Chùm thơ Trần Xuân An
rần Xuân An
Thứ ba ngày 11 tháng 2 năm 2014 9:46 PM
BUỔI CHIỀU BEN HUR
Trần Xuân An
tỉnh lị xinh xinh bên bờ sông lớn
nơi nhà cũ nhìn ra bát ngát sóng phù sa
chiếc cầu trắng quanh năm toả nắng
nối hai bờ nhánh nhỏ như chồi tơ
lao xao lá thuyền
chiếc cầu ấy
thường nâng bước chân tuổi thơ tôi
và bất ngờ, có một buổi chiều
đứa bé lớp tư được gặp Ben Hur
từ cổ đại vào phim như sống lại (*)
nhưng rạp chiếu bóng không làm ai mất bóng
khi bước ra dưới ánh nắng phố phường
mặc dù không ít tiếng sập ghế bất bình
trước cái kết thúc phim
không như mong đợi
cái kết thúc tầm thường
hạnh phúc gia đình
là trái tim chín bầm cay đắng
khi cả dân tộc của Ben Hur
bao thân rau oằn lưng dưới gót giày La Mã
nếu đức tin làm nên phép lạ, nhiệm mầu
có phép lạ nào
chữa thực dân khỏi bệnh xâm lăng?
cứu trái đất thoát khỏi lòng tham bá chủ?
quê ở ấu thơ, quê ở ấu thơ
nơi nhà cũ nhìn ra bát ngát sóng phù sa
cho dù bát ngát máu hồng
vẫn bất khuất
chiếc cầu trắng cho dù thành dải khăn tang
vẫn bất khuất
nhánh sông nhỏ như chồi tơ cho dù gãy đổ
ngàn lá thuyền bay tung
vẫn bất khuất
sau buổi chiều Ben Hur!
Ben Hur đành gục đầu nhẫn nhục, cầu an
nhưng với quê ở ấu thơ, nổi lên chống bão
bất khuất bùng lên từ tiếng sập ghế bất bình
quê ở xa xưa, quê ở xa xưa
tuổi thơ tôi cảm nhận mơ hồ, không rõ
chí chống chỏi với bão táp đạn gươm vô hình kia
từ thực tại hay từ bài thuộc lòng quốc sử?
nỗi bất bình hồn nhiên vô tư.
T.X.A.
Tết Giáp Ngọ, 01 – 04-02 HB14 (2014)
(*) Phim được sản xuất năm 1959; trình chiếu tại Việt Nam sau đó mấy năm.
THẬP TỰ GIÁ SPARTACUS
VÀ SÔNG HƯƠNG
Trần Xuân An
sông mềm thơm quai lụa nón bài thơ
biểu tượng Huế lung linh:
gương mặt cô bé láng giềng thuở nhỏ
sông lấp loáng cuộn phim
giăng ngang núi rừng – biển khơi
kỉ niệm Huế không mờ:
in bóng người anh hùng nô lệ
rời trang thơ mộng tưởng học trò
sửng sốt ngẩng đầu trông bức tranh vòi vọi
cắt theo dáng hình người nô lệ vung gươm
Spartacus lồng lộng, ngỡ chạm mây trời
cao vời, cao vượt đỉnh nhà hát lớn nguy nga
cao vời, cao vượt ngọn ngô đồng lực lưỡng
được vẽ bởi chàng hoạ sĩ phất dọc vẩy ngang
những nét chổi màu, tài hoa, phóng túng (1)
thập niên sáu mươi thế kỉ vừa rời xa
hình tượng Spartacus công cụ khai thác mỏ
và đấu sĩ nô lệ
vẫn Spartacus tủi nhục và anh hùng
vẫn Spartacus trong sạch và cao thượng (2)
đế chế La Mã xâm lăng rạn nứt lung lay
trước mấy năm quật khởi rền vang động đất
hàng chục vạn nô lệ máu trào núi lửa
xem phim xong ra đứng cạnh bờ sông
lặng mình
ngắm hình tượng Spartacus
trước hành lang nhà hát
bóng anh hùng nô lệ cổ xưa
in vào lòng tuổi nhỏ
in vào dòng Hương – cuộn phim
giăng ngang thành phố Huế
dăm hôm sau
trên trang vở cô bạn học láng giềng
rực rỡ Spartacus lồng lộng cao vời
trước nhà hát lớn
được vẽ lại bằng đôi tay ngòi bút mảnh mai
nhưng cây ngô đồng, bất ngờ, thành thập tự giá
như trong phim, Spartacus bị đóng đinh
bởi đế quốc La Mã
Spartacus! Spartacus!
ông đích thực là đấng cứu rỗi
nở sinh từ khát vọng muôn triệu nô lệ khốn cùng
đã biết cùng ông, theo gương ông, tự cứu
nhà hát lớn Hưng Đạo suốt cả hai tuần
trở thành giáo đường nghệ thuật
giáo đường hình tượng Spartacus
chiếc nón bài thơ cô bạn học láng giềng
quai lụa sông Hương mềm thơm
giữa mười sáu vành chằm lá trắng ngà
có cây thập tự và chữ Spartacus
khi soi lên dưới ánh nắng trời
còn tôi
tôi muốn cầm dòng sông Hương lên trên tay
soi lên dưới ánh nắng trời
chiêm ngưỡng hình tượng Spartacus
và thập giá của chính ông
(chứ không phải Jésus!)
in bóng vào dải lụa màu lam ngọc đó
in bóng vào dải phim giăng ngang Huế đó
cho dù bao nhiêu năm xa xôi
tôi còn nhớ quãng đường, một chiều tuổi nhỏ
từ Hưng Đạo không quay vô Thượng Tứ
tôi bước về Đông Ba
để được đi trên đường Mai Thúc Loan
(anh hùng nô lệ nước mình thời cổ đại)
để khóc trên đường Âm Hồn
(Huế quật khởi, bi hùng máu chảy
ngày quảy chung 23 tháng năm)
trời nơi đây xưa buồn tím tái
thuở hẹn một ngày bừng sáng nước non
sáng bừng Đất và Nước
con đường bốn ngàn năm.
T.X.A.
Tết Giáp Ngọ, 06-02 HB14 (2014)
(1) Hoạ sĩ chuyên vẽ tranh quảng cáo ở các rạp chiếu bóng tại Huế thuở đó, kí tên là Lê Vinh. Nghe nói hoạ sĩ này bị cụt một tay (?).
(2) Phim “Spartacus, anh hùng nô lệ” được sản xuất vào đầu những năm 60/XX, trình chiếu tại Huế vào khoảng cuối thập niên ấy; không phải là những phim cùng đề tài được sản xuất gần đây, đầy rẫy những yếu tố không lành mạnh.