Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Vì sao cán bộ 'đâm hư' nhiều thế?

Minh Cường thực hiện
Thứ hai ngày 10 tháng 2 năm 2014 11:28 AM

"Còn sau này, không ít người trong số đó dựa thế này lực kia mà lên chứ không phải đi bằng đôi chân và tấm lòng của họ."

"Thời chiến tranh, ta dễ nhận ra một người yêu nước thương nòi khi họ sẵn lòng rời bỏ những quyền lợi riêng tư của mình để đi vào cuộc chiến khốc liệt, trường chinh, bằng tất cả những khát khao cháy bỏng nhằm giành lại độc lập, hòa bình, thống nhất cho Tổ quốc. Giờ ta phải đốt đuốc đi tìm những người vì nước, vì dân đúng nghĩa và lấy đó làm hạt giống để gầy dựng lại cốt cách của người cán bộ thực sự". TS Hồ Hữu Nhựt, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thanh niên của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam mở đầu cuộc trao đổi cuối năm 2013 với Pháp Luật TP.HCM.

Học tinh thần "dĩ công vi thượng"

Nhắc lại câu chuyện "quốc tang trong lòng dân tộc" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, TS Hồ Hữu Nhật tiếp: "Ai vì nước vì dân thì không bao giờ dân quên cả. Đến  khi người ấy mất đi, dân đúc tượng đài người đó trong tim mà tôn thờ. Đây là bài học quý giá để cán bộ ta phải giật mình nhìn nhận lại mình đã xứng đáng với niềm tin yêu của dân chưa. Đồng thời, nhà nước cũng phải suy nghĩ làm sao để xây dựng một đội ngũ cán bộ được lòng dân thực sự. Đó không còn là chuyện nói với nhau nghe, chuyện nội bộ, chuyện sách vở nữa mà là vấn đề phải giải quyết cấp bách nhất hiện nay".

Thưa ông, tại sao ông nói "trước một cái ghế cao lại khó nhận ra một người yêu nước thương dân thực sự"?


Phẩm giá quan trọng nhất cần có của người cán bộ vẫn kết lại trong mấy chữ "trung với nước, hiếu với dân". Nói thì nghe dễ nhưng đi vào thực hiện cụ thể trong bối cảnh ngày nay thì khó khăn, phức tạp lắm. Chẳng hạn như phẩm chất "trung với nước", nếu ngày trước một người ôm bom lao vào xe tăng của địch là họ thật sự trung với nước vì sẵn sàng hy sinh thân mình cho Tổ quốc. Nhưng bây giờ, điều kiện "lửa thử vàng" không còn như thế nữa, mà nằm ở những quyết sách khi anh đặt bút ký vào đó có thực sự là vì lợi ích chung, lợi ích của dân tộc này hay không. Nay, rõ ràng cái mùi tư lợi phảng phất đâu đó trong nhiều quyết định của cán bộ, lợi ích chung lại bị đặt phía sau, hoặc chỉ là tấm bình phong che đỡ cho một tính toán cá nhân hoặc cho một nhóm lợi ích nào đó.

Sự tính toán vì tư lợi ấy, theo ông, đang ở mức độ nào?

Nó không còn nằm ở phạm vi cá nhân nữa rồi. Từ lâu, trong mặt bằng ý thức cán bộ ta đã hình thành cái kiểu suy nghĩ rất kỳ lạ rằng làm cán bộ là để kiếm lợi cho mình, gia đình mình, đến khi lộ ra rồi mới ầm ừ... nhận trách nhiệm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có kể rằng một dịp nằm cạnh Bác Hồ, Bác có dạy đại tướng mọi việc cần "Dĩ thông vi thượng", tức lấy việc công (cũng có thể hiểu là công bằng), vì cái chung, vì đại cục là trên hết, chứ dừng lấy cái nhỏ nhen ra hành xử. Trung với nước là phải vậy đó!
cán bộ, vì dân, vì nước, quan chức, thế lực, Võ Nguyên Giáp
"Không ít người dựa thế này, lực kia mà lên". Ảnh minh họa

Phải biết đau lòng khi gây thiệt hại cho dân


Còn "hiếu với dân" thì sao, thưa ông?

Nếu cán bộ không thẩm thấu ý nghĩa của tư tưởng "hiếu với dân", "là đầy tớ thật trung thành với nhân dân"... thì sẽ rất dễ làm tổn thương người dân. Và trên thực tế điều này đã xảy ra không ít...

Bác Hồ nói "Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh". Hiếu với dân thực sự là phải có lòng với dân, vì lợi ích của dân, đặt lợi ích của dân lên trên hết. Cán bộ phải biết đau lòng và xấu hổ khi gây ra nỗi khổ, thiệt hại cho dân mình. Chẳng hạn trước khi anh đặt bút ký cái quyết định dự án thủy điện thì phải biết đau lòng về những khổ sở, tai ương mà dân phải chịu khi thủy điện xả lũ để cân nhắc có ký hay không. Bấy lâu nay, cán bộ ký quyết định thu hồi của dân sai mục đích có thấy đau lòng gì đâu; hay như tình hình thủy điện tràn lan, nói hoài mà không thấy biện pháp nào khắc phục cả. Cái gì đã che mất cái mắt lẫn cái tâm của anh thế?

Đã từng xảy ra nhiều sự vụ dân "tự xử" mà không đến cơ quan chức năng. Điều ấy là không thể chấp nhận. Nhưng theo ông, hiện tượng trên cảnh báo điều gì?

Việc dân tự xử mà không cần đến chính quyền cơ sở là nguy kịch. Nếu anh không hết lòng với dân thì đến lúc chính dân sẽ quay lưng với anh. Cụ Nguyễn Trãi từng nói: Đẩy thuyền đi là dân mà lật thuyền cũng chính là dân. Vì thế "hiếu với dân" là phẩm chất rất quan trọng mà cán bộ phải thấm sâu trong tim mình, không chỉ vì bản thân mỗi cán bộ mà còn là vì sự tồn vong của chế độ. Mặt khác, cũng phải giáo dục cán bộ ta hiểu rằng "Quan nhất thời, dân vạn đại", nhất là đối với những người cầm cân nảy mực phải hiểu thật sâu sắc điều này. Trong thực thi công vụ, cái gì mà vi phạm quyền lợi nhân dân phải giảm đi chứ không nên vì quyền lợi của mình mà bất chấp. Nếu anh cứ bất chấp thì đó là phản lực đánh lại anh trong tương lai.

Có phải sự không "dĩ công vi thượng" đã gây ra tình trạng tham nhũng?

Đúng, vì anh đang đứng ở vị trí công mà lại vụ lợi, lo cho bản thân, nhóm lợi ích thân hữu của mình. Điều ấy gây ra những tổn thương to lớn cho niềm tin của người dân. Đây cũng là nguồn cơn hình thành nên nạn bè phái, gây chia rẽ nội bộ, trù dập người tài, triệt tiêu các nguồn lực phát triển của tương lai. Nhìn cho rộng ra, nạn bè phái, nhóm lợi ích thân hữu phát triển sẽ triệt tiêu những cố gắng của Đảng và nhà nước ta trong việc phòng chống tham nhũng.

Trọng dụng hiền tài, siết kỷ cương

Thưa ông, vì sao trong dầu sôi lửa bỏng của chiến tranh, trong khó khăn chồng chất của những ngày đầu mới thống nhất đất nước, người cán bộ vẫn giữ được đức liêm chính của mình. Còn giờ đây, khi đời sống đã có hướng rộng mở hơn thì cán bộ lại "đâm hư" nhiều như thế?

Bản chất người cán bộ trước đây khi ra đi họ đã mang trong lòng tình yêu nước thương nòi son sắt rồi. Họ không thay đổi dù ở hoàn cảnh nào. Còn sau này, không ít người trong số đó dựa thế này lực kia mà lên chứ không phải đi bằng đôi chân và tấm lòng của họ. Họ luôn ghi trong đầu mình hàm ân với ông này, ông kia để phải trả ơn người đã cất nhắc họ, mang lại lợi ích cho họ chứ ít khi nghĩ đến người dân, đến nước trước. Một khi đã mang cái tâm thế này thì làm sao mà hết lòng vì dân, vì nước cho được.

Theo ông, cần có những giải pháp căn cơ nào để xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự vì nước, vì dân - cốt cách của người cán bộ mà Bác Hồ đã căn dặn?

Về công tác tổ chức, phải tiến hành thi tuyển người tài cho bộ máy chính quyền ở các cấp. "Môn lý lịch" chỉ là để tham khảo hoặc chiếm một phần rất ít trong điểm số thôi. Rất vui mừng khi gần đây chúng ta đã xác định sẽ tiến hành thi tuyển đến cấp vụ trưởng. Và xa hơn, tôi nghĩ nên tổ chức các hình thức mang tính cạnh tranh trong ứng cử, bầu cử những chức vị lãnh đạo cấp cao. Tất nhiên, điều quan trọng nhất để tìm kiếm người tài qua thi tuyển là ta tổ chức thi cái gì. Cần hướng tới việc để cán bộ thể hiện năng lực giải quyết những vấn đề thiết thực đặt ra ở từng cấp, ngành thi tuyển.

Thứ hai, cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo phải biết sử dụng và yêu quý hiền tài thực sự. Ông cha ta nói "Thần thiêng thì phải có thuộc hạ", người lãnh đạo muốn giỏi thì phải có hiền tài bên cạnh và phải biết sử dụng họ.

Và trên hết là phải mở rộng dân chủ và siết kỷ cương trong đội ngũ. Việc hình thành các cơ chế để phát huy dân chủ là hết sức quan trọng và đã hình thành thì phải áp dụng trên thực tế chứ không phải kiểu hình thức. Phải xem kỷ cương là chiếc neo lớn nhất để giữ cho riềng mối quốc gia không bị đục thủng. Có như thế thế nước mới vững bền để phát triển đi lên.

Xin cảm ơn ông!

Minh Cường (theo PLTP số Xuân Giáp Ngọ)

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt lại