Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NÚM NHAU ĐỂ LẠI TÂN THẾ GIỚI, KHÚC RUỘT NẰM LẠI TRƯỜNG SƠN

Dương Đức Quảng
Chủ nhật ngày 26 tháng 7 năm 2009 5:32 AM
                                                               
Hôm ấy, tôi nhận được điện thoại của một người chưa quen biết. Anh tự giới thiệu là Phạm Văn Minh, làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cảm ơn tôi vì trong một bài báo của tôi đăng trên tờ An Ninh Thế giới cuối tháng, tôi  có nhắc tới Vũ Bình, một người bạn đồng nghiệp ở Phân xã Đặc biệt VNTTX Nam khu 4, sau này hy sinh tại chiến trường miền Nam. Anh cho biết Vũ Bình là em ruột anh, còn anh cũng là một người lính từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam, rất muốn có dịp được trò chuyện với tôi về những kỷ niệm đối với người em trai đã hy sinh.
 Còn tôi, nhắc tới Vũ Bình, tôi không làm sao quên được  người bạn đồng nghiệp, người em đẹp trai và rất đáng yêu ấy…

Núm nhau để lại Tân Thế Giới

Tôi biết Phạm Vũ Bình từ năm 1968, khi tôi là phóng viên Phân xã Đặc biệt VNTTX Nam Khu 4 trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, còn Bình là công nhân kỹ thuật ảnh của Phân xã. Năm ấy Bình mới 18 tuổi, cao trên 1,70m, trắng trẻo, đẹp trai. Bình ít tuổi nhất trong Phân xã, hiền lành, vui tính và chăm chỉ nên ai cũng thương, cũng quý. Tôi biết Bình là Việt kiều, theo gia đình từ Tân Thế Giới, (New Caledonia), một quốc đảo ở Thái Bình Dương, cách nước Úc khoảng 1.200 cây số về hướng Đông, về nước từ mấy năm trước, nhưng không thật biết kỹ về gia đình anh. Mãi đến sau này, tôi mới biết gia đình Bình đã sống ở Tân Thế Giới hàng chục năm và có nhiều đóng góp cho công cuộc kháng chiến của dân tộc.
Cha Bình là ông Phạm Văn Công, sinh năm 1916 tại thôn Cổ Khúc, xã Phong Châu, huyện Tiên Hưng (nay là huyện Đông Hưng), tỉnh Thái Bình. Nhà nghèo, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ông phải đi làm thuê từ năm 14 tuổi. Đến năm 1939, ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Quyển rời quê hương đi làm phu mỏ  cho một người chủ Pháp sang Tân Thế Giới, một thuộc địa cũ của Pháp, làm công nhân khai thác kền (nickel).
Những năm ở Tân Thế Giới, gia đình ông cùng bà con Việt kiều một lòng hướng về Tổ quốc. Ông là một trong những người lãnh đạo phong trào Việt kiều ở đây, thành lập Hội Việt Nam Công nhân Tân Thế Giới, đấu tranh đòi hồi hương và tuyên truyền, lập Quỹ quyên góp, gửi tiền về ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào trong nước.
Đầu năm 1960 ông và 8 người khác lãnh đạo phong trào đấu tranh bị cảnh sát Tân Thế Giới bắt, bị kết án 6 tháng tù giam. Lúc ông ra tù, cũng là lúc cuộc đấu tranh của Việt  kiều thắng lợi, buộc Pháp phải chấp nhận không điều kiện việc ký Hiệp định hồi hương bà con về miền Bắc Việt Nam.
Cuối năm 1960, Vũ Bình, lúc đó mới 10 tuổi, theo cha mẹ và các anh trai xuống tàu về nước. Sau nửa tháng lênh đênh trên biển, ngày 5 Tết 1961, tàu cập cảng Hải Phòng.
Thế là, cũng như các anh trai và em trai, Vũ Bình sinh ra tại Tân Thế Giới, để lại núm nhau cắt rốn của mình ở hòn đảo xa xôi ấy để trở về quê hương, học tập và lớn lên trong gian khổ, khó khăn của thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, đi chiến trường và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Chiếc rút quai dép, tấm vải dù pháo sáng và hai chiếc mâm đồng

Hồi hương, gia đình Bình về sống tại phố Đại La, Bình theo học Trường Phổ thông cấp 2 Vĩnh Tuy, Hà Nội. Ông Phạm Văn Công vẫn tích cực tham gia công tác vận động Việt kiều, là Uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tết năm 1963, gia đình ông vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm và chúc Tết. Cuối năm 1966 ông Công mất vì một tai nạn giao thông.
Tôi cùng công tác với Phạm Vũ Bình ở Phân xã Đặc biệt VNTTX Nam khu 4 chỉ trong một thời gian ngắn. Thời gian ấy, ngoài công việc chính là công nhân kỹ thuật ảnh, Bình còn học làm phóng viên, thỉnh thoảng lại cùng mấy anh em phóng viên chúng tôi đến các đơn vị bộ đội và xuống các trận địa tập chụp ảnh. Bình là người chăm chỉ và khéo tay, mỗi khi anh em chúng tôi kiếm được mảnh nhôm từ xác máy bay Mỹ rơi là Bình lại hì hụi làm lược để tặng o (cô) cấp dưỡng của Phân xã và mấy o trong xóm.
Đẹp trai, ăn nói có duyên nên Bình được nhiều cô gái để ý. Mỗi khi bị anh chị em trêu chọc, gán ghép Bình chỉ cười, nửa đùa nửa thật: “Em có người yêu sắp cưới rồi!”. Tôi chỉ biết loáng thoáng trước khi vào Phân xã, Bình yêu Vân, cô gái cùng cơ quan Thông tấn xã, em ruột một người bạn.
Công tác ở Phân xã được một thời gian ngắn, Bình chia tay anh em chúng tôi để ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, vào chiến trường miền Nam. Hôm Bình rời Phân xã, ngoài chiếc ba-lô con cóc đựng quần áo, chiếc nón Quảng Bình và mấy tấm vải dù pháo sáng “chiến lợi phẩm của Mỹ”, tôi thấy Bình khệ nệ mang theo một chiếc vỏ đạn pháo 130 ly không biết kiếm được từ bao giờ, nói là đem về để mẹ cắm hoa đào như khi bố còn sống vẫn cắm trong ngày Tết. Trước khi chia tay, Bình tặng tôi chiếc rút quai dép cao su tự tay Bình làm từ đoạn đai sắt nẹp thùng đạn.
Hơn một năm sau, khi rời Quảng Bình vào công tác tại Thông tấn xã giải phóng miền Trung Trung bộ, chiếc rút quai dép cao su Bình tặng đã giúp tôi rút lại quai dép bị tụt không biết bao nhiêu lần trên đường vượt Trường Sơn. Sau này, có dịp gặp cô Vân, tôi mới biết, chiếc nón Quảng Bình và tấm vải dù pháo sáng Bình mang ra là để tặng Vân trước khi chia tay vào chiến trường miền Nam. Đêm ấy, Bình đèo Vân bằng xe đạp đi quanh hồ Hoàn Kiếm, chỉ mấy chiếc ô tô đi bên cạnh đang bóp còi, nói với Vân:
- Nếu anh còn sống trở về thế nào anh cũng sáng tác một bài hát có tiếng còi ô tô và sẽ hát cho em nghe!
Vân thắc mắc hỏi sao lại là bài hát có tiếng còi ô tô, Bình cười, hóm hỉnh:
- Em thấy không, tiếng còi ô tô chứ không phải là còi báo động đêm nay mới bình yên làm sao!
Hôm tiễn Bình cùng đồng đội vào chiến trường, trước giờ lên ô tô Vân thấy Bình cố tình làm ra vẻ hồn nhiên, cứ cầm chiếc bánh mỳ vừa nhai vừa cười đùa như không có chuyện gì xảy ra. Lúc xe chuyển bánh, nhìn cánh tay Bình cứ vẫy vẫy mãi, hai hàng nước mắt Vân tràn trên má. Vân loạng choạng,  không còn đủ sức để dựng nổi chiếc xe đạp, phải nhờ bạn đèo về.
Còn chiếc vỏ đạn pháo 130 ly, mẹ Bình giữ để cắm hoa đào ngày Tết như sở thích của bố Bình khi ông còn sống và cũng là theo ý nguyện của người con trai thân yêu đang ở chiến trường. Sau ngày Bình hy sinh, bà cho đúc chiếc vỏ đạn pháo 130 ly ấy thành hai chiếc mâm đồng. Mỗi lần giỗ anh, bà sắp hai mâm cơm cúng tự tay mình đặt trên bàn thờ..

Khúc ruột nằm lại Trường Sơn

 Đến bây giờ, sau 37 năm kể từ ngày Bình hy sinh và sau ngày bố mẹ mất, mấy người anh trai của Bình vẫn còn giữ lại toàn bộ thư từ và những kỷ vật mà Bình để lại. Bình là con thứ 5 trong gia đình có 6 người con toàn là trai, Bình và An là út, anh em sinh đôi. Ba trong số sáu anh em trai của Bình đã có mặt tại chiến trường miền Nam trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất và cả ba đều đổ máu tại chiến trường, hai người anh bị thương, còn Bình thì hy sinh.
Ngồi nghe anh Phạm Văn Đức và anh Phạm Văn Minh, hai người anh trai của Bình kể lại những kỷ niệm về đứa em thân yêu, nhất là khi được đọc từng lá thư của Bình từ chiến trường Thừa Thiên gửi về cho gia đình mà anh Đức đưa cho, tôi không sao nén nổi xúc động. Sau mấy chục năm, nay tôi mới thấy lại nét chữ của Bình. Anh Đức đánh số thứ tự từng lá thư của Bình từ chiến trường gửi ra, viết trên đủ loại giấy, khổ giấy. Có thư Bình viết trên tờ giấy mỏng như giấy cuốn thuốc lá, có thư viết trên giấy học sinh, khổ nhỏ chỉ bằng bàn tay. Có thư viết trên giấy màu xanh, có thư viết trên giấy màu hồng, nghĩa là có được giấy gì ở chiến trường Bình đều dùng để viết thư gửi ra cho mẹ và các anh. Có thư mực đã phai màu không thể đọc nổi…
Lá thư đầu tiên viết ngày 23-5-1969 từ Thừa Thiên gửi ra, Bình kể với mẹ và các anh chuyện vượt Trường Sơn vào Nam: “Lúc nào cũng gặp dốc, sáng ngủ dậy đã gặp dốc rồi, nên dốc trở thành “bạn chí thân” của những chiến sỹ vượt Trường Sơn”. Lá thư sau, viết ngày 10-6-1969, Bình kể với mẹ: “Con cũng đã sơ sơ vài trận sốt rét rồi. Sốt rét trở thành nghĩa vụ rồi. Không sốt rét không trở thành anh giải phóng quân được”.
 Cũng như mọi người lính trước giờ ra trận, Bình chuẩn bị cho mình tư thế sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, không một chút lo lắng, sợ hãi:“Từ hôm ra đi con đã xác định rõ cho mình là rất gian khổ và ác liệt, phải đấu tranh tư tưởng rất cao nếu không sẽ bị gục ngã ngay, nên con rất quyết tâm và kiên trì. Con tin tưởng rằng con sẽ làm được và vượt được tất cả những khó khăn, gian khổ con gặp…Nếu cần con sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc. Còn nếu chẳng may sa vào tay giặc con kiên quyết giữ vững khí tiết và quyết không khai một lời. Mẹ và các anh cứ tin tưởng như vậy”.
Lá thư cuối cùng gửi về nhà, đề ngày 10-10-1970, cũng là lá thư Bình viết dài nhất, kín 4 trang giấy khổ lớn. Bình kể rất nhiều chuyện ở chiến trường và dành tình cảm thắm thiết nhất cho từng người trong gia đình. Không biết có phải linh tính mách bảo hay không mà trong lá thư cuối cùng ấy, lần đầu tiên Bình dành một đoạn để nói về mối tình của mình đối với Vân. Bình viết cho các anh: “Em và Vân yêu nhau tháng 4-1968… Bọn em đều giúp đỡ nhau cùng tiến. Em không ích kỷ, nhỏ nhen trong tình cảm vì cuộc chiến đấu của em còn lâu dài và có thể làm thay đổi cuộc sống. Còn Vân vẫn viết thư cho em và nói sẽ mãi yêu em. Song em vẫn chưa rõ rồi mối tình này sẽ đi đến đâu. Tất cả sẽ dành đến ngày thống nhất…”. Trong thư, Bình âu yếm hỏi thăm cháu Hải Yến, con anh Đức, đứa cháu gái mà trước khi vào chiến trường chính Bình đã đặt tên cho cháu khi cháu mới chào đời.
Một tháng sau ngày viết lá thư ấy, ngày 19-11-1970 Bình hy sinh lúc tròn 20 tuổi. Trong cuốn sách “Chân dung các nhà báo liệt sĩ”, do Hội Nhà báo Việt Nam xuất bản năm 1999, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Thanh, người anh kết nghĩa của Bình thời cùng ở Thông tấn xã Giải phóng Thừa Thiên- Huế kể lại: “Tháng 11-1970, tôi từ mặt trận trở về, nghe tin Bình hy sinh. Tôi bàng hoàng, không tin ở điều mình nghe thấy…Trong trận chiến đấu chống biệt kích đổ xuống cơ quan tháng 7-1969, Bình chiến đấu dũng cảm bảo vệ cơ quan, bất kể sự giằng co, ác liệt. Vậy mà, trong chuyến đi vượt Trường Sơn để kiếm lương thực về cho mọi người, trái bom vô tình đã cướp đi đứa em kết nghĩa vô cùng thương yêu của tôi. Em hy sinh thật thương tâm. Đồng đội chỉ tìm được chiếc dép cao su và ít mảnh vải cùng một ít thân thể em còn sót lại…”.
Sau này, phần thi thể còn sót lại của Phạm Vũ Bình được đồng đội đưa về nghĩa trang Trường Sơn. Ngày 30-11-1998, theo nguyện vọng của mẹ trước khi bà cụ mất, các anh chị của Bình đã đón Bình từ nghĩa trang Trường Sơn về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ Ngọc Hồi, Hà Nội. Khác với thủ tục thường làm khi bốc bộ, các anh chị của Bình để nguyên chiếc tiểu không mở, đưa về nghĩa trang Ngọc Hồi. Ai cũng biết rằng hài cốt của Bình không còn nguyên vẹn, khúc ruột và một phần thân thể của Bình đã vĩnh viễn nằm lại Trường Sơn!
Có lần từ Hải Phòng về Hà Nội, Phạm Văn An, người em song sinh với Bình, giật mình khi nghe thấy tiếng gọi của một người không quen biết: “Bình ơi!”. Anh ứa nước mắt nhớ đến người anh trai đã hy sinh mà hình hài như vẫn còn đang hiển hiện trong anh, khiến bạn bè của Bình tưởng Bình vẫn còn sống và đã trở về./.\

Nguồn: Tạp chí Người làm báo, số 12(303) 2009.