Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Í A LÀNG TA LÊN PHỐ

Phạm Gia Văn
Thứ ba ngày 28 tháng 7 năm 2009 6:03 AM
  
Trên cánh đồng làng tôi có một cây hoa sữa cổ thụ. Từ khi tôi biết nó tới nay có lẽ cũng chừng nửa thế kỷ. Nhưng thấy, nó không hề thay đổi. Từ hình dáng, kích cỡ cho tới một kỳ bí là nó chưa bao giờ trổ hoa.
Bố mẹ tôi nói: Chúng tao lẫm chẫm ngày đầu tiên ra đồng đã nom thấy nó. Ông bà nội ngoại chúng bay cũng trông thấy cây sữa hiện hữu từ đời tám hoánh nào rồi....
Nhiều người sống lâu ở làng nói, có thể cây sữa cổ thụ đã tồn tại trên cánh đồng làng tới cả ngàn năm tuổi. Nhưng sự thật ra sao cũng chả ai biết. Vì nào có ai ghi chép tẹo gì về nó đâu ...

 Ảnh: 1- Anh Quang Thiều đang bừa ngả làm mạ vụ luá chiêm xuân đồng Cánh Gà (đằng xa có bóng cây sữa)
2- Cây sữa ngàn năm tuổi trên khu đồng Cầu Mưỡu làng Lai

Làng quê tôi thuộc đất tiền tiêu của xứ Đoài. Là cửa ngõ cận Thủ Đô. Chỉ cách mốc số 0 ở bờ Hồ Gươm đúng 15 cái cột cây số. Hồi đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, quê tôi đã được cắt về Hà Nội. Nhưng không biết vì lý do gì mà, thủ đô lại chê, trả trở lại Hà Tây. Cho tới mùng 1 tháng tám năm ngoái người dân quê tôi mới lại được tái trở thành người xứ kinh kỳ.
Từ lúc rậm rịch về Thủ Đô, đã thấy người ta mang dây thước đo đạc và lập qui hoạch (treo) nhiều khu ruộng màu mỡ. Nơi đó, cha ông chúng tôi đã đổ biết bao mồ hôi nước mắt mới tạo lập được. Nhưng nay chỉ còn thấy ruộng đất bỏ hoang cỏ mọc. Hỏi ra thì mới biết, người ta không còn bơm nước cho dân gieo trồng Vụ Đông nữa. Những mương máng tưới tiêu xưa, nay cũng biến dần. Chỉ tinh cỏ cháy khô khát một màu ảm đạm.
Cách đây ngót bốn năm, vào trước tết Bính Tuất, gia đình chúng tôi có chương trình tôn tạo lại hai ngôi mộ cho bố mẹ tôi ở thửa ruộng 5% ở khu đồng Cối Mèn. Sắp khởi công thì anh cháu làm trưởng thôn, bắn tin đất đã qui hoạch, các cậu mợ đùng xây, uổng công.... Phát hoảng, tôi muốn mời anh cháu tới để hỏi cho rõ ngọn ngành nhưng không có kết quả. Vì có lẽ chính anh ta cũng biết đó là kiểu qui hoạch treo khá phổ biến ở xứ mình. Nên dù can gián thế chứ để giải quyết một cách rốt ráo dù chỉ là giúp chúng tôi một chỗ yên ổn để xây mộ cho các cụ có lẽ chính các cán bộ ở địa phương như anh cũng rất lơ mơ, không dám quyết. Vì thế, trên khắp cánh đồng làng cả năm sáu ngàn ngôi mộ từ xa xưa vẫn cứ tự phát ai muốn tu tạo như thế nào là tùy ý. Có nhiều người ở Hà Nội còn về mua đứt cả một khoảnh nhỏ để đặt sinh đường cho cha ông họ. Để cuối tuần con cháu từ trung tâm thủ đô về hương khói cho gần.
Sau chừng mươi hôm thi công rốt ráo, hai ngôi mộ ốp đá xẻ của song thân chúng tôi đã được hoàn tất. Rất đông bà con trong họ ngoài làng tới hương khói và liên hoan ăn mừng các cụ tôi có nhà mới. Đó chính là một thắng lợi về tâm linh. Nó như sự khẳng định, đây chính là mảnh đất thiêng cuả tổ tiên. Dù nay cánh đồng làng ấy đã bị thu hẹp. Đã tàn tạ lắm rồi...
 
Mộ hai cụ Phạm văn Uyển và Nguyễn thị Duyên ở ruộng phần trăm đồng Cối Mèn
Xong việc lớn tôi mới tự thưởng cho mình cả một buổi để quay phim và chụp hình về cây sữa không hoa. Tuy bề cao chỉ chừng hơn hai mét. Tán lá cũng chừng ba mét. Nó vẫn xanh tốt, hiên ngang gần khu đồng Cầu Mưỡu thân thương. Bên cái đầu Sâu (đầu gàu tát nước có hình giống cái đầu con sâu). Nơi đây thằng Ngọ Đen bạn học thuở hàn vi của tôi đã từng bao phen vớ bẫm tát được những mớ cá ròn (cá bị rồn vào chỗ trũng ở đầ Sâu) mang về cho mẹ ra chợ Hàng bán mua gạo cứu đói những phen giáp hạt tháng 8, ngày 3....
Thật bất ngờ là cả cánh đồng khô khát thế mà đầu Sâu vẫn còn nước. Lại còn cả bèo cái nữa. Tôi như bị thôi miên, ngơ ngẩn mãi bên cây sữa tới nhọ mặt người từ lúc nào cũng chẳng hay.
Về làng thấy mọi người nói, cây sữa này linh lắm. Nó đã được một người từ xa tới tìm mua với giá cả trăm triệu. Người mua là một tay chơi Bonsai nổi tiếng. Tiền cọc đã đặt trước cả chục triệu rồi mà đành bỏ cuộc. Vì tất cả những người được thuê tới đánh bầu cây sữa để mang đi đều run lên như bị cảm lạnh dù là thời điểm ở giữa mùa hè. Mồ hôi toát như tắm mỗi khi cầm cuốc thuổng chuẩn bị hành sự.
Tôi cũng chẳng mê tín dị đoan. Nhưng không hiểu có một năng lực nào đó khiến chính tôi cũng không giải thích được. Bên cây sữa cả buổi mà tôi không hề thấy đói hay khát hay chán, quên cả khái niệm về thời gian. Công bằng mà xét, để ngắm bằng mắt thật thì rất cuốn hút. Nhưng để cắt cúp tạo hình nghệ thuật một cái cây khẳng khiu trơ trụi giữa đồng vào cuối mùa Đông như thế, nào có dễ dàng gì?
Sau hơn ba năm trôi qua, mỗi khi nhớ về quê hương, cây sữa cổ thụ ấy lại như xoè tán, xoè chùm lá xanh mướt, bóng mỡ mà vẫy gọi mà an ủi tôi. Thì ra, cái nhớ làng quê trong tôi lại chỉ giản dị như thế!
Giới thiệu một cái cây cổ thụ vô danh như thế, tôi dám chắc chả ai lại lẩm cẩm như tôi! Vì một thực tế ai cũng thấy, cây sữa không hoa trơ trọi ấy trước cơn lốc đô thị hoá là rất khó tránh gặp nguy hiểm. Vì nó đâu có chỗ đứng trước lòng tham không đáy của những người hám tiền mà lại có nhiều quyền hành. Người ta chả đã  từng vô cảm muốn bán tống táng nó một dạo là gì. Nhưng, ít ra cho tới lúc này, nó vẫn lay lắt bám trụ trên cánh đồng làng tôi một cách kiên cường! Ngày mai ra số phận nó ra sao? ai mà biết trước?
Vì nếu biết trước được sự đời thì mười đời đâu đến nỗi...
------------------------
* Viết nhân dịp kỷ niệm đầy năm xứ Đoài sát nhập về Hà Nội.
 
(Bài gửi từ LB Đức về)