Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đã tìm thấy phiến đá, mà theo truyền thuyết, Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng đã hóa tại đó, năm 1313

Trần Nhuận Minh
Thứ sáu ngày 14 tháng 2 năm 2014 5:20 AM
 

 

      
        Theo Trần triều hiển thánh (1900), truyền thuyết ghi lại ở thời  Nguyễn, thì Trần Quốc Tảng đóng quân ở Vườn Vải thôn Trắc Châu, tổng An Châu huyện Thanh Lâm, rồi mất tại đó, có để lại một phiến đá và một cái mũ đá làm “di vật”.  Theo sách Đền Miếu Việt Nam xuất bản gần đây, tỉnh Quảng Ninh chỉ có một ngôi đền có tên trong sách là đền Cửa Ông và về lai lịch Trần Quốc Tảng cũng viết là ông đã hóa ( mất ) trên cái phiến đá đó.
            Một số nhà viết sử đã có nhầm lẫn rất đáng tiếc, khi cho rằng, thôn Trắc Châu, tổng An Châu, huyện Thanh Lâm nay là phường Cẩm Phú, Cẩm Phả. Nhầm lẫn này, bắt nguồn từ Bùi Huy Bích ở thời Lê. Do đó, có người đã viết  là Trần Quốc Tảng đóng quân ở  Cửa Ông để bảo vệ vùng Đông Bắc, rồi dẫn quân ngược nước đánh trận Bạch Đằng từ ngoài hàng cọc Bạch Đằng. Có người còn viết, Trần Quốc Tảng và Trần Quang Khải dàn thủy quân trên Vịnh Hạ Long, để nếu quân Nguyên vượt qua được hàng cọc Bạch Đằng thì sẽ bị đánh tan ở đây, theo sự bố trí của Trần Hưng Đạo. Rồi  có người lại viết: Một chiều, Trần Quốc Tảng ngồi buồn bên biển, thấy có phiến đá nổi trước mặt ở Cửa Ông, bèn bước lên và “hóa” luôn trên đó... Và phiến đá đó ở vườn Vải, làng Trắc Châu, huyện Thanh Lâm,  hiện nay thuộc phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả. Trong sổ tay của tôi còn ghi một chuyện khác: Năm 1973, tôi đến thăm đền, ông thủ từ còn đưa tôi lên lăng Trần Quốc Tảng và nói Trần Quốc Tảng uất ức vì cha bắt đi đày, đã thắt cổ trên cây và chết tại đây. Dây thừng đứt, ông rơi xuống, dân thương quá, bèn vào làng tìm gỗ đóng quan tài, khi ra thì mối đã xông lên thành mộ, to như một cái đống, chỗ tôi đang đứng. Và ngay khi viết những dòng này, một vị quan chức người Cẩm Phả, nơi có đền Cửa Ông, còn nói với tôi rằng: khi xác ông rơi từ trên cây xuống, có 2 con hổ túc trực bên xác ông, vì thế ở  cửa đền Cửa Ông bây giờ, có hai con hổ đá thờ để ghi nhận điều đó. Tôi chưa kiểm chứng được điều đó có hay không và có đúng có sự tích đó hay không?  Nhưng tôi vẫn ghi ra đây làm tư liệu “điền dã”,  để thấy những tưởng tượng  rất phong phú của truyện dân gian, thể hiện lòng yêu kính của nhân dân Cẩm Phả  với Trần Quốc Tảng, và điều đó rất đáng được trân trọng, nhưng biến cái đó thành lịch sử thì lại là sai lầm, nếu không biết thì nên khiêm nhường mà học hỏi, còn đã biết mà cố làm cho bằng được thì phải gọi đúng tên của nó là sự lừa bịp. Nghị quyết Trung ương V khóa VIII của Đảng, vào cuộc sống rất có hiệu quả, đã tạo nên một đời sống phong phú về văn hóa tâm linh cho các tầng lớp nhân dân,  làm giầu thêm các giá trị tinh thần và đạo lí của dân tộc, nhưng sự biến tướng của nó – dù ít thôi – nhưng hiển nhiên là có – đó là sự thương mại hóa để kiếm tiền dưới các hình thức sang hèn khác nhau, mà thực chất là sự lừa bịp.
          Thực ra, địa danh Vườn Vải ở  làng Trắc Châu, xã An Châu, huyện Thanh Lâm, thì ai cũng biết , đó là làng Trắc Châu, xã An Châu, huyện Nam Sách, mới nhập vào TP Hải Dương. Điều đó đã được khẳng định từ tấm Bản đồ tỉnh Hải Dương do Pháp lập năm 1888 và trong sách Tên các làng xã Việt Nam từ thế kỉ XIX về trước, xuất bản năm 1819 ở thời Nguyễn, mà tôi đã nói. Ở tấm bản đồ tôi gửi kèm, các vị có thể đọc thấy tên làng Trắc Châu, mà người Pháp viết sai chính tả là Chắc Châu.
         Sách Đại Nam nhất thống chí , bộ sách thống kê địa lí của triều Nguyễn,  xuất bản năm 1910. Đến năm đó, năm 1910, vẫn chưa có tên đền Cửa Ông. Trong sách này có ghi một cái miếu là “Miếu cửa Suốt” ( do đọc chệch chữ Cửa Suất , tức “Suất ti tuần”,  thành Cưả Suốt - trạm hải quan ), mà theo tôi thì trạm này được nhà Nguyễn thành lập năm 1884 để thu thuế của Pháp sau khi triều Nguyễn bán vùng than Cẩm Phả cho Pháp năm 1883.  Theo bản đồ châu Tiên Yên do người Pháp lập năm 1888, có đủ tên các làng xã trong châu -  thì từ năm 1886, ở đây mới có tên xã Cẩm Phả trên bản đồ - chứ đến lúc đó –  1888 – còn chưa có chữ Cửa Ông. Xã Cẩm Phả được  hình thành, với tư cách là một đơn vị hành chính đầy đủ,  theo tôi là sau năm 1884, khi người Pháp thuê công nhân khai thác than ở vùng này.
        Theo sách Đại Nam nhất thống chí đã nói trên, xã Cẩm Phả chỉ duy nhất có  1 miếu thờ là “ miếu cửa Suốt  “– và chỉ thờ  duy nhất 1 người là  ông Hoàng Cần, người xã Hải Lạng ở thời Trần ”, được triều Nguyễn truy thăng là  Đông Đạo tiết chế. Bia đá của đền lập năm 1853, còn ghi lại được, nguyên văn như sau :
      “Miếu: Thờ thần Cửa Suốt. Tương truyền triều Trần, có bọn giặc răng trắng môi vàng, quấy nhiễu cướp bóc dân châu. Khi ấy có người xã Hải Lạng, họ Hoàng tên Cần, đem quân đi đánh dẹp. Người dùng gậy tre đánh tan quân giặc, đuổi đánh đến xã Vô Ngại, thì cắm ngược gậy tre xuống đất, nên từ đó đến nay, tre ở vùng này đều có đốt mọc ngược. Đền thờ ngài ở địa phận xã Cẩm Phả, tục gọi là miếu (... mất 3 hoặc 4 chữ không đọc được)... trước phong tặng Khâm sai Thái bảo Xuyên Quận công tôn thần. Sắc phong cũng trải qua (... mấy 3 chữ)... thất lạc. Đến vua bản triều, năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), châu nha đã sưu tầm được (mất 3 chữ)... Phàm dân trong châu, cùng tàu thuyền người Nam, người Bắc qua lại, cùng là quan dân địa phương đã đem gạo tiền làm lễ cầu đảo đều được ứng nghiệm. Năm Tự Đức thứ 6 (1853) được phong tặng làm Bản cảnh thành hoàng linh phù chi thần”
       Bản đồ châu Tiên Yên mà tôi nói trên và văn bản bia đá này, ông Kiều Quốc Huy, Bí thư huyện ủy Tiên Yên, hiện nay,  đã cung cấp cho tôi.
        Như vậy, chữ Cửa Ông có tên là  sau năm 1888, và tên đền Cửa Ông có tên là sau năm 1910.  Cửa Ông là tên cửa khẩu có Cá Ông Voi chết. Vì cá  Ông Voi là ân nhân của triều Nguyễn, đã cứu sống Nguyễn Ánh trong trận thủy chiến với quân Nguyễn Huệ - được vua Gia Long phong Đại tướng quân sau khi lên ngôi vua, năm 1802, và được thờ trong cả nước, phía Nam gọi là Nam Hải đại vương, phía Bắc gọi là Đông Hải đại vương. Đền Bến Đoan thờ Trần Quốc Nghiễn, ở TP Hạ Long hiện nay, cửa đền vào giờ phút này, vẫn bay lá cờ đại với 4 chữ “ ĐÔNG HẢI ĐẠI VƯƠNG” là đền thờ Cá Voi, trước năm 1913.  Và  nơi có cá Ông Voi chết,  việc chôn cất, bốc hót và quá trình thờ cúng, lập đền miếu, lăng mộ, cửa hải  quan, nhất nhất đều phải  tuân thủ theo nghi lễ quốc gia. Như vậy, cái tên Cửa Ông không phải là tên “đức ông Trần Quốc Tảng, được gọi  từ thời Trần ”,  như có nhà viết sử đã ghi và mọi người đều tin như vậy cho  đến nay
           Sách Ngữ văn địa phương Quảng Ninh, Nxb Giáo dục Việt Nam, in 12/2009, tập I, dạy chính thức trong nhà trường, trang 26, ghi nguyên văn: “… trước khi thờ Trần Quốc Tảng, đền Cửa Ông là miếu thờ Hoàng Cần, người địa phương…” là đúng. Theo tôi biết, đền này mới đưa Trần Quốc Tảng vào thờ, khoảng năm 1910. Gần đây, một đồng chí hiện là cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy Quảng Ninh nói trực tiếp với tôi ( vì tôi chưa xin phép đồng chí ấy, nên chưa nêu tên ra đây) rằng: “ Em đã nghiên cứu hồ sơ gốc, đền Cửa Ông thờ Trần Quốc Tảng mới có từ năm 1916, tức là sau năm anh đưa ra 6 năm. Em đảm bảo là hoàn toàn chính xác, vì lúc đó em là người trực tiếp làm việc này, là khảo sát các văn bản gốc các di tích để báo cáo cấp trên”. Căn cứ vào năm in Đại Nam nhất thống chí năm 1910 còn chưa có tên Đền Cửa Ông, tôi nghĩ là đồng chí cán bộ chủ chốt trên của Tỉnh ủy Quảng Ninh là một đảng viên trung thực. Có thể tin theo lời đồng chí đó là Đền Cửa Ông thờ Trần Quốc Tảng từ năm 1916. Như vậy, thiết tưởng là đã rõ.  
         Cái phiến đá và cái mũ đá, theo truyền thuyết là Trần Quốc Tảng đã hóa ( chết) trên đó, theo các ông Lê Mậu Cường, Nguyễn Hữu Phách và Nguyễn Văn Đức trong sách Chuyện cổ Nam Sách, hiện vẫn còn ở trong một cái giếng tại làng Trắc Châu, tổng An Châu, huyện Thanh Lâm, nay là huyện Nam Sách, vừa nhập vào TP Hải Dương. Tôi đã đăng ý kiến này trên báo Hải Dương Cuối tuần và ông An Văn Mậu, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương vừa mới gặp tôi (tháng 12 / 2013): “Sau khi đọc bài báo của anh, em đi khảo sát ngay và xác nhận: cái mũ đá và cái phiến đá anh nói đó, hiện vẫn còn, nó ở trong một cái ao, chứ không phải trong giếng như anh viết. Em đã lội xuống tận nơi, đo cái phiến đá đó bằng tay mình và thấy kích cỡ đúng như anh viết: dài 6 thước 4 tấc, rộng 2 thước 3 tấc”. Và miếu thờ Trần Quốc Tảng được lập tại đây,  có lẽ mới là miếu ( đền) thờ ông được lập  từ thời Trần.
      Ở huyện Thanh Lâm ( Nam Sách) trước đây, trong mỗi làng đều có ít nhất một cái “ao”, không ai được tắm rửa, giặt, gọi là “giếng” để lấy nước ăn. Hiện nay, các nhà đều có bể nước mưa và  giếng khoan, nên các giếng làng đều biến thành ao để nuôi cá. Vậy thì, cái phiến đá và cái mũ đá, tương truyền là “di vật” của Trần Quốc Tảng, trước ở trong giếng, nay ở trong ao, như Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương nói, cũng là dĩ nhiên. Chúng tôi dự kiến sẽ làm một bộ phim về những điều này cho mọi sự được rõ ràng.              
          Phát hiện mới, từ truyền thuyết tới hiện vật, sẽ làm phong phú thêm cuộc đời và chiến công của Hưng Nhượng đại vương Trần Quốc Tảng, và điều đó chỉ có ảnh hưởng tốt hơn đến việc thờ vọng ông tại đền Cửa Ông mà thôi. Việc thờ phụng  danh tướng Trần Quốc Tảng, dựng tượng Ông ở Cửa Ông, Cẩm Phả là rất đúng, rất hay, rất hợp ý trời lòng người, nhưng hà cớ gì cứ phải bịa ra cái mà cả đời Trần Quốc Tảng không có, mà hi vọng sự bịa tạc đó lại giáo dục được sự trung thực cho các thế hệ sau, chả phải là điều hài hước lắm lắm ru?
        Tôi nói điều đó, vì vài tháng nay, ở Quảng Ninh và Cẩm Phả Quảng Ninh, vẫn đang trình chiếu bộ phim Danh tướng Trần Quốc Tảng, do ông Nguyễn Chí Thăng và Nguyễn Trọng Minh, cùng các cộng sự của ông làm, rất tiếc là có sự tham gia của hai nhân vật rất đáng kính là nhà Hán Nôm học Hoàng Giáp và đặc biệt là nhà sử học nổi tiếng Lê Văn Lan. Một trong số những tác giả, người viết lời bình là nhà báo Tùng Bắc, một đạo diễn và làm phim trẻ, có tài ở Quảng Ninh, đã yêu cầu Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Ninh không phát lại phim này trong dịp tết Giáp Ngọ nữa, vì nhiều điều còn cần phải làm lại. Đó là một hành xử văn hóa rất đáng nể trọng.
       Trong phim Danh tướng Trần Quốc Tảng, hiện vẫn còn trình chiếu ở Cẩm Phả, trận phục kích ở Đông Triều, đầu năm 1288 của Trần Tung được bịa cho Trần Quốc Tảng. Công trình nghiên cứu đáng tin cậy nhất của ta hiện nay là cuốn sách Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỉ XIII, của hai nhà sử học Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm, Nxb Khoa học xã hội, 1988 ( tái bản nhiều lần) đã làm rõ việc này. Trong phim, dựng cảnh  cánh quân của Trình Bằng Phi đến Đông Triều, thì bị  Trần Quốc Tảng chặn đánh quyết liệt buộc phải quay lui về Vạn Kiếp” là sai rất to.  Hai tác giả, dẫn cả Nguyên sử, An Nam truyện - Bản kỉ (của chính tên tướng giặc Nguyên thua trận này là Ta Tru) An Nam chí lược, (của sử gia giặc đi theo quân Nguyên trong trận này là Lê Tắc), và đã để cả trang 290 và 291 thuật lại cụ thể. Trong  trận đánh giặc này, không có Trần Quốc Tảng, mà chỉ có một viên tướng duy nhất của nhà Trần là Hưng Ninh vương Trần Tung mà thôi (trang 267).
       Có rất nhiều sai lầm trong những thước phim này, mà sai lầm kì quái  nhất của kíp làm phim là khẳng định rằng, xã Trắc Châu, tổng An Châu, huyện Thanh Lâm ( tỉnh Hải Dương ) nay thuộc TP Cẩm Phả. Nếu không mắt thấy tai nghe thì không sao có thể tin được, trời đất ạ. Đến thế là trên không còn biết sợ trời, dưới không còn biết sợ đất, hai vai không còn biết sợ quỷ thần. Mà làm thế để làm cái gì cơ chứ? Không có cái đó, danh tướng  Trần Quốc Tảng vẫn cứ rất lớn lao, rất  đáng được thờ phụng, không chỉ ở Cẩm Phả... Tôi chỉ thấy xót xa, vô cùng xót xa...
         Cũng không có chuyện Trần Quốc Tảng -  là một trong rất ít người được phong đại vương ngay từ khi còn sống - ông là  anh vợ vua cha Trần Nhân Tông, bố vợ vua con đương kim hoàng đế Trần Anh Tông  bị đày xuống đây. Xin mời đọc Đại Việt sử kí toàn thư tập II, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1967, chương ANH TÔN HOÀNG ĐẾ ( nên nhớ Anh Tông hoàng đế là con rể Trần Quốc Tảng và Trần Quốc Tảng là anh vợ vua cha,  Thượng hoàng Trần Nhân Tông, và Thượng hoàng Trần Nhân Tông là bố vua  đương triều Trần Anh Tông), trang 96, dòng 2 - 3 từ dưới lên, ghi nguyên văn như sau: “ người bị lưu ra đây không thể sống được” đó thôi. Chả nhẽ riêng anh vợ vua cha, bố vợ vua con lại bị đày ra đây thì sống được?  Được làm nhà sử học ở Việt Nam sướng thật, muốn nói thế nào cũng được? Vì thế, càng không có chuyện Trần Quốc Tảng chết ở đây vì thắt cổ... hay vì bất cứ  lý do gì, và chết trên cái phiến đá ở Cửa Ông– mà ông Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương lại đã tìm thấy ở TP Hải Dương  - thì ông Nguyễn Chí Thăng, ông Nguyễn Trọng Minh và kíp làm phim của hai ông, tài thật là tài !
       Cũng đến bây giờ, ai cũng biết Trần Tung là bác ruột Trần Quốc Tảng, và Tĩnh Bang là đất vua Trần phong cho Trần Tung, chứ không phải phong cho Trần Quốc Tảng. Như vậy Trần Tung bác ruột chưa bao giờ là Trần Quốc Tảng cháu ruột và Tĩnh Bang cũng chưa bao giờ là Cửa Ông. Có hai ý kiến nêu ra: Tĩnh Bang ở Vĩnh Bảo, hoặc ở Thủy Nguyên, cả hai đều thuộc TP Hải Phòng. Tôi không dám bác lại điều này, vì còn phải tra cứu văn bản gốc là các sắc phong hoặc các văn bản có giá trị khoa học tin cậy. Tuy vậy vẫn xin nêu một địa chỉ mới, rất có thể là nó, như một giả thiết và điều đó còn cần phải được minh chứng thêm, đó là làng Vạn Niên, nay thuộc thị trấn huyện lị Nam Sách. Điều ấy dựa vào ba căn cứ mà tôi đã nêu trong bài báo TĨNH BANG, NƠI TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ – HƯNG NINH VƯƠNG TRẦN TUNG ĐƯỢC PHONG ĐẤT LÀ Ở ĐÂU ? đã đăng một số báo giấy và một số báo mạng ở trong và ngoài nước – nên tôi không nói ở đây -  để xin ý kiến chỉ giáo của các bậc cao minh. Rất đáng tiếc là nhà sử học Lê Văn Lan, rất đáng kính, trong phim trên lại khẳng định : Tĩnh Bang là đất phong cho Trần Quốc Tảng và Tĩnh Bang nay là Cửa Ông, thì tôi sợ quá. Nói theo ngôn ngữ “điền dã” của ngành sử học là tôi xin vái ông cả nón!
          Việc tìm thấy phiến đá theo truyền thuyết Trần Quốc Tảng đã mất ở trên đó, dẫu sao cũng là truyền thuyết, không phải là lịch sử và không nên biến nó thành lịch sử. Nhưng điều đó dạy ra rằng, trong tình hình nhiễu lọan nhiều giá trị như hiện nay, những vấn đề về lịch sử cần phải được thân trọng. Và những nhà sử học có tên tuổi, càng cần phải thận trọng khoa học hơn bao giờ hết,  khi thay mặt cho trí tuệ và lương tâm một ngành khoa học nghiêm khắc và rất đáng kính, với nhiều tên tuổi được trọng vọng lớn lao,  chỉ ra điều này điều nọ, vì nhiều người còn tin vào các ông để xác lập các giá trị cho hôm nay và có thể cho con cháu mai sau. Đừng vì bất cứ cái gì mà hạ thấp mình, viết thuê, nói thuê, chẳng may nhỡ có những sai lầm như trên, sẽ để lại nỗi tủi hổ bẽ bàng, rất khó xóa nhòa, cho chính mình và cho các thế hệ con cháu.