm cửa nhà
Khi mẹ mất rồi, kỉ niệm nhói lòng là sự trống trải của chiếc cơi:
 Chiếc cơi trống vắng hơi đồng lạnh
 Con đặt tay vào ngón buốt đau
   Qua hàng trầu vỏ, tập Thời hoa gạo cháy (THGC)
Tuy hình bóng mẹ đã xa khuất, nhưng mẹ vẫn trở lại nhà sống động nguyên vẹn trong giấc mơ khát khao gặp mẹ của người con:
 Người về vận áo cánh nâu
 Vấn trần mái tóc, ăn trầu đỏ môi
 Bên hiên thong thả người ngồi
 Hoa cau trắng, hoa cau rơi, nhẹ nhàng
   Giấc mơ gặp mẹ, THGC
Với tình cẩm nhân ái của người phụ nữ- người mẹ, tác giả đã dành tình cảm yêu thương, chi chút cho những em bé “không có bố”, hay vắng bố trong nhà. Cùng với đó là sự cảm thông với người mẹ nuôi con một mình, hi sinh lặng lẽ:
 Ngày đông gió bấc mưa dầm
 Đậy che mưa dột âm thầm mẹ con
   Nhà không có bố, THGC
Đây có lẽ là một trong những bài thơ hay nhất của các nhà thơ nữ viết về đề tài này.
 Thương cảm trẻ thơ, thương cảm cảnh ngộ của người cùng giới, những dây bầu dây bí cùng phận đàn bà, Nguyễn Thị Mai thấu hiểu nỗi niềm của người mẹ kế, thấu hiểu cả hành vi “Cứ lầm lũi bước vào ra” của đứa bé gái con chồng. Tưởng như chính chị hóa thân, nhập vào bạn gái mà thương xót:
 Dì không mang nặng đẻ đau
 Đứt dây mà xót thương bầu bí ơi
   Nói với con chồng, THGC
Cũng với tấm lòng nhân hậu và sẵn sàng chia sẻ đó, nhà thơ thân thiện với người bạn gái láng  giềng “thanh sắc đủ đầy”, nhưng thiếu hơi ấm của gia đình hạnh phúc, bơ vơ trong cảnh cô đơn chờ đợi:
 Trăng chiều đã tỏ sang đêm
 Vẫn không ai cả về bên tóc vàng
 Máy bàn chuông chẳng reo vang
 Gọi đi thì sóng phủ hoang vùng chờ
   Bạn gái xóm giềng, TTGK
Ngay cả với những người đàn bà một thời lầm lỗi thì vẫn bằng tấm lòng trắc ẩn của người cùng giới, nhà thơ cảm nhận được hi vọng thắp lên trên con đường hoàn lương của những mảnh đời khác nhau chính là những đứa con:
 Chợt thoáng ngoài xa cổng trại
 Trong ngần tiếng trẻ cười vang
 Bao gương mặt buồn bỗng ngẩng
 Cùng quay nhìn hướng có làng
  Những người đàn bà đan giỏ, tập Một khúc sông trăng ( MKST)
Người Việt ta có câu “ Thương người như thể thương thân”. Tình thương ấy bao giờ cũng sâu lắng, da diết và cụ thể trong trái tim phụ nữ. Và cũng chỉ có phụ nữ mới có thể diễn tả cụ thể và cảm động nhất về nó. Đó là tình thương yêu dành cho người lính từ mặt trận trở về. Cần phải nói rằng thời ấy không một làng nào, xã nào lại không có “người về sau chiến tranh”. Vì thế mà cảm nhận về hạnh phúc của những người phụ nữ đơn sơ mà sâu lắng:
 Căn phòng bây giờ mới thực sự có anh
 Mắc áo mắc thêm áo bạt dày đại cán
 Giầy cao cổ dưới chân giường, bi đông treo đầu chạn
 Tiếng điếu cày, mùi khói thuốc, bóng đàn ông
   Người về sau chiến tranh, THGC
Cũng chỉ người phụ nữ tình cảm thủy chung mới có thể cất lên tiếng gọi đầy ân tình dành cho chiếc ba lô- vật bất li thân, biểu tượng của người lính trong thời trận mạc:
 Chiến tranh giờ đã đi qua
 Ba lô ơi! Hãy về nhà với em
 Giữa đời túi, bị bon chen
 Có sao sờn cũ…
         gần em được rồi!
  Tâm tình về chiếc ba lô, NTS Đ
 Những bài thơ trích dẫn ở trên chứng tỏ Nguyễn Thị Mai là người tảo tần nơi bến thực cuộc đời. Những vần thơ công dân với tính xã hội cao làm phong phú thêm tình cảm và tâm hồn những người phụ nữ, những người chịu thiệt thòi, bền bỉ và anh dũng nhất trong mọi cuộc chiến tranh.
 Nhưng sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến bến mơ của tình yêu và thi ca trong thơ chị. Chúng ta sẽ gặp một Nguyễn Thị Mai khao khát tri âm, thích ước ao và tràn đầy hoài niệm. Phải chăng vốn là người nết na, cẩn trọng nên hay rụt rè? Phải chăng sự đoan trang, chững chạc của cô giáo, của người cán bộ Hội phụ nữ thường kìm nén sự mơ mộng, phóng khoáng của người thơ? Chỉ biết rằng chị đã không thể như mọi người, không thể như mong ước:
 Chỉ mình không đi hết
 Tận cùng lòng yêu thôi
  Với Cà Mau, TTGK
Chỉ biết rằng có khi vì cẩn thận, tôn trọng và giữ gìn cho hạnh phúc của người mình thương quý mà đành cầm lòng:
 Thôi đừng gõ cửa nhà anh
 Phút vô tâm ấy rồi thành nhẫn tâm
   Căn nhà, NTS Đ
Cũng có khi chẳng rõ nguyên nhân vì sự rụt rè, e ngại hay nhường nhịn mà thành ra thiệt thòi:
 Đã nâng cụng một cốc tình
 Lại san sẻ hết để mình cốc không
   Chia tay, NTS Đ
Phải vậy chăng mà Nguyễn Thị Mai hay hồi tưởng, hay nuối tiếc sự lỡ làng hoặc sự muộn màng:
 Biết người hờn dỗi là yêu
 Thì người đã hóa sương chiều Trường Sơn
 Biết sông quãng tắm là nguồn
 Thì sông đã đáy nỗi buồn chiêm bao
   Bến sông trưa, TTGK
Có lẽ vì chậm muộn, lỡ làng, cho nên lỡ chuyến tàu cuối năm ám ảnh như lỡ hẹn hò và có thể lỡ luôn cả cơ hội làm nên hạnh phúc. Và đã không ít lần sự chậm muộn, lỡ làng để lại niềm tiếc nuối, ngẩn ngơ : “ Hạnh phúc tuột tay tự bao giờ?” ( Muộn màng, NTS Đ). Để rồi sau này ân hận và hối tiếc : “ Giá ngày xưa nói một câu” ( Về với Bát Tràng, NTS Đ); “ Giá ngày đặt móng, tôi vôi/ Nói câu gì đó với người ươm hoa” ( Tiếc một nhành hồng, NTS Đ). Cũng đã vài ba lần, người thơ bơ vơ, đơn độc trước sự phũ phàng:
 Bỏ em mây nước nhạt nhòa
  Gửi người trên phố, NTS Đ
 Bỏ em ngồi dưới mái xoan, bóng nghèo
   Người về, NTS Đ
 Kệ  tôi ngược núi một mình
   Kể cùng xứ Lạng, TTGK
Nhưng không thể tìm thấy một lời oán trách  nào. Và niềm tin yêu, nhân hậu thì không bao giờ tắt. Người thơ vẫn dịu dàng “ Nhắn người đợi ở đầu sông” ( tập THGC), vẫn nhẹ nhàng giãi bày và an ủi người lỡ hẹn:
 Thôi đừng giận nhé người ơi
 Có ai mười hẹn gặp mười được đâu
 Dù em lỡ hẹn đã lâu
 Còn câu hứa đó bắc cầu sang anh
   Lời người lỡ hẹn, THGC
Và vẫn không ngừng khao khát kiếm tìm người tri âm tri kỉ. Niềm khát khao giao cảm ấy là là khát khao của những người phụ nữ muôn đời, nhất là những người phụ nữ làm thơ. Có hiểu được quan niệm hạnh phúc giản dị này : “ Cho dù bãi mật phù sa/ Mà không bên lở chẳng là dòng sông” ( Nhà không có bố, THGC) thì mới cảm nhận được ao ước ẩn sâu trong thoáng chốc Hòn Chồng:
 Nép im bên đá tôi ngồi
 Thành đôi chồng đá- vợ người khập khênh
   Trước đá Hòn Chồng, THGC
 Nguyễn Thị Mai đã in riêng 5 tập thơ (trong đó có một tập thơ cho thiếu nhi). Những bài thành công nhất của chị thường là thơ lục bát. Phải chăng lục bát mềm mại, gần âm hưởng ca dao, phù hợp với điệu tâm hồn của Nguyễn Thị Mai? Và một trong những bài lục bát ấy đã thể hiện khá trọn vẹn tình người, tình thơ, tình đời và nhất là tâm hồn nhân hậu của người viết:
 Người còn thất vận có khi
 Thơ đành lục bát, lục …gì cũng thương
   Lục bát em và anh, tập Một khúc sông trăng
                     
   Hà Nội, những ngày lụt, tháng 11 năm 2008