Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tưởng nhớ Văn Cao

Vũ Duy Chu
Thứ sáu ngày 15 tháng 11 năm 2013 11:20 AM


Năm 1981 Nhà nước tổ chức một cuộc thi rất đặc biệt: Thi sáng tác Quốc ca.
Lúc ấy tôi không rõ nội dung thể lệ cuộc thi như thế nào, chỉ biết có rất nhiều nhạc sỹ tham gia. Đài Tiếng nói Việt Nam liên tục phát sóng các ca khúc dự thi rầm rộ, hình như hàng tháng trời. Có nhạc sỹ nào lại không muốn ca khúc của mình trở thành Quốc ca?
Tôi đang học năm cuối đại học, mải ôn thi nên không để ý đến dư luận xung quanh cuộc thi này. Tôi cũng không hiểu tại sao người ta lại phải thay Quốc ca do Văn Cao sáng tác?
Một bữa tôi ra Hà Nội thăm một người quen là cán bộ văn hoá. Anh mời tôi vào nhà rồi tiện tay tắt luôn cái đài treo trên tường đang hát ca khúc dự thi sáng tác Quốc ca.
Anh bảo: Nếu mỗi lần hát Quốc ca, người hát tặng Văn Cao một viên gạch thôi, thì có lẽ mọi con đường làng quê Việt Nam mình đã được lát gạch hết.
Làm sao tôi có thể nhớ mình đã hát Quốc ca bao nhiêu lần. Hồi học phổ thông chào cờ hát Quốc ca sáng thứ 2 mỗi tuần. Vào lính việc chào cờ và hát Quốc ca càng thường xuyên hơn. Tôi chợt nghĩ, không hiểu mình và bạn bè cùng trang lứa đã “nợ” ông Văn Cao bao nhiêu viên gạch.

Văn Cao viết Tiến quân ca cuối năm 1944, (sau này được Quốc hội chọn làm Quốc ca) tại một căn gác nhỏ ở Hà Nội, trong tâm thế của một thanh niên sớm giác ngộ cách mạng sục sôi nhiệt huyết. Trước Tiến quân ca, ông đã sáng tác Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca. Sau này, Văn Cao tâm sự rằng Quốc ca là sự hình thành của nhiều năm kinh nghiệm và một thời gian dài trăn trở. Khi viết ông chỉ nghĩ làm sao đáp ứng được yêu cầu của quần chúng, làm sao để dễ thuộc, dễ nhớ…Không khí kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn quân, toàn dân trong thời khắc sắp bùng nổ đã làm bà đỡ cho tác phẩm Quốc ca của Văn Cao ra đời.

Không hiểu sao những người tổ chức cuộc thi sáng tác Quốc ca đã không thể công bố kết quả sau cùng. Tôi cũng chưa được nghe một tác giả nào nói về tác phẩm dự thi của mình trên các phương tiện thông tin, một điều bình thường như mọi cuộc thi văn hoá nghệ thuật khác. Quốc ca của Văn Cao đã là một nhân chứng của lịch sử. Người hát Quốc ca là từ trái tim mình hát về hồn thiêng sông núi đất Việt, để tưởng nhớ những người đã vĩnh viễn ra đi vì độc lập dân tộc. Quốc ca đâu còn là tài sản riêng của Văn Cao nữa?
“ Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước”…
Có  lần đọc một tờ báo mạng thấy Nhà văn Nguyễn Đức Thiện nói về cuộc thi sáng tác Quốc ca hồi ấy. Lúc cuộc thi diễn ra, ông gặp Văn Cao và đã lỡ miệng hỏi nhạc sỹ sao những ca khúc vào chung khảo không thấy có ca khúc nào của ông. Văn Cao chậm rãi trả lời: Cậu đã thấy ai tự chôn sống con mình chưa?
Tôi viết những dòng ngắn ngủi này như thắp lên một nén nhang tưởng nhớ Văn Cao.

Sài Gòn, 12.11.2013
VDC