Vũ Ngọc Tiến
Đã tắt rồi một giọng ca vàng đi cùng năm tháng. Đã ngừng đập một trái tim nghệ sĩ lớn của nhân dân, gắn bó cùng thế hệ chúng tôi qua hai cuộc chiến tranh kéo dài với người Pháp, người Mỹ và cuộc chiến biên giới đẫm máu với lũ giặc bành trướng phương Bắc. Nhiều người viết về anh, tụng ca hình tượng chú bé Ga-vơ-rốt 13 tuổi của Việt Nam trên chiến lũy phố Khâm Thiên mùa đông năm 1946, nghệ sĩ Ô-pê-ra hàng đầu giữa nhà hát ở thủ đô hay người lính ca sĩ- con sơn ca trên các ngả đường chiến dịch… Tôi muốn viết về anh với tư cách một con người nguyên nghĩa, gồm đủ hỷ- nô- ái- ố như bao người thân quen khác trong cõi người vốn là là cõi tạm, để lại trong tôi ấn tượng không thể phai mờ.
Nghệ sĩ Quang Hưng sinh năm Giáp Tuất (1934), hơn tuổi tôi (1946) vừa tròn một giáp nên hồi chiến tranh tôi chỉ được biết anh qua sóng đài phát thanh hoặc trên sân khấu nhà hát của thủ đô. Hơn 20 năm trước, tình cờ anh đọc bài “Cuộc hành trình đi Chiêu Nam đảo” đăng nhiều kỳ trên báo, do tôi viết nhằm chiêu tuyết cho cụ Trần Trọng Kim rằng người Nhật biết cụ và Dương Bá Trạc là những bậc đại trí thức, uy tín lớn nên đã bí mật bắt cóc đem sang Singapore, hồi đó gọi là Chiêu Nam đảo để làm con bài dự phòng sau thế chiến thứ hai. Anh đã tìm đến nhà tôi, hai anh em say sưa đàm luận suốt một buổi chiều rất tâm đồng ý hợp: Cụ Dương bị bệnh chết ở đảo đã đành một nhẽ, còn cụ Trần có chút ngây thơ, muốn nhân cơ hội đó chấp nhận mượn tay người Nhật giành độc lập từ tay người Pháp, chờ thời cuộc sau thế chiến thứ hai biến động ra sao sẽ tính tiếp chứ cụ không hề làm tay sai hay bán nước cho phát xít Nhật. “Lâu nay người ta tùy tiện bóp méo sự kiện, phán xét thiếu công bằng với nhiều nhân vật của lịch sử. Phải trả sự thật về với lịch sử, bất chấp mọi thế lực cầm quyền và dã tâm chính trị. Đó là sứ mệnh của những người cầm bút như em…” Anh nói với tôi những lời gan ruột trước lúc chia tay và từ buổi chiều ấy, chúng tôi thành đôi bạn vong niên. Gần anh, tôi ngộ ra nhiều điều, cảm thấy mình mình thật diễm phúc được làm em một nghệ sĩ tài danh, một nhân cách lớn. Cả đời anh sống chân tình, không ham danh vọng hay quyền chức, lời nói thẳng tưng, ứng xử mọi điều đều bánh chưng ra góc. Có lẽ vì thế nên mặc dù dư thừa tài năng, lừng lững bề dày cống hiến, nhưng qua nhiều đợt phong tặng danh hiệu NSND người ta cứ tảng lờ tên anh hoặc vẽ ra nhiều lý do tế nhị để hứa hẹn đãi bôi, động viên lấy lệ. Những năm 90 của thế kỷ trước đất nước còn nghèo, di họa chiến tranh còn rất nặng nề. Điều mà người lính nghệ sĩ Quang Hưng đến tận lúc nghỉ hưu vẫn đau đáu trăn trở nhất là dùng lời ca thoa nhẹ bớt nỗi đau cả thể xác lẫn tâm hồn cho những đồng đội bất hạnh. Anh thường cùng nghệ sĩ Tường Vy và nhiều người khác đi về các trại thương binh nặng, mang quà và hát cho họ nghe những bài ca một thời lửa máu. Tôi đã từng được nghe anh kể lại lần đi Hà Nam, thăm các thương binh bị điên loạn vì chịu sức ép kinh khủng của bom tấn do máy bay B52 rải thảm xuống mặt đất. Họ xé hết áo quần, luôn miệng gào thét, phóng uế bừa bãi nên người ta buộc lòng phải nhốt chung vào phòng cách biệt, có chấn song sắt như chuồng nhốt thú hoang dại. Anh đứng trước họ vừa hát vừa khóc và lạ thay, những người điên kia cũng ngừng la hét, ngây người lắng nghe rồi òa khóc nức nở khi anh ngừng hát. Chị Hoàng My vợ anh bảo với tôi, mỗi lần như thế, Quang Hưng về nhà như người thất thần, hốc hác và mất ngủ mấy đêm liền.
Nhắc đến chị, tôi lại nhớ một kỷ niệm đẹp mà buồn rượi của đôi vợ chồng nghệ sĩ Quang Hưng- Hoàng My. Anh hơn chị 5 tuổi, đến với nhau thật lãng mạn, nhưng đám cưới của họ vào năm 1959 giữa thủ đô cũng giản dị, quê mùa như bao cặp uyên ương khác, chỉ có nước trà, bánh kẹo, thuốc lá và khẩu hiệu “vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Họ cưới nhau được 1 tháng thì anh có quyết định đi Nga du học tại nhạc viện Trai-cov-sky. Thời ấy có những điều bất lợi trong lý lịch người ta phải tạm quên đi hoặc giấu kín. Chị là cô gái vùng công giáo toàn tòng huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình, nhưng để an toàn cho chuyến du học của anh, hai người không dám làm lễ ở nhà thờ. Hơn 20 năm sau, khi nước nhà đã thống nhất, mẹ và hai chú em của chị Hoàng My chuyển cư vào miệt vườn Kênh 7, gần thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang sinh sống thì anh Quang Hưng mới dám cùng chị dắt nhau đi làm lễ tại nhà thờ, có nghĩa là tới lúc đó hôn sự của họ mới chính thức được công nhận trước Chúa! Cái lần anh ngồi xe lửa từ Nga về nước, chị đang biểu diễn vở kịch múa “Tiếng trống xô viết Nghệ Tĩnh” ở Bắc Kinh, nhưng cũng là lúc “anh cả Liên Xô” với “chị hiền Trung Quốc” đang uýnh nhau ở biên giới nên họ ngăn cản không cho chị ra ga Bắc Kinh gặp thằng nghệ sĩ xét lại là anh!...
Có lẽ cái duyên nợ nhiều nghịch cảnh éo le với mảnh đất Kiên Giang đã xui khiến nghệ sĩ Quang Hưng quen biết, cảm thông với nỗi oan trái của bà Tư Hương rồi xả thân, kiên trì đấu tranh trong vụ cướp đất, giải tỏa quán “Cây Dừa” ở 54 phố Lê Lai- Sài Gòn. Chủ quán là dân quê miệt vườn tỉnh Kiên Giang, lên Sài Gòn lập nghiệp ồn định đã được hơn nửa thế kỷ, nổi tiếng khắp trong và ngoài nước là mẹ, là bà nội của nhiều thế hệ nạn nhân chiến tranh hay những trẻ mồ côi, những mảnh đời bất hạnh. Năm 1991, lần đầu tiên thành phố liên doanh với nước ngoài xây khách sạn New World trên phố Lê Lai, nhưng cái chợ báo có từ thời chính quyền cũ ở gần quán “Cây Dừa” không đủ lớn nên người ta quyết định trưng thu thêm diện tích xung quanh nó. Quán “Cây Dừa” của bà Tư Hương với dãy nhà 2 tầng, mặt phố rộng 26 mét bỗng nhiên nằm trong diện bị giải tỏa lấy mặt bằng xây dựng mà chỉ được đền bù một khoản tiền tương đương 65 cây vàng, bằng 20% giá trị thực của nó nên bà chủ quán kiên quyết không nhận. Nghệ sĩ Quang Hưng đã kêu gọi nhiều nhà báo, văn nghệ sĩ trong thành phố đứng ra đấu tranh, ủng hộ những đòi hỏi quyền lợi chính đáng của bà Tư Hương. Biết bao đơn từ khiếu nại đều rơi vào im lặng. Ngày chính quyền tổ chức cưỡng chế giải tỏa, anh cũng đã kịp thời có mặt đấu tranh ở hiện trường và bị bắt giữ, câu lưu tại đồn công an phường một buổi tối. Sau vụ cưỡng chế, bất chấp công luận và lẽ phải, đạo lý thông thường, những kẻ có trách nhiệm trên thành phố đã trắng trợn cướp không quán “Cây Dừa”, phớt lờ luôn cả khoản tiền 65 cây vàng bồi thường ban đầu, tước đoạt nguồn sống của những trẻ mồ côi đang được bà Tư Hương nuôi dạy trong quán. Suốt nhiều năm liền, Quang Hưng đã sát cánh bên bà Tư Hương, lao tâm khổ tứ theo đuổi vụ kiện. Sự thật bất công, phi lý đến cùng cực và những phận người bé mọn, bất hạnh quanh ngôi nhà 54 phố Lê Lai được dồn nén trong cuốn tự truyện “Bất hạnh không của riêng ai” của bà Tư Hương, do NXB Lao Động ấn hành năm 1994 đã gây tiếng vang lớn trong nước và cộng đồng người Việt ở hải ngoại, có công đóng góp của nghệ sĩ Quang Hưng.
Lại nói về việc làm sách, những năm cuối đời, nghệ sĩ Quang Hưng nỗ lực dồn hết thời gian và tâm huyết vào công trình biên soạn bộ tuyển tập về Thiếu Sơn- nhà văn, nhà phê bình thuộc lứa đầu tiên của nền văn học chữ quốc ngữ nước nhà. Ít ai biết rằng, anh chính là em út, cùng cha khác mẹ với Thiếu Sơn. Cha anh- cụ Lê Phổ Văn là bậc túc nho, tinh thông cả Hán học và Tây học, đã từng cắp tráp theo hầu cụ Phan Bội Châu. Cụ Phổ Văn có 3 bà vợ, Thiếu Sơn là con bà vợ cả, còn anh Quang Hưng là con bà vợ ba. Để hoàn thành bộ tuyển tập về Thiếu Sơn, anh đã công phu sang Pháp và mấy nước châu Âu, truy tìm tài liệu có liên quan. Về nước, anh khoe với tôi đã được bạn bè ở Paris như Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Hồi Thủ… nhiệt tình giúp đỡ, tìm được khá nhiều tư liệu hoặc thông tin quý về con người và tác phẩm của Thiếu Sơn. Anh còn mang về cho tôi cuốn “Người Trung Quốc xấu xí” của Bá Dương, do đích thân vợ chồng Nguyễn Hồi Thủ biên dịch, tự tổ chức xuất bản và ấn hành tại Paris năm 1998. Bộ tuyển tập về Thiếu Sơn ra mắt bạn đọc đã được vài năm, nhận được nhiều lời khen, là một cống hiến không nhỏ cho văn học sử nước nhà.
Với tôi, nghệ sĩ Quang Hưng mãi là người anh lớn, thân thiết như tình ruột thịt. Hai anh em đến với nhau gặp lúc tôi đang đắm chìm trong hoạn nạn: tiền bạc, nhà cửa mất hết, gia đình tan vỡ, bạn bè rơi rụng; còn bản thân thì thất nghiệp, phải ở trọ trong căn phòng nhỏ trên phố Trịnh Hoài Đức- Hà Nội, viết báo kiếm sống theo kiểu ăn đong từng bài nhuận bút. Thi thoảng, chị bạn nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến rủ đi các tỉnh viết sách được món tiền kha khá, tôi đều gom lại, để dành nộp học phí cho đứa con trai ở trường đại học Thăng Long. Nhớ lần đến hạn nộp tiền cho con mà bòn mãi trong túi chỉ còn vài chục ngàn, anh Quang Hưng biết tin, đến dúi vào tay tôi sáu trăm ngàn. Thấy tôi sượng sùng từ chối, anh lừ mắt, mắng át: “Đừng có sĩ! Cầm lấy mà đi nộp cho nhà trường kẻo con nó tủi thân, mau lên!” Cháu VLS sau này nhận được học bổng toàn phần của Cộng đồng châu Âu, đi du học ở Phần Lan. Giờ cháu đã về nước, yên bề gia thất, việc làm ổn định trong hãng hàng không Vietjet Air, tôi làm sao quên được ân tình của anh. Ngày tôi quyết định tục huyền với nhà tôi bây giờ, chỉ có anh và thằng bạn thân cùng tuổi Bính Tuất là PGS.TS, Thiếu tướng ĐT- Viện trưởng Viện KTQS tháp tùng chú rể theo ông anh cả đến nhà gái ra mắt nhạc mẫu tương lai. Xong việc, anh ôm chầm lấy tôi, nói: “Sướng nhé, hôm nay một “chó già” và một “chó nhỡ” hộ tống con “chó hoang” là em đi hỏi vợ thì nhất rồi!... Nói đùa vậy thôi chứ anh mừng vì cô ấy nhà cửa đàng hoàng, gia phong nền nếp. Nghe nói, cô ấy là chị em con dì con già với chị BTK- vợ nhà thơ Trần Dần thì hợp với hoàn cảnh của em lắm. Cái chính là theo nhân tướng học, anh cảm nhận được MT sẽ là người vợ hiền thục và nhân hậu để anh yên tâm rằng em có bến đỗ mới làm chỗ dựa ấm êm, bền chắc trong nửa phần đời còn lại và cả trong nghiệp văn của em nữa.” Mọi việc ngỡ như vừa mới xảy ra hôm qua. Từng mảnh vụn ký ức cứ nhập nhoàng ẩn hiện trong tâm khảm đứa em đang ngơ ngác, thờ thẫn trên đường…
Quang Hưng ơi, em mất anh thật rồi! Qua tết Giáp Ngọ, tôi đến căn nhà ở khu văn công Mai Dịch, đứng bên bàn thờ thắp nhang cho anh, thấy lòng trống vắng, buồn nhớ mông lung. Vẫn biết đời là cõi tạm, vĩnh hằng là thế giới bên kia, sao lòng lại cố níu giữ bóng hình anh ở lại cùng em giữa nhân gian nhiều sân hận, khổ đau, bất trắc này?!…
Hà Nội mùng 10 tết Giáp Ngọ
VNT