Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Kỉ niệm 100 năm ngày sinh Nhà văn-Giáo sư Trương Tửu

Trương Quốc Tùng
Thứ hai ngày 18 tháng 11 năm 2013 5:53 AM
NIÊN BIỂU NHÀ VĂN-GIÁO SƯ TRƯƠNG TỬU
        
- Họ, tên: TRƯƠNG TỬU
- Bút danh: NGUYỄN BÁCH KHOA, HOÀNG CANH
- Ngày sinh: 18. 11. 1913 (Quý Sửu)
- Nguyên quán: Làng Phú Viên, xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
- Thành phần gia đình: Dân nghèo thành thị, là con thứ ba trong gia đình có 7 anh chị em.

+ Năm 1923: Học tiểu học ở Hà Nội đến năm cuối (1927).

+ Năm 1927: Tham gia bãi khóa ở Hà Nội đòi thực dân Pháp thả Phạm Tất Đắc tác giả Chiêu hồn nước,  bị bắt và bị đuổi học.

+ Năm 1929: Thi vào trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng.

+ Năm 1930: Vận động học sinh trường Kỹ nghệ bãi khóa phản đối Ban Giám đốc bỏ các môn học lí thuyết về kĩ thuật, lại bị đuổi học.
- Về Hà Nội tự học hết chương trình trung học.

+ Năm 1931: Viết bài báo đầu tiên với nhan đề Triết lí Truyện Kiều đăng trên Đông Tây tuần báo của Hoàng Tích Chu, số tháng 11.

+ Năm 1932 - 1934: Dạy tư ở Hà Nội, bắt đầu nghiên cứu, phê bình văn học.

+ Năm 1935: Viết loạt bài phê bình văn học Việt Nam cận đại về các tác phẩm Nửa chừng xuân, Tố Tâm, Đoạn tuyệt... trên báo Loa, từ số ra ngày 25/7/1935.

+ Năm 1937: Tham gia Hội nghị vận động tự do báo chí tại Hà Nội và được bầu vào Thư ký đoàn.
- In hai tiểu thuyết: Khi người ta đói và Thanh niên S.O.S.

+ Năm 1938: Làm chủ bút tuần báo Quốc gia khuynh tả, vì đả kích Bảo Đại, triều đình Huế và Nghị viện nên bị truy tố trước tòa án Hà Nội và bị xử phạt.
- In tiểu thuyết Một chiến sĩ và hai tiểu luận: Uống rượu với Tản Đà, Những thí nghiệm của ngòi bút tôi.

+ Năm 1939: Lập gia đình với bà Nguyễn Thị Lai ở 71, phố Tiên Sinh, nay là phố Hàng Gà, Hoàn Kiếm, Hà Nội, làm nghề bán tạp hóa.
- In tiểu thuyết Khi chiếc yếm rơi xuống.

+ Năm 1940: Một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp văn chương của Trương Tửu: làm Giám đốc Văn chương và là linh hồn của Nhà xuất bản Hàn Thuyên (ở 71 Tiên Sinh, Hà Nội do nhạc phụ là cụ Nguyễn Xuân Giới đầu tư và ông Nguyễn Xuân Tái làm Giám đốc quản lí). Nhà xuất bản Hàn Thuyên chủ trương in sách của các tác giả có uy tín thuộc mọi xu hướng, đặc biệt có khuynh hướng tiến bộ và các tác giả tự chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình.
- In tiểu thuyết Trái tim nổi loạn, Một cổ đôi ba tròng, Đục nước béo cò.
- Tiểu thuyết Thằng Hóm bị chính quyền thực dân Pháp tịch thu ngay tại nhà in.
- Viết tiểu luận Tôi thắp hương chờ thế hệ nhà văn mới.
- Công trình nghiên cứu Kinh Thi Việt Nam bị chính quyền thực dân Pháp tịch thu.

+ Năm 1941: Điều hành Nhà xuất bản Hàn Thuyên.
- In tiểu thuyết Một kiếp đọa đầy.
- Chính quyền thực dân cấm tên Trương Tửu xuất hiện trên văn đàn nên ông phải sáng tác dưới bút danh Nguyễn Bách Khoa.
- Các công trình nghiên cứu, phê bình văn hóa - văn học của Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa có tiếng vang trên văn đàn, được đánh giá là người khởi đầu cho phương pháp phê bình văn học Duy vật – Mác xít ở Việt Nam.

+ Năm 1942: In công trình nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều.
- In hai tiểu thuyết Tráng sĩ Bồ Đề, Năm chàng hiệp sĩ.

+ Năm 1943: In hai công trình nghiên cứu Tư tưởng và tâm lí Nguyễn Công Trứ và Nhân loại tiến hóa sử.

+ Năm 1944: In hai công trình nghiên cứu Văn minh sử, Nguồn gốc văn minh.

+ Năm 1945: Tháng 5-1945 bị hiến binh Nhật lùng bắt phải đi trốn đến 19-8 mới về Hà Nội. Tập san Văn mới của Nhà xuất bản Hàn Thuyên bị phát xít Nhật tịch thu và cấm.
- Ngay sau Cách mạng tháng Tám, nhà văn Trương Tửu, lúc đó là Chủ tịch Liên đoàn Văn hóa Bắc Bộ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và bàn về phát triển văn hóa văn nghệ nước nhà.
- In công trình nghiên cứu Văn chương Truyện Kiều
- In tập tiểu luận Tương lai văn nghệ Việt Nam (Viết từ trước nhưng xuất bản sau Cách mạng tháng Tám).

+ Năm 1946: Dịch Tuyên ngôn Đảng Cộng sản.
- Cuối năm, sau khi chấm dứt hoạt động của Nhà xuất bản Hàn Thuyên và hiến nhà in Hàn Thuyên cho Cách mạng, Trương Tửu cùng gia đình và một số văn nghệ sĩ Hà Nội đi kháng chiến, vào vùng tự do Thanh Hóa, ở tại thôn Quần Tín, xã Thọ Ngọc, huyện Thọ Xuân. Tại đây hình thành một “Làng văn nghệ sĩ kháng chiến” với nhiều tên tuổi như Đặng Thái Mai, Sĩ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, Phạm Văn Đôn, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Tuân...

+ Năm 1947 - 1948: Tham gia sáng lập Đoàn Văn nghệ Kháng chiến Liên khu 4, được bầu làm Bí thư Đoàn (cùng các nhà văn Đặng Thái Mai và Nguyễn Xuân Sanh). Chủ biên Tạp chí Sáng tạo của Đoàn Văn nghệ Kháng chiến Liên khu 4. Làm Giám đốc các lớp văn hóa kháng chiến Liên khu 4 mở ở Thanh Hóa, giảng dạy về lí luận văn học và văn học hiện đại Việt Nam.
- In hai công trình nghiên cứu Phương pháp phê bình văn học và 40 năm văn học Việt Nam cận đại.

+ Năm 1949: Tham gia Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam ở Việt Bắc, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội. Thiếu tướng Nguyễn Sơn mời giảng dạy về văn học Việt Nam ở trường Thiếu sinh quân Liên khu 4.
- Cùng với Hải Triều tham gia sáng lập Chi hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở khu 4.

    + Năm 1950 - 1951: Làm Chi hội phó Chi hội Văn hóa Thanh Hóa, phụ trách các lớp tu nghiệp, bồi dưỡng văn nghệ sĩ Liên khu 3, Liên khu 4.
- Viết cuốn Văn nghệ bình dân Việt Nam và một số giáo trình giảng dạy về văn học Việt Nam tại các lớp văn hóa Liên khu 4.

+ Năm 1952 - 1954: Được nhà nước bổ dụng làm Giáo sư trường Dự bị Đại học mở ở Thanh Hóa (cùng với Cao Xuân Huy, Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Đặng Thái Mai...), giảng dạy văn học Việt Nam cho tới hòa bình lập lại (1954).

+ Năm 1955: Về tiếp quản trường Đại học Hà Nội, được bổ nhiệm Giáo sư tại trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm Hà Nội, giảng dạy về lí luận văn học và lịch sử văn học Việt Nam. Sáng lập và phụ trách bộ môn Ngữ văn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
- Nhà văn Trương Tửu sống cùng gia đình tại 53 Hàng Gà (Hà Nội), nơi gặp gỡ thường xuyên của nhiều văn nghệ sĩ, giáo sư đại học, trí thức lớn của đất nước như Đặng Thái Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Ngụy Như Kontum, Phan Khôi, Văn Cao, Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Huy Tưởng...
- Viết hai tiểu luận Chỉnh huấn là gì? Và Văn hóa nô dịch của đế quốc Mĩ và phe lũ.

+ Năm 1956: Tham gia phái đoàn Giáo dục Đại học Việt Nam tham quan nghiệp vụ tại Trung Quốc.
- Cùng các đồng nghiệp giáo sư đại học như Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường... kiến nghị một số chủ trương, chính sách mới về văn hóa, văn nghệ, giáo dục và kinh tế với Đảng và nhà nước. Không tham gia viết báo Nhân văn.
- In công trình nghiên cứu Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du.
- In hai tiểu luận Bệnh sùng bái cá nhân trong lãnh đạo văn nghệ và Văn nghệ và chính trị trên Tập san Giai phẩm của Nhà xuất bản Minh Đức.

+ Năm 1957:
- Tham gia Đại hội thành lập và là Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Tiếp tục giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội, được chính thức phong Giáo sư đợt đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng với  Đặng Thái Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Trần Văn Giàu...
¬- In công trình nghiên cứu Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam.

+ Năm 1958: Viết tranh luận Mấy vấn đề về văn nghệ và chính trị có ghi chú Thư ngỏ gửi hai ông Văn Tân và Nguyễn Hồng Phong, được coi là tác phẩm nghiên cứu phê bình văn học cuối cùng của Trương Tửu. Theo tư liệu để lại, tác giả có gửi cho Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam lúc bấy giờ.
- Tháng 4 bị thi hành kỉ luật, không dạy đại học nữa vì tham gia phong trào Nhân văn - Giai phẩm, bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn.
+ Năm 1959 - 1969: Bắt đầu học tập, nghiên cứu Đông y và cùng vợ hành nghề châm cứu tại 53 Hàng Gà, được bệnh nhân trong và ngoài nước tín nhiệm. Viết một số sách về châm cứu như Sổ tay thực hành châm cứu, Tí Ngọ lưu trú pháp... với bút danh Hoàng Canh.

+ Năm 1970 - 1990: Tiếp tục nghiên cứu và hành nghề châm cứu. Nghiên cứu triết học phương Đông, khí công, yoga, tử vi, Phật học, Khổng Tử, dưỡng sinh. Luyện tập và phổ biến dưỡng sinh. Hình thành ý định và bắt tay chuẩn bị viết bộ sách về Đạo dưỡng sinh.

+ Năm 1992: Lễ thượng thọ 80 được tổ chức trọng thể tại 53 Hàng Gà vào ngày 01/11/1992 với sự có mặt của nhiều bạn đồng nghiệp, học trò cũ nay đã thành danh và nhiều văn nghệ sĩ, trí thức tên tuổi. Chuyển chỗ ở về C5 Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội. Ngừng hành nghề châm cứu. Được mời dự lễ kỉ niệm 45 năm các khóa văn nghệ kháng chiến Liên khu 4.

+ Năm 1993 - 1995: Tập trung nghiên cứu dưỡng sinh. Nhen nhóm mong ước và soạn xong đề cương về ba tác phẩm dự định hoàn thành trong các năm cuối đời là Đạo Dưỡng sinh, Tổng kết nghiên cứu Truyện Kiều và Hồi kí. Sau quyết định không viết hồi kí nữa.

+ Năm 1994 - 1995: Bị đục tinh thể cả hai mắt. Mặc dù đã mổ và thay đục tinh thể, song mắt mờ dần, rất khó khăn trong đọc và viết, tai cũng bị điếc dần, làm việc phải qua thư kí và bằng hình thức ghi âm, viết chữ to.
- Trong không khí đổi mới, các buổi làm việc, gặp mặt, tiếp xúc của bạn văn, bạn đại học, học trò cũ, các chuyên gia châm cứu... từ khắp mọi miền đất nước được mở rộng thường xuyên, chân tình hơn.

+ Tháng 12-1996, đau đớn tiễn đưa người bạn đời thủy chung, đầy tình nghĩa về thế giới bên kia.
+ Năm 1997 – 1998: Mặc dù rất khó khăn về sức khỏe, đặc biệt mắt mờ, vẫn tiếp tục nghiên cứu về dưỡng sinh. Một số tác phẩm và bài viết được tái bản hoặc giới thiệu trong các bộ tuyển tập nghiên cứu, phê bình. Tác phẩm Tráng sĩ Bồ Đề được dựng thành phim...
- Nhà văn có được những niềm vui cuối đời về gia đình, con cháu: Con trai cả tiếp tục trưởng thành về công tác và sự nghiệp, được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động; hai cháu nội (một trai, một gái) tốt nghiệp Cử nhân kinh tế, thành lập gia đình và sự ra đời của hai chắt khỏe đẹp, thông minh.

+ Năm 1999: Sau một thời gian ngắn bị bệnh nặng, mặc dù được gia đình, người thân, các học trò cũ, các chuyên gia y tế tận tình chăm sóc tại gia, Nhà văn, Giáo sư Trương Tửu qua đời tại Hà Nội lúc 19 giờ 25 phút ngày 16/12/1999 (tức ngày 9/11 Âm lịch). Lễ viếng, hỏa táng và truy điệu được tổ chức trọng thể ngày 18-19/12/1999 tại Hà Nội với sự có mặt của đại diện nhiều cơ quan, trường đại học, các văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học có tên tuổi, nhiều thế hệ học trò mà nay phần lớn đã thành danh từ mọi miền đất nước, biểu thị sự thương tiếc, ngưỡng mộ và kính trọng đối với một Nhà văn, Nhà giáo, Nhà văn hóa đã bằng tài năng và nghị lực, phẩm giá và sự dũng cảm tạo lập nên một cuộc đời, một sự nghiệp không thể bị lãng quên.

+ Năm 2003: Bắt đầu tiến trình “phục hồi lặng lẽ” cho Nhà văn, Giáo sư Trương Tửu với sự kiện Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin xuất bản cuốn Phê bình khoa học của Nguyễn Bách Khoa do TS. Trịnh Bá Đĩnh giới thiệu và tuyển chọn.

+ Năm 2007, Nhà xuất bản Lao động và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông - Tây xuất bản Trương Tửu -  Tuyển tập Nghiên cứu, phê bình do hai PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn và Trịnh Bá Đĩnh giới thiệu và tuyển chọn bao gồm hầu hết các tác phẩm nghiên cứu, phê bình văn học của Trương Tửu - Nguyễn Bách Khoa. Nhân dịp này tại Trung tâm Văn  hóa Ngôn ngữ Đông Tây đã tổ chức cuộc gặp mặt tưởng niệm nhà văn Trương Tửu nhân 95 năm ngày sinh của ông. Tuyển tập Trương Tửu và buổi kỉ niệm đó có tiếng vang trong dư luận báo chí trong và ngoài nước.
- Xuất hiện nhiều bài viết đánh giá lại Trương Tửu một cách khách quan, trung thực trên sách nghiên cứu, báo viết, báo mạng; xuất hiện ngày càng nhiều các luận án Tiến sĩ, Cao học, Cử nhân ở các trường đại học nghiên cứu về Trương Tửu.

+ Năm 2008: Nhân dịp 95 năm ngày sinh của ông, khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học “Cuộc đời và sự nghiệp Nhà văn, Giáo sư Trương Tửu”.

+ Năm 2009: Nhà xuất bản Lao động và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản Trương Tửu – Tuyển tập văn xuôi do PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn giới thiệu và tuyển chọn.
- Tại Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây đã diễn ra Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất Nhà văn, Giáo sư Trương Tửu.

+ Năm 2010: Ngày 31/5/2010, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam ra quyết định số 346/ QĐHNV “Công nhận nhà văn Trương Tửu là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam” (đúng 52 năm sau ngày ông bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn Việt Nam).

+ Năm 2011 - 2013: Hội nhà văn Việt nam, Hội nhà văn Hà nội , Ban liên lạc Cựu sinh viên Văn khoa 1954 – 1957, Trung Tâm VHNN Đông Tây , Đài PTTH Vĩnh phúc, nhiều Tổ chức có liên quan và gia đình cùng nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học tích cực hoàn thành xuất bản sách Trương Tửu - Tuyển tập nghiên cứu văn hóa, chuẩn bị tổ chức Lễ Tưởng niệm 100 năm sinh (1913 - 2013) ,  Hội thảo khoa học , và làm phim chân dung về Nhà văn, Giáo sư Trương Tửu…
                   Hà Nội, 2002 - 2013
               Trương Quốc Tùng soạn


DANH MỤC TÁC PHẨM
 
TT    Năm     Tên tác phẩm    Thể loại     Nhà xuất bản
1    1931    Triết lí Truyện Kiều    Tiểu luận    Đông Tây tuần báo
(Tác phẩm đầu tay)
2    1935    Phê bình Nửa chừng xuân, Tố Tâm, Đoạn tuyệt    Phê bình    Tuần báo Loa (712/35)
3    1937    Khi người ta đói    Tiểu thuyết    NXB Tân Dân
4    1937    Thanh niên S.O.S    Tiểu thuyết    NXB Minh phương
5    1938    Uống rượu với Tản Đà    Tiểu luận    Đại Đồng thư xã
6    1938    Những thí nghiệm của ngòi bút tôi     Tiểu luận    Đại Đồng thư xã
7    1938    Một chiến sĩ    Tiểu thuyết    NXB Minh Phương
8    1939    Khi chiếc yếm rơi xuống    Tiểu thuyết    NXB Minh Phương
9    1940    Trái tim nổi loạn    Tiểu thuyết    NXB Văn Thanh
10    1940    Tôi thắp hương chờ thế hệ nhà văn mới    Tiểu luận    NXB Tân Việt
11    1940    Kinh Thi Việt Nam (bị thực dân Pháp tịch thu)    Nghiên cứu    NXB Hàn Thuyên
12    1940    Thằng Hóm (bị thực dân Pháp tịch thu)    Tiểu thuyết    NXB Tin mới
13    1940    Một cổ đôi ba tròng    Tiểu thuyết    NXB Tân Việt
14    1940    Đục nước béo cò    Tiểu thuyết    NXB Minh Phương
15    1941    Một kiếp đọa đầy    Tiểu thuyết    NXB Hàn Thuyên
16    1942    Nguyễn Du và Truyện Kiều    Nghiên cứu    NXB Hàn Thuyên
17    1942    Tráng sĩ Bồ Đề    Tiểu thuyết    NXB Hàn Thuyên
18    1942    Năm chàng hiệp sĩ    Tiểu thuyết    NXB Hàn Thuyên
19    1943    Tâm lí và tư tưởng
Nguyễn Công Trứ    Nghiên cứu    NXB Hàn Thuyên
20    1943    Nhân loại tiến hóa sử    Nghiên cứu    NXB Hàn Thuyên
21    1944    Văn minh sử    Nghiên cứu    NXB Hàn Thuyên
22    1944    Nguồn gốc văn minh    Nghiên cứu    NXB Hàn Thuyên
23    1945    Văn chương Truyện Kiều    Nghiên cứu    NXB Hàn Thuyên
24    1945    Tương lai Văn nghệ Việt nam    Tiểu luận    NXB Hàn Thuyên
25    1946    Tuyên ngôn Đảng Cộng sản    Dịch    NXB Hàn Thuyên
26    1948    Phương pháp phê bình văn học    Nghiên cứu    Đoàn VN KCLK4
27    1948    40 năm văn học Việt Nam cận đại    Nghiên cứu    Đoàn VN KCLK4
28    1951    Văn nghệ bình dân Việt Nam    Nghiên cứu    NXB Thanh Hóa
29    1955    Chỉnh huấn là gì?    Tiểu luận    NXB Minh Đức
30    1955    Văn hóa nô dịch của Đế quốc Mĩ và phe lũ    Tiểu luận    NXB Minh Đức
31    1956    Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du    Nghiên cứu    NXB Xây dựng
32    1956    Bệnh sùng bái cá nhân trong lãnh đạo văn nghệ;  Văn nghệ và chính trị    Bài viết    NXB Minh Đức
33    1957    Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam    Nghiên cứu    NXB Xây dựng
34    1958    Mấy vấn đề về văn nghệ và chính trị    Bút chiến    Chưa in
35    2003    Nguyễn Bách Khoa - phê bình
 Khoa học     Tuyển tập    NXB Văn hóa
Thông tin
36    2007    Trương Tửu -  Tuyển tập nghiên cứu, phê bình    Tuyển tập    NXBLao động&
TTVHNN Đông
Tây
37    2009    Trương Tửu - Tuyển tập Văn xuôi    Tuyển tập    NXB Lao động và
TTVHNN Đông
 Tây
38    2013    Trương Tửu – Tuyển tập nghiên cứu văn hóa    Tuyển tập    NXB Văn học và
TTVHNN Đông Tây
                
                  

Hà nội, 1992 - 2013
 Biên soạn: Trương Quốc Tùng







CUỘC HỘI ĐÀM GIỮA HỒ CHỦ TỊCH VÀ NHÀ VĂN TRƯƠNG TỬU,
ĐẠI DIỆN LIÊN ĐOÀN VĂN HÓA BẮC BỘ

5 giờ chiều hôm 07-09-1945 Ban Quản trị lâm thời Đoàn Văn hóa Bắc Bộ đang họp tại nhà Văn hóa (Hội Khai Trí Tiến Đức cũ), thì có tin điện thoại của Bộ Ngoại giao cho biết rằng cụ Hồ Chí Minh Chủ tịch Chính phủ lâm thời muốn hội đàm với đại biểu Đoàn Văn hóa khoảng 19 giờ.
Ba anh Trương Tửu, Thượng Sĩ, Nguyễn Đức Quỳnh, do anh Nguyễn Hữu Đang hướng dẫn, lên Bắc Bộ phủ để yến kiến cụ Hồ Chủ tịch.
Biết tiếng cụ đã lâu, lần đầu được gặp cụ trong bộ y phục quá giản dị, chúng tôi không giấu nổi sự cảm động; nét mặt gân guốc đôi mắt quắc thước, bộ điệu hồn nhiên bộc lộ một tinh thần tranh đấu cương quyết và một tâm hồn nhân đạo, chân thành.
Sau mấy lời giới thiệu của anh Nguyễn Hữu Đang, anh Trương Tửu nhân danh Chủ tịch Ủy ban Văn hóa lâm thời Bắc Bộ Việt Nam, chào mừng cụ Hồ, tán thành cuộc cách mạng dân chủ vừa đắc thắng và đặt lòng tín nhiệm vào tài năng sáng suốt của cụ trong công việc lãnh đạo dân tộc trên đường giải phóng.
Lời nói thủng thẳng và rành rọt, cụ Hồ cảm ơn anh em trong giới Văn hóa.
– Theo ý riêng của tôi, lời cụ Hồ nói, trong sự giải phóng dân tộc và kiến thiết một nước Việt Nam mới nhiệm vụ của các ngài trong giới Văn hóa cũng rất là nặng nề quan trọng. Dân tộc chúng ta đã bước sang một giai đoạn mới tất nhiên phải có một chính thể mới và một văn hóa mới. Khi chúng ta còn bị nô lệ thì văn hóa của chúng ta cũng mang nặng những dấu tích nô lệ. Bây giờ độc lập, văn hóa cũng phải có những dấu tích độc lập. Phải độc lập trước đã rồi văn hóa mới phát triển được. Dân tộc còn bị áp chế, hàng triệu đồng bào chúng ta vẫn còn chết đói đầy đường thì các ngài văn sĩ, thi sĩ, nghệ sĩ, các ngài có thể ngồi trong những tháp ngà mà sáng tác được không. Tôi mong rằng các ngài trong giới văn hóa nhận lấy rõ nhiệm vụ của các ngài trong lúc này là: củng cố nền độc lập của Việt Nam sửa soạn gây dựng cho đất nước một văn hóa mới. Ta phải làm thế nào cho văn hóa Việt Nam sẽ chiếm được một địa vị trong nền văn hóa thế giới”.
-    Thưa cụ, lời anh Trương Tửu đáp lại. Toàn thể anh em trong giới văn hóa chúng tôi, bao lâu nay, vẫn sống trong sự áp bức ngột ngạt của chính sách thực dân. Tuy vậy dù cường quyền áp bức đến bực nào, anh em chúng tôi cũng vẫn cố gắng vươn đến một ánh sáng, vươn đến độc lập và tự do. Ngày nay sự giải phóng của dân tộc đã thực hiện một phần rất lớn. Cái ánh sáng tự do cần thiết cho sự phát triển của Văn hóa mà chúng tôi hằng khao khát đã nhờ sự giải phóng ấy mà bắt đầu tưng bừng cho nên đối với chúng tôi, tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà trong lúc này cũng tức là tranh đấu cho sự giải phóng của nền Văn hóa Việt Nam.
 Cụ Hồ Chủ tịch gật đầu tỏ ý bằng lòng:
-    Bổn phận của các ngài là lãnh đạo tư tưởng của quốc dân, tranh đấu cho nền độc lập và kiến thiết một nền văn hóa mới. Cái văn hóa mới này cần phải có tính cách khoa học tính cách đại chúng thì mới thuận với trào lưu tiến hóa của tư tưởng hiện đại.
Cụ nói tới đây, thì anh Nguyễn Đức Quỳnh xin phép cụ trình bày một ý kiến:
-    Thưa cụ, lời anh Quỳnh nói, cụ đã nói đến tính cách khoa học của văn hóa mới, chúng tôi xin đề cập đến sự hợp tác của các nhà kĩ thuật chuyên môn trong công việc kiến thiết quốc gia. Theo chỗ chúng tôi nhật xét ít lâu nay thì các nhà kĩ thuật chuyên môn trong công việc kiến thiết quốc gia, hình như vẫn còn chút ít ngần ngại khi muốn hợp tác với Chính phủ để thi thố tài năng của mình. Họ là những người sống bằng kĩ nghệ và chỉ muốn làm việc cho kĩ thuật. Họ muốn được quyền đứng ngoài những xu hướng chính trị của đảng phái để phụng sự Tổ quốc.
Mặt cụ Hồ sáng hẳn lên. Cụ với tay cầm quản bút ghi trên một tờ giấy để trước mặt cụ (chúng tôi thấy cụ ghi bằng chữ Hán) cụ đặt quản bút xuống chậm rãi nói:
-    Tôi nhờ ngài thanh minh với tất cả những anh em trong giới kĩ thuật chuyên môn rằng: nước Việt Nam không phải của Việt Minh. Nước Việt Nam là của quốc dân Việt Nam. Chính phủ lâm thời hiện thời này không phải là của Việt Minh mà là của toàn thể quốc dân.
Cụ ngừng lại giơ tay phải lên như muốn xua đuổi một điều ngộ nhận của nhiều người đối với Chính phủ và nói tiếp:
-    Đấy ngài xem... Trong Chính phủ lâm thời có cả vua, quan, lại địa chủ cũng có, nông dân cũng có công nhân cũng có. Đây là một Chính phủ liên hiệp quốc gia, không có màu sắc quốc gia nào lấn áp cả. Lúc này bất kì người nào miễn là có tài và đừng phản cách mạng là có thể phụng sự được quốc gia Tổ quốc. Trong lúc chung quanh mình bao nhiêu người đói khát, mình có thừa thóc gạo mà lại cứ giữ bo bo lấy một mình thì thật là đáng chê trách. Người có tài cũng như người có nhiều thóc gạo, phải đem mà giúp ích cho đồng bào. Nếu có thể mà lúc này không đem tài năng ra phụng sự quốc dân thì không những quốc dân có quyền chê trách mà ngay đến chính người có tài đó cũng phải chê trách.
Chừng như có một ý kiến mạnh mẽ gì mới nảy ra trong óc cụ mặt cụ bỗng trở nên hân hoan và nghiêm trọng. Đôi mắt cụ như lắng sâu vào trào lưu tiến hóa của lịch sử và cụ hỏi:
-    Thật chưa bao giờ dân nước chúng ta có một sự đoàn kết rộng đến thế. Bổn phận của chúng ta ngày nay – bổn phận của các ngài là làm sao cho sự đoàn kết rộng ra, càng ngày càng sâu xuống phải củng cố sự đoàn kết ấy cho nó bắt rễ xuống, cho nó bền chặt mãi...
Cụ ngừng lại, cảm động gian phòng yên lặng.
Sợ mất thêm nhiều thì giờ của cụ, anh Trương Tửu liền tường trình đại cương công việc của Đoàn Văn hóa Bắc Bộ Việt Nam đang tiến hành:
1.    Tổ chức cuộc trưng bầy văn hóa.
2.    Dự thảo một chương trình của tuần lễ Văn hóa.
3.    Vận động đại hội nghị “toàn quốc” Văn hóa.
Nghe nói tiếng “toàn quốc” cụ Hồ gật đầu:
-    Đại hội nghị toàn quốc văn hóa... phải phải làm thế mới được. Từ trước đến giờ, chính sách thực dân Pháp đã chia rẽ chúng ta nhiều lắm rồi. Tôi mong rằng các ngài cố gắng làm được như thế, tổ chức mau chóng cuộc đại hội nghị Văn hóa toàn quốc, gây được mối liên lạc mật thiết của quốc dân và Văn hóa – Chính phủ sẽ giúp đỡ các ngài những phương tiện để thực hành công việc đó.
Câu chuyện đã kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Ông Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ mở cửa phòng bước vào, rút đồng hồ ở túi ra ghé tai cụ Hồ thì thầm... Chúng tôi đoán rằng Cụ sắp phải tiếp đoàn đại biểu của giới khác, vội đứng dậy. Anh Trương Tửu thay mặt anh em trong Đoàn Văn hóa, cảm ơn cụ một lần nữa. Cụ cũng đứng dậy, nhờ chúng tôi chuyển lời chào của cụ đến tất cả anh em trong Đoàn Văn hóa, và ngỏ ý mong anh em đoàn kết chặt chẽ với quốc dân để cùng tranh đấu cho sự giải phóng dân tộc.
Sau khi bắt tay cụ Hồ Chủ Tịch, chúng tôi lui về, trong lòng chan chứa cảm tình thành thực và tín nhiệm đối với cụ Chủ tịch Chính phủ lâm thời.
Đoàn đại biểu
ỦY BAN VĂN HÓA LÂM THỜI BẮC BỘ VIỆT NAM
(Tạp chí Tri Tân số 205, tháng 9-1945)



 
 


KỶ NIỆM VỀ CHA TÔI

                                     TRƯƠNG QUỐC TÙNG

            NHỮNG KỶ NIỆM KHÔNG QUÊN
Một ngày cuối đông năm 1999, Cha tôi Nhà văn, Giáo sư Trương Tửu đã ra đi đến cõi niết bàn để lại đằng sau một cuộc đời, một sự nghiệp không thể bị lãng quên, để lại cho chúng tôi những người thân, con cháu trong gia đình những kỉ niệm sâu đậm nghĩa tình
Những kỉ niệm về Cha tôi, đó là những kỉ niệm của tôi quãng thời thơ ấu ở  «Làng văn nghệ Quần Tín’’ thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Hồi ấy, những năm 1948 - 1950 tôi còn nhỏ lắm, mới ở tuổi lên năm lên bẩy. Khi kháng chiến bùng nổ, theo tiếng gọi của Cách mạng và Cụ Hồ, Cha tôi cùng nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi rời Hà Nội ra đi kháng chiến, quần tụ ở làng Quần Tín, tôi còn nhớ có các bác Nguyễn Xuân Sanh, Sĩ Ngọc, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Tị, vợ chồng hai bác họa sĩ Phạm Văn Đôn - Nguyễn Thị Kim, gia đình bác Vũ Ngọc Phan... Đó là những tháng năm thay đổi cuộc sống, những tháng năm đầy gian khổ nhưng vui vẻ. Gánh nặng gia đình nội ngoại hơn chục người trong đó có ông ngoại tôi tuổi gần 70, đè lên vai cha tôi, vừa lo toan cuộc sống cho gia đình, lo học hành cho con, lo công tác. Gia đình tôi qua đủ nghề: làm vườn, buôn tạp hoá, làm nón, thợ may và nghề nào cũng do cha tôi khởi sướng, lo toan để cuộc sống dần dần bình yên, no đủ, có nhà có vườn... Ở cái làng văn nghệ ấy, chúng tôi hình thành một lũ trẻ, con cháu văn nghệ sĩ, đàn đúm, chơi bời, quần tụ cùng nhau, rất nhiều người trong đám trẻ hồi ấy nay đã trưởng thành, đã thành danh. Tôi nhớ nhất mỗi khi trung thu đến, đúng đêm trăng rằm tháng 8, bọn chúng tôi được cha mẹ đưa đến nhà hai bác Phạm Văn Đôn - Nguyễn Thị Kim đón trăng. Ở đó chúng tôi được nhận những chiếc đèn ông sao xinh xắn, được hát hò, phá cỗ dù rất giản đơn và những đêm trung thu ấy, tôi lại được Cha tôi kể cho nghe những câu chuyện về chị Hằng, chú Cuội.
Hồi ấy do hoàn cảnh, tôi không đến trường Tiểu học mà học ở nhà do Cha tôi kèm cặp cho tới khi thi đỗ vào cấp II (lớp 5) mới đến trường. Tôi còn nhớ có thời gian bác Đặng Thai Mai bảo cha tôi cho tôi đến nhà để chị Đặng Thanh Lê con gái bác kèm học. Được ít ngày, do thường phải đi về lúc gần chiều tối, quãng đường đồi vắng hay bị lũ trẻ nhà quê trêu dọa, tôi xin cha cho ngừng học, có bữa tự bỏ học đi chơi. Cha tôi biết được bắt tôi nằm lên giường cho một roi ‘‘giơ cao đánh khẽ’’ nhưng đó là roi đòn đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất tôi nhận của cha, một người rất nghiêm khắc nhưng cũng yêu thương con vô hạn.
Hồi ấy cha tôi làm Bí thư Đoàn Văn nghệ Kháng chiến Liên khu IV (cùng bác Đặng Thai Mai, Nguyễn Xuân Sanh trong Ban Bí thư đoàn) đồng thời là Giám đốc Trường Huấn luyện Văn hoá Văn nghệ Liên khu III - IV, về sau lại tham gia giảng dạy tại Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV ở tận Nông cống. Công việc bận rộn nhưng Cha tôi vẫn chăm lo đến mọi việc gia đình, dạy tôi và ông anh họ hết chương trình Tiểu học. Khi Cha tôi đi công tác vắng nhà là cả nhà thấy có gì trống vắng. Đó là dịp Cha tôi được triệu tập đi họp Đại hội Văn nghệ toàn quốc ở Việt Bắc. Đi bộ hàng tháng đến Phú Thọ, đại hội xong lại đi bộ về hàng tháng trời, còn nhớ đặc sản mà Mẹ tôi chuẩn bị cho Cha tôi lên đường là một hộp ruốc và một hộp trứng đường. Mấy tháng sau, Cha tôi mạnh khoẻ trở về, vui vẻ kể chuyện đi bộ suốt trong rừng có bữa suýt bị hổ vồ và đem về một tin vui: Cha tôi được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội Văn nghệ Việt Nam.
Đến năm 1952, Cha tôi được bổ dụng làm Giáo sư dạy ở Trường Dự bị Đại học Thanh Hoá, cũng là lúc tôi vào cấp II. Hai cha con trọ ở Đu (Thanh Hoá), hơn một năm “cơm niêu nước lọ” cho tới khi cả gia đình chuyển từ Quần Tín ra chợ Đu, đến ngày hoà bình mới về lại Thủ đô Hà Nội. Đó là những ngày đầm ấm và yên vui của tôi cùng cha và cả nhà với niềm tin sắp tới ngày toàn thắng của cuộc kháng chiến chín năm, đó cũng là thời kì mà qua cha mình, tôi được tiếp xúc, biết đến nhiều nhà giáo, nhà văn, nhà văn hoá lớn của đất nước: các Giáo sư Trần văn Giàu, Cao Xuân Huy, Nguyễn Thúc Hào, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Đặng Thai Mai, nhà văn Nguyễn Tuân và một số anh chị học viên mà sau này cũng rất thành danh. Cũng trong thời gian này có buổi tối dưới ánh trăng lần đầu tiên tôi được cha nói chuyện về Nguyễn Du và Truyện Kiều, lòng say mê văn học nhen nhóm trong tôi có lẽ cũng từ những ngày ấy...
Năm1954, hoà bình lập lại, Cha tôi về tiếp quản Đại học Hà Nội rồi làm Giáo sư Trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm Hà Nội, còn tôi cùng gia đình ở lại Thanh Hoá cho tới khi tôi kết thúc năm học lớp 5 mới xuôi thuyền theo dòng sông Hồng qua Nam Định về bến Phà Đen một buổi sớm năm 1955. Đó là những ngày đầy hạnh phúc, hạnh phúc của kháng chiến thắng lợi, hạnh phúc được đoàn tụ, hạnh phúc được về với phố phường Hà Nội, hạnh phúc vì vinh dự của người kháng chiến trở về. Với tôi và gia đình đó còn là những ngày vinh hạnh, thành đạt của người cha. Ngôi nhà 53 Hàng Gà của Cha tôi là nơi gặp gỡ của nhiều nhà văn, nhà trí thức lớn, của nhiều sinh viên đại học giỏi được cha tôi yêu quí mà hầu hết sau này đã thành những nhà trí thức, nhà giáo, nhà khoa học lớn thành danh. Cha tôi được trọng dụng, đi làm đi dạy có xe ô tô đưa đón, sách được xuất bản ngày một nhiều, những ngày kỉ niệm lớn được mời ngồi trên lễ đài, rồi Cha tôi tham gia đoàn Giáo sư Đại học tham quan Trung Quốc... Tôi được nhận vào học trường phổ thông Hà Nội dành riêng cho con em cán bộ, cũng những ngày ấy vào tháng 9 năm 1956 đã bắt đầu một bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Hôm ấy vào một ngày tháng 8 năm 1956, đi dạy học về cha tôi báo một tin bất ngờ: tôi chuẩn bị đi tập trung để sang du học tại Cộng hòa Dân chủ Đức, đây là một sự quan tâm lớn của nước bạn, của Đảng và Nhà nước chọn cử gần 200 em học sinh là con em cán bộ cao cấp cho đi ăn học dài hạn để thành tài ở Cộng hòa Dân chủ Đức, nước Xã hội chủ nghĩa phát triển nhất hồi đó.
Cuộc chia tay đầy lưu luyến, có nước mắt của tôi, của Mẹ và có những lời căn dặn chân tình của Cha mà tôi nhớ mãi: “Con đi điều phải nhớ là giữ gìn sức khỏe, học giỏi, tìm hiểu văn hóa và văn minh của người Đức và không bao giờ được quên quê hương đất nước, để thành tài trở về phụng sự đất nước’’.
Tàu chuyển bánh, bóng Cha Mẹ tôi mờ dần, song tôi còn kịp thấy Cha rút khăn chấm nước mắt. Chính lúc ấy tôi đã khóc nức nở và cũng không ngờ rằng chỉ sau đó ít thời gian Cha tôi bước vào một quãng đời đầy khó khăn và sóng gió. Những năm tháng xa cách cha con, xa cách quê hương cứ qua đi rồi những tin về “Vụ án văn chương Nhân văn - Giai phẩm” dồn dập bay sang nước Đức, nơi tôi đang học phổ thông rồi sau ngày lên tiếp đại học. Ở cái tuổi 15 dạo ấy, tôi bàng hoàng bối rối và đau buồn. Cha tôi im lặng mãi, cho đến một ngày tôi nhận được lá thư với những lời tâm huyết mà đến nay tôi vẫn còn nhớ mãi.
“Bố rất buồn vì dù sao cũng đã đem lại cho con những điều đau khổ. Có lẽ giờ đây còn nhiều điều con chưa thể hiểu đặc biệt trong hoàn cảnh xa quê hương. Chỉ có một điều bố muốn nói với con bằng cả tấm lòng của một người cha: Những điều bố cùng các đồng nghiệp Giáo sư Đại học kiến nghị với Đảng, với Nhà nước về tự do dân chủ, về phát triển kinh tế, về lãnh đạo văn nghệ, về phát triển khoa học... có thể đúng và cũng có thể sai, nhưng với động cơ hoàn toàn trong sáng, chính trực với mong muốn đất nước ta ngày một phát triển, xã hội ta ngày một dân chủ và tự do hơn, chế độ ta ngày một vững bền...
Vì chân lí và lẽ phải, bố không sợ cường quyền, con hãy chờ, lịch sử sẽ chứng minh điều đó...”.
Có lẽ đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, đó vẫn mãi mãi là sẽ sống của Cha tôi. Tôi đã khóc nhiều khi đọc những dòng thư ấy và đến hôm nay, trong cuộc đổi mới và dân chủ, tôi càng hiểu hơn những lời tâm huyết ấy đã được nói lên trước đây hơn 40 năm.
Những kỉ niệm về Cha tôi gắn với những năm tháng cuối đời của Người, đồng hành với thời kì đổi mới của đất nước trong những năm 1990. Cuộc sống đã khá giả, con cái đã trưởng thành, hai đứa chắt nội, ngoại chào đời làm vui thêm cuộc sống của hai Cụ. Cùng với sự ngỡ ngàng và khâm phục tôi chứng kiến việc Cha tôi lao vào nghiên cứu lĩnh vực mới mẻ và thần bí: Về dưỡng sinh, về Yoga, về ăn chay, về Phật học, Đạo Lão, Khổng Tử, cũng không bỏ qua tử vi và bói dịch, tủ sách ngày một dày thêm về các lĩnh vực mới. Chủ nhật tuần nào Cha tôi cũng cùng 5 - 7 người bạn lớn tuổi và trẻ tuổi say sưa đàm đạo, tranh luận về những điều bí ẩn ấy với cái nhìn, cái nghĩ khoa học. Cuối những năm 1990, Cha tôi luôn nhắc lại ý muốn cuối đời hoàn thành ba tác phẩm lớn là: Đạo dưỡng sinh, Tổng kết về Truyện Kiều và Hồi kí. Chỉ tiếc rằng do sức khoẻ giảm sút, đặc biệt là hai mắt bị mờ từ năm 1995 - 1996 cùng với tang lớn của Mẹ tôi, Ông đã không hoàn thành đầy đủ được ba tác phẩm ấy.
Cuối năm 1992 có hai sự kiện đem lại cho Cha tôi niềm vui mới.
Đó là Lễ thượng thọ 80 tuổi của Cha tôi (ngày 1-11-1992) với sự hiện diện và chúc mừng của nhiều bạn đồng nghiệp, nhiều nhà văn hoá, văn nghệ sĩ, nhà giáo tên tuổi, nhiều thế hệ học trò mà nay rất nhiều thành danh. Tôi không quên giọng ngâm thơ sang sảng của Nhà văn Phùng Quán bài thơ Gửi Trương Tửu của Nguyễn Vĩ hôm ấy. Rồi đến lễ kỉ niệm 45 năm các lớp văn hoá kháng chiến Liên khu IV mà Cha tôi được mời dự, được tôn vinh, được mời phát biểu ý kiến với tư cách là người từng lãnh đạo Đoàn Văn hoá Kháng chiến Liên khu IV và Giám đốc Trường bồi dưỡng Văn nghệ Liên khu IV.
Đó cũng là những mốc sự kiện mở ra những năm tháng mới đối với Cha tôi. Ngày càng có nhiều đồng nghiệp đến thăm hỏi, đàm đạo như Giáo sư Hoàng Thiếu Sơn, Giáo sư Phan Ngọc, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, Giáo sư Hoàng Như Mai, Nhạc sĩ Văn Cao... Những dịp năm mới, những dịp ngày giáo Việt Nam,... căn nhà C5 Hoàng Cầu của Cha tôi đầy ắp tiếng chúc mừng, tiếng cười và hoa. Đó là những thế hệ học trò Đại học của Cha tôi, năm đó phần lớn đã ngoài 60 tuổi, rất nhiều người đã thành người nổi tiếng, nhiều người đã là giáo sư, nhà giáo nhân dân, tiến sĩ, giảng viên đại học, nhà văn... Tôi muốn nhớ đến các anh Văn Tâm, Nguyễn Đình Chú, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Văn Hoàn, Ninh viết Giao... đến các chị Bạch Diệp, Đặng Thanh Lê... và nhiều người khác.
Cũng bắt đầu xuất hiện những bài phê bình nghiêm túc về Trương Tửu – Nguyễn Bách Khoa, bắt đầu xuất hiện nhiều hơn việc tái bản các tác phẩm, bài viết của Cha tôi như Kinh thi Việt Nam, về Thạch Sanh, Vũ Trọng Phụng...
Một dịp Cha tôi đưa tôi xem hai quyển phê bình văn học mà Người mới được nhận biếu: đó là tập Nhà văn phê bình của hai tác giả Mộng Đình Chương và Đào Đức Sơn (NXB Văn học, 1996) và Tuyển tập phê bình, nghiên cứu văn học Việt Nam (tập III, NXB Văn học, 1997) của Nguyễn Ngọc Thiện.
Đây là lần đầu tôi được đọc những dòng đánh giá tương đối khách quan và khoa học về sự nghiệp văn chương của Cha tôi từ ngòi bút của những nhà phê bình văn học trẻ, kể cả sau này các bài tiểu luận của Đỗ Lai Thuý, Trịnh Bá Đĩnh... giúp tôi khẳng định một điều: Cha tôi có vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học Việt Nam cận đại, là một trong số ít người có công khai phá, mở đầu cho trường phái phê bình văn học theo phương pháp luận duy vật biện chứng ở nước ta, là một trong những nhà Mác-xit học đầu tiên trong nghiên cứu văn học ở Việt Nam.
Kỉ niệm về Cha tôi có lẽ nhớ mãi là những ngày cuối đời và khi Người ra đi, trong hai ngày 18 và 19-12-1999, hàng trăm đoàn đến viếng từ mọi miền đất nước, hàng trăm vòng hoa, thương tiếc, đưa tiễn Cha tôi về cõi trời vô tận. Rất nhiều đoàn của các Cơ quan, Trường Đại học... nhiều nhà văn hoá, trí thức, nhà giáo, nhà khoa học, quan chức có tên tuổi, là bạn văn, là đồng nghiệp, là học trò đã đến tiễn đưa Người.
Tôi không thể nào quên và cầm được nước mắt khi thấy Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú nghẹn ngào thay mặt các thế hệ học trò đọc lời tiễn thầy Trương Tửu trong buổi lễ truy điệu trọng thể với câu mở đầu đầy tâm huyết và xúc động: “Thầy ơi! chuyện đời, cái gì đáng qua đi sẽ qua đi, cái gi đáng còn lại sẽ còn lại, những vinh quang của Thầy là sẽ còn lại”.
Cha tôi ra đi thật thanh thản và có vẻ như Người đã biết trước và trùng với ngày giỗ thứ ba của mẹ tôi, đến phút cuối cùng Người vẫn đầy nghị lực và yêu đời.
Tôi còn nhớ mãi nét mặt rạng rỡ với nụ cười thoáng qua của Cha khi biết tin tôi được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, đó cũng là nụ cười rạng rỡ cuối cùng của Cha trên cõi đời này mà tôi được cảm nhận.
Về Cha tôi còn là kỉ niệm về những lời ghi trân trọng, tiếc thương của bao người trong sổ tang mà tôi xin ghi nhận với lòng biết ơn chân thành mãi mãi.
“Trương Tửu – Nguyễn Bách Khoa là nhà phê bình duy nhất của văn học Việt Nam trước 1945... nhà giáo văn học Việt Nam chủ chốt của Trường đại học văn khoa, người viết nhưng công trình sẽ còn mãi: Kinh thi Việt Nam, Nguyễn Công Trứ... Tôi viết điều này với ý thức trách nhiệm” (GS. Phan Ngọc).
“Các thế hệ sinh viên Đại học Sư phạm Văn khoa không bao giờ quên ơn dạy dỗ của thầy” (Đoàn cựu sinh viên Đại học Sư phạm Văn khoa 1954-1957).
“Vô cùng thương tiếc Giáo sư Trương Tửu, nhà nghiên cứu văn học, người thầy của nhiều thế hệ trí thức. Cao cả và vượt lên trên mọi sự thăng trầm, bất công và bạc bẽo, Giáo sư Trương Tửu đã để lại cho cuộc đời một tấm gương sáng về phẩm giá và lòng tự trọng” (TS. Lê Đăng Doanh – Viện trưởng Viện Quản lí Kinh tế Trung ương).
“Người thế ấy, sự nghiệp thế ấy, danh thế ấy, mà đời thế ấy... những gì còn lại sẽ còn lại, văn hoá, văn học Việt Nam sẽ còn ghi nhắc công lao và tên tuổi của Ông” (Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Huệ Chi – Viện Văn học).
“Ông mãi mãi là một trí tuệ uyên bác, một nhân cách lớn của thế kỉ XX này” (GS. Hoàng Thiếu Sơn).
 “Người im rồi, tên thơm còn đọng mãi” (Lê Đạt – nhà thơ)
Kỉ niệm về Cha tôi còn là sự ghi tạc nhiều lời căn dặn, lời dạy của Cha đối với riêng tôi cả trong những ngày tháng vinh quang lẫn những ngày thất sủng mà rất nhiều lời dạy ấy đã đi theo năm tháng suốt cuộc đời tôi, giúp tôi sống thành thân và thành nhân.
Cha tôi nói: “Vốn quí nhất của con người là sức khoẻ, trí thức và nhân cách”. Cha dạy tôi: “Phải biết ngoại ngữ vì đó là vũ khí, là chìa khoá mở cửa của tri thức nhân loại”. Nghe lời Người, tôi đã cố gắng đế biết một số ngoại ngữ. Có lần Người dạy: “Phải biết sống cương trực, không sợ cường quyền, chỉ sợ lẽ phải và chân lí và phải biết bảo vệ lẽ phải và chân lí dù phải trả giá đắt của cuộc đời”. Có lẽ Người không chỉ nói mà thực sự đã sống như vậy.
Một lần Người tâm sự với tôi: “Con không nhất thiết phải là đảng viên, nhưng con nhất thiết phải sống như một người cộng sản chân chính về trí tuệ, tình cảm và nhân cách”! Trong cuộc đời mình, tôi đã và sẽ thực hiện lời dạy ấy. Những năm cuối đời, khi nghiên cứu triết học phương Đông, Cha tôi thường khuyên mọi người trong nhà và những người thân quen: “Muốn có hạnh phúc 1. Phải khoẻ mạnh, 2. Phải sống lâu mà không già; 3. Phải có một nghề tinh thông để tự lập về kinh tế; 4. Phải có một vũ trụ quan, nhân sinh quan đúng làm kim chỉ nam cho toàn bộ cuộc sống của minh; 5. Phải ý thức được và điều khiển được mọi ý thức, cảm giác, tình cảm, hành vi trong suốt cuộc đời mình; 6. Phải có một phương châm xử thế tạo ra được sự hoà nhập cá nhân với mọi người, với cộng đồng và 7. Phải xây dựng được một gia đình hoà nhập, đầm ấm tình người”.
Hồi tưởng lại những kỉ niệm về Cha, tôi càng nhận thấy rằng cuộc đời ấy, sự nghiệp ấy sẽ sống mãi cùng năm tháng.
NHỚ CHA
Giao thừa Xuân Nhâm Thìn, năm 2012, khi thời khắc giao thoa của trời đất, trong sự tĩnh lặng sâu thẳm của không gian và của cả nỗi lòng, tự nhiên tôi thấy nhớ Cha đến nao lòng. Giờ này Cha ở nơi đâu trong cái thế giới vĩnh hằng ấy? Cha có nghe những vần thơ khai bút của con:
  69 tuổi đời nhớ tới Cha,
  Lịch sử vinh danh chẳng đợi chờ.
  Một đời dũng cảm vì chân lí,
  Thăng trầm tai họa với tài hoa.
Đã mười năm trôi qua, kể từ khi con viết những dòng kỉ niệm về Cha giữa mùa thu năm 2002. Mười năm ấy, đã có bao thay đổi của đất nước, của nhận thức, của khoa học, của đời sống Văn học nghệ thuật, của xã hội và gia đình... Vui có, buồn có, mừng có, lo có… Chỉ có  một điều không thay đổi – Lịch sử như dòng sông luôn cuốn về phía trước không ma lực nào có thể làm chảy ngược dòng!
Sự nghiệp của Cha cũng như dòng sông ấy và hòa vào dòng sông ấy.
Còn nhớ, có lần hình như sau dịp thượng thọ 80 tuổi, Cha đã trầm ngâm tâm sự cùng con: “Với những nguồn thông tin ít ỏi và một chiều như một đám sương mù che khuất, liệu sau này hậu thế có còn nhớ đến Cha và những người đã từng dũng cảm làm nên “cơn bão Nhân Văn - Giai Phẩm” - một phong trào đổi mới, dân chủ một thời của những người trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam?”.
Mười năm qua, tuy chậm chạp và lặng lẽ như thường thấy, có lẽ câu hỏi ấy đang có lời giải đáp. Lịch sử, đất nước không quên họ, qua những sự kiện văn hóa, qua sự trở lại của các tác phẩm của họ, qua những lễ kỉ niệm, tưởng nhớ, các hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của họ, qua các công trình nghiên cứu, các luận văn tiến sĩ, thạc sĩ, bài viết trong và ngoài nước về họ và về phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm… Ở nơi xa ấy, cha và các đồng nghiệp một thời của Cha có hay: Giải thưởng Hồ Chí Minh đã được trao cho các bác Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Văn Cao… Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cũng đã được trao cho các nhà thơ Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Quán... và nhiều người nữa từng tham gia Nhân Văn - Giai Phẩm dạo ấy... Đã diễn ra nhiều cuộc Hội thảo khoa học trang trọng, có tiếng vang ở trong và ngoài nước về Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Phan Khôi, Trần Dần, Văn Cao...
Với Cha, ở mức độ khác nhau, lịch sử, công chúng, người thân, học trò, các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ, trí thức, giáo sư đại học… thuộc nhiều thế hệ đã không quên Nhà văn, Giáo sư Trương Tửu - Nguyễn Bách Khoa.
Đó là GS. Phan Ngọc, người trợ giảng thân thiết của Cha thời ban đầu ở Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp Hà Nội. Là những học trò Văn khoa của Cha ngày trước nay đã thành đạt và thành danh trở thành những nhà văn, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, giáo sư đại học... hàng đầu của đất nước như các anh chị: GS. NGND Nguyễn Đình Chú, PGS. Nguyễn Văn Hoàn, GS. NGƯT Đặng Thanh Lê, GS. NGND Hà Minh Đức, GS. NGND Phan Trọng Luận, PGS. Ninh Viết Giao, Đạo diễn - NSND Bạch Diệp... Đó là các nhà nghiên cứu văn học có tên tuổi như GS. NGND Phương Lựu, GS. Phong Lê... Đáng ngạc nhiên và khâm phục đối với các nhà nghiên cứu văn học, văn hóa, cán bộ giảng dạy lớp sau chưa từng biết và gặp Cha nhưng đã có nhiều công trình nghiên cứu với sự quí trọng và tấm lòng với Trương Tửu như PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn, PGS. TS. Trịnh Bá Đĩnh, PGS. TS. Đỗ Lai Thúy, PGS. TS. Lã Nhâm Thìn, PGS. TS. Nguyễn Thị Bình, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện, PGS.TS. Trần Ngọc Vương, TS. Chu Văn Sơn,… Các nhà nghiên cứu, phê bình văn học như Phạm Xuân Nguyên, Lại Nguyên Ân, Thụy Khuê, Đoàn Tử Huyến, Thái Kế Toại, Văn Chinh, Nguyễn Cảnh Tuấn… Đến cả lớp trẻ đầy nhiệt thành và tri thức như Hoài Nam, Kiều Mai Sơn, Phan Mạnh Hùng...
Tên tuổi và sự nghiệp, công lao của Cha được nhớ tới và khẳng định trong rất nhiều bài viết của các anh chị đó dù là công trình nghiên cứu hay hồi ức kỉ niệm. Con xin trích gửi Cha một vài ý kiến đó:
“Con người và sự nghiệp Trương Tửu, những câu hỏi còn bỏ ngỏ… Giới nghiên cứu còn nhiều việc phải làm để phục hiện đầy đủ một sự nghiệp, một nhân cách độc đáo qua bao biến cố thăng trầm khiến ông gần với huyền thoại hơn là với lịch sử…” (PGS.TS. Nguyễn Thị Bình).
“GS. Trương Tửu là người thầy đầu tiên của nhiều sư biểu làm nên thế kỉ vàng của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ đây có thể thấy tầm cao và vóc lớn ở con người và sự nghiệp của GS Trương Tửu. Ông là một trong những nhà phê bình văn học đầu tiên ở Việt Nam theo quan điểm Mác-xit” (PGS.TS. Lã Nhâm Thìn)”.
“Trương Tửu là người sáng lập ra phương pháp Phê bình Khoa học, đánh dấu một cái mốc trong lịch sử phê bình văn học ở nước ta”. Với Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du,  Trương Tửu đã quán triệt tư tưởng chủ nghĩa Mác vào nghiên cứu Truyện Kiều” (PGS. Nguyễn Văn Hoàn).
“Tác phẩm Mấy vấn đề Văn học sử Việt Nam cùng Văn học khái luận của Đặng Thai Mai là hai công trình đặt nền tảng cho khoa học về phê bình văn học theo xu hướng Mác-xit ở Việt Nam” (PGS.TS. Trịnh Bá Đĩnh).
“Trương Tửu viết văn, viết phê bình, dạy học, hoạt động xã hội với phong cách say sưa, quyết liệt, thẳng thắn, hùng hồn áp dụng biện pháp duy vật vào nghiên cứu Truyện Kiều” (Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên).
“Cuộc đời Trương Tửu là một chuỗi những thăng trầm, những cuộc dấn thân trên tinh thần trung thực, tranh đấu vì học thuật và lẽ phải... Trương Tửu sáng tác khá nhiều và được coi là một trong các cây bút có phong cách trong làng tiểu thuyết trước Cách mạng tháng Tám” (PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn).
“Cần tiếp cận nghiên cứu một cách bài bản đối với Trương Tửu như một tác gia và như một nhân vật văn hóa lịch sử” (Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân).
“GS. Trương Tửu, một con người tràn đầy khí phách chân Nho phương Đông của một sĩ phu Bắc Hà. Tư tưởng văn học của Trương Tửu về cơ bản không mang tính chất trotskit” (GS. NGND Phương Lựu).
“Phải nói rằng, phê bình Truyện Kiều nói riêng và phê bình văn học nói chung đến Trương Tửu đã đặt một cột mốc mới trong Lịch sử văn học Việt Nam” (PGS.TS. Đỗ Lai Thúy).
“Thầy ơi, chuyện đời cái gì đáng qua đi, sẽ qua đi. Cái gì đáng còn lại sẽ còn lại. Những vinh quang của Thầy sẽ còn lại” (GS. NGND Nguyễn Đình Chú).
“Khối óc khổng lồ ấy, tư duy sắc sảo ấy, tấm lòng say mê văn chương ấy, tài năng hùng biện ấy đã để lại dấu ấn sâu đậm…” (GS. NGND Phan Trọng Luận).
“Cuộc đời Thầy, một thiên tài trong làng văn Việt Nam, nhưng như thân phận của không ít trí thức cổ kim, trải nhiều sóng gió. Cái vinh quang của Thầy là Thầy có bản lĩnh đã vượt qua được bao bất hạnh để lại nhiều công trình sẽ đứng mãi với thời gian” (PGS. Ninh Viết Giao)...
Đọc những dòng này, chắc Cha sẽ mỉm cười, dù đó chưa phải là tất cả, phải không Cha?
Mười năm qua cũng đã có khá nhiều sự kiện để nhớ tới Cha, vinh danh Cha, dù mới chỉ là bước đầu và lặng lẽ.
Đó là việc xuất bản Bộ Toàn tập Trương Tửu. Tập một: Trương Tửu - Tuyển tập nghiên cứu, phê bình; Tập 2: Trương Tửu - Tuyển tập văn xuôi và  tập cuối cùng Trương Tửu - Tuyển tập nghiên cứu văn hóa. do Nhà xuất bản Lao động , NXB Văn học và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây thực hiện và PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, PGS.TS. Trịnh Bá Đĩnh (Viện Văn học) tuyển chọn và giới thiệu.
Đó là Hội thảo Khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của Nhà văn - Giáo sư Trương Tửu được tổ chức vào tháng 11-2008 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội do Khoa Ngữ văn chủ trì. Đây là một Hội thảo trang trọng, chất lượng cao, được sự tham gia của đông đảo các văn nghệ sĩ, nhà phê bình văn học, giáo sư đại học, nhà báo… hàng đầu đất nước, có tiếng vang lớn trong và ngoài nước.
Đó là hàng trăm bài viết, luận án Tiến sĩ và cao học về Trương Tửu được thực hiện và công bố trên các diễn đàn trong và ngoài nước, kể cả việc trang mạng VietStudio của GS. Trần Hữu Dũng (Hoa Kì) mở mục Hồ sơ Trương Tửu.
Đó là cuốn phim tài liệu chân dung Nhớ Nhà văn, Giáo sư  Trương Tửu của Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Phúc được làm công phu với sự trân trọng và dũng cảm.
Đó là Quyết định của Hội Nhà văn Việt Nam công nhận Nhà văn Trương Tửu là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (tháng 5-2010), đúng sau 52 năm Cha bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn sau vụ Nhân Văn - Giai Phẩm (1958). Dù muộn nhưng vẫn còn hơn không, phải không Cha?
Đó là Chương trình tổ chức Lễ Kỷ niệm trang trọng 100 năm sinh  NV-GS. Trương Tửu do Hội Nhà văn Việt nam chủ trì vào đúng ngày sinh của Cha , 18/11/2013.
Trong những giờ phút, tháng ngày nhớ Cha, con kể cho Cha nghe những điều trên với mong muốn, ở tận nơi cõi trời xa, Cha sẽ luôn tin rằng, lịch sử, đất nước, công chúng, rất nhiều người mãi nhớ Cha, ghi nhận công lao của Cha đối với nền văn học, văn hóa và giáo dục nước nhà. Chân lí ấy, sự thật ấy không một ai, không một quyền lực nào có thể phủ nhận, xoá nhoà.
Và chúng con và rất nhiều người quí trọng Cha, quí trọng lẽ phải và sự công bằng, đang cố gắng tiếp tục khẳng định điều đó bằng việc chuẩn bị thật tốt cho Sự kiện kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Cha vào tháng 11 năm 2013 này.
Trong nỗi nhớ Cha, con xin thắp một nén hương bái lạy linh hồn Cha nơi cõi trời vô tận với tất cả sự thương yêu và kính trọng.
                                                          Hà nội, năm 2002-2013   
              

 
KỶ NIỆM VỚI THẦY TRƯƠNG TỬU
                                                    PGS. Ninh Viết Giao
        
 Tôi có hân hạnh được làm quen với thầy Trương Tửu từ đầu 1953. Hồi ấy có một năm Bộ Giáo dục chuyển năm học sang năm trời. Học hết lớp 8 cấp III năm học 1950 - 1951, học sinh phải học bổ túc một học kì vào cuối năm 1952 để chuyển sang năm trời cũng là năm học. Nhưng chỉ một năm, Bộ Giáo dục thấy ngay cái bất hợp lí của nó, lại bỏ năm học là năm trời mà chuyển lại năm học phải bắc cầu qua hai nửa năm trời như cũ.
Tốt nghiệp cấp III vào cuối 1952, chúng tôi lứa học sinh cấp III hồi ấy, lại phải học một học kì 4 tháng bổ túc nữa. Nói là học bổ túc song thực tế là ôn lại, đi sâu, mở rộng những bài đã học theo chương trình trong năm học mà chỉ các môn chính. Có môn thầy giáo lên lớp hệ thống, củng cố lại những bài đã học theo chương trình rồi ra bài tập cho học sinh về nhà làm. Còn nói chung, chúng tôi học theo lối tự quản nghĩa là bạn nào học khá môn nào đó, lớp giao cho về ôn kĩ, nắm vững rồi đến giờ lên lớp, thuyết trình trước anh em.
Đó là đối với các môn khác. Riêng môn Văn, học kì ấy các thầy dạy văn như thầy Bạch Năng Thi, thầy Vũ Bình,... đi chỉnh huấn ở Việt Bắc. Hiệu trưởng cấp III Nguyễn Thượng Hiền, thầy Nguyễn Văn Định cho nhân viên văn phòng gọi tôi và bạn Ngô Bá Cao lên phòng làm việc. Thấy chúng tôi ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, thầy ôn tồn nói: “Các thầy dạy văn ở trường ta đi Việt Bắc dự lớp chỉnh huấn dài ngày cả rồi. Các lớp 8 và 9 không có ai hướng dẫn. Nhà trường biết hai anh học khá, chịu khó ôn bài, hệ thống bài đã học, tuần một đêm, mỗi đêm 3 tiết, lên lớp hướng dẫn cho anh chị em”. Nhìn chúng tôi ngơ ngác lộ vẻ lo sợ, thầy nói tiếp: “Hai anh đừng ngại, nhà trường đã chuẩn bị cả rồi, có các anh bên Cao đẳng sư phạm như Lại Đức Khái, Nguyễn Văn Thành, Trần Văn Nhâm,... nhất là thầy Trương Tửu giúp đỡ”.
Biết là không thể từ chối, bạn Ngô Bá Cao nhận phụ trách lớp 9, tôi lớp 8. Thế là từ đó tôi có hân hạnh được gặp, được tiếp xúc với Thầy Trương Tửu.
*
*  *
Như vậy, bên cạnh trách nhiệm phải đảm bảo đầy đủ mọi công việc của một học sinh lớp 9 bổ túc, tôi còn phải ôn lại môn Văn lớp Tám, chọn những vấn đề chủ yếu, lên một kế hoạch 16 bài để hướng dẫn trong 16 tuần. Tôi phải soạn giáo án hướng dẫn những bài mà lúc bấy giờ là hóc búa đối với trình độ non nớt của tôi, như: ca dao, truyện kể, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Bà Huyện Thanh Quan, truyện Lục Vân Tiên,... Cứ mỗi tuần một bài, soạn xong, tôi phải gặp anh Khái, hoặc anh Thành, anh Nhâm,... để xin các anh góp ý, sửa chữa, bổ sung,... rồi về soạn lại, sau đó mới lên chợ Đu(1) gặp Thầy Trương Tửu, trình bày với thầy để xin thầy bày dạy, chỉ vẽ cho.
Hồi đó, nghĩ đến Thầy Trương Tửu, tôi thấy thầy cao vời vợi. Thầy đã viết bao tác phẩm như: Kinh Thi Việt Nam, Nguyễn Du và Truyện Kiều, Tâm lí và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Văn chương bình dân Việt Nam,... Thầy đã từng tranh luận với Thiếu tướng Nguyễn Sơn về Truyện Kiều. Những buổi nói chuyện thơ văn của thầy ở Hà Nội trước cách mạng rồi ở Cầu Bố, Rừng Thông, Thiệu Hoá, Nông Cống, Thọ Xuân,... (Thanh Hoá) trong những ngày kháng chiến chống Pháp, khán giả đông nghịt. Dư luận trong giới trí thức và học sinh khen Thầy viết hay, nhất là viết những bài phê bình văn học mà nói chuyện cũng rất hấp dẫn,... Cho nên lần đầu tiên từ Ngò lên chợ Đu, tôi phải nhờ anh Nhâm (đã tốt nghiệp CĐSP) đi cùng, để giới thiệu tôi với Thầy.
Gần trưa chúng tôi đến nhà Thầy. Cả nhà Thầy đang ăn cơm. Thật ngạc nhiên là thấy tôi, Thầy nói: “Giao đấy à! Sao đến chậm thế, ngồi ăn cơm luôn thể!”. Thì ra thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Định đã có thư giới thiệu tôi với thầy. Anh Nhâm nói: “Mình không phải giới thiệu nữa nhé”.
Hôm đó, không ngủ trưa, thầy đã tận tình góp ý về kế hoạch lên lớp hướng dẫn của tôi. Rồi thầy bày dạy cho tôi cách ôn tập, mở rộng bài đầu tiên là Ca dao Việt Nam từ bố cục của giáo án, những điểm cần nhấn mạnh, những khái niệm cần xác định rõ, nhất là phải bình giảng được một số câu cho hay. Thầy bảo: “Những 3 tiết, tức 180 phút, mà lại tập trung 2 lớp 8 làm một, hơn 100 học sinh, cậu phải hướng dẫn làm sao cho học sinh đỡ buồn ngủ dưới ánh đèn lù mù chứ! Vả lại, đây cũng là một cách tập sự để sau này ra làm thầy giáo đấy!”. Tôi như uống lấy lời thầy, chăm chú lắng nghe những lời góp ý và bày dạy của Thầy.
Đêm đầu tiên đến lớp hướng dẫn, tôi run lập cập, nhất là lại có cả anh Thành, anh Khái, anh Nhâm cũng đến nghe. Cùng là học sinh nhưng tại sao tôi lại dám đứng trên bục giảng dưới mái đình làng Ngò, dù gọi là hướng dẫn song thực ra là lên lớp cho học sinh. Hơn 100 khuôn mặt tuy dưới một lớp học nhưng đều là bạn học một trường, một cấp học, tất cả đều chăm chú nhìn tôi: chờ đợi, dò hỏi. Lúc đầu tôi nói không ra câu, dần dần tôi cũng trấn tĩnh lại. Được thầy góp ý, bày dạy tỉ mỉ, chu đáo; bài hướng dẫn về “Ca dao Việt Nam” của tôi hôm ấy có nội dung phong phú, nhiều điểm mới. Các bạn học sinh im lặng lắng nghe, ghi chép. Hết 180 phút, các anh Thành, Khái, Nhâm chạy lên đứng quanh tôi, khen tôi: “Được lắm. Không ngờ Giao lại khá đến thế!”.
Từ đó, không kể trời khô nắng hay mưa lạnh, cứ tuần một buổi, tôi mượn xe đạp của bạn hay cuốc bộ từ Ngò lên nhà Thầy ở vùng chợ Đu nghe lời bày dạy, chỉ bảo của Thầy để về soạn lại bài giảng, lên lớp hướng dẫn cho bạn bè mà là học sinh. Tôi nhớ nhất là những hôm Thầy bày dạy cho tôi về Cung oán ngâm khúc, về Chinh phụ ngâm, về Truyện Kiều và thơ Nguyễn Công Trứ. Vốn đã thích văn, nhờ những buổi thầy bày dạy ấy, tôi mê văn hơn, say sưa với môn văn hơn, sự hiểu biết về văn học được nâng cao hẳn lên.
Hết học kì học bổ túc lớp Chín đầu năm 1953, tưởng là sẽ không hoặc ít được gặp Thầy. Nhưng rồi Nhà nước cho mở tiếp lớp Dự bị Đại học. Vốn khá Toán, tôi nộp đơn thi vào Khoa học xã hội, trúng tuyển, tôi lại được học với Thầy không chỉ năm học Dự bị Đại học ở xã Dân Quyền bên phải Cầu Kè ở Thiệu Hoá, Thanh Hoá mà cả 2 năm sau, Đại học Sư phạm Văn khoa, ở Hà Nội.
Những ngày học Dự bị Đại học ở Thanh Hoá, mỗi tuần thầy lên lớp giảng về Văn học Việt Nam một đêm, không phải 3 tiết mà 4 tiết. Dưới ánh đèn lù mù, chúng tôi khi ngồi trong đình, khi ngồi ngoài sân, trước mắt là chiếc bàn xếp, nghe thầy đứng sau chiếc bàn nhỏ, chẳng cần đèn mà cũng chẳng có bài soạn hay giáo án, sang sảng giảng bài. Lựa chừng hết một tiết, thầy cho chúng tôi nghỉ mười phút rồi lại giảng tiếp. Qua 3 năm học với thầy, tôi thấy khi nào lên giới giảng bài thầy cũng đứng.
Ở Thanh Hoá, mỗi lần gặp tôi, thầy đều nói: “Giao không lên chợ Đu chơi, cô Lai (tên vợ thầy) nhắc đấy”. Trong năm học 1953 - 1954, tôi có lên nhà Thầy vài lần. Nhớ nhất là tháng 10 năm 1953, Thanh Hoá bị lụt to, nước rút, tôi và Hà Thúc Chỉ rủ nhau lên nhà Thầy thăm Thầy Cô, được Thầy Cô chiêu đãi bữa cơm ngon lành. Ra về cô lại dúi cho mấy cân gạo. Cảm động quá, Thầy cô thương trò quá, tinh ý quá, hai chúng tôi, nước mắt lưng tròng.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được kí kết, quân và dân ta về Thủ đô. Thầy trò chúng tôi cũng được về Thủ đô. Tại giảng đường ở đường Lê Thánh Tông, Thầy lại lên lớp, chúng tôi lại tiếp tục được nghe Thầy giảng bài.
Hai năm học ở Thủ đô, nhất là năm thứ ba, hầu như chủ nhật nào ba chúng tôi (Giao, Chỉ và một bạn bên khoa Sử là Phạm Cúc) cũng đi bộ hay đi tàu điện đến 53 Hàng Gà, nhà Thầy. Học bổng có hạn, chỉ 13kg gạo với mấy đồng bạc, hồi đó được Đảng và Nhà nước cho như vậy là quí lắm, nhưng chúng tôi đang sức ăn và cũng đang ra sức học, bụng lúc nào cũng thấy muốn ăn. Phần lớn sinh viên ở nông thôn trong mấy năm học đó, gia đình đều được “nâng lên” thành phần địa chủ, cha mẹ có cung cấp cho con được chút gì đâu. Đi học từ Khu học xá lên đường Lê Thánh tông, ngửi thấy mùi phở, mùi xôi sáng, thèm lem lẻm, nhưng khốn nỗi trong túi không có tiền. Thầy biết điều đó, nên chủ nhật nào Thầy cũng dặn lên nhà Thầy chơi, lên để Thầy cô “chiêu đãi” cho một bữa. Thương ba chúng tôi, Thầy không nói ra điều đó, cứ nói có việc này, có việc kia, và khi thấy ba chúng tôi vào nhà, Thầy nói như reo lên: “Ba cậu đến rồi, có việc này đây, hãy nghỉ tí rồi ăn cơm, ta sẽ bàn sau”. Nhưng rồi chẳng mấy khi Thầy bàn bạc với chúng tôi hay nhờ chúng tôi làm việc gì cả. Có ba lần, Thầy đưa ra vấn đề gọi là bàn với chúng tôi là lần Thầy chuẩn bị viết Giáo trình môn Văn Đại học, lần thầy đưa ra đề cương viết lại Nguyễn Du và Truyện Kiều, và lần cũng đưa ra đề cương viết lại “Văn chương bình dân Việt Nam”.
Tôi nhớ nhất mấy lần.
Tết 1955, biết gia đình tôi “được lên” địa chủ, 26 tháng Chạp gặp tôi, Thầy nói: “Tết này Giao không về Thanh phải không, mà có về được cũng không nên về. Nhớ lên Thầy ăn Tết và hưởng lộc của Thủ tướng.
Tôi và hai bạn cũng hoàn cảnh như tôi, giữa buổi sáng mùng Hai đến chúc Tết Thầy cô, Thầy bảo người nhà dọn cỗ Tết ra, ba chúng tôi ngồi vào bàn. Cùng ăn Tết với gia đình Thầy đầm ấm, vui vẻ, nhưng tâm tư tôi cứ nghĩ đến bố mẹ và người thân ở nhà. Có gì ăn không, hay là chỉ thắp mấy nén hương với chén nước lạnh trong căn nhà gọi là “quả thực” của nông dân để lại. Có lẽ hai bạn cũng có tâm trạng như vậy. Thấy mặt chúng tôi không vui, Thầy nói chuyện dân Hà Nội ăn Tết, các nhà văn viết về Tết ở Hà Nội trước đó. Thầy cũng kể chuyện tiếu lâm, chuyện đời thường cho chúng tôi vui. Quá trưa, trời se lạnh, đổ mấy hạt mưa xuân. Thầy bảo chúng tôi đừng đi đâu nữa, lên gác nghỉ, chiều sẽ hưởng lộc của Thủ tướng.
Chiều mùng Hai Tết, khoảng 16 giờ, chúng tôi xuống nhà, thấy trên cái bàn giữa phòng lớn, một chai rượu Tây, một hộp bánh kẹo, một tút thuốc lá,... đã được bày sẵn. Những bạn thân của Thầy, những người thân trong gia tộc Thầy,... đã ngồi sẵn. Thấy chúng tôi đi nhẹ nhàng xuống nhà, Thầy lên tiếng: “Nào các cậu sinh viên ngồi vào ghế đi. Chiều nay, nhà Thầy ăn Tết”. Thầy giới thiệu chúng tôi với khách và người thân trong gia tộc và ngược lại rồi Thầy bảo người nhà mở chai rượu Tây, bày bánh kẹo và thuốc lá ra đĩa. Cầm chai rượu, Thầy rót vào li mỗi người một chút. Rót hết lượt, Thầy cầm một li, đứng lên nói: “Đây là quà của Thủ tướng Phạm Văn Đồng biếu các giáo sư trong dịp Tết, nào chúng ta hãy mừng xuân và chúc mọi người trong chúng ta mạnh khoẻ. Chúng ta rất cảm ơn Thủ tướng và cũng chúc Thủ tướng mạnh khoẻ”. Nói xong, Thầy đi đến từng người chạm li. Tất cả những người ăn Tết ở nhà Thầy chiều hôm ấy đều đứng dậy cầm li để Thầy chạm li và chúc Tết Thầy, chúc Tết gia đình Thầy. Chạm li xong, Thầy mời mọi người ăn bánh kẹo và hút thuốc lá. Ba chúng tôi chỉ nhấp tí rượu và ăn bánh kẹo. Ngoài đường tiếng guốc khua rộn rã. Trong nhà Thầy, những người có mặt nói chuyện cũng rộn rã. Ba chúng tôi im lặng ngồi nghe.
Một lúc sau cỗ bàn lại dọn ra, buổi chiều thịnh soạn hơn buổi sáng. Thầy bảo: “Bánh chưng và bánh cốm Hà Nội ngon lắm đấy, ba cậu ăn thử xem sao!”. Bánh cốm Hà Nội thì ngon rồi, còn bánh chưng, bánh chưng gói bằng gạo nếp Cái quê tôi cũng ngon, song quả thực bánh chưng Hà Nội năm ấy ngon hơn nhiều.
Chập choạng tối, ba chúng tôi chúc Tết Thầy Cô lần nữa rồi chào ra về. Nắm chặt bàn tay chúng tôi, Thầy chúc lại và dặn: “Mai mùng Ba đến nhà Thầy nữa nhé! Có biết là mùng Ba Tết là ngày như thế nào không?”. Hai bạn đang lúng túng, tôi đáp: “Dạ thưa Thầy, “mùng Một tết Cha, mùng hai tết Mẹ, mùng Ba tết Thầy” ạ!”. Thầy nói đúng.
Rời khỏi nhà Thầy một đoạn, ba chúng tôi mỗi người đi một ngả. Riêng tôi, biết về đâu trong những ngày Tết, dân Hà Nội hay kiêng cữ này. Phải về Khu học xá thôi. Trời đã tạnh mưa, đường phố Hà Nội vẫn ướt át, trời vẫn se lạnh. Tôi bước chầm chậm trên các vỉa hè Hà Nội, từ Hàng Gà qua Hàng Da tới Hàng Bông đến Bờ Hồ rồi thẳng qua Hàng Bài, phố Huế, xuống Bạch Mai. Lòng tôi vô vàn cảm ơn Thầy đã tạo cho tôi ăn cái Tết đầu tiên xa nhà mà cũng ấm áp, vui vẻ. Thầy là đạo cha đạo mẹ, thương học trò như con, cảm thông sâu sắc với nỗi lòng của học trò trong cái ngày đầu xuân mà Thầy biết, trong đáy sâu thẳm của tâm can chúng nó chẳng vui vẻ tí nào.
Đi dọc các dãy phố, mùi thơm của hương trầm quyện với mùi thơm của hoa huệ từ trong các căn nhà thoang thoảng đưa ra, tiếng pháo đôi lúc vẫn còn nổ ran hoặc đì đẹt. Nhìn vào các ngôi nhà, gia đình nào cũng đang sum họp ăn uống hoặc chuyện trò. Một không khí ấm cúng làm xao xuyến lòng tôi. Mà tôi lại đi lang thang trên các hè phố Hà Nội giữa cái đêm mùng Hai tết không mấy người qua lại này. Tôi nhớ đến ông tôi, bố tôi, mẹ tôi, các em tôi, nhớ căn nhà thân thuộc của gia đình tôi,... Đêm nay như thế nào đây?! Về đến Khu học xá, tôi nằm vật xuống giường, nước mắt đầm đìa, thật xúc động biết ơn Thầy Trương Tửu và vẫn bâng khuâng nhớ đến ông tôi, bố mẹ tôi, gia đình tôi.
Lần hai vào tháng 3 năm 1956, Thầy đi tham quan Trung Quốc, mua quà về, Thầy cũng mời một số bạn bè và gọi một số sinh viên thân mến. Hôm ấy, bạn bè sinh viên đông hơn, tôi cũng có mặt và thấy Thầy rất vui. Thầy kể chuyện về những điều tai nghe mắt thấy bên Trung Quốc, các trường đại học bên Trung Quốc lúc đó, các nhà văn Trung Quốc mà Thầy được gặp như Quạch Mạt Nhược, Lão Xá,... nhất là Tướng Nguyễn Sơn. Thầy nói: “Nguyễn Sơn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Bắc Kinh, thế mà cũng “trốn” ra gặp mình và đoàn Giáo sư Việt Nam. Thấy mình, “lão” phấn khởi lắm, hàn huyên bao nhiêu chuyện trong cái thời gian ở Thanh Hoá của Giao. Lại uống rượu nữa chứ, mặc dù “lão” bị bác sĩ cấm ngặt. Tôi hỏi: “Thưa thầy, thế Tướng Nguyễn Sơn có tranh luận với Thầy về Truyện Kiều không?”. “Thời gian đâu mà tranh luận, nhưng “lão” nói: có nhiều ý kiến mới về Truyện Kiều, hôm nào gặp riêng Trương Tửu sẽ trao đổi”, Thầy trả lời.
Từ ngày có hân hạnh được quen biết Thầy và được Thầy thương yêu, hôm ấy tôi thấy Thầy thật sự vui vẻ. Thầy bảo bọn sinh viên chúng tôi có mặt hôm ấy: “Uống rượu đi, ăn bánh kẹo đi, các cậu. Rượu Mao Trạch Đông, bánh kẹo Mao Trạch Đông đấy!”.
Lần ba vào cuối tháng 8 năm 1956. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn khoa đầu tháng 7 năm 1956, do học khá, là một trong 10 sinh viên được Ban Giám hiệu giữ lại để làm Tập sự trợ lí giảng dạy. Nhưng sau nhà trường rút xuống 6, tôi và ba bạn nữa, kẻ ra dạy sư phạm trung cấp, người ra dạy cấp III. Trước ngày nhận quyết định của Bộ Giáo dục vào Khu IV lớp chúng tôi được dự một lớp Bồi dưỡng về Cải cách Giáo dục ở trường cấp III Chu Văn An, chuyển hệ thống giáo dục phổ thông từ 9 năm lên 10 năm. Sau đó chúng tôi được Bộ Giáo dục cho đi tham quan ở Hải Phòng, Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông và vịnh Hạ Long.
Đầu tháng 9-1956, trước vài hôm lên đường vào Vinh, tôi đến chào Thầy và hỏi ý kiến của Thầy khi về dạy cấp III. Thầy bảo: “Cậu học khá, lại có năng khiếu và cần cù chịu khó, nếu ở lại Hà Nội thì đi vào lãnh vực nghiên cứu văn học hiện đại, bây giờ về địa phương thì đi vào văn học dân gian”. Trầm ngâm suy nghĩ một lúc Thầy nói tiếp: “Trong văn học dân gian có một loại hình chưa ai khám phá, đó là câu đố. Ra dạy cấp III, cậu nên dành thời gian để sưu tập và tìm hiểu câu đố”. Rồi Thầy gọi với vào phòng trong: “Bà Tửu ơi, Giao lên chào để vào Vinh dạy học đấy. Bà kiếm gì để “liên hoan” Giao đi!”. Tiếng cô Lai vọng ra: “Có ngay, có ngay”.
Buổi cơm trưa hôm ấy, tôi khắc ghi những lời Thầy dặn tôi ra đời làm nghề dạy học phải cư xử ăn ở với đồng nghiệp, với học sinh, với phụ huynh học sinh,... như thế nào. Tiễn tôi ra cửa, nắm lấy tay tôi, bất giác Thầy bảo: “Cải cách ruộng đất đã sửa sai rồi đấy, qua Thanh Hoá nhớ về thăm gia đình nhé!”. Sững người lại, tôi nhìn Thầy, không ngờ Thầy lại chu đáo đến thế.
Nhưng ngày vào Vinh, tôi không làm được điều Thầy dặn. Bởi hành trang của tôi còn có hai bồ sách và trong túi chỉ đủ tiền ăn đường. Mãi hơn tháng sau khi được Ban Giám đốc Giáo dục Liên khu IV bổ về dạy cấp III Huỳnh Thúc Kháng và đã nhận tháng lương đầu tiên, tôi mới ra Thanh Hoá, về thăm nhà. Ôi! Tâm trạng của người con xa nhà hơn hai năm, nay về thăm nhà sau sửa sai Cải cách ruộng đất! Gia đình xuống thành phần trung nông, ông đã mất, những người ruột thịt còn đó, nhưng... tôi oà khóc.
Về dạy cấp III Huỳnh Thúc Kháng, tôi được Ban Giám hiệu cử làm Tổ trưởng chuyên môn môn Văn. Năm học 1956 - 1957, trên miền Bắc, mỗi tỉnh chỉ có một trường cấp III, học kỳ I, tháng nào tôi cũng phải ra Hà Nội họp tổ trưởng chuyên môn môn Văn để phản ánh tình hình giảng dạy môn Văn và tiếp thu sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục. Họp xong là tôi đến 53 Hàng Gà thăm Thầy.
Nhưng rồi sau đó, cuộc đấu tranh chống Nhân văn Giai phẩm diễn ra, bao lời đồn thổi về Thầy và các thầy Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường,... bị liên lụy như thế nào và tôi cũng bị ảnh hưởng. Nặng nề lắm!
Một lần ra Hà Nội gặp bạn Cao Huy Đỉnh học cùng lớp, đang làm Trưởng ban Văn học Dân gian ở Viện Văn học, tôi hỏi về Thầy, bạn Cao Huy Đỉnh nói: “Thầy Trương Tửu và một số thầy khác bị lôi thôi rồi, không được dạy Đại học nữa, Giao chưa nên đến thăm Thầy...”. Tôi biết hai chữ “chưa nên” như thế nào, “chưa nên” đến thăm Thầy, nhưng tôi vẫn đi qua phố Hàng Gà, đứng nhìn số nhà 53, lòng nặng trĩu tình thương Thầy và nỗi ái ngại cho Thầy.
Bao lần khác tôi đều như vậy. Nhưng có một buổi chiều mùa đông năm 1968, trời lạnh lẽo và xám xịt, tôi đánh bạo vào thăm Thầy. Nhà dưới, nhà trên có nhiều giường bệnh. Thầy đang làm nghề châm cứu để kiếm sống. Tôi chào Thầy và Cô. Thấy tôi vào, Thầy dừng tay chữa bệnh cho bệnh nhân, đưa mắt đăm đăm nhìn tôi rồi hỏi: “Giao đấy à? Cậu qua cửa có ai hỏi gì không? Có ai nhìn thấy cậu không?”. Tôi thưa với Thầy là “không”. Thầy hỏi tiếp: “Lâu nay ra sao? Có “bị” gì không? Tôi thưa với Thầy là “cũng hơi hơi thôi ạ!”.
Trong khi Thầy nói chuyện với tôi bằng giọng vô cùng xúc động thì có hàng chục bệnh nhân nhìn Thầy, kẻ chờ khám bệnh, người chờ chữa bệnh. Cầm bàn tay tôi, Thầy nói: “Hôm nay là ngày khám bệnh và chữa bệnh, Giao thấy đấy, Thầy bận lắm. Này nhé, chiều thứ năm (bởi hôm đó là thứ ba) đến nhà Thầy được không?”. Cô Lai dặn với theo: “Nhớ Giao nhé!”.
Chiều thứ năm, họp xong, trời vẫn lạnh, vẫn xám xịt lại thêm mấy hạt mưa lâm thâm, tôi vội vã đến nhà Thầy. Thầy đang ngồi cạnh cái bàn mà mấy năm trước Thầy trò cùng chuyện trò, cùng ăn cơm. Tưởng là Thầy sẽ kể lại những nỗi đắng cay, gian truân, giông bão vừa trải qua để Thầy phải “bẻ bút”, nhưng không, Thầy né tránh, coi như tôi đã biết cả rồi, chỉ kể qua loa, rồi hỏi về tôi: “Dạy dỗ học trò ra sao? Gia đình như thế nào? Có sưu tầm nghiên cứu được gì không? Tôi lựa lời thưa với Thầy về công tác giáo dục mà tôi đã đảm nhiệm, một số công trình nghiên cứu về văn học dân gian mà nghe lời Thầy tôi đã biên soạn đã cho xuất bản như: Câu đố Việt Nam (1958), Hát phường vải (1961), Hát giặm Nghệ Tĩnh (1963, cộng tác với ông Nguyễn Đổng Chi),... rồi hoàn cảnh gia đình cũng đã trở nên tốt đẹp. Thầy khen tôi có nhiều cố gắng. Chỉ cô Lai nói một câu: “Mấy năm qua Thầy khổ tâm lắm đấy Giao ạ!”. Chia sẻ sâu sắc với Thầy bao nỗi xót xa của một Giáo sư, một nhà nghiên cứu phê bình văn học thông minh, tài ba, sắc sảo, đứng hàng đầu của quốc gia, đang ở độ chín mùi, đang có dự định viết bao công trình về nghiên cứu văn học, thế mà phải “bẻ bút”, lại né tránh nói lại những nỗi chua xót đó, lòng tôi tê điếng. Sắp đến giờ tàu chạy, tôi phải ra ga để vào Vinh. Chia tay Thầy hôm đó, vừa gạt nước mắt vừa nghẹn ngào nói mấy tiếng: “Em về Thầy nhé, cô nhé!”.
Sau đó tôi có đến 53 Hàng Gà một lần nữa nhưng cửa đóng. Rồi chiến tranh phá hoại miền Bắc do Mĩ gây ra, bom đạn ác liệt, đường sá cách trở, từ Nghệ An xa xôi, tôi ít ra Hà Nội.
Năm 1975, sau đại thắng mùa xuân, đất nước được thống nhất, tôi mới ra Hà Nội. Đến nhà Thầy thăm Thầy, thấy tôi cả Thầy và Cô đều reo lên: “Giao đấy à? Mấy năm bom đạn không can gì chứ? Gia đình ra sao? Vợ con có khoẻ không?”. Cô Lai nói: “Thầy nhắc đến Giao luôn đấy!”.
Thầy mặc bộ quần áo bà ba màu nâu nhạt, tóc vẫn cắt kiểu tănggô, vẫn để ria mép, trông thấy già hơn một chút, song giọng nói vẫn sang sảng. Tôi cũng lựa lời thưa với Thầy là trong mấy năm bom đạn, tôi và gia đình vẫn an toàn. Tôi khoe với Thầy là ở Nghệ An được ông Bí thư Tỉnh uỷ Võ Thúc Đồng chiếu cố cho một đặc ân là đi rong ruổi trong khắp làng xã để sưu tầm, nghiên cứu về văn hoá, văn nghệ dân gian trong 4 năm, nhờ đó mà đã ra thêm được mấy đầu sách như: Thơ văn Xô viết Nghệ Tĩnh, Truyện cổ Thái, Ca dao xứ Nghệ, v.v... Thầy khen tôi giỏi, được “đi” như vậy là hạnh phúc đấy. Đó là năm 1985. Thầy nói: “Mình đang nghiên cứu khí công, Yoga, dưỡng sinh, Phật học, thực hành luyện tập Yoga, Dưỡng sinh,...”. Thầy bày cho tôi mấy phương pháp tập luyện như sáng mai ngủ dậy nằm trên giường tập các động tác đạp và quay pêđan xe đạp, kéo gầu nước, thở hít không khí sao cho có tác dụng.
Năm 1989, được bầu vào Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, lần nào ra họp tôi cũng đến nhà Thầy thăm Thầy, nhất là từ ngày Thầy không ở 53 Hàng Gà nữa, xuống C5 Hoàng Cầu.
Năm 1994, một lần đến thăm Thầy, sau một hồi trò chuyện, Thầy nói: “Trong số sinh viên cũ, Thầy thấy Giao cần cù, chịu khó, đã có nhiều công trình sưu tập, nghiên cứu về văn hoá văn nghệ dân gian được công bố; cậu có thể ra Hà Nội sống với Thầy vài năm được không, ở hẳn nhà Thầy, Thầy nuôi cho. Gần đây Thầy nghĩ được nhiều ý hay lắm về Tục ngữ Việt Nam, những khi Thầy trò đàm đạo, trao đổi với nhau, thấy có ý gì hay, cậu ghi lấy, cố gắng viết cuốn Tục ngữ, túi khôn của người Việt Nam. Tôi thưa với Thầy là hiện đang làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An, nhiều công trình đang đeo đuổi. Nhưng sẽ cố gắng thu xếp, ra Hà Nội lần sau, sẽ thưa với Thầy.
Giữa năm 1995, trong người tôi có dấu hiệu bị bệnh hiểm nghèo, ra bệnh viện K Hà Nội kiểm tra rồi đến thăm Thầy, Thầy ái ngại cho bệnh tình của tôi và bày cho cách chữa bệnh. Nhưng lúc này tôi cũng ái ngại cho sức khoẻ của Thầy vì mắt Thầy đã kém, tai cũng đã nghễnh ngãng, nhiều bữa phải ăn cháo. Năm 1996, 1997, 1998, cứ 3 tháng ra Hà Nội vào bệnh viện K kiểm tra bệnh tình và lấy đơn thuốc về điều trị, là tôi đến thăm Thầy. Ngày 20-11-1999, ngày Nhà giáo Việt Nam, kiểm tra xong, tôi vội vàng đến thăm Thầy thì Thầy đã yếu lắm rồi, bảo cô Tâm vắt cho cốc nước cam, Thầy uống mãi mới hết. Nói chuyện một hồi, Thầy nắm chặt tay tôi, thì thào nói: “Mình yếu lắm rồi Giao ạ! Có lẽ đận này khó qua khỏi”. Rời nhà Thầy hôm ấy, mươi hôm sau tôi lại phải ra Hà Nội nằm điều trị nội trú tại bệnh viện K. Tôi có biết đâu ngày 16-12-1999, ngày tôi phải lên bàn mổ cũng là ngày Thầy qua đời. Thương Thầy quá, ngày hôm sau, y tá thay băng xong, tôi trốn ra khỏi bệnh viện, thuê xe ôm xuống Hoàng Cầu thắp nén tâm hương viếng Thầy. Gặp anh Trịnh Hiệt, anh Trịnh Hiệt biết tôi mới mổ xong, không cho tôi đến gần linh cữu Thầy, anh nói sẽ thay Giao thắp hộ cho nén tâm hương, Giao ngồi ngoài cổng thôi.
Tôi ngồi ngoài cổng, bao người đến viếng Thầy rồi ra, riêng tôi ngồi mãi, đeo đuổi một ý nghĩ: cuộc đời của Thầy, một thiên tài trong làng văn Việt Nam, nhưng như thân phận của không ít trí thức cổ kim, trải nhiều sóng gió và bất hạnh. Cái vinh quang của Thầy là Thầy có bản lĩnh đã vượt qua được bao bất hạnh để lại nhiều công trình sẽ đứng mãi với thế gian. Không rõ những người đầy đọa Thầy và những trí thức khác như Thầy có ân hận không, có phải trả giá không? Trước khi thanh thản sang thế giới vĩnh hằng, Thầy không nghĩ điều đó, nhưng tôi và một số bạn như tôi nghĩ điều đó. Riêng tôi, tôi vô cùng ân hận một điều, là cái chiều mùa thu năm 1994, Thầy bảo tôi ra Hà Nội ở với Thầy để cùng biên soạn cuốn Tục ngữ, túi khôn của người Việt Nam. Thầy nói như là dối dăng, gửi gắm, nhưng tôi đã không thực hiện được. Cả suy nghĩ của Thầy về nhóm Hàn Thuyên và Nhà xuất bản Hàn Thuyên, không biết Thầy có kể cho ai nghe để người ấy biên soạn một công trình mà Thầy đã tâm đắc chủ trì từ 1941 đến 1946 không? Rồi nữa, về nhân cách, tôi thấy Thầy vững và thẳng như cây tùng cây bách, còn tôi có lúc hèn nhát, ra Hà Nội qua nhà Thầy mà không dám vào nhà Thầy trong lúc Thầy rất cần gặp gỡ người thân để ngỏ bầu tâm sự, thì tôi chỉ lảng qua, nhìn ngó cái số 53 Hàng Gà, vì đang cố gắng phấn đấu vào Đảng. Xin Thầy hãy thứ tha. Thầy đã đi vào cõi hư vô, nhưng tôi vẫn mường tượng thấy Giáo sư Trương Tửu, đầu đội mũ phớt, tay cầm batoong, ngẩng cao đầu, hiên ngang đi giữa sân trường Đại học ở phố Lê Thánh Tông và giữa đường đời.
Vinh, tháng 10 năm 2008

GẶP GỠ THÀNH VIÊN CUỐI CÙNG
CỦA NHÀ XUẤT BẢN HÀN THUYÊN...

Nhà xuất bản Hàn Thuyên (1940 - 1946) thường được gắn với sự nghiệp văn chương của Trương Tửu. Nó được nhắc tới bởi nhiều người, nhiều tài liệu với nhiều cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau có khi rất đối nghịch; như có điều gì mờ ảo, mặc dù mọi ý kiến đều cho rằng Hàn Thuyên thực sự là dấu ấn của lịch sử văn học nước nhà cũng như sự nghiệp văn chương của Trương Tửu.
Với tâm tư ấy, chúng tôi đã tìm gặp và trò chuyện với thành viên cuối cùng hiện còn sống của Nhà xuất bản Hàn Thuyên, như là một minh chứng của người trong cuộc. Xin được ghi chép đôi điều về cuộc chuyện trò đó, tuy ngắn ngủi nhưng khá thẳng thắn, cởi mở và trung thực.
* Chân dung người đối thoại:
Đó là cụ Nguyễn Xuân Lương, sinh năm 1919, nguyên đại tá quân đội nhân dân Việt Nam, 58 năm tuổi Đảng... và vẫn còn khoẻ mạnh, minh mẫn ở tuổi 90, với đôi lông mày rậm và ánh mắt sáng, quắc thước. Ở tuổi 20 – 25, Ông là thành viên trẻ tuổi của Nhà xuất bản Hàn Thuyên, lúc đầu làm nhân viên phụ trách hành chính – quản tri phát hành, Giám đốc Nhà in Hàn Thuyên , có thời gian sau làm Chủ nhiệm báo Văn Mới (của Nhà xuất bản). Năm 1946 khi toàn quốc kháng chiến theo cách mạng lên Việt Bắc qua các chức vụ: Phó ban Cục Chính trị Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Quân nhu Tài chính Cục Chính trị, Trưởng Ban Tài vụ Sư đoàn 45, Đại tá Phó Tổng biên tập Tạp chí Hậu cần. Về hưu năm 1986.
Đó là một người từng trải, có học thức, trí nhớ còn rất tốt và trung thực.
* Tóm lược trung thực nội dung buổi trò truyện giữa cụ Nguyễn Xuân Lương (N.X.L) và tác giả (T.G).
+ T.G: Chào cụ Nguyễn Xuân Lương, cụ vẫn khoẻ và minh mẫn lắm. Được biết cụ là một thành viên có thể coi như là sáng lập của Nhà xuất bản Hàn Thuyên, cụ có thể nhớ lại những ngày đầu của Hàn Thuyên được không và kể cho chúng cháu biết những gì mà cụ còn nhớ chính xác?
+ NXL: Cảm ơn anh đã đến thăm, nhờ giời tôi ở tuổi 90 nhưng còn tương đối khoẻ chỉ phải đôi chân là yếu, và chắc là chưa bị lẫn, vẫn còn nhớ được tương đối chính xác về Hàn Thuyên (Nxb.HT). Năm 1940, bố đẻ tôi là cụ Nguyễn Xuân Giới (sau này đi kháng chiến cùng ông Trương Tửu ở Thanh Hoá, có 5 con vào bộ đội, được Hồ Chủ tịch tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất năm 1954).
Vốn là chủ một hiệu may lớn ở Hà Nội, nhận thấy khó khăn làm ăn với nghề này nên tìm cách chuyển hướng kinh doanh. Chính lúc này, ông Trương Tửu là con rể của cụ đề xuất phương án lập nhà xuất bản, được cụ đồng ý, cấp vốn cho ông con cả Nguyễn Xuân Tái 5000 đồng đông dương để thực hiện việc này với mong muốn làm ăn phát đạt hơn trước.
+ TG: Như vậy mục đích đầu tiên khi lập Nhà xuất bản Hàn Thuyên là kinh doanh?
+ NXL: Đúng như vậy và ông cụ tin ông Trương Tửu nên quyết định đầu tư.
+ TG: Có ý kiến đâu đó không biết là vô hình hay hữu ý nói Hàn Thuyên được sự ủng hộ, tài trợ của một số thế lực nào đó vì mục đích khác, có phải như vậy?
+ NXL: Láo toét! Làm gì có chuyện đó, tôi biết rõ vì tôi phụ trách khâu Tài vụ Hành chính của Nhà xuất bản ngay từ đầu đến khi kết thúc và suốt mấy năm cho thấy, Hàn Thuyên luôn thua lỗ, đặc biệt mảng sách nghiên cứu.
+ TG: Cụ có thể nhớ lại nhân sự và tôn chỉ của Hàn Thuyên?
+ NXL: Nhớ chứ! Ông Nguyễn Xuân Tái là Giám đốc kinh doanh coi như ông chủ của Nhà xuất bản. Ông Trương Tửu là Giám đốc văn chương, linh hồn về mặt chuyên môn của Nhà xuất bản. Tôi Nguyễn Xuân Lương, phụ trách Tài vụ Hành chính – Quản trị của Nhà xuất bản.
Nhóm cộng tác viên nòng cốt ban đầu là những nhà văn nhà báo, nhà khoa học có uy tín, bạn của ông Trương Tửu gồm có: Bùi Huy Phồn, Phạm Ngọc Khuê, Nguyễn Đức Quỳnh, Nguyễn Đình Lạp.
Xin nói thêm, lúc đó tôi học Tú tài Trường Chu Văn An, ở tuổi 21 - 22, đang phân vân đường học vấn thì ông Trương Tửu động viên tham gia Nhà xuất bản Hàn Thuyên với lời khuyên mà tôi nhớ mãi đến tận bây giờ: "Có học tiếp cũng chỉ lấy được cái bằng nô lệ!".
+ TG: Vậy tiêu chí hoạt động của Nhà xuất bản Hàn Thuyên là gì, thưa cụ?
+ NXL: Điều này do ông Trương Tửu đề ra, được các bạn đồng nghiệp tán thành và ông Trương Tửu rất kiên trì với tiêu chí đó, tới khi kết thúc Hàn Thuyên, đó là:
Tác phẩm xuất bản phải có chất lượng, tư tưởng tiến bộ.
Tác giả phải là những người có uy tín trong xã hội, đồng nghiệp.
Tôn vinh văn hoá, lịch sử dân tộc, chống phong kiến, thực dân.
Có tư tưởng Mác-xit, hướng về chủ nghĩa xã hội.
Là diễn đàn của nhiều xu hướng tư tưởng khác nhau, miễn là chống phong kiến, thực dân, văn hoá nô dịch.
Tác giả hoàn toàn chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình.
+ TG: Cụ có thể kể một số tác giả đã tham gia xuất bản sách ở Nhà xuất bản Hàn Thuyên.
+ NXL: Tôi vẫn nhớ có các ông: Bùi Huy Phồn, Phạm Ngọc Khuê, Chu Thiên, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Đức Thiệp, Nguyễn Tế Mĩ, Chu Thiên, Nguyễn Huy Tưởng, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đổng Chi, Đào Duy Anh, Lê Văn Siêu... Nhà in của Nhà xuất bản Hàn Thuyên cũng đã in báo Sao Vàng của ông Trần Huy Liệu (Việt Minh).
+ TG: Như vậy, cụ còn nhớ các chủ đề chính của các tác phẩm mà Hàn Thuyên xuất bản là gì không?
+ NXL: Có mấy chủ đề chính là: văn hoá và lịch sử dân tộc (như tác phẩm của Nguyễn Đổng Chi, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh...); về khoa học; về khảo cổ; nghiên cứu văn học (nhiều tác phẩm của Trương Tửu - Nguyễn Bách Khoa, Nguyễn Đức Quỳnh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Tế Mĩ, Bùi Huy Phồn...); một số tiểu thuyết hiện thực, lịch sử, có cả một số ấn phẩm có tư tưởng Mác-xit, Cộng sản (báo Sao Vàng của Trần Huy Liệu, dịch Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Trương Tửu...).
+ TG: Còn quá trình phát triển của Nhà xuất bản Hàn Thuyên như thế nào, cụ có nhớ không?
+ NXL: Có chứ! Sau khi thành lập một thời gian, Nhà xuất bản mua nhà in 53 Hàng Gà của bác sĩ Ba bằng tiền cụ Nguyễn Xuân Giới, bán hai nhà ở Hải Phòng, mục đích là để chủ động khâu in cho Nhà xuất bản và tổ chức in thêm lấy tiền lãi bù cho phần lỗ của Nhà xuất bản. Bùi Huy Phồn và sau đó tôi Nguyễn Xuân Lương, được cử phụ trách nhà in. Một thời gian sau (tôi không còn nhớ rõ năm nào), ra báo Ngòi bút do Phạm Ngọc Khuê làm chủ bút, được vài số báo Ngòi bút bị pháp tịch thu, cùng thời điểm bút danh Trương Tửu bị cấm trên văn đàn, ông phải đổi tên là Nguyễn Bách Khoa, đâu năm 1941 thì phải (?).
Thời gian sau qua giới thiệu của Nguyễn Đỗ Cung, Hàn Thuyên mua lại báo Văn mới từ Vũ Đình Hoè (ông Hoè đã mua lại của Trường Xuân). Tôi Nguyễn Xuân Lương được cử đi giao dịch mua Văn mới, giá 70 đồng Đông Dương đồng thời được cử làm chủ nhiệm báo, Trương Tửu vẫn là linh hồn của báo Văn mới, ra được 2 số cũng bị cấm! Về sau Nhà xuất bản Hàn Thuyên xuất bản một số tác phẩm giải trí hòng lấy lãi bù cho các tác phẩm, cũng bị cấm, tịch thu thường bị lỗ (như Tráng sĩ Bồ Đề của Trương Tửu, Văn Lang dũng sĩ của Nguyễn Huy Tưởng...)
Năm 1945 Nhà xuất bản Hàn Thuyên bị Nhật khủng bố, đàn áp; ông Trương Tửu, ông Nguyễn Xuân Tái và tôi Nguyễn Xuân Lương... bị Nhật lùng bắt. Trương Tửu trốn về một trang trại của người quen ở Cầu Tiên. Tôi trốn về quê ở Động Giã - Hà Đông; ông Tái bị bắt.... cho đến khi Cách mạng Tháng 8 thành công mới thoát nạn.
Đến năm 1946 thì kết thúc Nhà xuất bản Hàn Thuyên. Tác phẩm cuối cùng được in vào 15-12-1946 là cuốn "Nguồn gốc dân tộc Việt Nam » của Đào Duy Anh. Kháng chiến bùng nổ, cụ Nguyễn Xuân Giới hiến nhà in 53 Hàng Gà cho cách mạng và chúng tôi theo nhà in lên Việt Bắc, bắt đầu cuộc đời cách mạng của mình, theo Đảng theo cụ Hồ.
+ TG: Rất cám ơn cụ về trí nhớ tuyệt vời của cụ ở tuổi 90 và về những tư liệu quí của cụ. Thưa cụ, suốt 5 năm tồn tại của Hàn Thuyên, thái độ nhà cầm quyền thực dân với Nhà xuất bản Hàn Thuyên thế nào?
+ NXL: Thực tế đã nói rõ điều đó. Nhà cầm quyền Pháp, Nhật luôn đàn áp Nhà xuất bản Hàn Thuyên, khủng bố những người chủ chốt của Hàn Thuyên nhất là Trương Tửu. Hai tờ báo của Hàn Thuyên là Ngòi bút và Văn mới ra được ít số đã bị tịch thu, cấm. Nhiều tác phẩm của Trương Tửu bị cấm, tịch thu như Kinh Thi Việt Nam, Thằng Hóm....; Bút danh Trương Tửu bị cấm xuất hiện trên văn đàn. Lí do cũng dễ hiểu vì Hàn Thuyên đi theo tư tưởng chống thực dân, phong kiến, chống văn hoá nô dịch, tôn vinh dân tộc và lịch sử dân tộc, hơn nữa còn có khuynh hướng mác-xít, chủ nghĩa xã hội...
+ TG: Xin hỏi cụ một điều tế nhị: có ý kiến cho rằng Nhà xuất bản Hàn Thuyên dưới sự lãnh đạo của Trương Tửu đại diện cho khuynh hướng Tờ-rốt-kit ở Việt Nam. Có đúng như vậy không? Ý kiến của cụ là người trong cuộc về vấn đề này?
NXL: Hoàn toàn không đúng sự thật. Tôi có thể cam đoan điều đó. Điều đó thể hiện Trương Tửu ở khuynh hướng tiến bộ, cách mạng của Trương Tửu và Hàn Thuyên; ở thực tế của tờ báo. Nhiều Tác phẩm của Hàn Thuyên (chủ yếu của Trương Tửu) bị tịch thu, cấm đoán. Có lẽ có sự ngộ nhận vô tình hoặc cố ý vì sự hiện diện của một số tác giả và tác phẩm có khuynh hướng Trotkit ở Hàn Thuyên như Hồ Hữu Tường, Nguyễn Tế Mĩ, Lương Đức Thiệp...
Nhưng thực tế số này không tham gia lãnh đạo Hàn Thuyên, không áp đặt được tư tưởng của họ cho Hàn Thuyên!
Tôi còn nhớ Trương Tửu, dù xuất bản tác phẩm của họ nhưng không hề cảm tình với họ. Thí dụ một tác phẩm của Nguyễn Tế Mĩ đã bị Trương Tửu lược bỏ một nửa (200 trang / 400 trang). Có lần đại diện nhóm này có đề xuất thành lập một Hội hoặc Câu lạc bộ với khuynh hướng Trotkit, Trương Tửu đã phản đối quyết liệt và nói: "Không hội hè, câu lạc bộ gì hết, Hàn Thuyên chỉ là Hàn Thuyên với tôn chỉ mục đích không thay đổi». Ở Hàn Thuyên cũng có nhiều tác phẩm, tác giả mang tư tưởng Mác-xit và cả Cộng sản nữa cơ mà!
+ TG: Đây cũng là một vấn đề khá hệ trọng, chưa rõ ràng trong đánh giá về Nhà xuất bản Hàn Thuyên và Trương Tửu: Đến đây tôi nhớ lại câu viết khá ấn tượng của Trương Tửu trong sổ ghi chép văn học của ông, khi ông đánh giá về thái độ nhà cầm quyền với ông:
“Bảo Đại kiện
Pháp cấm viết
Nhật lùng bắt
Việt Minh nghi“
Xin hỏi cụ câu cuối cùng, cụ đánh giá thế nào về con người Trương Tửu?
+ NXL: Tôi coi Trương Tửu như một thần tượng về nghị lực sống các tư tưởng cách mạng. Mặc dù cũng có những điều tôi không thích, không đồng tình với ông như tính cách hơi kiêu của ông hoặc phong cách nhiều khi hơi máy móc, cương trực đến cực đoan trong nghiên cứu và giao tiếp của ông, hay như quan điểm chính trị thích tự do, làm "Cộng sản không đảng viên" của ông, nhưng trước hết ông là một nhà văn hoá lớn với tư tưởng tiến bộ, cách mạng.
+TG: Xin rất cảm ơn cụ về cuộc trò chuyện cởi mở, thẳng thắn và rất hữu ích hôm nay, giúp mọi người hiểu rõ hơn về Nhà xuất bản Hàn Thuyên và Trương Tửu. Chúc cụ tiếp tục mạnh khoẻ, trường thọ và hạnh phúc. Mọi người rất mong được đón cụ tới dự Hội thảo khoa học về giáo sư Trương Tửu sắp được tổ chức ở Hà Nội nhân dịp kỉ niệm 95 năm ngày sinh của ông.
*    *
*
Tôi có cuộc trò truyện này vào một buổi sáng cuối thu năm 2008, trời mưa trên căn gác nhỏ của cụ Nguyễn Xuân Lương ở một phố cổ của Hà Nội. Lúc kết thúc câu chuyện, trời tạnh mưa, nắng hửng đẹp lạ lùng. Có lẽ như tâm trạng vui của tôi sau một cuộc gặp gỡ, chuyện trò thật hữu ích.
Tôi ghi chép lại nội dung cuộc trò chuyện này và xin phép chưa có lời bình luận!
(Phong Thơ thực hiện, 2008)