Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tiến hóa

Nghiêm Huyền Vũ
Thứ ba ngày 11 tháng 2 năm 2014 9:48 PM

Truyện ngắn

    Chàng cao gầy, mặt buồn và hốc hác, sơ my trắng ngả màu, quần ka ki cứt ngựa và săng đan da nâu đã cũ. Chàng cúi đầu đi, ngẫm nghĩ. Chàng tự nhận có sứ mệnh chiến đấu chống lại thực tại, một thực tại không sao chịu nổi. Chàng tự nhận mình là nhân vật trữ tình trong hai câu thơ của một thi sỹ nổi tiếng đương thời: Chiếc xe đạp không phanh, không chuông/ Đông-ki-sốt-Mặt-Buồn-Hà-Nội. Hằng ngày chàng cưỡi con ngựa gầy xơ xác đến nhiệm sở. Áo giáp, mâu và thuẫn của chàng là những kiến thức cóp được dưới mái trường sơ tán (trong đó có một trường đại học, đào tạo mỗi khóa hai năm), trong những cuốn sách nhặt được ở các đô thị bị bỏ rơi sau khi các ông chủ cũ hoặc đi trại cải huấn, hoặc vượt biên trên những chiếc thuyền gỗ... Con ngựa gầy được buộc dưới tán lá của những cây long não cổ thụ còn chủ nhân đáng kính của nó đi tìm lý luận và phương pháp cho cuộc tái cách mạng ở một quán chè chén, một quán cà phê vỉa hè nào đấy. Chàng thì thào vào tai bạn chiến đấu những tin đồn thất thiệt, những tệ nạn trong sinh hoạt đô thị nhếch nhác, trong đời sống tiểu thị dân tù túng, những hành vi thiếu đạo đức của các quan chức... Bạn bè rất tâm đắc, thường đi đến kết luận thống nhất như một nghị quyết: phải thay đổi, phải (nói nhỏ nhé!) làm lại cuộc cách mạng!     

    Chàng là thế hệ thứ hai, thế hệ thứ nhất nay đã về hưu. Một người nông dân, có đầy đủ phẩm chất của một quần chúng cách mạng. Nghèo đói do bị bóc lột, tối tăm do không đươc học hành, có đủ lòng căm thù và lòng quả cảm, đặc biệt giàu đức hy sinh để thay đổi cuộc đời. Sau những năm tháng chiến đấu và cống hiến, từ một người được giác ngộ, được lãnh đạo ông đã trưởng thành, đã trở thành người đi giác ngộ và lãnh đạo, ông đã trở thành một cán bộ cách mạng. Sau khi về hưu, là lão thành cách mạng nhưng trong lòng vẫn nguyên vẹn ý chí tiến công, ông luôn tâm niệm phải tiếp tục cuộc cách mạng đang dang dở, không ai có thể  bắt ông dừng lai, ngoại trừ cái chết!

    Đấy, mới nói sơ qua thế đã thấy có sự khác biệt giữa chàng và đấng sinh thành. Không biết do mâu thuẫn thế hệ hay sai lệch hành vi, do chênh lệch tuổi tác hay khác biệt về trình độ nhận thức... chỉ biết rằng ông ấy và chàng không thể sống bình yên dưới cùng một mái nhà.

    Khổ một nỗi, dù không thể sống bình yên nhưng vẫn phải sống vì thời ấy là thời gạo châu củi quế, thời mà một mái che ở trên đầu chỉ là niềm mơ ước không bao giờ thành hiện thực của những gã độc thân. Còn ông cụ về hưu thì sao? Ông được cấp nhà! Một căn nhà hẳn hoi, sự đãi ngộ tương xứng với những tháng năm phục vụ mẫn cán và vô điều kiện của ông. Cho nên, chàng mới có chỗ mà chui ra chui vào, mà lại là chỗ sạch sẽ tươm tất, không dễ khước từ.

    Ông cụ vẫn giữ nguyên nếp sinh hoạt đã được rèn luyện bao năm, trước là ở chiến khu, sau là ở cơ quan, nơi mà nhiều năm ông từng “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân”. Sáng sớm, đúng 5 giờ 00, ông đã dậy. Ông thường tập thái cực quyền ngoài ban công, rất nhẹ nhàng, cố không để làm ai phải thức giấc. Còn tối, 9 giờ 30, cụ đã tắt đèn đi ngủ. Như thế là ngược với đồng hồ sinh học của chàng, một văn nhân, sống và làm việc tự do phóng khoáng, không theo giờ giấc nhất định. Hằng ngày chàng gặp gỡ bạn bè, cà phê cà pháo, lang thang ở các nẻo đường lá gió cành chim, các triển lãm và gallery, thư viện và quán sách, đàm đạo và tranh luận, thống nhất và phản biện, yêu và ghét và không yêu không ghét... Biết bao cảm xúc trong lòng! Nếu 9 giờ 30 đã tắt đèn đi ngủ thì sẽ viết vào lúc nào? Sáng tạo là công việc thiêng liêng, những phút xuất thần không hẹn trước, nếu ta bỏ qua, không ghi lại có khi quên, có khi là có tội, nhân loại sẽ thiệt thòi, không được hưởng thụ những nét đẹp tinh thần lộng lẫy... Phong cách và giờ giấc sinh hoạt lệch pha như vậy cũng có sao đâu, chỉ làm cho thế giới này càng thêm đa dạng và phong phú mà thôi nhưng khổ một nỗi là nhà chật, lại đông người, lại nhiều thế hệ nên khó dung hòa...

    Ông cụ pha trà và ngồi độc ẩm bên cái bàn ăn kê trong bếp. Nhà ngoài, trên tràng kỷ, trong tấm chăm mỏng, chàng hơi ngọ nguậy rồi lại nằm im, con nhộng đang ấp ủ giấc mơ hóa bướm. Ông cụ không ưa gì con bướm, trong giáo khoa thư có nhiều bài chế nhạo con bướm, nó rong chơi, bay từ bông hoa này sang bông hoa nọ nhưng không chịu làm mật, chỉ được mỗi cặp cánh là sặc sỡ. Nhưng cái sặc sỡ không đem ra mà ăn được, đến mùa đông là chết đói. Nhiều khi những chuyện ngụ ngôn không đồng nhất với các phát minh khoa học, chuyện ngụ ngôn có trước, nó già như nhân loại, kín đáo và khéo léo nhắc những triết lý, nhiều khi là minh triết. Theo truyền thống phương Đông, già thì đáng kính trọng, đã qua thử thách và chọn lọc, kinh nghiệm ở đời không thể có sau một vài ngày.

    Ăn sáng qua loa, ông đi dạo phố. Nói là phố nhưng đã có phố xá gì đâu, mấy dãy nhà nửa quê, nửa tỉnh, cái thò ra, cái thụt vào, mấy cửa hàng tạp hóa, mấy hàng bún cháo xập xệ, mấy quán chè chén loe hoe... Thế mà khối điều phải để mắt đến đấy, phải nhắc nhở, phải chấn chỉnh nếu không thì nhếch nhác lắm. Thôi thì “trăm thứ bà rằn”, từ chiếm dụng vỉa hè, lấn chiếm đất công cho đến vứt rác bừa phứa, thả chó chạy rông; từ đi xe đánh võng, nói tục như hát hay cho đến “mất đoàn kết”, to tiếng cả hơi, tranh giành cãi vã... không thứ gì qua được mắt ông cụ. Ông thấy mình có trách nhiệm can dự vào sinh hoạt đường phố, nhỏ thì khuyên giải, phê bình, lớn thì đấu tranh ngăn chặn (chả phải là tiếp tục cuộc cách mạng đang dang dở đó sao?).

    Mấy thằng cha làm ẩu trương mắt lên:

    - Ông vừa ở đâu ra thế? Việc gì đến nhà ông! Rách việc!

    Ơ, sao lại không việc gì đến tôi? Ông nghĩ. Mỗi người không làm chủ bản thân, không làm chủ được tập thể thì ai làm thay? Chắc hồi còn đang chức, mình ít quan hệ với bà con khối phố nên dân không biết mặt, ông tự trách mình làm công tác quần chúng chưa tốt, bây giờ về hưu rồi, địa bàn phường chẳng phải là địa bàn hoạt động của mình đó sao? Không biết các anh bên chính quyền có biết những chuyện này không nhỉ? Mình cứ theo ngành dọc, lên gặp các anh ấy xem sao!

    Nghĩ sao làm vậy, ông đến “làm việc” với các anh bên Ủy ban phường. Một nhóm công tác được cử xuống địa bàn, mấy thằng cha làm ẩu im re, mấy chuyện lộn xộn bị dẹp yên trong chốc lát. Buổi chiều ông đi qua, thấy cái tường rào đã được xây thụt vào đến mấy chục phân, ông gật gật: Có thế chứ! Việc ông làm chỉ vì cái chung, giữa thanh thiên bạch nhật, đường đường chính chính, hồn nhiên như trước nay vẫn thế, thẳng như mực tàu (cho nên đến lúc về hưu cũng mới chỉ là chuyên viên trong khi khối bạn đồng liêu đã lên đến tận cục vụ viện, xe ngựa rềnh rang). Thế mà mấy thằng cha làm ẩu lại thì thào với nhau: Đồ chỉ điểm! Thấy ông đi qua, có cốc nước trong tay chúng hất toẹt ngay trước mặt ông, láo thế!

    Chàng dậy muộn, vội đến cơ quan, chiều về mới hay chuyện. Chàng đau khổ (chàng vốn nhạy cảm, nhiều lúc lấy đau khổ làm thức gậm nhấm, làm nguồn cảm hứng), chàng thấy bị xúc phạm, lẩm bẩm: Đồ gàn dở! Câu rủa này không biết dành cho ai, cho người giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha, hay cho kẻ hắt nước vào thân phụ chàng thì chỉ có mình chàng biết được.

    Chỉ có điều chàng rất bực. Chàng đã sáng tác những bài thơ, chữ nghĩa chưa đến mức thần diệu nhưng phải nói là sang trọng, nghệ thuật chưa đến mức thiên tài nhưng phải nói là... tài, đặc biệt, chàng luôn thiên về những điều cao thượng. Những bài thơ của chàng thường lấy cảm hứng từ cuộc đời và tác phẩm của các danh họa, từ những bản giao hưởng theo mùa có đánh số hẳn hoi, hoặc quá lắm là được gợi ý từ những gì trong sạch như mùa thu... Thế mà trong cuộc đời chàng lại phải đối mặt với những điều tầm thường, nhỏ mọn. Thử hỏi danh giá gì khi phải lên công an phường phản ánh về tư cách của môt tay tiểu thị dân hàng xóm đêm đêm thường đứng đái vào cánh cổng nhà chàng? Nước đái đọng thành vũng khai mù. Mỗi lần ra khỏi nhà, chàng cứ phải rón rén và phải bê hẳn con ngựa gầy lên mà đi!

    Chàng đã không đi báo chính quyền vì sỹ diện, vì không muốn mang tiếng gàn dở hay vì sợ thì không ai biết được. Cũng như trong cuộc vận động làm lại cuộc cách mạng, chắc cũng dừng lại ở mức vận động ngầm mà thôi vì chỉ thấy chàng “nung nấu” ở các quán xá mà chưa thấy đưa ra ngôn luận, cả trên các diễn đàn, cả trên các phương tiện thông tin đại chúng, cả ở những chỗ đông người. Những trước tác của chàng vẫn thế, sang trọng và cao cả!

    So với ông cụ thân sinh, chàng mảnh mai và cao ráo hơn nhiều. Con hơn cha, nhà có phúc! Tuy cũng là tóc rễ tre nhưng tóc của chàng để dài  trùm tai nên không tua tủa táo tợn như tóc ngắn mà trông mềm mại, “trí thức” hơn. Tuy cũng là răng hô nhưng chàng đã chỉnh sửa, cụ thể là nhổ đi và trồng mới bốn cái răng cửa cộng thêm các động tác mím môi mỗi khi nói, che tay mỗi khi cười nên không quá phát lộ. Do không phải cưỡi trâu, không phải gánh nặng leo dốc nên hai chân chàng thẳng, khi bước đi hai chân sát vào nhau chứ không vòng kiềng như ông cụ. Chưa kể chiều cao của chồng sách mà chàng thường đứng lên để so sánh với mọi người, chỉ chiều cao nhân trắc học thôi, chàng đã hơn ông cụ một cái đầu. Chàng luôn đeo kính thuốc nên trông càng đạo mạo. Hai thế hệ nếu sóng bước bên nhau chắc chắn sẽ làm ta nhận ra lòng nhân từ của Thượng Đế, người luôn muốn cho con dân của mình ngày càng tiến hóa.

    Nhưng hình như Thượng Đế chí công cũng chỉ tạo ra được hình hài ban đầu của con người mà thôi, khi con người đứng vững trên hai chân của mình và đi vào cuộc sống thì trò chơi của Thượng Đế cũng kết thúc. Bằng chứng là “thời thế tạo nên anh hùng” chứ không phải là Thượng Đế! Để không làm lộ tẩy những khiếm khuyết trong quyền năng của mình, Thượng Đế thường làm cho các thế hệ xung khắc, không mấy khi sóng bước cùng nhau. Ở thế giới động vật, hai con đực khỏe mạnh nhất thường phải quyết đấu để giành ngôi vị đầu đàn, dần dần con trẻ hơn sẽ thắng nhưng cuộc giao tranh không vì thế mà khoan nhượng. Trong một nước không thể có hai ông vua còn trong gia đình cũng tương tự, chỉ có điều cuộc giao tranh thường âm thầm vì bị nhiều lễ giáo trói buộc.

    Chàng không mấy khi sóng bước cùng thân phụ nhưng không vì thế mà người ta không nhận ra sự khác nhau trong ánh mắt hai cha con. Người nông dân răng hô, tóc rễ tre, chân vòng kiềng đi làm cách mạng, giám bỏ lại sau lưng mảnh vườn, ngôi nhà, thửa ruộng để lên rừng xuống biển, chín năm rồi hai mươi năm và lâu hơn thế nữa nếu cần. Ông luôn tin vào công việc mình đang làm, luôn tin vào mục đích mình đang hướng tới, một niềm tin có lúc ngây thơ nhưng là một niềm tin tự nguyện. Cũng có lúc niềm tin bị phản bội, thậm chí bị đánh cắp. Những lúc éo le đó ông cụ phẫn uất và đau khổ nhưng lại vẫn tin rằng đấy chỉ là tạm thời, là cục bộ vì thế không thay đổi được con người ông, không thay đổi được rất nhiều người thế hệ ông. Ông là người gàn dở, thậm chí bị chính con trai mình nguyền rủa nhưng không vì thế mà thay đổi ánh mắt nhìn, ánh mắt nhìn thẳng, chân thực và tự tin.

    Còn chàng thì sao? Chàng đã đọc rất nhiều, đã tìm hiểu rất nhiều nên vì thế mà “tẩu hỏa nhập ma” chăng? Chàng nghi ngờ, phủ nhận cái hiện tại, luôn hướng về một cái hoàn hảo nhưng nó ở xa, thậm chí không có cái hoàn hảo. Với lại để đạt được cái chàng muốn đòi hỏi lòng dũng cảm và đức hy sinh. Chàng không dám từ bỏ cái vị trí đang có, không dám chối từ chút lợi lộc được hưởng. Muốn sáng lập một tôn giáo nhưng không tìm ra giáo chủ, không soạn thảo được giáo lý thì biết quỳ lạy vào đâu. Cuộc vận động cách mạng của chàng vì thế cũng chỉ là những tiếng thì thào, mãi mãi là trứng nước. Chàng không tìm được niềm tin, không tin vào một ai và không tin cả chính mình. Ánh mắt chàng vì thế xét nét mà rụt rè, khinh bạc mà sợ sệt. Mắt chàng luôn nhìn xuống và luôn lảng tránh...   

                            ***

    Chàng cứ sống với sự ủ dột trên gương mặt và nỗi khinh bạc trong lòng như thế suốt nhiều năm tháng. Với một gia tài hơn chục bài thơ chàng đã tái bản nhiều lần trên các trang báo. Ngôn từ dẫu sang trọng, ý tưởng dẫu tân kỳ nhưng chỉ chừng ấy thôi cũng còn chưa đủ, hơn thế nữa, phải đọc đi đọc lại nhiều lần, những người lúc đầu có phần cảm phục chàng cũng dần dần thấy nhàm chán. Còn với công chúng yêu văn học, yêu thi ca thì sao? Một đấu muối của chàng đổ xuống chưa đủ làm thay đổi vị nước của cả một dòng sông. Ở thời hiện tại, trong khi công chúng tiếp xúc với rất nhiều các trào lưu, các phong cách, thì mấy bài thơ của chàng, y trang tác giả của chúng, bơ vơ trên đường với gương mặt tiều tụy nhưng cố tình “lập nghiêm” liệu sẽ chinh phục được ai?  Sẽ còn phải chứng kiến cái bóng vật vờ, cố tách ra khỏi mọi người một cách cao đạo kia bao lâu nữa, không ai mà biết được nếu không có một ngày...

    Đấy là ngày một ông quan đầu tỉnh được cất nhắc lên Trung ương. Ông đứng đầu bộ chủ quản cơ quan nơi chàng đang làm việc. Trong một lần hội họp, ông tân bộ trưởng nhận ra chàng, trước là do giọng nói, sau là do gương mặt không thể nào quên nếu đã có những lần gặp gỡ. Cuối cuộc chiến khốc liệt ở thế kỷ trước, cũng như nhiều sinh viên khác, chàng sinh viên văn khoa đã theo lệnh tổng động viên mà nhập ngũ rồi vào chiến trường phía Nam. Ở đấy chàng được phân công về tòa soạn một tờ báo văn nghệ địa phương. Mối giao lưu với ông bộ trưởng tương lai cũng bắt đầu từ đó. Mặc dầu chỉ chiến đấu bằng cây bút ở một miền sơn cước phía Tây tỉnh nhưng tình bạn của họ vẫn là tình bạn chiến đấu. Ông bộ trưởng là người tình nghĩa, sau ngày ông nhậm chức ít lâu, nhân vật của chúng ta được cất nhắc làm cấp phó một bộ phận “có chức năng văn hóa”.

    Tuy là phó nhưng không ai chịu về làm trưởng nên chàng nghiễm nhiên phụ trách luôn bộ phận được giao. Khi đã có được một mảnh đất cắm dùi, người nông dân bắt đầu gieo trồng những mùa vụ đầu tiên. Ông chủ toàn quyền quyết định “trồng cây gì, nuôi con gì” trên mảnh đất nhỏ nhưng được rào rất cẩn thận của mình. Cuối cùng thì chàng đã có mảnh đất dụng võ, tuy nhỏ hẹp nhưng cũng đủ chỗ để ngấm ngầm đi các đường quyền cước. Chao ôi, đên bây giờ nỗi khát khao chiến đấu của chàng mới được dịp bung ra sau bao năm bị giấu diếm và đè nén. Gương mặt của chàng vốn hiếm hoi nụ cười nay càng sắt lại. Và chàng nghiêm lắm!

    Sau mấy năm chàng đã trở thành một hiện tượng. Mảnh đất hẹp càng trở nên chật hẹp hơn vì những thức đem trồng được tuyển chon một cách cẩn trọng theo tiêu chí của chàng. Cây cối đâm chồi nẩy lộc, ra hoa kết quả khá tươm tất và đều mang hương vị đặc trưng, hợp với khẩu vị của người làm vườn khắc kỷ. Đã thấy chàng mặc bộ đồ lớn, một thứ trang phục trước đây bị chàng kỳ thị, đi hội họp, vẻ mặt đã ra dáng lắm trong khi những tay làm vườn cùng trên mảnh đất với chàng ngày càng ủ dột. Chàng đã kịp cho cả bọn “ngồi chơi xơi nước” trong khi một mình chàng đảm nhận mọi công đoạn của quy trình công nghệ nghiêm ngặt do chàng phát minh...     

    Khi tìm gốc gác những đặc tính “tiêu cực” của người nông dân người ta thường đổ mọi tội lỗi lên sản xuất nhỏ, manh mún trên mảnh đất hẹp. Tính ích kỷ, nhỏ nhen và đố kỵ đều do cách nghĩ, cách làm tiểu nông mà ra cả. Ông cụ nông dân tóc rễ tre, răng hô, chân vòng kiềng sau bao năm sống cuộc đời chiến sỹ đã trưởng thành, đã trở thành người “chí công vô tư”, “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu” cho đến lúc qua đời. Ngôi nhà cụ để lại đã bị bán đi, chia năm sẻ bảy. Người đi tiếp cuộc đời cụ là một chân dài, đi sát hai chân vào nhau, đọc rất nhiều sách và ấp ủ rất nhiều kỳ vọng. Sau một hồi biến động, chàng chân dài cũng đã trưởng thành và, kỳ lạ thay, như một định mệnh, chàng lại đang kế tục những đặc tính mà phải vất vả lắm ông cụ mới vứt đi được sau khi chàng được chia một mảnh đất hẹp. Công cuộc làm lại cuộc cách mạng của chàng, không phải tốn nhiều xương máu, đã thành công...

    Lại nghe có người rủa “Đồ gàn dở!”. Giấc mơ hóa bướm ngày nào đã thành sự thật. Con bướm lại đã đẻ ra một lũ sâu... Cái vòng luân hồi nghiệt ngã vẫn xoay, chẳng thấy tiến hóa ở chỗ nào!


                        Hà Nội, 19 tháng 7 – 2011
                                   NHV