Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Toàn cảnh 35 năm chiến tranh Biên giới Việt - Trung

H.M (tổng hợp)
Thứ bẩy ngày 15 tháng 2 năm 2014 8:50 PM

(Tinmoi.vn) "Trong khi chúng ta im lặng thì hệ thống phát thanh, truyền hình báo chí của Trung Quốc tung ra hàng loạt bài với những cái tít gần như có nội dung giống nhau về cái mà họ gọi là “cuộc chiến tranh đánh trả tự vệ trước VN”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.

 

Cuộc chiến 30 ngày: Việt Nam ở thế bị tấn công


5 giờ sáng ngày 17/2/1979, lực lượng Trung Quốc khoảng 120.000 quân bắt đầu tiến vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, mở đầu là pháo, tiếp theo là xe tăng và bộ binh. Cánh phía đông có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Nam Ninh và mục tiêu chính là Lạng Sơn với hai hướng tiến song song.

Cánh phía tây có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Mông Tự với 3 hướng tiến công chính. Tổng cộng quân Trung Quốc xâm nhập Việt Nam trên 26 điểm, các khu vực dân cư Việt Nam chịu thiệt hại nặng nhất từ đợt tấn công đầu tiên này là Lào Cai, Mường Khương, Cao Bằng, Lạng Sơn và Móng Cái.

Tất cả các hướng tấn công đều có xe tăng, pháo binh hỗ trợ. Quân Trung Quốc vừa chiếm ưu thế về lực lượng, vừa chủ động về thời gian tiến công, lại còn có "lực lượng thứ năm" gồm những người Việt gốc Hoa trên đất Việt Nam. 

Sang ngày 18 và 19/2, chiến sự lan rộng hơn. Việt Nam kháng cự rất mạnh và với tinh thần chiến đấu cao. Quân Trung Quốc hầu như không thể sử dụng lực lượng ở mức sư đoàn mà phải dùng đội hình nhỏ và thay đổi chiến thuật. Họ tiến chậm chạp, giành giật từng đường hầm, từng điểm cao, và cuối cùng cũng chiếm được Mường Khương (Hoàng Liên Sơn), Trùng Khánh (Cao Bằng), và Đồng Đăng (Lạng Sơn). Tại Móng Cái, hai bên giành giật dai dẳng. Cả hai bên đều phải chịu thương vong cao, có ít nhất 4.000 lính Trung Quốc chết trong hai ngày đầu này. Sau hai ngày chiến tranh, quân Trung Quốc đã chiếm được 11 làng mạc và thị trấn, đồng thời bao vây Đồng Đăng, thị trấn có vị trí then chốt trên đường biên giới Trung-Việt.

Toàn cảnh 35 năm chiến tranh biên giới Việt - Trung Bệnh viện Trùng Khánh- Cao Bằng bị tàn phá (Ảnh tư liệu)

Trận chiến tại Đồng Đăng bắt đầu ngay từ ngày 17 và là trận đánh ác liệt nhất. Đây là trận địa phòng thủ của Trung đoàn 12 Tây Sơn, Sư đoàn 3 Sao vàng, Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tấn công vào Đồng Đăng là 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn xe tăng, và chi viện của 6 trung đoàn pháo binh Trung Quốc. Cụm điểm tựa Thâm Mô, Pháo đài, 339 tạo thế chân kiềng bảo vệ phía tây nam thị xã Đồng Đăng, do lực lượng của 2 Tiểu đoàn 4 và 6, Trung đoàn 12 trấn giữ, bị Trung Quốc bao vây và tấn công dồn dập ngay từ đầu với lực lượng cấp sư đoàn.

Lực lượng phòng thủ không được chi viện nhưng đã chiến đấu đến những người cuối cùng, trụ được cho đến ngày 22/2. Ngày cuối cùng tại Pháo đài Đồng Đăng, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, không gọi được đối phương đầu hàng, quân Trung Quốc chở bộc phá tới đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, bắn đạn hóa học vào các lỗ thông hơi, làm thiệt mạng cả thương binh cũng như dân quanh vùng đến đây lánh nạn.

Đến 21/2, Trung Quốc tăng cường thêm 2 sư đoàn và tiếp tục tấn công mạnh hơn nữa. Ngày 22, các thị xã Lào Cai và Cao Bằng bị chiếm. Quân Trung Quốc chiếm thêm một số vùng tại Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, và Quảng Ninh. Chiến sự lan rộng tới các khu đô thị ven biển ở Móng Cái. Về phía Việt Nam, cùng lúc với việc triển khai phòng ngự quyết liệt, khoảng từ 3 đến 5 sư đoàn (gồm 30.000 quân) cũng được giữ lại để thành lập một tuyến phòng ngự cánh cung từ Yên Bái tới Quảng Yên với nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng.

Ngày 26/2, thêm nhiều quân Trung Quốc tập kết quanh khu vực Lạng Sơn chuẩn bị cho trận chiến đánh chiếm thị xã này. Sau khi thị sát chiến trường, Bộ tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam đề xuất điều động một quân đoàn từ Campuchia cùng một tiểu đoàn pháo phản lực BM-21 vừa được Liên Xô viện trợ về Lạng Sơn. Đồng thời tổ chức và huy động lại các đơn vị và các phân đội, biên chế lại một sư đoàn vừa rút lui từ chiến trường, tiến hành các hoạt động tác chiến vào sâu trong hậu phương địch.

Phi đoàn máy bay vận tải An-12 của Liên Xô đã lập cầu hàng không, chở Quân đoàn 2, Quân đội Nhân dân Việt Nam từ Campuchia về Lạng Sơn.

Ngày 25/2, tại Mai Sao, Quân đoàn 14 (Binh đoàn Chi Lăng) thuộc Quân khu 1, Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng Bộ chỉ huy thống nhất Lạng Sơn được thành lập, lực lượng bao gồm các Sư đoàn 3, 327, 338, 337 (đang từ Quân khu 4 ra) và sau này có thêm Sư đoàn 347 cùng các đơn vị trực thuộc khác.

Trong giai đoạn đầu đến ngày 28/2/1979, quân Trung Quốc chiếm được các thị xã Lào Cai, Cao Bằng, và một số thị trấn. Các cơ sở vật chất, kinh tế ở những nơi này bị phá hủy triệt để. Tuy nhiên, do vấp phải sự phòng ngự có hiệu quả của Việt Nam cũng như có chiến thuật lạc hậu so với phía Việt Nam nên quân Trung Quốc tiến rất chậm và bị thiệt hại nặng. Quân đội Việt Nam còn phản kích, đánh cả vào hai thị trấn biên giới Ninh Minh (Quảng Tây) và Malipo (Vân Nam) của Trung Quốc, nhưng chỉ có ý nghĩa cảnh cáo Trung Quốc.

Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 27/2. Chiến sự tập trung tại Lạng Sơn tuy giao tranh tại Lào Cai, Cao Bằng, và Móng Cái vẫn tiếp diễn. Trận đánh chiếm thị xã Lạng Sơn bắt đầu lúc 6 giờ sáng cùng ngày. Trung Quốc điều tới đây thêm 2 sư đoàn từ Đồng Đăng và Lộc Bình (phía đông nam Lạng Sơn), tiếp tục đưa thêm quân mới từ Trung Quốc thâm nhập Việt Nam để tăng viện.

Tại Lạng Sơn, các Sư đoàn 3 và 337 của Việt Nam đã tổ chức phòng thủ chu đáo và phản ứng mãnh liệt trước các đợt tấn công lớn của quân Trung Quốc. Từ ngày 2/3, Sư đoàn 337 trụ tại khu vực cầu Khánh Khê. Sư đoàn 3 chống trả lại 3 sư đoàn bộ binh 160, 161, 129 cùng nhiều xe tăng, pháo của Trung Quốc, tiến công trên một chiều dài 20 km từ xã Hồng Phong, huyện Văn Lãng đến xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc.
Chiếm được điểm cao 800 và ga Tam Lung nhưng trong suốt các ngày từ 28/2 đến 2/3, quân Trung Quốc vẫn không vượt qua được đoạn đường 4 km để vào thị xã Lạng Sơn, tuy chúng đã dùng cho hướng tiến công này gần 5 sư đoàn bộ binh. Sau nhiều trận đánh đẫm máu giành giật các điểm cao quanh Lạng Sơn mà có trận, quân phòng thủ Việt Nam chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, quân Trung Quốc bắt đầu bao vây thị xã Lạng Sơn ngày 2 tháng 3, sử dụng thêm sư đoàn 162 dự bị chiến dịch của quân đoàn 54 và dùng 6 sư đoàn tấn công đồng loạt trên nhiều hướng. Chiều ngày 4/3, một cánh quân Trung Quốc đã vượt sông Kỳ Cùng, chiếm điểm cao 340 và vào tới thị xã Lạng Sơn, một cánh quân khác của sư đoàn 128 Trung Quốc cũng chiếm sân bay Mai Pha, điểm cao 391 ở phía tây nam thị xã.

Toàn cảnh 35 năm chiến tranh biên giới Việt - Trung Nữ dân quân Việt Nam (Ảnh tư liệu)

Đến đây, phía Việt Nam đã điều các sư đoàn chủ lực có xe tăng, pháo binh, không quân hỗ trợ áp sát mặt trận, chuẩn bị phản công giải phóng các khu vực bị chiếm đóng. Quân đoàn 14 với các sư đoàn 337, 327, 338 hầu như còn nguyên vẹn đang bố trí quân quanh thị xã Lạng Sơn. Quân đoàn 2, chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tập kết sau lưng Quân đoàn 14.

Ngày 5/3/1979, Việt Nam ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Cùng ngày, Bắc Kinh tuyên bố đã "hoàn thành mục tiêu chiến tranh", "chiến thắng" và bắt đầu rút quân. 

Ngày 7/3, Việt Nam tuyên bố thể hiện "thiện chí hòa bình", sẽ cho phép Trung Quốc rút quân.

Mặc dù Trung Quốc tuyên bố rút quân nhưng chiến sự vẫn tiếp diễn ở một số nơi dọc biên giới 6 tỉnh phía Bắc.

Ngày 18/3/1979, Trung Quốc rút hết quân khỏi biên giới Việt Nam.

“Im lặng là không đúng”

35 năm qua sự kiện này không được dư luận nhắc đến nhiều vì muốn quá khứ ngủ im, thế nhưng theo các nhà nghiên cứu việc báo chí không đưa ưa tin về sự kiện này là một sự thiếu sót lớn, là một sự xúc phạm đến linh hồn của những đồng bào, chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tháng 2/1979 và gần mười năm sau đó. 

 Trao đổi trên báo Lao động, Giáo sư Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, sự kiện 1979 cũng có những nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhưng nằm trong chuỗi của lịch sử, vào thời kỳ Trung Quốc muốn thể hiện mình có một vị thế nào đó ở Châu Á, hay bộc lộ một chính sách quan hệ quốc tế của họ. Sự kiện 17/2/1979, khi Trung Quốc đưa tới 600.000-700.000 quân tấn công trên toàn tuyến biên giới của Việt Nam, không thể diễn giải khác đi được, ngoài việc đây là cuộc chiến tranh xâm lược hay cuộc tấn công vào Việt Nam.

“Việc Trung Quốc nói rằng chỉ “đối phó” cuộc tấn công của Việt Nam thì liệu ai tin được, khi chỉ trong 1 giờ, họ đưa 600.000-700.000 quân ào ào đánh bật các chốt biên giới của Việt Nam, tiến sâu vào đất liền. Nếu không phải tinh thần chiến đấu quật cường của dân tộc Việt Nam, không biết cuộc chiến đó sẽ đi đến đâu. Đó, không gì khác hơn, là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc, được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Còn chính Việt Nam mới bị động”, ông Giảng bác luận điệu của Trung Quốc vẫn tuyên truyền rằng đây là cuộc chiến do Việt Nam nổ súng trước.
Cũng theo ông Giang, vấn đề này, chỉ có duy nhất Trung Quốc nói vậy, còn thế giới đều nói đây là cuộc chiến tranh xâm lược, ở các mức độ khác nhau. Bởi người Việt Nam lúc đó, không có gì mong muốn hơn là một cuộc sống hòa bình, với những khó khăn sau một cuộc chiến tranh dài chồng chất, thiếu thốn lương thực và giải quyết bài toán nội bộ...

“Chúng ta cần quốc tế hóa việc nghiên cứu này. Không thể chỉ là Trung Quốc đơn phương nói thế này, Việt Nam đơn phương nói thế khác. Tôi biết nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đã có những tìm hiểu, đào sâu tư liệu về cuộc chiến tranh biên giới này. Chúng ta cần liên kết lại. Còn cứ nói lấy được thì không nên”, ông Giang phân tích.

Về việc Việt Nam im lặng, trong lúc Trung Quốc chỉ trích Việt Nam tấn công đã gây tổn thương quan hệ giữa hai bên ông Giang cho rằng: không phải cứ im lặng là tốt. Vì Trung Quốc sẽ sử dụng điều đó như một chứng cứ rằng “Sai rồi, nên có dám nói gì đâu”. Sự nhịn đến không dám nói gì không phải là cách xử lý hay với Trung Quốc. Không vì thế mà họ tử tế hơn.

Trao đổi trên Thanh niên dịp 34 năm chiến tranh Biên giới Việt - Trung, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, việc báo chí Việt Nam không đưa tin về sự kiện này là một sự thiếu sót lớn, là một sự xúc phạm đến linh hồn của những đồng bào, chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tháng 2/1979 và gần mười năm sau đó. 

Cũng theo ông Cương, trong khi chúng ta im lặng thì hệ thống phát thanh, truyền hình báo chí của Trung Quốc tung ra hàng loạt bài với những cái tít gần như có nội dung giống nhau về cái mà họ gọi là “cuộc chiến tranh đánh trả tự vệ trước VN”. Có thông tin cho rằng hiện tại có tới trên 90% người dân TQ vẫn quan niệm rằng năm 1979 Quân đội VN đã vượt biên giới sang tấn công TQ và bắt buộc TQ phải tự vệ đánh trả. Từ hàng chục năm nay, hệ thống tuyên truyền của TQ đã nhồi nhét vào đầu người dân TQ rằng cuộc chiến 1979 chỉ là cuộc phản công trước sự xâm lược của VN.

“Theo tôi nghĩ, trong tuyên truyền đối nội và đối ngoại, cả ở kênh nhà nước, nhân dân và trên truyền thông, chúng ta phải làm rõ và góp phần làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ bản chất của cuộc chiến tranh Việt - Trung 1979. Đồng thời góp phần làm cho hơn 1,3 tỉ người TQ biết được sự thật rằng vào ngày đó hơn 60 vạn quân TQ đã vượt biên giới xâm lược VN. Việc chúng ta im lặng hàng chục năm qua, theo tôi là  không đúng. Việc nói ra cũng không liên quan gì chuyện kích động chủ nghĩa dân tộc, ông Cương nói. 

Trên Tuổi trẻ số báo ngày 18/2/2013 (34 năm chiến tranh Biên giới Việt - Trung), TS Nguyễn Mạnh Hà, viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nguyên đại tá, chính ủy sư đoàn 308 anh hùng cũng cho rằng, chiến tranh Biên giới Việt Trung 1979 là cuộc chiến ngắn ngủi mà đằng đẵng. Chúng ta cần có những sự vinh danh và tri ân các liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tranh này.

"Chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm xương máu từ thực tế lịch sử của dân tộc mình khi hoạch định đường lối đối ngoại trong một thế giới hiện đại đang thay đổi từng ngày, lợi ích các bên đan xen nhau cực kỳ phức tạp. Cần hiểu rõ bạn - thù và phải đặt quyền lợi của dân tộc lên trước hết và trên hết thì mới có chính sách đúng được", ông Hà nói. 

Cũng trên số báo này, khi nói về sự kiện chiến tranh Biên giới Việt - Trung 1979, TS Hồ Khang (viện phó Viện Lịch sử quân sự VN) chia sẻ: "Có nhiều câu hỏi tự tôi cũng không trả lời được, theo thời gian thì sự thật vẫn là sự thật, có thể bây giờ không được nhắc nhiều. Chỉ có điều sự thật ấy sẽ được phát lộ lúc nào để tạo thành sức mạnh, lòng yêu nước, chí quật cường để chống lại, giáng trả lại mọi thế lực xâm lược ".

H.M (tổng hợp)

Nguồn : Tin Mới / Nguoiduatin.vn