Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ VĂN HOÀNG MINH TƯỜNG

Ngô Minh
Chủ nhật ngày 26 tháng 7 năm 2009 5:40 PM

           Hoàng Minh Tường là nhà văn nổi tiếng với những cuốn tiểu thuyết viết về nông thôn được đông đảo bạn đọc mến mộ như Thủy hỏa đạo tặc ( Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 1997), Đồng sau bão, Thời của Thánh thần …Đặc biệt, tiểu thuyết Thời của Thánh thần hơn một năm nay đã trở thành cuốn sách Việt Nam bán chạy nhất, được nhiều người tìm đọc nhất. Đầu tháng 7-2009 vừa qua, anh quyết định “thưởng” cho đứa con trai út của mình vừa thi đậu vào lớp 10 một chuyến du lịch Huế. Theo anh, Huế và Nha Trang là hai thành phố du lịch đẹp nhất , đáng đi thăm nhất ở miền Trung. Đã đi du lịch thì nên đến Huế vì Huế là trầm tích văn hóa nhiều tầng . Vô Huế, Hoàng Minh Tường thuê khách sạn, rồi mượn xe máy của nhà văn Nguyễn Quang Hà chở con đi  thăm lăng tẩm, chùa chiền Huế, về  tắm biển Thuận An, về  chợ quê Cầu ngói Thanh Toàn , đi thăm bạn bè văn chương  và thưởng thức những món ăn nổi tiếng Huế... Mấy ngày nắng nôi nóng bức thế mà bố con nhà văn cứ đi trên đường ngày hai buổi…Tôi phải tin nhắn, điện thoại mấy lần mới có dịp ngồi với anh vài tiếng đồng hồ ở Khách sạn Bến Ngự trò chuyện về chuyện hậu Thời của  Thánh thần. 

            - Chào anh Hoàng Minh Tường , Ngô Minh và nhiều người đọc ở  các “tỉnh lẻ” Huế và miền Trung một năm qua chỉ đọc TCTT qua Vietnam thuquan, thấy  cuốn tiểu thuyết  rất hấp dẫn và rất nhân văn , nhưng lại  nghe lõm bõm rằng “nó” bị “ thu hồi”, bị phạt, sau đó lại được tha, được phát hành cho toàn dân đọc. Đã hơn năm rồi, mọi chuyện  chắc cũng đã  nguội rồi, đã công khai được rồi. Vậy xin anh cho biết cụ thể bị “thu hồi” như thế nào ?

           - Nhà văn Hoàng Minh Tường ( HMT) ( cười đỏ mặt): - Đúng là có lệnh ngưng phát hành của Bộ Văn hóa Truyền thông thật.  Tiểu thuyết TCTT  đứng tên Nhà xuất bản Hội Nhà văn, nhưng sau khi có  giấy phép thì do một tổ chức làm sách bỏ tiền ra in . Giữa tháng 8-2008, khi tôi đang cùng bạn bè đi tham gia cứu trợ lũ lụt ở Bát Sát, Lao Cai  thì nhà văn Nguyễn Khắc Trường, người chịu trách nhiệm bản thảo điện thoại : “ Ông về  Hà Nội gấp để xử lý sự cố, Bộ Văn hóa Truyền thông có lệnh ngưng phát hành  TCTT rồi ! Gay lắm.”.  – Tôi trả lời ông NK Trường : “ Nhưng mà sách đã phát hành hết rồi, bây giờ “ Bộ 4T”( tức Bộ Văn hóa Truyền thông mà anh em văn nghệ gọi vui là “Bộ 4T” ) ngưng thì  biết làm thế nào? Sách có phạm tội gì không  ông ?”. Hỏi ra mới biết, Bộ 4T có công văn cho ngưng phát hành TCTT vì phát hành 2 ngày trước thời hạn nộp lưu chiểu . Theo luật định, sau khi nộp lưu chiểu 10 ngày mới được phát hành, đây mới 8 ngày đã bán lẻ rồi. Tôi về Hà Nội  thì thấy sách đã bán gần hết . Tôi cùng  anh em nhà xuất bản Hội Nhà văn đi hết các hiệu sách “thu hồi” được 87 cuốn. Sau đó một Hội đồng thẩm định của Hội Nhà văn được thành lập.  Các thành viên Hội đồng cho rằng tiểu thuyết TCTT  nói chung là tốt, không phạm vào “các điều cấm” , nhưng cũng còn có một số khiếm khuyết như  phản ảnh  hơi thái  quá một số  vấn đề  ”nhạy cảm”, có  biểu hiện về “sex”…Cuối cùng Hội đồng bỏ phiếu nhất trí cho phát hành bình thường, rồi Cục xuất bản phạt 5 triệu đồng do vi phạm quy chế phát hành   Tôi và ông Nguyễn Khắc Trường  thở phào nhẹ nhõm. Thế là đã tai qua nạn khỏi, sách được đến tay bạn đọc đông đảo . Nhưng cũng có người bảo, phạt “vi cảnh” 5 triệu chỉ là  cái cớ thôi, thật ra là do nội dung “quá nóng”, các nhà  quản lý muốn “cảnh cáo” và không muốn báo chí, truyền thông nhắc đến cuốn tiểu thuyết này…

             - . TCTT là tác phẩm rất trung thực và nhân hậu và rất hấp dẫn, nhà văn đã dồn hết sức lực mình  để viết.  Dù bị “phạt thẻ vàng”, bị cảnh cáo, nhưng đó cũng đã biểu hiện của sự cởi mở hơn,“thoáng hơn” trong việc phán xét và thẩm định tác phẩm văn học của các cơ quản lý của Đảng và nhà nước ta ? Sau tiểu thuyết TCTT nhất định sẽ có những cuốn sách viết về những “vùng cấm bay” của cuộc sống sâu hơn, mạnh bạo hơn và hấp dẫn hơn.  Anh có tin như vậy không ?

              - Tôi tin như vậy. Vì các nhà văn chân chính trong hoàn cảnh nào cũng viết những cái mà cuộc sống bức xúc, đòi hỏi. Xã hội càng cởi mở thì văn chương càng hay. Nên trong các Đại hội Nhà văn Việt Nam, các nhà văn hay nói về  tự do sáng tạo là vì thế.  Tôi tin văn học Việt Nam sẽ đến lúc sáng tác, in ấn bình thường như các nước. Gần ý thức hệ với ta nhất, như Trung Quốc chẳng hạn. Tôi dã từng phát biểu trong một cuộc hội thảo về tiểu thuyết ở Đại Lải rằng: Điện ảnh và văn học Trung Quốc gần đây có những tác phẩm lớn ngang tầm thế giới vì quan niệm về sang tác của họ thực sự cởi mở. Vì thế họ mới có được Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Trương Hiền Lượng… Nếu Mạc Ngôn được xếp vào hạng tài ba, thì Các Nhà xuất bản Trung Quốc tài bẩy và Ban Tư tưởng Văn hóa Trung Quốc tài mười (!) Về cái sự tài này, theo tôi,  Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa qua cũng xứng lắm. Có như thế văn học của chúng ta mới mong có những tác phẩm được nhân dân trông đợi. Tiểu thuyết của tôi thường hay mang tính phản biện, tính luận đề …. Tôi không thích viết những cuốn sách kể chuyện bình thường, đơn điệu, vì cuộc sống vốn rất  phức tạp. Tôi luôn cố gắng để văn chương mình thực sự có ích , nhận được sự đồng cảm của đông đảo bạn đọc. TCTT có thể coi là một cố gắng mới của tôi.  Tôi đã huy động tất cả vốn sống,  kiến thức hiểu biết của mình và vật vã trong 4 năm trời để phản ảnh hiện thực đất nước một chặng đường dài sau 1954 đến nay , không ngại khai thác những vùng được coi là nhạy cảm. Nên đối với tôi đây là đứa con tâm huyết .Có người đánh giá  đây là tác phẩm “ của một đời cầm bút…”, “tác phẩm tổng kết đời văn của tôi” có lẽ cũng không quá. Tiểu thuyết TCTT được phát hành bình thường đến đông đảo bạn đọc  làm cho tôi thật sự xúc động và tin tưởng. Tôi cám ơn Nhà xuất bản Hội Nhà văn , cám ơn các  cơ quan quản lý  văn hóa đã có cách nhìn nhận, đánh giá đúng  đắn trên tinh thần  cởi mở để cho cuốn sách được sống đời sống của nó trong  xã hội. 

       - Tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc của anh được giải thưởng Hội Nhà văn năm 1997, TCTT ra đời sau hơn 10 năm, gây xôn xao dư luận, tất nhiên con đẻ ra thì đứa nào mình cũng  yêu, cũng quý, nhưng trong  hai cuốn tiểu thuyết đó, anh tâm đắc với cuốn  nào  hơn ?

        -  Trong  30 năm qua, từ năm 1979 đến nay tôi đã xuất bản 12 cuốn tiểu thuyết và 9  tập truyện ngắn, nhưng phải nói Thủy hỏa đạo tặc, Đồng sau bãoThời của Thánh thần  là những  cuốn tâm đắc nhất. Thực ra Thủy hỏa đạo tặc là cuốn đầu trong bộ tiểu thuyết Gia phả của đất gồm 2 cuốn : Thủy hỏa đạo tặc ( 1996) và Đồng sau bão (2000). Thủy hỏa đạo tặc tôi viết về nông thôn đồng bằng Bắc Bộ  đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Đó là giai đoạn khốn khó nhất của bà con nông dân, phải khoán chui lén lút, cuộc sống vô cùng quẩn bách. Tôi viết xong tiểu thuyết này năm 1982. Lúc đầu lấy tên là Vùng gió quẩn. Đưa bản thảo đi hết nhà xuất bản này đến nhà xuất bản khác, anh biên tập viên nào đọc cũng  “rất thích, rất hay”, nhưng không “nhà” nào dám in. Mãi đến năm 1996 mới in được. Đó là cuốn tiểu thuyết cũng “rất nóng”, bám rất sát hiện thực đời sống nông thôn, có  tính phản biện mạnh mẽ. Đó là thời của bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc ở Vĩnh Phú. Tiểu thuyết này mà in ra lúc đó thì tác giả cũng nguy. Ông Kim Ngọc , một  bí thư tỉnh ủy mà còn bị  khép tội “chống đường lối” bị đày đến khốn khổ, nhà văn như tôi là cái thá gì ! Nhưng in vào năm 1996 , lúc đó tình hình nông thôn nước ta đã được “tháo khoán”, tiểu thuyết lại được đánh giá là xuất  sắc, được giải thưởng Hội nhà văn. Nhưng tôi nghĩ nếu nó được in ra trong năm 1982 thì tác dụng xã hội của nó sẽ lớn hơn nhiều . Cuộc đời thật  trớ trêu: Thứ được coi là  “thuốc độc” thời này lại là “thuốc bổ” thời khác. Bởi thế mà tôi thường nghĩ : Văn chương là một nghề bạc bẽo và khổ ải…

           Còn TCTT có thời gian phản ảnh dài hơn, không gian rộng hơn  và tính chất phản biện xã hội cũng quyết liệt hơn . Một nhà văn đã đúc kết rất cô động trên mạng : Thời của Thánh Thần” viết về những số phận khác nhau của một gia đình có truyền thống khoa bảng ở làng quê châu thổ sông Hồng. Bốn anh em trai Khôi, Vĩ, Vọng, Quặc ba người con đẻ, một con nuôi, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, mỗi người đi mỗi ngả. Có người trở thành cán bộ lãnh đạo; có người là nhà thơ nhưng bị quy là theo nhóm Nhân văn, xét lại; có người di cư vào Nam rồi di tản sang Mĩ; có người ở nhà cày ruộng. Cùng với họ là những người đàn bà, những người vợ, những mối tình sét đánh, éo le, ngang trái...Ba thế hệ của một gia đình, từ ông Lí Phúc, đến bốn người con trai của ông, rồi đến những đứa cháu của ông đã vật vã trên nửa thế kỉ của đất nước trong cơn gió bụi và cuộc bể dâu.  Cải cách ruộng đất; Đấu tranh chống Nhân văn Giai phẩm, chống Xét lại; Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước; Hoà hợp dân tộc...những vấn đề cốt lõi ấy, được xem xét và đánh giá qua những số phận mấy đời chìm nổi của một gia đình.   Đòn xoáy khốc liệt suốt hai cuộc chiến tranh đã cuốn họ đi, nhào nặn nên tính cách và số phận của họ…”.

                Đối với tôi mỗi cuốn tiểu thuyết có một nhiệm vụ. Thủy hỏa đạo tặc hay Thời của Thánh thần đã  làm  xong nhiệm vụ của nó.Tôi thấy mình đã làm trọn bổn phận người cầm bút.    

          - Nghe nói TCTT lúc đầu tên khác, sau đó anh đổi lại. Cuốn sách “nóng thế”, anh có gặp khó khăn gì khi đưa bản thảo cho nhà xuất bản không ? Tôi quý những bà đỡ cho cuốn tiểu thuyết ra đời như Nguyễn Khắc Trường, Tạ Duy Anh , họ có khó khăn gì  khi biên tập xuất bản và sau khi xuất bản cuốn sách ?    

           -  Đúng là cuốn tiểu thuyết TCTT lúc đầu tôi đặt tên là “Tốt sang sông”. Vì trong cờ tướng, tốt sang sông  sẽ trở thành một quân cờ nguy hiểm, nó có thể  làm được mọi việc theo ý mình . Con Tốt mà sang sông, tức là đứa tiểu nhân lúc đã đắc thế. Đây là câu của Nguyễn Tuân trong “ Vang bong một thời”…Cái ý “tốt sang sông” là  ý trong một câu thơ của cố nhà thơ Trịnh Thanh Sơn.  Khi tôi đưa bản thảo lần cuối cho nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tác giả Mảnh đất lắm người nhiều ma, Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn, người sẽ ký giấy thông hành cho cuốn tiểu thuyết vào đời, là người đọc đầu tiên. Anh đọc xong  chẳng nói năng gì về chất lượng nội dung cả. Nhưng lại bảo: “Phải cân nhắc lại cái tên sách, có một cuốn sách của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh in ở Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, với tựa đề Khi con tốt sang sông”. Truyện của ông lẽ ra phải đặt là “Những người khốn khổ”, hoặc “Con đường đau khổ”. Tiếc là các cụ Vichto Huygô và Alếcxan Tôlxtôi đã đặt mất rồi…”. Tôi mừng vì như thế là Nguyễn Khắc Trường đã đồng ý  về nội dung, chỉ băn khoăn tên sách. Tôi đọc lại bản thảo, chợt phát hiện ra rằng, mình  nên lấy tên tập thơ đầu tay của nhân vật Nguyễn Kỳ Vỹ đặt cho cuốn tiểu thuyết    tốt hơn cả. Thế là cái tên THỜI CỦA THÁNH THẦN được khai sinh.

           Tôi cho rằng, Nhà xuất bản Hội Nhà văn có đội ngũ biên tập đáng tin cậy. Tôi rất kính trọng  họ. Họ hiểu nghề nghiệp và hiểu người viết muốn nói gì. Tôi  biết  ơn Trung Trung Đỉnh- Nguyễn Khắc Trường- Tạ Duy Anh- ba nhà văn là bộ ba tâm huyết và dũng cảm. Nếu không có họ thì cuốn sách không ra đời được.  Họ đã chịu đựng nhiều phiền toái, áp lực, nhưng họ đã làm được việc có ích cho nhà văn, cho đời. Giá mà Nhà xuất bản nào cũng có những biên tập viên trình độ và bản lĩnh như thế !

          - Người ta đồn rằng, trong TCTT các nhân vật đều “ám chỉ” người này người khác, rồi nói tới một  dòng “văn học ám chỉ”. Vậy ,anh có thể tiết lộ các nhân vật của anh trong TCTT  như Tư Vuông, Kỳ Vỹ, Kỳ Vọng,  Kỳ Quặc,  Chiến Thống Nhất,   Đào Thị Cam,  Châu Hà… “ám chỉ” ai trong  cuộc sống xã hội một thời mà tiểu thuyết phản ảnh ?

           - Đây không phải là tiểu thuyết viễn tưởng. Không phải tiểu thuyết lịch sử, mà đây là văn học đương đại. Nghĩa là lấy hiện thực đất nước làm cảm hứng xuyên suốt. Nhà văn thì bao giờ  cũng phải có bột mới gột nên hồ. Nhưng viết sự thật  một trăm phầm trăm thì lại là ký mất rồi. Tiểu thuyết là hư cấu. Nên hình tượng  nhân vật tốt - xấu, ác-hiền trong tác phẩm  giống nhiều người  hay không là do khả năng hư cấu , xây dựng hình tượng khái quát của tác giả. Đọc sách thấy cá tính, lời nói, nhân cách, đạo đức nhân vật này giống người này, người khác nhưng thực ra không giống ai cả. Nên cái gọi là “văn học ám chỉ” không thuộc phạm trù  tiểu thuyết, đó chỉ là  từ ngữ của các nhà phê bình thực dụng và cơ hội “sáng tạo” ra mà thôi.

          - Ở Huế đa số bạn đọc phải đọc TCTT trên mạng, vì không mua được sách. Nhưng nghe nói sách được xuất bản  với ti-ra lớn, bán chạy lắm, lại thêm các nậu “luộc” đi “luộc” lại. Anh có thể cho biết vài chuyện về việc đó không ?

          -  Sách in 1000 cuốn bán hết vèo ngày trong  tháng đầu phát hành. Có người như  nhà thơ Hoàng Cát nghèo thế, sách  đắt thế mà  mua tới 12 cuốn sách để tặng bạn bè. Rồi  nhiều bạn bè tôi ở Hà Nội mua hàng chục cuốn gửi làm quà cho bạn bè, người thân… Cuốn mình tặng Ngô Minh  là cuốn sách bị in lậu đấy. Chỉ còn một cuốn mà bạn bè Huế thì đông.  Sách gốc bìa gấp, có  chân dung mình do họa sĩ Lê Lam ký họa, có phần lạc khoản về tác giả, tác phẩm và giải thưởng, rất trang trọng .   Để có nhiều lời, bọn nậu sách đã bỏ cái bìa gấp đi , mất đẹp, mất sang đi, chắc là “để tiết kiệm” tiền in. Nghĩa là in lậu đã đến mức công khai , nên chẳng cần  luộc giống làm gì cho tốn kém. Cứ như là nước  ta không có  cơ quan quản lý xuất bản sách vậy ! Nghĩa là chúng không biết sợ nữa. Hay là chúng được ai đó bảo kê ? Mà chẳng cần bìa gấp giới thiệu cũng bán vèo vèo. Ở Hà Nội sách lậu này bán đầy  các phố như phố Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Trần Quốc Hoàn…. Những người làm xuất bản sách ước tính có tới 5 vạn cuốn sách Thời của Thánh thần bị luộc tung ra thị trường trong năm qua. Đa số người đọc đều  đọc sách in lậu. Kỳ lạ hơn,  sách vừa phát hành tại Hà Nội trung tuần tháng 8 năm 2008, mà chỉ một tháng sau, ngày 23 tháng 9 năm 2008, đã được post lên mạng của trang web Vietnamthưquan. Trong thư ngỏ gửi Vietnamthuquan, tôi  phản đối : “Họ lược mất hai câu đề từ: Dáng Việt, lưng còng Mẹ/ xót xa muôn kiếp Lạc Hồng. Thiếu cả hai câu thơ Đoàn Thị Điểm - Đặng Trần Côn đề từ cho Phần I Thuở trời đất nổi cơn gió bụi / Khách má hồng  nhiều nỗi truân chuyên”.  Đó là chưa kể rải rác suốt 29 chương, đầy rẫy những chữ vi tính sai và lỗi chính tả....Chính vì thế mà niềm vui của tác giả khi thấy đứa con tinh thần của mình được vinh hạnh vào trang web của Vietnamthuquan, chưa kịp hé lộ, đã như bị dội gáo nước lạnh, như thấy mình bị tổn thương…Chẳng lẽ Vietnamthuquan và những người in giả tiểu thuyết Thời của Thánh Thần đang bán tràn lan khắp Hà Nội và các tỉnh thành, cũng chỉ là một?  Trên mạng Vietnamthuquan, và các trang mạng khác số người truy cập một năm qua tới nửa triệu lượt. Đó là chưa  kể số bạn đọc lấy sách trên mạng về rồi  in ra, truyền tay nhau đọc cũng  không nhỏ. Như vậy, tính cả số lượng người đọc sách Thời của thành thần trên VNthuquan  nữa thì số sách TCTT lưu hành trong xã hội vượt số lượng sách Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tới  cả trăm lần ! Những kẻ in sách giả vi phạm luật bản quyền, không nộp thuế cho Nhà nước, không trả nhuận bút cho tác giả, quản lý phí cho Nhà xuất bản. Bây giờ mình phải mua sách của mình  bị  in lậu để tặng bạn bè.  Thế mới đau !

            -  Thế theo nhà văn, có cách gì để  ngăn chặn bọn in lậu ?

            -  Theo tôi, nếu sách không phạm vào các điều cấm, độc giả có nhu cầu cao, thì cơ quan quản lý nên cho Nhà xuất bản tái bản bán thoải mái . Đó là cách chống sách  in lậu hiệu quả nhất…Tôi cũng đã có văn bản gửi Trung tâm Bản quyền tác giả văn học VN để nhờ bảo vệ. Và tất nhiên, nhiều lần đề nghị NXB Hội nhà văn cho tái bản. Nhưng ông giám đốc cười ruồi, như muốn thở hắt ra : Bác ngây thơ thế. Bác ngây thơ thế ?

            - Xin cám ơn nhà văn vì cuộc trò chuyện thú vị…

  Huế, tháng 7.2009