Trần Tung, anh ruột Trần Quốc Tuấn, được phong tước Hưng Ninh vương năm 1251, tu tại gia từ năm 13 tuổi, pháp danh là Tuệ Trung Thượng sĩ, được vua Trần Nhân Tông tôn làm thầy. Vì có công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, đặc biệt là việc chỉ huy trận phục kích tại chợ Đông Hồ (Đông Triều ) ngày 3/ 3 năm Mậu Tí (1288) đã góp công quan trọng vào chiến thắng Bạch Đằng, ông được vua Trần phong chức Tiết độ sứ Thái Bình năm 1289 và sau đó lấy đất Tĩnh Bang phong cho ông…
Vậy Tĩnh Bang là ở đâu?
Có một thời gian dài người ta cho rằng Tĩnh Bang là Yên Bang; rồi lại do nhầm lẫn Trần Tung với Trần Quốc Tảng (cháu gọi Trần Tung là bác ruột – bắt đầu từ Bùi Huy Bích ở thời Lê) là một người; rồi lại căn cứ vào chuyện dân gian rằng Trần Quốc Tảng bị đày xuống Yên Bang (mà Yên Bang cũng bị nhầm lẫn nốt là Cửa Ông bây giờ), nên có tài liệu ghi Tĩnh Bang là… Cửa Ông.
Nói đây là sự nhầm lẫn là bởi không có chuyện Trần Quốc Tảng bị đày xuống Yên Bang và Yên Bang cũng chưa bao giờ là Cửa Ông cả. Ngay Đại Việt sử kí toàn thư tập II, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1967, chương ANH TÔN HOÀNG ĐẾ ( nên nhớ Anh Tông hoàng đế là con rể Trần Quốc Tảng và Trần Quốc Tảng là anh vợ vua Trần Nhân Tông, bố Trần Anh Tông), trang 96, dòng 2 - 3 từ dưới lên, ghi nguyên văn như sau: “ người bị lưu ra đây không thể sống được” đó thôi. Chả nhẽ riêng anh vợ vua cha, bố vợ vua con lại bị đày ra đây thì sống được? Được làm nhà sử học sướng thật, muốn nói thế nào cũng được? Theo bản đồ châu Tiên Yên, do Pháp lập năm 1888, có đủ tên các làng xã, thì đến năm 1888, mới có tên xã Cẩm Phả, chứ chưa có tên Cửa Ông. Và ai cũng biết, nếu đọc Gia Định thành thông chí ( 1820) của Trịnh Hoài Đức ( 1765 – 1825), thượng thư bộ Hộ thời Gia Long, thượng thư bộ Lại thời Minh Mạng, thì ở triều Nguyễn, “Ông” trong “Cửa Ông” là chỉ trạm Cửa khẩu có cá Ông Voi chết, chứ không phải là Đức Ông Trần Quốc Tảng, như có nhà sử học đã viết và do đó nhiều người vẫn nghĩ.
Bác lại quan điểm Yên Bang là Cửa Ông, một số nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử đã đưa ra 2 địa chỉ, một là Yên Bang ở huyện Vĩnh Bảo, nhưng không nói căn cứ vào đâu; hai là ở chùa Linh Sơn, làng Minh Đức, huyện Thủy Nguyên. Địa chỉ thứ hai này do Nhóm biên soạn Nguyễn Huệ Chi – Bằng Việt đưa ra, trong phần về nhà thơ Trần Tung trong Tuyển tập thơ Thăng Long – Hà Nội một ngàn năm, tập I, Nhà xuất bản Hà Nội 2011, trang 169. Tôi rất tin cậy vào tính khoa học của công trình biên khảo này, nhưng có lẽ đây là sách Tuyển thơ, nên cả hai ông cũng không nêu căn cứ vào đâu. Như vậy cả hai đại chỉ trên, đều thuộc Hải Phòng.
Theo tôi, Tĩnh Bang không phải là Cửa Ông thì hẳn rồi, nhưng cũng không phải ở Hải Phòng như hai địa chỉ vừa nêu trên. Tôi nói vậy là dựa trên một số căn cứ sau đây. Căn cứ thứ nhất là bài Tựa Hành trạng Tuệ Trung Thượng sĩ trong sách Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục do chính vua Trần Nhân Tông viết lúc sinh thời (đây là một tài liệu đáng tin cậy). Trong đó vua Trần ghi: Sau khi nhận đất được phong, Tuệ Trung đã “đổi tên ấp Tĩnh Bang thành hương Vạn Niên”. Nhưng tiếc là không ghi Vạn Niên ở đâu. Căn cứ thứ 2 là tấm bản đồ tỉnh Hải Dương năm 1888 do người Pháp lập, có ghi đủ tên các làng xã, trong đó, sát phía đông huyện lị Thanh Lâm (Nam Sách) là hương Vạn Niên. Theo sách Tên các làng xã Việt Nam từ thế kỉ XIX trở về trước (1819), ngoài Vạn Niên ở Nam Sách ra, thì không có làng thứ 2 nào mang tên Vạn Niên cả. Làng này có từ thời thượng cổ đến năm 1945, hiện vẫn còn ngôi đình cổ rất nổi tiếng mà bảng chỉ dẫn thăm đình, cạnh đường quốc lộ Sao Đỏ đi Tiền Trung. Căn cứ thứ 3, theo Đại Việt sử kí toàn thư , bố phòng của quân đội nhà Trần thời đánh giặc Nguyên là: phía Nam Thăng Long giao cho Trần Quang Khải, đóng đại bản doanh ở Thanh Hóa; phía Tây Bắc giao cho Trần Nhật Duật, đóng đại bản doanh ở Yên Bái; phía Đông Bắc, giao cho Trần Khánh Dư, đóng đại bản doanh ở Vân Đồn ( Trần Khánh Dư nhận chức Phó đô tướng quân, cai quản vùng Đông Bắc từ năm 1282 đến khi qua đời, năm 1339 – Trần Quốc Tảng mất năm 1313 ở Thăng Long hoặc ở Hải Dương – theo truyền thuyết - trước Trần Khánh Dư đến 26 năm). Còn mặt trận trung tâm và kinh thành Thăng Long thì Trần Quốc Tuấn tự đảm nhận, đóng đại bản doanh ở Vạn Kiếp, cùng anh trai Trần Quốc Tuấn là Trần Tung và con rể là Phạm Ngũ Lão, từng đóng quân ở Nam ải Chi Lăng ( Ngũ Lão lấy con gái nuôi Quốc Tuấn, còn 2 con gái đẻ của Quốc Tuấn, đều lấy vua Trần Nhân Tông), các con Trần Quốc Tuấn là Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Hiện, Trần Quốc Tảng, Trần Quốc Uất, đóng quân ở các vùng bây giờ là các huyện thuộc Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang…Từ ba căn cứ trên, có thể thấy việc Trần Tung có đất phong ở Nam Sách, cũng như việc Trần Quốc Tảng đóng quân ở Vườn vải Trắc Châu, Thanh Lâm - Nam Sách – nay là TP Hải Dương - là có cơ sở.
Gần đây, trong phim Danh tướng Trần Quốc Tảng, do Quảng Ninh viết kịch bản lời bình và quay, nhân 700 năm sinh Trần Quốc Tảng, nhà sử học Lê Văn Lan, có lẽ do không tiếp cận các nguồn tư liệu mới, nên căn cứ vào hư truyền trong dân gian, đã khẳng định “Tĩnh Bang là đất phong cho Trần Quốc Tảng và đó là Cửa Ông”. Cho đến tận bây giờ, nhà sử học Lê Văn Lan vẫn còn nhầm Trần Tung là Trần Quốc Tảng thì sợ thật. Trước đây ít lâu, trong phim về Phật hoàng Trần Nhân Tông, chính ông Lan đã đứng trước chùa Hoa Yên ở Yên Tử, Uông Bí, chỉ tay xuống Tháp Tổ, nói như đinh đóng cột: “Trần Nhân Tông mất ở đây”. Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã viết một bài dài đăng báo Văn Nghệ phê phán ý kiến hàm hồ này của nhà sử học. Thực ra, Trần Nhân Tông mất ở am Ngọa Vân, Đông Triều, cách chỗ ông Lan đứng khoảng 40 km về phía Tây. Điều ấy Đại Việt sử kí toàn thư đã ghi từ năm 1497. Có lẽ nhà sử học cũng không đọc hoặc đọc rồi thì... quên chăng? Hiện nay, Đông Triều đang sửa sang am Ngọa Vân để đón khách thăm viếng Phật Hoàng. Vốn rất kính trọng ông, vì ông thường xuất hiện trước công chúng, mà tôi vô cùng xót xa khi mắt thấy tai nghe ý kiến của chính ông như đã nói trên, cũng như giáo sư sử học bậc thầy Đinh Xuân Lâm trong Từ điển danh nhân văn hóa dùng trong nhà trường, yêu cầu rất chuẩn xác, mẫu mực, do Nhà xuất bản Giáo Dục in, đã “viết vào giấy...” khẳng định bài thơ Phóng cuồng ca là của Trần Quốc Tảng, trong khi ai cũng biết, viên võ tướng Trần Quốc Tảng chưa từng bao giờ làm thơ và bài thơ đó là sáng tác của Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung, được vua Trần Nhân Tông biên soạn từ thời Trần trong tập sách Thượng sĩ ngữ lục. Có lẽ giáo sư Lâm cũng... không đọc chăng?
Tôi nêu vấn đề này, rất mong được các nhà có kiến văn cao minh, hoặc các vị có tư liệu tin cậy hơn, chỉ giáo cho.