Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Về bài thơ "cảm ơn người tặng cam" của Bác Hồ

Nguyễn Huy Thông
Thứ tư ngày 13 tháng 11 năm 2013 7:52 PM

Trên báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh số 274, 3-10-2013 có đăng bài Bác Hồ cảm ơn người tặng cam của tác giả Lê Đức Đông. Tôi muốn nói rõ thêm cho đầy đủ, chính xác về xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác bài thơ của sữ sĩ Hằng Phương và đính chính cho đúng nguyên tác bài thơ của  Bác, nhân đọc bài của Lê Đức Đông.
Theo giáo sư, viện sĩ, nhà thơ Vũ Tuyên Hoàng, con trai của nhà văn hóa Vũ Ngọc Phan và nữ sĩ Hằng Phương  thì bài thơ của bà kính dâng Bác Hồ được sáng tác trong hoàn cảnh như sau, do chính bà viết trong hồi ký: “Hôm đó là ngày mồng một Tết dương lịch năm 1946. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập mới được hơn bốn tháng. Tôi ngồi ở chợ Thanh Hóa đợi một người bạn mua vài thứ, rồi cùng về Hà Nội. Tôi đi Thanh Hóa chuyến này bằng ô tô hàng, vì xe lửa không chạy được”. Chả là hồi ấy ông bà phải nai lưng vất vả sống bằng nghề viết văn để nuôi một đàn con nhỏ. Bà còn phải kiếm cách làm thêm, mua giấy bút từ Hà Nội mang vào bán ở Thanh Hóa.
Bà viết tiếp: “Những bức tường lớn quanh chợ kẻ khẩu hiệu chữ to đập vào mắt tôi “Hồ Chí Minh muôn năm” làm cho tôi rât cảm động…”. Bà nhớ đến hình ảnh Bác Hồ mới từ chiến khu về Thủ đô vóc dáng gầy và xanh xao. Rồi bà nhìn thấy những thúng cam làng Giàng quả nhỏ bằng miệng chén trà, vỏ mỏng ngọt lịm, màu vàng tươi bán đầy chợ. Bà thường nghe nói bà con nông dân có củ khoai to, quả bí  lớn cũng thành kính đem biếu Hồ Chú tịch. Thế rồi bà nảy ra ý muốn mang thứ cam quý này của xứ Thanh để Bác ăn tráng miệng sau bữa cơm. Bà chọn mua 10 quả đẹp nhất, cuống lá còn xanh tươi, cẩn thận gói cam lại để mang ra Hà Nội biếu Bác. Trên đường về, bà nghĩ ra một bài thơ lục bát tám câu để kính tặng Người cùng với gói cam ngon. Chiều ngày 2-1-1946, nhà thơ Hằng Phương lên Bắc Bộ phủ với mong muốn tại đây bà sẽ được gặp Bác. Nhưng rồi bà lại sợ: “Nếu gặp Người thì biết nói năng ra sao vì đã có bài thơ thay lời rồi… Thời giờ quý báu của Cụ còn để lo việc nước, tôi đâu dám làm mất thời giờ của Cụ”. Thế rồi bà đem gói quà và phong bì trong có bài thơ gửi ở phòng khách để nhờ chuyển tới Bác Hồ. Bà tất tả bước xuống thềm ra thẳng cổng, chào anh Vệ quốc đang đứng gác, rồi đi mau ra đường.
Mấy ngày sau, nữ sĩ đến phố Hàng Bồ, Hà Nội tìm mua được tờ báo Tiếng gọi phụ nữ, cơ quan tuyên truyền của Phụ nữ cứu quốc số 11, ra ngày 8-11-1946. Bà sung sướng vô cùng khi thấy báo có đăng bài thơ của Bác và kèm theo mấy dòng thư của Người: “Bà Hằng Phương gửi biếu tôi một gói cam, kèm theo một bài thơ. Vì bà không viết chỗ ở, tôi không biết gởi thơ cảm ơn đến đâu. Nên tôi nhờ báo Tiếng gọi phụ nữ  đăng mấy lời cảm tạ của tôi…”.
Bà Hằng Phương cho biết toàn văn bài thơ của Bác như sau:
Cám ơn bà biếu gói cam
Nhận thì không đáng, từ làm sao đây
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai
So sánh với bài thơ của Bác mà Lê Đức Đông nêu, thì ở câu thơ thứ ba có khác một chữ, đó là chứ đáng (không đáng), chứ không phải là không đúng như Lê Đức Đông dẫn. Tôi được biết ở một số sách khác có in bài thơ này thì chữ trên cũng in là không đúng hoặc không đặng.
Nhà thơ Vũ Tuyên Hoàng đã có lý khi ông viết: “Bác Hồ rất mực khiêm tốn. Bài thơ trả lời người tặng cam của Bác có câu “Nhận thì không đáng – không xứng đáng với những lời thơ ca ngợi của mẹ tôi kính tặng Người”.
Tôi tin chắc nguyên văn bài thơ Cám ơn người tặng cam của Bác Hồ, do chính người trong cuộc – thi sĩ Hằng Phương khẳng định là chính xác. Tôi cũng tán thành lời giải thích giản dị mà rất hợp lý hợp tình và đúng về chữ ”đáng” trong câu thơ ”Nhận thì không đáng” mà Bác đã ân cần và thân tình tặng thi sĩ. Năm đó bà mới 38 tuổi.  
19-10-2013
N.H.T